Singapore phát triển như thế nào

Singapore phát triển như thế nào
Thuở xa xưa, Singapore từng được gọi là Thị trấn Biển (Sea Town).

Mặc dù những bản ghi chép đầu tiên về lịch sử Singapore đã bị phai nhòa theo thời gian, một tài liệu tiếng Hoa vào thế kỷ thứ 3 đã miêu tả mảnh đất này là "Pu-luo-chung", ý muốn nói đến "Pulau Ujong", nghĩa là "hòn đảo ở tận cùng bán đảo" trong tiếng Mã Lai. Sau đó, khi những cộng đồng dân cư đầu tiên được hình thành từ năm 1298 đến năm 1299 Sau Công nguyên, mảnh đất này được biết đến với tên gọi là Temasek (nghĩa là “Thị trấn Biển”).

Vào thế kỷ 14, hòn đảo nhỏ bé nhưng nằm ở vị trí chiến lược này đã có một cái tên mới. Theo truyền thuyết, hoàng tử Sang Nila Utama đến từ xứ Palembang (thủ đô của Srivijaya), trong chuyến đi săn đã gặp một con vật lạ mà chàng chưa bao giờ nhìn thấy. Coi đó là điềm lành, chàng liền đặt cho thành phố nơi xuất hiện con vật lạ cái tên là “Thành phố Sư tử” hay Singapura, mà theo tiếng Sanskrit thì "simha" có nghĩa là sư tử, còn "pura" có nghĩa là thành phố.

Lúc bấy giờ, thành phố này nằm dưới sự cai quản của năm vị vua của Singapura cổ đại. Nằm ở vị trí địa đầu của bán đảo Mã Lai, là điểm quy tụ tự nhiên của các đường hàng hải, thành phố đã khởi sắc trong vai trò là một thương cảng nhộn nhịp dành cho vô số các loại tàu thuyền, như các tàu buôn của người Trung Quốc, thuyền buồm của người Ả Rập, tàu chiến của người Bồ Đào Nha và những thuyền buồm dọc của người Bugis.

Singapore phát triển như thế nào

Sau đây là thông tin về Singapore, nơi hội tụ các nền văn hóa và sắc tộc đa dạng. Đó chính là sự pha trộn sống động góp phần làm nên nét đặc trưng độc đáo của đất nước.

Singapore phát triển như thế nào
Vị trí chiến lược của thành phố khiến nơi đây trở thành một trung tâm thương mại lý tưởng.

Singapore hiện đại được khai lập vào thế kỷ 19, nhờ vào chính trị, thương mại và một người đàn ông được biết đến với cái tên Ngài Thomas Stamford Raffles.

Trong thời kỳ này, đế chế Anh Quốc đang lăm le tìm một bến cảng trong khu vực để neo đậu các tàu buôn của mình, và để chặn trước các bước tiến của người Hà Lan. Singapore, lúc đó đã là một thương cảng đầy triển vọng, nằm dọc theo Eo biển Malacca, có vẻ là một lựa chọn lý tưởng.

Ngài Raffles, khi đó là tỉnh trưởng của vùng Bencoolen (ngày nay là Bengkulu) ở xứ Sumatra, đặt chân đến Singapore vào ngày 29 tháng 1 năm 1819. Nhận ra tiềm năng lớn của một hòn đảo được bao phủ bởi đầm lầy, ông liền thương thảo một hiệp ước với những người cai trị khu vực này, và xây dựng Singapore thành một trung tâm thương mại. Thành phố này nhanh chóng phát triển thành một trung tâm thương mại xuất nhập khẩu, thu hút dân di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Quần đảo Mã Lai và các vùng xa hơn nữa.

Năm 1822, Ngài Raffles đã cho thực hiện chương trình quy hoạch Raffles Town Plan, còn gọi là Jackson Plan, để giải quyết tình trạng mất trật tự của khu thuộc địa này. Các khu tập trung sinh sống của các dân tộc được chia thành bốn khu vực. Khu European Town là nơi sinh sống tập trung của những thương nhân châu Âu, người Âu-Á, và những người Châu Á giàu có, trong khi những người Trung Quốc thường sống tập trung ở khu vực ngày nay là Chinatown, và khu vực phía đông nam của Sông Singapore. Những người Ấn thường sống tập trung ở khu Chulia Kampong, phía bắc của khu Chinatown, và khu Kampong Gelam là nơi sinh sống của những người theo đạo Hồi, người Mã Lai và người Ả Rập đã di cư đến Singapore. Singapore tiếp tục phát triển trong vai trò là một thương cảng, với sự thành lập của một số ngân hàng chủ chốt, các Hiệp hội thương mại, và Tổ chức Thương mại. Vào năm 1924, một con đường đắp cao được mở ra nối liền khu vực phía bắc của Singapore với Johor Bahru.

Kiến trúc sư đầu tiên của Singapore, ông George D.Coleman, đã đến Singapore vào năm 1822, và công trình đầu tiên của ông là Nhà ở cho Ngài Stamford Raffles. Ông cũng tạo dựng nhiều ngôi nhà mang phong cách Palladian.

Singapore phát triển như thế nào
Quân Đồng minh đầu hàng vào năm 1942.

Sự thịnh vượng của Singapore đã bị hủy hoại nặng nề trong Thế Chiến thứ II, khi quân Nhật tấn công vào ngày 8 tháng 12 năm 1941. Quân xâm lược tiến vào từ phía bắc, khiến cho các chỉ huy quân sự Anh lúng túng vì họ nghĩ rằng đối phương sẽ tấn công bằng đường biển từ phía nam. Mặc dù có số lượng quân đông hơn, nhưng Quân Đồng Minh đã đầu hàng quân Nhật vào đúng dịp Tết Âm lịch, ngày 15 tháng 2 năm 1942. Đó là lần đầu hàng lớn nhất trong lịch sử của đội quân do người Anh cầm đầu. Hòn đảo này, từng được mệnh danh là "pháo đài bất khả xâm phạm", giờ đây được đặt tên là Syonan-to (tức "Ánh sáng của Đảo Nam" trong tiếng Nhật).

Khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945, mảnh đất này đã rơi vào tay Bộ máy Chính quyền của Quân đội Anh (British Military Administration), lực lượng này nắm quyền cho đến khi Khu vực Straits Settlement gồm Penang, Melaka và Singapore tan rã. Vào tháng 4 năm 1946, Singapore trở thành một Thuộc địa của Anh (British Crown Colony).

Singapore phát triển như thế nào
Singapore đã trải qua một chặng đường dài để trở thành quốc gia như ngày nay.

Vào năm 1959, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã hình thành chế độ tự trị ở quốc gia này, và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Đảng Hành Động Nhân Dân (People’s Action Party - PAP) đã giành được 43 ghế, và ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Vào năm 1963, Malaysia được thành lập, bao gồm Liên bang Malaya, Singapore, Sarawak và Bắc Borneo (nay là Sabah). Bước đi này nhằm củng cố các mối quan hệ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc hợp nhất không đạt được nhiều thành công và gần hai năm sau đó, cụ thể là vào ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore đã tách khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập với nền dân chủ có chủ quyền lãnh thổ riêng.

Ngày nay, nhiều lát cắt của quá khứ đa văn hóa, thời kì thuộc địa và giai đoạn chiến tranh của Singapore vẫn được lưu giữ trong và xung quanh thành phố. Bạn có thể đến thăm các công trình tưởng niệm, bảo tàng và đài tưởng niệm, hoặc đi bộ dọc theo những con đường di sản để thực hiện hành trình xuyên thời gian tìm về quá khứ.

"Hồi là cậu bé vùng quê, tôi không nghĩ có thể trở thành giáo sư ở trường đại học hàng đầu thế giới", ông Freddy Boey nhớ về thời kỳ chuyển mình thần kỳ của Singapore sau độc lập.

Theo giáo sư Boey, Singapore 50 năm trước đây không có nhiều đất, nước sinh hoạt ít ỏi, an ninh quân sự gần như số không, không có ngành công nghiệp đáng kể, nền giáo dục và các dịch vụ khác như chăm sóc y tế đều chưa tốt, an ninh rối ren, và cũng không có những chính sách hòa hợp tôn giáo.

"Những băng nhóm kín thường xuyên đi thu nợ tại khu phố Tàu, Geylang... Những người bán hàng rong bất hợp pháp đầy rẫy trên phố, bệnh dịch lây lan...", ông nhớ lại 

"Đó là Singapore mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Chúng ta bị buộc rời khỏi một nước khác và trở thành quốc gia độc lập trong bối cảnh tình hình khu vực phức tạp. Nếu các bạn cũng được sinh ra cách đây 50 năm, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng đất nước có thể phát triển ngoạn mục như ngày nay",vị giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Freddy Boey hiện là phó chủ tịch Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore). Ngôi trường này vừa được trang Times Higher Education xếp hạng 55/100 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2016. 

Singapore phát triển như thế nào
Một góc Singapore ngày nay. Singapore là một thành bang (vừa là thành phố, vừa là quốc gia). Ảnh: FT

Phát triển thành trung tâm tài chính, giao thương

Câu chuyện "lột xác" của Singapore luôn được xem như một kinh nghiệm điển hình về sự phát triển thành công của một quốc gia trong thế kỷ 20.

Đảo quốc Singapore vốn không nhiều đất và nghèo tài nguyên, nhưng sau khi độc lập vào năm 1965, cựu thuộc địa của Anh hướng theo mục tiêu phát triển trở thành một trung tâm sản xuất và tài chính lớn. Những buổi ban đầu, các chính sách thuế thấp, ít hạn chế dòng vốn, cởi mở trong chính sách nhập cư khiến nơi đây trở thành điểm nóng thu hút nhà đầu tư.

Còn chuyên gia Josh Kurlantzick (Hội đồng quan hệ đối ngoại CFR) đánh giá trên kênh NPR (Mỹ) rằng Singapore chủ trương thương mại tự do và áp đặt rất rất ít rào cản thuế quan. "Lãnh đạo Singapore từng tự hào rằng bạn có thể thành lập doanh nghiệp tại đây chỉ trong 3 tiếng".

Ông Tony Nash, phó tổng giám đốc công ty tư vấn Delta Economics (Anh) ấn tượng với bộ máy chính phủ gồm nhiều những nhà kỹ trị xuất chúng của Singapore. "Họ quyết tâm thực hiện các chính sách để nâng cao cạnh tranh, thu hút nhân tài, và đánh giá dựa trên kết quả".

Nhắc đến sự thành công của Singapore ngày nay không thể không kể đến "người cha lập quốc", cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông Lý được cho là nắm vai trò trung tâm trong công cuộc biến đổi Singapore.

Tạp chí Economist nhận xét, ông Lý luôn nỗ lực hành động để đạt được những mục tiêu tăng trưởng cao đề ra, khao khát biến Sinapore trở thành một điểm đến thu hút trong giới đầu tư, cũng như đối với nguồn nhân lực đẳng cấp thế giới.

Dưới thời ông Lý, Singapore nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách thuế thấp và minh bạch, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và hiệu quả, khuôn khổ pháp luật cứng rắn, đặc biệt là duy trình một Singapore "xanh và sạch". Tất cả những nền tảng này đã góp phần vào câu chuyện thành công kinh tế vượt bậc của Singapore.

Theo chuyên gia Kurlantzick, một trong những ngành công nghiệp nội địa quan trọng nhất của Singapore như đóng tàu, điện tử, ngân hàng thương mại... đã có nền móng khởi đầu vững chắc do chính phủ Singapore khi đó đã dùng đáng kể ngân sách để đầu tư trực tiếp vào những lĩnh vực này. 

Theo Channel News Asia, một trong những câu chuyện thể hiện tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu là "canh bạc" 1 tỷ SGD vào năm 1975 để xây sân bay Changi mới. Khi đó, châu Á vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ 1973, tình hình khu vực Đông Nam Á có nhiều biến động, nhưng ông Lý Quang Diệu vẫn dồn tâm huyết vào dự án này.

Singapore phát triển như thế nào
Ga đi tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: Straits Times

Ông ra lệnh phá hàng loạt các tòa nhà, san lấp đầm lầy, bồi lấp đất để phục vụ dự án. Kết quả, công trình sân bay hoàn thành trong 6 năm thay vì 10 năm như kế hoạch.

Ngày nay, "canh bạc" của ông Lý Quang Diệu đã được đền đáp to lớn, khi Singapore trở thành một điểm đến quan trọng của kinh tế, du lịch, đầu mối giao thông hàng không trọng điểm trong khu vực.

Tony Nash nhận định, việc trở thành một đầu mối giao thông hàng không và trung tâm vận chuyển đường biển của khu vực, cùng với nền quản trị công minh bạch và hiệu quả, đã giúp nâng cao vị thế của Singapore trở thành nơi đặt cơ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại châu Á.

Ông Lý cũng là người nhanh nhạy với những biến động của thế giới, từ đó biến rủi ro thành cơ hội để phát triển. Điển hình như giai đoạn "Cú sốc Nixon" năm 1971, khi giá USD rớt xuống mức thấp nhất kể từ Thế chiến 2, buộc Mỹ phải đơn phương phá giá USD và đình chỉ khả năng quy đổi USD ra vàng.

Ông Lý đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để biến Singapore trở thành một trung tâm khu vực về giao dịch ngoại hối.

Kể từ năm 1968, chính phủ Singapore đã thực thi hàng loạt chính sách thu hút và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư tài chính quốc tế, để hướng tới xây dựng “Thị trường đô la châu Á”.

Các chính sách này hoạt động hiệu quả giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính vượt qua cả đối thủ gần nhất trong khu vực là Hong Kong. Đến năm 1990, Singapore trở thành 1 trong 4 trung tâm tài chính thế giới, chỉ sau London, New York và Tokyo.

Singapore phát triển như thế nào
Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Ảnh: Today

Chính sách xã hội hiệu quả

Chính phủ Singapore quan tâm đẩy mạnh các chính sách xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục. Do vậy cuộc sống người dân luôn được chăm lo và bảo đảm ở những điều kiện tốt nhất.

"Tôi nghĩ không còn nền kinh tế nào khác, ngay cả một số nước được cho là các con hổ ở châu Á, có nhiều chỉ số thống kê tốt về tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ việc làm cao, và các chỉ số xã hội tích cực khác như tuổi thọ trung bình, giáo dục và nhà ở, đều tốt đẹp trong 20 năm đầu sau khi lập quốc", Linda Lim, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan (Mỹ).

Lim cũng cho rằng, sự tăng trưởng thần kỳ của Singapore gắn chặt với những giá trị về sự hòa hợp ở một đất nước đa dạng tôn giáo, đa dạng sắc tộc. "Từ năm 1965, chúng ta đã có một xã hội đoàn kết vững chắc, được hỗ trợ bằng hệ thống chính sách phát triển nhân tài, để thúc đẩy hướng tới nền giáo dục tiêu chuẩn cao ở mọi cấp".

Giáo dục cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Lý Quang Diệu nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế cận có chất lượng cao. "Ông đã xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng đẳng cấp thế giới, từ bậc tiểu học cho đến đại học. Điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi", giáo sư Boey nói.

"Tôi không bao giờ dám mơ rằng một cậu bé nhà quê lại có thể đạt được như ngày hôm nay, ở đảo quốc Singapore nhỏ bé này, khi trở thành giáo sư của một trường đại học đẳng cấp thế giới. Công cuộc biến đổi Singapore của ông Lý Quang Diệu không chỉ giúp thay đổi đời tôi, mà còn cho các con, các cháu tôi", giáo sư Boey chia sẻ.

Singapore phát triển như thế nào
Trẻ em Singapore trong Ngày trồng cây. Ảnh: Straits Times

Ngoài ra, hình ảnh một Singapore xanh và sạch đã được ông Lý Quang Diệu vạch ra từ 50 năm trước. Khi đó, ông tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước thế giới thứ 3 chỉ bằng biện pháp đơn giản: trồng nhiều cây cối để phủ xanh đảo quốc.

Vị thủ tướng đầu tiên của đảo quốc luôn nhấn mạnh việc mở rộng độ che phủ của cây xanh để giảm hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Ngày 16/6/1963 là dấu cột mốc quan trọng trong chiến dịch trồng cây ở Singapore, khi ông Lý Quang Diệu tự tay cuốc đất để trồng một cây thành ngạnh. 

Các nhà sử học ví hành động trồng cây của ông Lý Quang Diệu giống như việc gieo những hạt giống đầu tiên của giấc mơ "khu vườn Singapore" xuống mảnh đất cằn cỗi trong quá khứ.

Poon Hong Yuen, chủ tịch Ủy ban quản lý công viên quốc gia Singapore (NParks), nói chiến dịch phủ xanh phải là phần thiết yếu trong quá trình xây dựng đất nước. 

"Một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. Hơn nữa, nó cũng truyền cảm hứng đến người dân Singapore, khiến họ tự hào rằng họ đang sống trong một 'thành phố vườn'", ông Poon khẳng định.