Bồi thường toàn bộ thiệt hại là gì năm 2024

Trong tình huống tác giả đưa ra, anh Nguyễn Đình V và anh Trần Quốc H cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy SH trị giá 57 triệu đồng của anh Trần Văn K và đi bán được 15 triệu đồng, chia nhau tiêu xài hết. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan có thẩm quyền không thu hồi lại được chiếc xe, đồng thời trong lúc bị tạm giam thì anh Trần Quốc H bỏ trốn. Trong phiên tòa sơ thẩm, anh Trần Văn K yêu cầu anh V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là 57 triệu đồng (giá trị chiếc xe SH) nhưng anh V chỉ đồng ý bồi thường ½ thiệt hại là 28.5 triệu đồng.

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tác giả đưa ra đã quy định rõ trong Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS). Cụ thể như sau:

Điều 587 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra như sau: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”.

Nguyễn Đình V và Trần Quốc H cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy của anh K, đó là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của anh K. V và H đã cùng gây thiệt hại nên phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 587 BLDS.

Điều 288 BLDS quy định về việc thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau: “1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. 2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. 3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ. 4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”.

V và H cùng gây thiệt hại và cùng phải thực hiện bồi thường thiệt hại nên V và H có nghĩa vụ liên đới bồi thường. Như vậy, theo quy định tại Điều 288 BLDS thì bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp này, Trần Văn K là người bị hành vi của V và H xâm phạm đến, nên K là người có quyền yêu cầu V và H bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong quá trình tạm giam thì H bỏ trốn nên tại phiên tòa sơ thẩm, K yêu cầu V bồi thường toàn bộ thiệt hại là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật dân sự.

Luật cũng quy định, khi V đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho K thì V có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác mà trong trường hợp này là H phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của H đối với V. Tức là, khi V đã bồi thường toàn bộ thiệt hại với số tiền 57 triệu đồng cho K thì V có quyền yêu cầu H phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của H, là ½ giá trị chiếc xe mà V và H đã trộm và mang bán, bởi theo quy định tại Điều 587 BLDS và dựa vào thực tế thì mức độ lỗi của V và H bằng nhau nên sẽ bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Như vậy, Nguyễn Đình V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là số tiền 57 triệu đồng là có căn cứ.

Pháp luật dân sự có quy định về trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra cho người khác. Xin cho biết các quy định để xác định trong những trường hợp nào thì phát sinh trách nhiệm bồi thường này?

(Câu hỏi của bạn Võ Ngọc Hồng)

Ý kiến tư vấn:

Tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự có quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật). Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hướng dẫn áp dụng quy định tại điều luật nói trên của Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã làm rõ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

  1. Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
  1. Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

  1. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Với trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trừ trường hợp người chiếm hữu tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định. Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đang được giao dịch thì phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu để xác định chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại. Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.

Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.