Nhà trường đề ra nội quy để làm gì vì sao

Tự học có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên, là hình thức học tập không thể thiếu của sinh viên. Vấn đề này đã được khẳng định tại Điều 36 Luật giáo dục: "Một trong những yêu cầu của giáo dục đại học là phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kĩ năng thực hành, tham gia nghiên cứu ứng dụng.".

Hiện nay do yêu cầu đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo và giáo dục ở các trường cao đẳng, đại học đòi hỏi sinh viên phải tự học để tồn tại, tự khẳng định mình và phát triển một cách bền vững. Vì vậy, để sinh viên (SV) có được kĩ năng tự học, giáo viên (GV) cần phải có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy (lấy người học làm trung tâm) và sinh viên phải tự học là chính, phải lấy tự học làm nòng cốt.

Tuy nhiên, trong thực tế kĩ năng tự học của sinh viên mầm non còn nhiều hạn chế như: Sinh viên chưa biết cách tự xây dựng kế hoạch học tập, chưa xác định rõ cho mình mục đích, động cơ, hứng thú trong học tập; chưa có kế hoạch tự học khoa học, lúng túng trong việc xác định phương pháp học tập phù hợp cho mình, chưa biết cách tự học nên phần lớn sinh viên còn nhiều thời gian nhàn rỗi, khả năng tự học của sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Trước thực tế trên, việc rèn luyện kỹ năng tự học cho sinh viên mầm non là vấn đề cần quan tâm trong nhà trường.

Để tự học có kết quả cao, trước hết mỗi sinh viên phải xây dựng cho mình thái độ và động cơ học tập đúng đắn, tức là xác định đúng mục đích, ý nghĩa của việc tự học. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học tối ưu, duy trì thường xuyên, tạo được sự hứng thú học tập, đồng thời phải có phương pháp học tập phù hợp với đặc điểm của từng môn học. Sinh viên phải chủ động nghiên cứu tài liệu, giáo trình trước khi lên lớp, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, nội dung của bài học. Phải có phương pháp nghiên cứu tài liệu, giáo trình, cần kết hợp tài liệu ghi chép trên lớp với tài liệu tham khảo để tự so sánh, bổ sung, tổng hợp rút ra kết luận theo hiểu biết riêng của mình. Phải có phương pháp tư duy trong tự học để sắp xếp trật tự lôgic, hợp lý các nội dung kiến thức; phải có sự chuẩn bị tâm lý trước khi học tập, tự tìm ra các giải pháp khắc phục các yếu tố tác động trong quá trình tự học. Sinh viên cần phải rèn luyện một cách tích cực các kỹ năng như: kỹ năng lập kế hoạch tự học; kỹ năng tự học có hệ thống những nội dung quan trọng; kỹ năng tự nêu vấn đề trong tự học; kỹ năng khái quát hóa, sơ đồ hóa nội dung bài học sau khi tự học; kỹ năng lập dàn ý, đề cương trong quá trình đọc sách, tài liệu, giáo trình để giải quyết các nhiệm vụ học tập; kỹ năng kết hợp nghiên cứu nội dung lý luận với liên hệ tình hình thực tiễn Khi nghe giảng và ghi chép phải trên cơ sở hiểu biết, không sao chép máy móc, kết hợp tư duy, so sánh, lựa chọn, phát hiện cái mới, cái cốt lõi và tìm ra được những thắc mắc, những mâu thuẫn để đề nghị giảng viên giải đáp.

Để nghe giảng bài tốt, ghi chép tốt cũng cần kỹ năng. Nghe giảng viên giảng bài là một trong những hoạt động cơ bản của quá trình học tập trên lớp. Muốn ghi tốt, khi nghe giảng sinh viên cần: Tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi diễn đạt (ghi) theo ý hiểu của mình. Chú ý ghi dàn bài để nhìn được khái quát cấu trúc chung của bài giảng. Tập trung vào những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh, nhắc lại nhiều lần. Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên đã giới thiệu.

Bên cạnh đó viên sinh cần có kĩ năng đọc giáo trình, tài liệu tham khảo. Sinh viên phải xác định rõ mục đích đọc sách, chọn cách đọc phù hợp như tìm hiểu nội dung tổng quát của quyển sách. Vì vậy, việc đọc sách cần được thực hiện nghiêm túc và tuân theo các yêu cầu sau:

* Đọc có suy nghĩ:

Muốn hiểu những điều sách viết, người đọc phải hết sức tập trung tư tưởng khi đọc, nhiều khi còn phải ngưng lại để ôn những đoạn cần biết, chưa nắm vững, đến khi thông suốt rồi mới đọc tiếp.

* Đọc có hệ thống:

Khi đọc bất kỳ cuốn sách nào, người ta thường đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách. Đọc kỹ, tùy theo mục đích đọc mà có thể đọc kỹ một lần hoặc nhiều lần. Bên cạnh đó cần tự rèn luyện cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, sự suy nghĩ diễn ra liên tục và dễ dàng xác lập được mối quan hệ giữa các đoạn với nhau khiến ta dễ nắm được nội dung tài liệu.

* Đọc có chọn lọc:

Đọc có chọn lọc là đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất. Sinh viên phải hết sức tập trung suy nghĩ và phải tinh lọc được những kiến thức cơ bản cần thiết cho mình, đồng thời nêu được các vấn đề cũng như giải quyết được những vấn đề mà tài liệu đề cập.

* Đọc có ghi nhớ:

Đọc sách là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu. Đọc để tìm tài liệu bổ sung, cần ghi chép phần bổ sung đó ra, cần đánh dấu để tra cứu khi cần thiết.

Để việc tự học đạt hiệu quả sinh viên cần có kĩ năng học bài, ôn bài. GV cần giới thiệu và hướng dẫn cho SV tự học theo cách phân tích, tổng hợp, học vận dụng tri thức vào từng tình huống thực tiễn, học nhận xét đánh giá, so sánh đối chiếu các kiến thức

Kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học.Việc tự kiểm tra, đánh giá nhìn nhận kết quả học tập qua quá trình tự học người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì chưa thỏa mãn nhu cầu học tập để từ đó có hướng khắc phục hay phát huy, góp phần rèn luyện các thao tác dư duy độc lập, sáng tạo.

Để giúp SV rèn luyện kĩ năng tự học giảng viên cần tính toán và bố trí hợp lý tỉ lệ giữa số tiết lên lớp và tự học, quan tâm hơn nữa khâu chỉ đạo tự học, phải từng bước đáp ứng đủ yêu cầu về tài liệu, giáo trình cho người học tự học, tự nghiên cứu. GV cần hướng dẫn nội dung, phương pháp phù hợp, phổ biến kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và rèn luyện.

Tự học là con đường duy nhất đúng đắn để người học hoàn thiện bản thân trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Muốn rèn luyện kĩ năng tự học cho sinh viên đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp hữu hiệu và thiết thực giúp sinh viên nâng cao nhận thức, thái độ về việc rèn luyện các kỹ năng tự học. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đảm bảo các điều kiện cho sinh viên hoạt động tự học đạt hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học Hà Nội (2009),Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Đổi mới phương pháp giảng dạy Đại học, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Thu Huyền (2016),Vai trò của kỹ năng tự học (ngoài lớp học), Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM.

3.Lê Khánh Bằng (1999),Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình tự học theo quan điểm giáo dục hiện đại, Kỷ yếu hội thảo khoa học.

4. Trần Thị Minh Hằng (2011), Tự học và yếu tố tâm lí cơ bản trong tự học của sinh
viên sư phạm, Nxb Giáo dục.

5. Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (2009), Lí luận dạy học đại học, Nxb Đại học Sư phạm.