Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

AN TOÀN GIAO THÔNG – NỤ CƯỜI CHO TRẺ THƠ

  1. Thực trạng giáo dục An toàn giao thông

   Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn ra hằng ngày khiến thiệt hại nhiều về người và của. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông  là trẻ em. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong, cứ 3 phút có một trẻ em mất đi mạng sống do tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích khác. Chính vì vậy, phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em là một vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh các cấp nói chung và học sinh cấp tiểu học nói riêng là một trong những công tác cần thiết được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần mang lại sự an toàn khi tham gia giao thông cho các em, xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông và dần hình thành những thói quen tốt cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ.

         Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục về trật tự an toàn giao thông vào dạy ở các trường tiểu học từ năm học 1998-1999. Tuy nhiên, khi mới áp dụng các thầy cô gặp khá nhiều khó khăn vì tài liệu dạy học trực quan còn chưa nhiều, những bài học mang tính lí thuyết làm các em nhanh chán, khó tiếp thu và khó hành động theo đúng quy định an toàn khi tham gia giao thông.

         Mặt khác, Trường Tiểu học Khánh Công nằm trên đường trục chính của xã Khánh Công, nơi có khá nhiều phương tiện giao thông đi lại. Trường có tổng số 326 em học sinh đa số là con nhà thuần nông. Nên khi giảng dạy giáo viên gặp khá nhiều khó khăn. Thứ nhất, nhiều phụ huynh còn chưa coi trọng việc tham gia giao thông của con em mình. Một số khác còn đưa đón con đến trường, trên xe chở 2,3 em, thậm chí là 4 em và không đội mũ bảo hiểm. Nhiều gia đình có con học lớp 4,5 thường để các con đến trường bằng xe đạp, một số lượng lớn là xe đạp dành cho người lớn chưa phù hợp với thể lực, không chống chân xuống đất được khi xe quá cao do đó, cũng rất dễ gây tai nạn giao thông. Vào giờ tan trường, phụ huynh đón con ở trước cổng trường mà không muốn xếp hàng cũng làm ùn tắc giao thông, gây cản trở cho các phương tiện lưu thông qua cổng trường. Thứ hai, Khánh Công là một xã nông thôn nên số lượng biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông hầu như không có nên các em cũng khó có điều kiện vận dụng vào thực tế và ghi nhớ một cách chính xác được.

Vì vậy, để dạy tốt và các em tiếp thu, ghi nhớ được kiến thức về an toàn giao thông đòi hỏi chúng tôi phải luôn cập nhật, đổi mới tư duy và thay đổi phương pháp dạy và học.

  1. Một số biện pháp để giảng dạy tài liệu “An toàn giao thông vì nụ cười trẻ thơ” đạt hiệu quả tốt nhất

  Để việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh nói chung và tài liệu “An toàn giao thông vì nụ cười trẻ thơ” nói riêng  đạt hiệu quả cao, theo tôi cần sự phối hợp tích cực giữa gia đình, nhà trường, toàn xã hội.

Về phía nhà trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Khánh Công luôn quan tâm đến việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên phải có phương pháp dạy học an toàn giao thông  một cách cụ thể, phù hợp với từng khối lớp, gắn học lý thuyết với thực hành, dạy học bằng các mô hình trực quan, hình ảnh giúp các em dễ dàng tiếp thu các quy định an toàn giao thông.

Ngoài việc thực hiện các bài học chính khóa giáo dục an toàn giao thông

1 tiết/tuần, các giáo viên trong tổ, khối phải cùng nhau lựa chọn những bài học từ các môn chính khóa để lồng ghép, tích hợp các kiến thức an toàn giao thông  phù hợp. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trật tự an toàn giao thông  trong học đường thông qua các hoạt động ngoại khóa để các em được “học mà chơi, chơi mà học”, trở thành những công dân có ý thức tốt, có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Vào tháng 9, tháng kỉ niệm an toàn giao thông quốc gia, trường Tiểu học Khánh Công đã tổ chức hội thi tìm hiểu về An toàn giao thông nhằm tuyên truyền các kiến thức và kĩ năng cần thiết khi tham gia giao thông. Hội thi gồm 3 phần: Phần thi ai nhanh ai đúng ( là các câu hỏi trắc nghiệm ngắn về giao thông); Phần thi tiểu phẩm; Phần thi tài năng ( sáng tác lời mới cho bài hát, hay thơ ca, hò, vè về an toàn giao thông ).

        Hàng năm, ngay khi vào năm học mới, nhà trường tổ chức ký cam kết với giáo viên và học sinh về việc chấp hành quy định an toàn giao thông . Đồng thời trong các buổi họp phụ huynh đầu năm chúng tôi luôn tận tình hướng dẫn các phụ huynh khi đưa đón con tới trường theo đúng quy định và giữ an toàn giao thông  tại cổng trường. Bên cạnh đó,phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể trên địa bàn triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông . Ngoài ra, thường xuyên khen ngợi, nêu gương những em học sinh có ý thức tham gia giao thông tốt, tiêu biểu vào giờ sinh hoạt lớp và sinh hoạt đầu tuần.

       Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều phải là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, cần thực hiện đúng và nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật giao thông. Nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để phát hiện, nhắc nhở những giáo viên còn chưa thực hiện tốt luật lễ an toàn giao thông.

Về phía giáo viên, là một giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy các em các tiết học an toàn giao thông, tôi luôn băn khoăn, trăn trở để tìm ra những bài giảng thú vị nhất, dễ tiếp thu nhất cho học sinh, một bài học mà không nặng về mặt kiến thức nhưng lại dễ ghi nhớ. Để học sinh có thể tiếp cận tốt hơn, tôi  đã áp dũng những phương pháp giảng dạy mới mang tính “thực tiễn” cao như: Mô hình trực quan, hội thi, trò chơi...Khi được học trên mô hình an toàn giao thông, các em được vừa học vừa chơi, vừa được tham gia và giải quyết những tình huống giao thông mô phỏng thực tế. Từ đó, các em có thể nhận biết và nhớ lâu hơn các quy định an toàn giao thông. Ngoài ra, khi tham gia các hội thi thì các em phải cùng nhau ghi nhớ, phân biệt hệ thống tín hiệu đèn giao thông, đi bên phải đường, một số biển báo... và rất nhiều quy định khác nữa. Cụ thể, sau hai tiết dạy về an toàn giao thông tôi sẽ tổ chức cuộc thi “ Rung chuông vàng, hoặc ai là triệu phú...” để học sinh ghi nhớ, ôn tập lại một số kiến thức.

       Trong các bài giảng powerpoint, tôi luôn đưa âm thanh, hình ảnh, video,... lên màn hình để bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn. Cụ thể: Trong bài 6, “ Ngồi trên xe máy, xe đạp an toàn”, ngoài những hình ảnh sách đã cung cấp vô cùng sinh động, gần gũi và phản ảnh đúng thực tế, tôi sẽ cho học sinh xem 1 số video những người tham gia giao thông đúng quy định và những người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, người ngồi sau xe máy kéo một người đi xe đạp để học sinh dự đoán, nhận xét, và rút ra bài học cho bản thân. Bộ phim hoạt hình Tôi yêu Việt Nam “Vui giao thông” gồm các nhân vật Bi, Bo, Ben với nhiều bài hát, tình huống giao thông thiết thực của công ty Honda cũng vô cùng thú vị, tôi cũng thường chọn lựa những tập có nội dung phù hợp để cho các em theo dõi.

           Phương pháp dạy học đóng vai cũng được tôi sử dụng triệt để. Tôi sẽ đưa ra tình huống yêu cầu, hướng dẫn các em thảo luận, phân vai và xử lí tình huống. Như vậy, các em vừa được trải nghiệm vừa được học hỏi thêm những cách xử lí của các nhóm khác. Cụ thể: Trong bài 10, “Điều khiển xe đạp chuyển hướng an toàn” , tôi sẽ cho các em xuống sân trường, nhập vai là người tham gia giao thông đứng trươc các tình huống, chuyển hướng khi tới ngã tư, chuyển làn từ phải qua trái....Trong bài giảng, tôi đã sử dụng các hình thức dạy học tích cực như: đàm thoại, thảo luận nhóm, động não, đóng vai, trò chơi và xử lí tình huống. Để thu hút các em tự giác, hào hứng tham gia học tập và mang lại hiệu quả đòi hỏi có nội dung giáo dục phong phú, sinh động phù hợp với lứa tuổi, điều kiện từng địa phương, trường học.

        Đầu tiết học tôi sẽ cho học sinh khởi động bằng các bài hát về an toàn giao thông như “ Đi xe đạp, không mỏi chân. Bánh xe quay nhanh nhanh nhanh. Đi xe đạp vui thật vui. Bánh xe quay lăn tròn tròn tròn. Mẹ đằng trước, bé đằng sau. Phố phường đông vui quá. Bạn cùng lớp, vẫy chào nhau. Mỗi ngày vui đến trường” . Hay một số bài hát khác như “ Luật đi bộ qua đường, Em đi qua ngã tư đường phố, An toàn giao thông, Bài hát đèn giao thông”. Một số bài thơ về an toàn giao thông tôi thường chia sẻ cho học sinh để vừa giúp học sinh ghi nhớ kiến luật giao thông cơ bản vừa giúp học sinh ổn định trước giờ vào lớp như:

Chú cảnh sát giao thông

Đầu đội kê – pi
Tay đeo găng trắng

Mặc cho trời nắng

 Giữa ngã tư đường

Gậy chỉ bốn phương

Người người đi đúng

Gậy đưa thẳng đứng

Mọi người dừng tay

Khi chú dang tay

Hai chiều xuôi ngược

Phía sau, phía trước

Đừng ngại chờ lâu

Mọi người nhắc nhau

Đợi tay chú chỉ.

 Cô dạy con 

Mẹ! Mẹ ơi cô dạy

Bài phương tiện giao thông

Máy bay – bay đường không

Ô tô chạy đường bộ

Tàu thuyền, cano đó

Chạy đường thủy mẹ ơi

Con nhớ lời cô rồi

Khi đi trên đường bộ

Nhớ đi trên vỉa hè

Khi ngồi trên tàu xe

Không thò đầu cửa sổ

Đến ngã tư đường phố

Đèn đỏ con phải dừng

Đèn vàng con chuẩn bị

Đèn xanh con mới đi

Lời cô dạy con ghi

Không bao giờ quên được

Qua đường

Qua đường xem trước, ngó sauNgã ba, ngã bảy, đường tàu giảm gaĐèn đỏ, chớ có vượt quaRượu bia quá chén, cấm mà lái xeLòng đường, phân cách, vỉa hèLàm chủ tốc độ, nhường xe ngược chiều“Văn hóa giao thông” cần nhiều

Cùng nhau thể hiện, vạn điều bình an

Tôi cũng đã tự thiết kế những khẩu hiệu giao thông dễ nhớ, ngắn gọn để học sinh ghi nhớ nhanh  như “Dừng đèn đỏ - chứng tỏ văn minh”; “Đi đúng làn là thấy an toàn”; “Mũ bảo hiểm là bạn, tai nạn là thù” hay “Đi xe hàng ba, tai họa tới liền”... Ngoài ra, hàng tuần theo chủ điểm Giáo dục an toàn giao thông tôi cũng cho học sinh suy nghĩ và sáng tác được một số khẩu hiệu như “Đội mũ là đỡ bị ghi”, “Em đi hàng một không lộn với ai”... Tuy các khẩu hiệu còn chưa hoàn chỉnh về câu từ và vần điệu nhưng cũng tạo cho các em nhiều hứng thú và biết rõ hơn những việc làm cụ thể cần thực hiện để là người tham gia giao thông an toàn.

Trong các tiết Giáo dục cuối tuần tôi cũng tổ chức cho các em theo dõi và báo cáo lẫn nhau. Lấy tiêu chí về an toàn giao thông như  đi đúng làn đường; không dàn hàng 2, hàng 3; không đi xe trong sân trường; đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, xe đạp điện, xe máy điện để chấm điểm thi đua tuần. Và khen và nêu gương các em thực hiện tốt trong tuần, trong tháng, trong quý.

Sau mỗi buổi học an toàn giao thông, tôi sẽ tóm tắt nội dung ngắn gọn và nhắc lại các kĩ năng các em cần nhớ tới nhóm zalo, facebook của lớp để phụ huynh nắm bắt được nội dung các em học và nhắc nhở các em luyện tập, thực hiện.

       - Về phía phụ huynh: cần phối hợp với nhà trường để nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; đi bên phải đường; không dàn hàng hai hàng ba; nhường đường cho người đi bộ.... Không để con em mình đến trường bằng xe đạp người lớn. Phụ huynh cũng là một tấm gương để cho các con noi theo, vì thế mỗi phụ huynh cũng cần có ý thức đội mũ bảo hiểm và tuân thủ luật giao thông.

        - Về phía Ban an toàn giao thông các địa phương: phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn các em và các bậc phụ huynh tham gia giao thông an toàn. Giúp các bậc phụ huynh lựa chọn mua được mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn và mẫu mã.

Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Khánh Công đã tích cực áp dụng các biện pháp nêu trên. Ngoài ra, nhờ có công ty Honda tặng mũ bảo hiểm cho các em trong năm học nên ý thức tham gia giao thông của phụ huynh và học sinh được nâng cao. Giờ tan học, phụ huynh đón con theo vạch hướng dẫn, các con đi đúng hàng lối, không xảy ra tình trạng tai nạn giao thông đối với học sinh và phụ huynh suốt năm học qua.

Từ những giải pháp trên tôi chắc chắn rằng sẽ giúp các em học sinh sẽ được thực hiện tốt, và việc thực hiện an toàn giao thông sẽ trở thành thói quen của các em học sinh, để nụ cười mãi nở tươi trên môi trẻ thơ.

                 Người viết: Bùi Diệu Linh – GV Trường Tiểu học Khánh Công

PHẦN B. MỘT SỐ HÌNH ẢNH

VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG

 

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Tiết dạy An toàn giao thông trên lớp

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Đại diện các em học sinh lớp 1 lên nhận mũ bảo hiểm do công ty Honda tài trợ

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

                                        Học sinh sau giờ tan trường

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Cổng trường an toàn

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Nội dung giáo dục an toàn giao thông ở tiểu học

Sản phẩm của học sinh trong giờ học ATGT