Nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện các cảnh báo về tình trạng người dùng nhận được các cuộc gọi hoặc nháy máy từ các đầu số nước ngoài như +375 (Belarus), +371 (Latvia), +381 (Serbia), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)...

"Nếu gọi lại, kẻ xấu có thể sao chép danh sách liên hệ của bạn trong ba giây và nếu có chi tiết ngân hàng hoặc thẻ tín dụng trên điện thoại, họ cũng có thể sao chép", cảnh báo nêu. "Nếu nhấn *#90 hoặc #09* khi nhận được cuộc gọi, kẻ xấu có thể truy cập vào thẻ SIM để thực hiện cuộc gọi bằng tiền trong tài khoản điện thoại của người nhận, và coi người nhận là tội phạm".

Một cảnh báo xuất hiện trên mạng xã hội hôm 30/10. Ảnh: Lưu Quý

Những thông điệp này đã xuất hiện trên mạng xã hội từ lâu, nhưng mới rộ trở lại những ngày gần đây. Trong thông báo ngày 1/11, Cục Viễn thông khẳng định các thông tin lan truyền trên không chính xác.

"Tại Việt Nam, không có bất kỳ dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền, bao gồm cả cuộc gọi từ quốc tế. Việc gọi lại hoặc thao tác bấm *#90 hoặc #09* rồi bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại của người dùng là không hề có cơ sở. Không thể xâm nhập được SIM điện thoại của người dùng dù thực hiện thao tác như trên", thông báo của Cục nêu.

Dù vậy, Cục Viễn thông cũng khuyến cáo người dùng cần cảnh giác trước các cuộc gọi từ số điện thoại quốc tế, bởi có thể là các cuộc gọi lừa đảo.

Có hai tình huống khiến người dùng có thể mất tiền từ các cuộc gọi này. Thứ nhất, kẻ xấu nháy máy để người dùng gọi lại, từ đó phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Ví dụ, cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình là 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông.

Thứ hai, kẻ lừa đảo gọi điện theo một số kịch bản như tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ ngân hàng, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... "Chúng đánh vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng, rồi tìm cách hù dọa, chiếm đoạt tài sản của người bị hại", đại diện Cục cho biết.

Người dùng không mất tiền khi nghe, nhưng sẽ mất nhiều tiền nếu gọi lại số điện thoại có đầu số nước ngoài. Ảnh: Lưu Quý

Theo thống kê từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, các nhà mạng tại Việt Nam đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo. Riêng trong tháng 9, số cuộc gọi bị chặn là 3,5 triệu.

Theo Cục Viễn thông, mã điện thoại của Việt Nam là 84, vì vậy nếu người dùng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số điện thoại có đầu là dấu "+" hoặc "00", nhưng hai số tiếp theo không phải là "84" thì có thể là số quốc tế. Người dùng chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số của người thân ở nước ngoài.

Cục cũng khuyến nghị người dùng khi gặp thông tin lừa đảo qua điện thoại nên phản ánh với nhà mạng thay vì tự lan truyền và gây hoang mang cho cộng đồng. Nhà mạng sẽ có trách nhiệm xác minh thông tin và cảnh báo đến những người dùng khác.

Lưu Quý

Đào Hồng Nhung (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang đến muôn vàn tiện ích và đồng thời cả những mặt trái kèm theo. Ở nước ta, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng internet, qua điện thoại bị phanh phui, nhưng dường như không ít người vẫn vô tình tạo cơ hội trục lợi cho kẻ xấu.

Ở khu dân cư nơi tôi ở, những ngày gần đây rộ lên vụ việc lừa đảo bằng cách rút tiền từ tài khoản ngân hàng qua cây ATM. Cụ thể, kẻ gian bắt đầu “màn kịch” bằng cách gọi điện cho người bị hại, tự xưng là nhân viên của ngân hàng nơi người này sở hữu tiền gửi và nêu một số thông tin đại loại như tên trụ sở, địa chỉ ngân hàng để chiếm lòng tin. Tiếp theo, chúng vờ thông báo việc “một người nào đó” đã chuyển tiền vào số tài khoản của nạn nhân nhưng không rõ danh tính, và hiện tại đang cần xác minh thông tin của nạn nhân để “hoàn tất các thủ tục cần thiết”. Kế đến, chúng tiếp tục “ru ngủ” nạn nhân bằng những lời đường mật như “chỉ cần anh/chị đang cầm thẻ ATM là được” hay “anh/chị yên tâm vì mọi thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối”, đồng thời không quên trộn lẫn với một vài câu hỏi khác tưởng chừng rất vu vơ để đánh lạc hướng... Bằng cách này, kẻ gian sẽ dụ dỗ các nạn nhân cung cấp đầy đủ số thẻ, thời gian lưu hành thẻ và thậm chí cả mã xác minh thẻ (CVV) hay mật khẩu sử dụng một lần (OTP). Tất nhiên, chỉ một lúc sau là số dư tài khoản của nạn nhân sẽ bị rút sạch. Có người chỉ mất một vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có người đã bị lừa tới hàng chục triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Câu chuyện “tiền mất, tật mang” nêu trên phần lớn là do sự nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác của nạn nhân. Thế nhưng, các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong nguyên nhân sâu xa về công tác bảo mật thông tin khách hàng, tránh để người dân rơi vào bẫy chỉ vì kẻ gian sở hữu số điện thoại và tên ngân hàng của nạn nhân.

Mất gần 300 triệu đồng khi nghe điện thoại từ số lạ

Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Bắc Từ Liêm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn.

Trước đó, Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận tin trình báo của anh T. (SN 1984; trú tại Bắc Từ Liêm) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 290 triệu đồng.

Cụ thể, giữa tháng 9/2021, anh T. nhận được điện thoại từ một số máy lạ, thông báo anh vi phạm giao thông tại Đà Nẵng và yêu cầu phối hợp để xử lý.

Sau khi giải thích là mình không đến Đà Nẵng, anh T. được nối máy với một đối tượng tự xưng là Công an TP Đà Nẵng và thông báo rằng anh đang đứng tên thuê xe ô tô gây tai nạn chết người trong Đà Nẵng, đồng thời liên quan tới 1 đường dây mua bán ma túy.

Các đối tượng yêu cầu anh T. kê khai tài sản và chuyển tiền vào một tài khoản mà chúng cung cấp để xác minh và không bị bắt.

Sau khi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu ngân hàng, anh T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 290 triệu đồng. Lúc này anh T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Người dân cần cảnh giác trước những cuộc gọi giả mạo

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Mất trắng nửa tỷ đồng khi đăng nhập web tiền ảo

Trước đó, ngày 18/9/2021, Công an phường Yên Sở (Quận Hoàng Mai) tiếp nhận đơn trình báo của ông T. (63 tuổi, trú tại địa bàn) về việc ông bị lừa đảo, chiếm đoạt 399 triệu đồng.

Theo trình báo, ông T. nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18.9.2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”.

Sau Khi ông T. đăng nhập vào đường link trên điện thoại thì phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T. mới biết mình bị lừa.

Ngoài vụ việc kể trên, Công an Q.Hoàng Mai cũng đang điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tương tự, với số tiền lên tới 520 triệu đồng.

Nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Nhiều người mất tiền vì nghe những cuộc điện thoại giả mạo, đăng nhập web lạ

Cụ thể, ngày 22.8, bà T. (42 tuổi, trú P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) đến trình báo về việc nhận được 1 cuộc điện thoại đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực.

Người này thông báo thẻ căn cước công dân của bà T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP.HCM và đang nợ tiền.

Sau đó, người này tiếp tục nói căn cước công dân của bà T. có đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh.

Bà T. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho đối tượng, sau đó phát hiện tài khoản bị mất 520 triệu đồng.

Công an Quận Hoàng Mai khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook …) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng như trên.

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin và phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.

Tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho người lạ để tránh mắc bẫy.

Quảng Dương