Nữ thanh niên xung phong là gì

Mọi người hãy giúp tôi giải đáp các thắc mắc sau đây: Thanh niên xung phong có nhiệm vụ gì đối với đất nước? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

  • Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, rèn luyện và đào tạo thanh niên.

    Theo đó, nhiệm vụ của thanh niên xung phong được quy định tại Điều 4 Nghị định 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong do Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung như sau:

    - Tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là vùng khó khăn).

    - Tham gia thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

    - Tham gia thực hiện cai nghiện ma túy, giáo dục lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện ma túy và các đối tượng thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội khác.

    - Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên.

    - Giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên, cán bộ quản lý thanh niên xung phong.

    Trên đây là nội dung trả lời về nhiệm vụ của thanh niên xung phong. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 12/2011/NĐ-CP.

    Trân trọng!

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email:

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 24-7-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 24-7-1968, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ngã ba Đồng Lộc nằm trên Đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Những năm 1964-1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10-1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại.

Trưa 24-7-1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Hiện phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc.

Hơn 50 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh các nữ thanh niên xung phong anh dũng vẫn mãi mãi trong tâm trí người Việt Nam như trang sử chói chang của dân tộc về tinh thần bất khuất kiên cường, thà hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông.

- Ngày 24-7-1993, Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai. Luật quy định chế độ quản lý, sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

- Ngày 24-7-1965, Ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không. Lịch sử ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam được ghi trong một ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Trung đoàn Tên lửa 236, đơn vị chủ lực phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1965, đứng trước thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ đã ồ ạt đổ quân trực tiếp xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 24-7-1965, hàng chục chiếc máy bay địch bay vào vùng trời Hà Nội. Sở chỉ huy Trung đoàn 236 báo động Bộ đội tên lửa bố trí ở cụm chiến đấu Suối Hai, Sơn Tây sẵn sàng chiến đấu. Đúng 15 giờ 53 phút, 2 quả tên lửa được phóng lên bắn rơi một chiếc trong tốp máy bay F4 đang bay ở độ cao 7.000m. Sự kiện tên lửa của Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, đánh thắng trận đầu hạ gục máy bay Mỹ đã làm cho Lầu Năm Góc hết sức hoang mang, quân dân cả nước vô cùng hân hoan phấn khởi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tên lửa đã đánh gần 3.500 trận, bắn rơi 788 máy bay, trong đó bắn rơi 61 máy bay chiến lược B52. Bộ đội Tên lửa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Là một đơn vị phòng không chủ lực bảo vệ vùng trời phía Nam của Tổ quốc, Sư đoàn Phòng không 367 đã đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng và giành nhiều thành tích quan trọng. Đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu quản lý vùng trời, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về mọi mặt. Lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn phân công 3 tổ huấn luyện chuyên môn xuống tận đơn vị để huấn luyện tại chỗ các kíp trực chỉ huy, kíp chiến đấu tên lửa, pháo phòng không, các kíp đài và trạm radar. Sư đoàn Phòng không 367 còn là một trong những đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân luôn làm tốt nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, chiến sĩ.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam anh hùng, Sư đoàn Phòng không 367 đã có 4 tập thể và 2 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn luôn xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời phương Nam là nhiệm vụ số 1.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 24-7-1997, sau 290 nǎm hợp nhất, Chính phủ Anh trao cho Scotland quyền lập pháp, thu thuế và có tiếng nói riêng tại Liên minh châu Âu.

 Theo dấu chân Người

- Ngày 24-7-1922, Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ quận 17 Đảng cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cardine, Paris. Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu chuyển về cư ngụ tại số 9 ngõ Compoint.

- Ngày 24-7-1946, trong lúc cuộc thảo luận chính thức Pháp - Việt đang diễn ra tại Fontainebleau đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh càng tích cực vận động “ngoại giao hành lang”. Trong ngày, Bác thăm Bộ trưởng Pierre Cot, Chủ tịch Quốc hội Vincent Auriol, Phó chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Jacques Duclos... và dành thời gian làm việc với phái đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”.

- Ngày 24-7-1953, Báo Cứu Quốc đăng bài “Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam” của Bác, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng... Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng... Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”.

- Ngày 24-7-1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, Bác nhấn mạnh: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu... Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.

- Ngày 24-7-1967, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào thời điểm máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, Bác thân mật tiếp ông Raymond Aubrac một người bạn tốt mà Bác đã từng quen biết và đến ở tại nhà ông trong thời gian thăm Pháp năm 1946. Đi cùng ông Raymond Aubrac là nhà sinh vật học Herbert Marcovic đến Việt Nam công khai là làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ nước ta nhưng thực chất cả hai người mang sứ mệnh thiện chí nhằm “hòa giải” mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội, chấm dứt chiến tranh. Tại cuộc gặp, Bác đã phân tích lịch sử dân tộc để thấy bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và đưa ra thông điệp là chỉ khi nào Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc đánh phá miền Bắc thì mới có thể có đàm phán. Cuối buổi tiếp, Bác không quên thăm hỏi và tặng quà cho con gái của ông Raymond Aubrac mà Bác đã nhận lời đỡ đầu cách đó 21 năm (1946).

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24-7-1962. Đây là giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam.

Trong bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là điều xấu xa và có nguyên nhân trong xã hội cũ; đi ngược lại mục tiêu của xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng; nó là cái ung nhọt còn sót lại mà chúng ta cần phải gạt bỏ bằng sự quyết tâm chính trị và công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận cao làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt hơn. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Đảng, Chính phủ trong đấu tranh loại bỏ tệ xấu đó; qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của việc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong kháng chiến, kiến quốc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lãnh đạo toàn dân, toàn quân giành được thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành sự nghiệp đổi mới giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là giặc nội xâm cần phải loại trừ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phòng trào thi đua, các cuộc vận động; tiêu biểu: “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… tổ chức cho cán bộ, đảng viên cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của quân đội về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hằng năm triển khai tốt việc kê khai tài sản cá nhân, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ, các tổ chức quần chúng trong đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì nền nếp, chất lượng ngày chính trị, văn hóa, tinh thần và chế độ công khai tài chính ở đơn vị; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm… góp phần thiết thực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 275 ra ngày 24-7-1953 đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh.

ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)