Quan điểm triết học phương Đông về con người

Câu hỏi: Trình bày các quan niệm khác nhau về con người trong triết học trước Mác?

Trả lời:

Con người là đối tượng nhận thức của triết học và của nhiều ngành khoa học cụ thể. Nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau, mục đích và mức độ nhận thức về con người cũng khác nhau. Khi khả năng con người tìm hiểu bí mật của giới tự nhiên càng tăng lên bao nhiêu thì những vấn đề liên quan đến con người càng được đặt ra nhiều và càng sâu sắc bấy nhiêu. Song, nếu như các khoa học cụ thể đến với con người để “chia cắt” con người ra, lấy một số mặt, một số yếu tố nào đó làm đối tượng để tìm hiểu thì ngược lại, triết học bao giờ cũng nhìn con người trong tính chỉnh thể của nó. Triết học, trước khi đi vào những vấn đề khác về con người bao giờ cũng truy tìm bản chất, vạch ra vị trí và vai trò của con người qua các hoạt động và quan hệ của nó trong cuộc sống.

1. Các quan niệm về con người trong triết học phương Đông

Các trường phái triết học tôn giáo phương Đông như Phật giáo, Hồi giáo nhận thức bản chất con người dựa trên cơ sở thế giới quan duy tâm, thần bí hoặc nhị nguyên luận. Chẳng hạn, đối với triết học Phật giáo, con người là sự kết hợp giữa danh và sắc. Đời sống con người trên trần thế chỉ là ảo giác hư vô. Do vậy, cuộc đời con người khi còn sống chỉ là sống gửi, tạm bợ. Cuộc sống vĩnh cửu là phải hướng tới Niết bàn - nơi tinh thần con người được giải thoát để trở thành bất diệt.

Do bị chi phối bởi thế giới quan duy tâm hoặc duy vật chất phác mà Nho gia, Đạo gia (triết học Trung Hoa cổ – trung đại) quan niệm về bản chất con người cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, Khổng Tử cho rằng bản chất con người do “thiên mệnh” chi phối; đức “nhân” chính là giá trị cao nhất của con người, đặc biệt là người quân tử. Mạnh Tử, khi qui tính thiện của con người vào năng lực bẩm sinh, coi tập quán, hoàn cảnh đã làm cho con người bị nhiễm cái xấu, xa rời cái tốt đẹp; do đó cần phải tu dưỡng, rèn luyện để giữ được đạo đức của mình. Trong khi đó, triết học của Tuân Tử lại cho rằng, bản chất con người khi sinh ra đã ác, nhưng ông cho rằng có thể cải biến được, phải chống lại cái ác đó thì con người mới tốt được. Sau này, khi tiếp thụ quan điểm của Khổng – Mạnh, Đổng Trọng Thư một cách duy tâm cực đoan quan niệm con người và trời có thể thông hiểu lẫn nhau (Thiên nhân cảm ứng); từ đó, ông củng cố quan niệm coi cuộc đời con người hoàn toàn bị quyết định bởi Thiên mệnh.

Lão Tử – người sáng lập ra trường phái Đạo gia cho rằng, con người sinh ra từ Đạo, do vậy con người cần phải sống vô vi, theo lẽ tự nhiên, thuần phác, không hành động một cách giả tạo, gò ép, trái với tự nhiên. Thực chất, đây là quan niệm duy tâm chủ quan của triết học Đạo gia.

Tóm lại, dù trong triết học phương Đông, tồn tại rất nhiều quan niệm về con người, nhưng nhìn chung, trong nền triết học này, con người chủ yếu được hiểu trong mối quan hệ đạo đức - chính trị; còn khi xem xét con người trong mối quan hệ với tự nhiên hay với xã hội thì nó bộc lộ yếu tố duy tâm, hay có pha trộn tính chất duy vật chất phác.

2. Quan niệm về con người trong triết học phương Tây trước Mác

- Trong triết học Hy Lạp cổ đại, con người được xem là điểm khởi đầu của tư duy triết học; con người và thế giới xung quanh là tấm gương phản chiếu lẫn nhau; bởi vì con người chỉ là tiểu vũ trụ trong vũ trụ bao la. Chẳng hạn, Prôtago – nhà triết học thuộc trường phái ngụy biện cho rằng “con người là thước đo của vũ trụ”. Còn Aristote lại cho rằng con người là thang bậc cao nhất của vũ trụ; song đối với ông, chỉ có linh hồn, tư duy, trí nhớ, ý chí, năng khiếu nghệ thuật mới làm cho con người nổi bật lên… Nhìn chung, trong triết học Hy Lạp cổ đại bước đầu đã có sự phân biệt con người với tự nhiên, nhưng đó chỉ là hiểu biết bên ngoài về tồn tại con người.

- Trong triết học Tây Au trung cổ, con người được xem là sản phẩm do Thượng đế sáng tạo ra. Ôguyxtanh (Augustin) cho rằng, Thượng đế đã tạo dựng nên vũ trụ, nặn ra Cha của loài người và bẻ xương sườn của Cha để Mẹ của nhân loại xuất hiện; nhưng sau đó, do sự sa đọa, phản bội của tổ tông loài người mà nhân loại phải bước vào cảnh khốn cùng, yếu hèn, nhu nhược. Hiện tại, tất cả mọi sinh linh đang chờ ngày tận thế của mình để sau đó chỉ còn thiên đường muôn đời và hỏa ngục vĩnh viễn dành cho các thánh thần hay ác quỷ theo tiền định. Tôma Đacanh (Thomas d’Aquin) cũngcho rằng, con người và xã hội loài người đã được Thượng đế tạo dựng, vì vậy mọi hoạt động của con người và xã hội loài người đều phải do Ngài và hướng về Ngài… Tóm lại, triết học Tây Au thời trung cổ không chỉ xem con người là sản phẩm của Thượng đế, mà còn cho rằng số phận, niềm vui, nỗi buồn, sự may rủi của con người đều do Thượng đế xếp đặt; trí tuệ con người thấp hơn lý trí anh minh của Thượng đế; con người trở nên nhỏ bé trước cuộc sống nhưng đành bằng lòng với cuộc sống tạm bợ trên trần gian để hy vọng đạt được hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng sau khi chết.

- Triết học phương Tây thời phục hưng – cận đại đặc biệt đề cao vai trò trí tuệ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của thần học thời trung cổ. Tuy nhiên, con người cũng chỉ được nhấn mạnh về mặt cá thể và xem nhẹ mặt xã hội, tức là chưa nhận thức đầy đủ bản chất con người cả về mặt sinh học và mặt xã hội của nó.

- Trong triết học cổ điển Đức nổi bật quan điểm về con người của Hêghen và Phoiơbắc. Bên trong lớp vỏ duy tâm thần bí, Hêghen coi lịch sử xã hội và con người là hiện thân của tinh thần tuyệt đối; coi lịch sử là quá trình vô tận của sự chuyển hoá giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên thông qua hành động của những con người riêng lẻ – những con người luôn luôn ra sức thực hiện những mục đích riêng với những lợi ích riêng của mình. Hêghen cũng thấy rõ vai trò của lao động đối với việc hình thành con người, đối với sự phát sinh ra các quan hệ kinh tế và phân hóa con người ra thành các giai - tầng trong xã hội. Với ông, con người luôn thuộc một hệ thống xã hội nhất định; và trong hệ thống ấy, con người là chúa tể số phận của mình. Tuy vậy, khi đánh giá con người, Hêghen chỉ chú ý đến vai trò của các vĩ nhân trong lịch sử; vì theo ông, chỉ có vĩ nhân mới là người biết suy nghĩ và hiểu được những gì cần thiết và hợp thời, còn nhìn chung, do bản tính con người là bất bình đẳng nên bất công và các tệ nạn xã hội là hiện tượng tất yếu… Mặc dù con người được nhận thức từ góc độ duy tâm khách quan nhưng Hêghen đã thấy được con người là chủ thể của của lịch sử, đồng thời con người cũng là kết quả của quá trình phát triển lịch sử.

Phoiơbắc không chỉ phê phán tính siêu nhiên, phi thể xác trong quan niệm về con người mà ông còn đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy tâm của Hêghen. Phoiơbắc quan niệm con người là sản phẩm của tự nhiên, là con người sinh học trực quan, bị phụ thuộc vào hoàn cảnh. Mặt khác, ông đề cao vai trò trí tuệ của con người với tính cách là những cá thể người. Đó là những con người cá biệt, đa dạng, phong phú, không ai giống ai. Hiểu con người như vậy là do Phoiơbắc đã dựa trên nền tảng duy vật, đề cao yếu tố tự nhiên, cảm tính, nhằm giải phóng cá nhân con người. Nhưng hạn chế của ông là không thấy được bản chất xã hội trong đời sống con người và tách con người khỏi những điều kiện lịch sử cụ thể. Như vậy, con người của Phoiơbắc là con người phi lịch sử, phi giai cấp và trừu tượng.

3. Đánh giá chung

Các quan niệm về con người trong triết học trước Mác đều có nhiều hạn chế và thiếu sót: Một mặt, các quan niệm này xem xét con người một cách trừu tượng, do đó đã đi đến những cách lý giải cực đoan, phiến diện. Các nhà triết học thời này thường trừu tượng hoá tách phần “xác” hay phần “hồn” ra khỏi con người thực và biến chúng thành bản chất con người. Chủ nghĩa duy tâm thì tuyệt đối hoá phần “hồn” thành con người trừu tượng – tự ý thức; còn chủ nghĩa duy vật trực quan thì tuyệt đối hoá phần “xác” thành con người trừu tượng - sinh học. Mặt khác, họ chưa chú ý đầy đủ đến bản chất xã hội của con người. Tuy vậy, một số trường phái triết học vẫn đạt được những thành tựu trong việc phân tích, quan sát con người, đề cao lý tính, xác lập các giá trị về nhân bản học để hướng con người đến tự do. Đó là những tiền đề quan trọng cho việc hình thành tư tưởng về con người của triết học mácxít.

Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo: đều rất chú trọng đến việc giải thích bản chất con người, bởi vì các tôn giáo này đặt ra nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội, những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống con người. Ngay trong một trường phái cũng có nhiều quan điểm đa dạng. Ví dụ như trong Nho giáo: Khổng Tử đề cao tính thiện của con người. Theo Khổng Tử, ngay từ khi sinh ra, con người đã có sẵn tính thiện (thiên tính) nhưng do trong quá trình sinh sống ảnh hưởng những thói hư tật xấu trong xã hội mà tính thiện đó bị mai một. Mạnh Tử đề xuất giải pháp để con người giữ được tính thiện của mình phải trau dồi đạo đức. Từ đó hai ông khẳng định tầm quan trọng của cách quản lý đất nước bằng đức trị và lễ trị. Còn Tuân Tử lại có tư tưởng ngược lại. Ông cho rằng con người bản tính vốn ác, phải luôn ngăn chặn cái ác bằng pháp trị. Quan điểm này được Hàn Phi rất đề cao.

Thuyết “ thiên nhân hợp nhất” cho rằng người với trời hòa hợp, có tác động lẫn nhau. Đây cũng là một quan điểm mang nhiều yếu tố tích cực, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa con người với tự nhiên. Nhưng cũng vì thế mà con người phải tuân theo mệnh trời thiếu sự quyết đoán.


Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • quan niem phuong dong ve con nguoi
  • triet hoc phuong dong ve con nguoi
  • ,