Nghị định 139 về xử lý vi phạm xây dựng

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP . Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2022.

Phòng Tư pháp Nam Đàn giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

  1. Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính 

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã cụ thể: Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả " Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm"  và hình phạt bổ sung "Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng."

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, phạt tiền đến 200.000.000 đồng và hình phạt bổ sung " Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị."

  1. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Về cơ bản Nghị định số 16/2022/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, tuy nhiên Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã bỏ quy định viên chức thuộc UBND các cấp được lập biên bản vi phạm hành chính, chỉ quy định “Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này” có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

3. Bổ sung mới một số hành vi vi phạm hành chính bị xử lý:

3.1. Trong xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, bổ sung xử phạt các hành vi như:

- Xử phạt đối với hành vi không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công (khoản 2 Điều 16);

- Xử phạt đối với hành vi không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng; xử phạt đối với nhà thầu xây dựng (khoản 3 Điều 16);

3.2. Trong quản lý hạ tầng kỹ thuật, bổ sung xử phạt các hành vi như:

- Vi phạm quy định về ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, kế hoạch phát triển cấp nước;

- Vi phạm quy định về quản lý hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa.

4. Về công trình khác

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã bổ sung một số nội dung quy định ở Nghị định 139/2017/NĐ-CP về công trình khác. Theo đó, công trình khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 16/2022/NĐ-CP là "công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và không phải là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân."

5. Không phân biệt nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn

Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị không có giấy phép xây dựng, Nghị định 16/2022/NĐ-CP bỏ quy định chỉ xử phạt nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà quy định xử phạt chung cho cả đô thị và nông thôn đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng.

Cụ thể tại khoản 7, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

" a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng."

6. Xây dựng trên đất không đúng mục đích chỉ xử phạt đất đai

Trước đây, Nghị định 139/2017/NĐ-CP không quy định cụ thể việc xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích thì bị xử phạt như thế nào nên thực tế các cơ quan nhà nước khi phát hiện hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đã xử phạt cả 02 hành vi, đó là xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và xử phạt hành vi xây dựng không phép đối với khu vực đô thị theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể: Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

7. Tăng mức phạt vi phạm

7.1. Về lập quy hoạch xây dựng, đô thị. Theo khoản 1, Điều 9 Nghị định 16/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

"- Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 30 đến 40 triệu đồng);

- Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 30 đến 40 triệu đồng);

- Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng (đây là nội dung mới bổ sung)."

7.2. Tăng gấp đôi mức phạt với hành vi phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo đủ vốn. Theo khoản 3, Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo đủ vốn của dự án theo quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 50 đến 60 triệu đồng).

7.3. Tăng mức phạt hành vi xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP:

"- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác (trước đây, mức phạt với hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng);

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 5 đến 10 triệu đồng)."

7.4. Phạt nặng hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

"- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ (trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 20 đến 30 triệu đồng);

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác (Trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng);

- Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (Trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 30 đến 50 triệu đồng)."

7.5. Tăng mức phạt hành vi không lắp đặt biển báo tại công trình xây dựng:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định (Trước đây, mức phạt đối với hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng).

7.6. Tăng mức phạt với hành vi thi công sai hợp đồng xây dựng:

Theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi thi công sai hợp đồng xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật. (Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng)

Nghị định 16/2022/NĐ-CP với nhiều điểm mới chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng./.

                                                                        Phòng Tư pháp Nam Đàn