Tác động có nghĩa là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp
  • 2. Mục đích của tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp
  • 2.1 Nhằm làm thay đổi tâm lý của đối tượng bị tác độngthu thập những thông tin, làm sáng tỏ sự thậtcủa vụ án
  • 2.2 Tác động tâm lý nhằm giáo dục cải tạo và cảm hoá người phạm tội
  • 2.3 Tác động tâm lý còn làm tăng tính tích cực của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng
  • 3. Nguyên tắc tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp

1. Khái niệm tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp

Theo Từ điển điển Tiếng Việt, tác động là làm cho một đối tượng nào đó có những biến đổi nhất định. Với ý nghĩa đó thì bất kể kích thích nào gây ra sự biến đổi (nội dung, tính chất, hình dạng, kích thước...) của đối tượng đều được coi là tác động. Căn cứ vào những khía cạnh khác nhau, người ta chia tác động thành nhiều hình thức khác nhau. Căn cứ vào đối tượng của sự tác động cho thấy tác động đến con người là hình thức phức tạp nhất. Tác động này thường rất phong phú, đa dạng, bao gồm những tác động với mục đích làm thay đổi tâm lý con người và cả những tác động không mang theo mục đích đó.

Các tác giả nghiên cứu về tác động tâm lý đều cho rằng, đó là sự tác động có tổ chức, kế hoạch, hệ thống của cá nhân hay một bộ phận người này (người tiến hành tác động) đến một cá nhân hay một bộ phận người khác (người bị tác động), với mục đích làm chuyển đổi, dẫn đến sự thay đổi, hình thành hay xoá bỏ những đặc điểm tâm lý nào đó của họ, thông qua sự tác động này, người tiến hành tác động đạt được mục đích nhất định.

Tác động tâm lý là tác động giữa con người với con người, tác động được thực hiện trong quá trình giao tiếp. Thông qua tác động tâm lý, con người điều chỉnh thái độ và hành vi của người khác tuỳ theo mục đích cụ thể của mình. Tác động tâm lý là một quá trình với những hành động cụ thể có mục đích trên phương diện tâm lý thông qua các phương pháp, phương tiện khác nhau. Đó là sự tác động với mục đích can thiệp vào đời sống tâm lý của con người: làm thay đổi, hình thành hay xoá đi những đặc điểm tâm lý nào đó ở người bị tác động. Nói cách khác, đó là sự tác động làm làm xuất hiện, biểu hiện hay hạn chế, chuyển đổi những yếu tố tâm lý nhất định ở con người.

Tác động tâm lý chính là sự tác động vào tâm lý của người bị tác động, kết quả làm chuyển biến đời sống tâm lý (nhận thức, thái độ, ý chí và hành động) của họ, từ sự thay đổi về tâm lý sẽ dẫn đến sự thay đổi hành vi của người bị tác động. Sử dụng có hiệu quả các biện pháp tác động tâm lý sẽ có một sức mạnh to lớn, tạo ra ở người bị tác động những thay đổi cũng rất to lớn. Tác động tâm lý được sử dụng khá rộng rãi, trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Như vậy, tác động tâm lý là tác động của một cá nhân hay một nhóm người đến một cá nhân hay một nhóm người khác trên phương diện tâm lý nhằm làm chuyển biến đời sống tâm lý của họ, thay đổi nhận thức tình cảm và hành vi của họ, đáp ứng yêu cầu, mục đích đặt ra.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp là hoạt động rất đa dạng, phức tạp, đó là hoạt động liên quan chặt chẽ đến việc phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, xử lý người phạm tội, quản lý và giáo dục cải tạo người phạm tội. Đây là loại hình hoạt động trí óc, hoạt động thực tiễn rất khó khăn, phức tạp của các chủ thể hoạt động tư pháp, luôn đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của xã hội. Trong hoạt động tư pháp, tác động tâm lý của các chủ thể hoạt động tư pháp đối với các đối tượng có vai trò quan trọng.

Tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp là một hệ thống các tác động có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với những người tham gia tố tụng, người bị kết án phạt tù giam đang chấp hành hình phạt tại trại giam nhằm chuyển biến và thay đổi những đặc điểm tâm lý nào đó của họ, đáp ứng yêu cầu cụ thể của hoạt động tư pháp.

Các tác động tâm lý được các chủ thể hoạt động tư pháp (các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cùng các cán bộ trong các cơ quan này) thực hiện bằng các phương tiện như cử chỉ, hành vi, điệu bộ, hành động, ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết. Nhờ các phương tiện này, thông tin được chuyển từ các chủ thể tư pháp tới người bị tác động, làm ảnh hưởng và thay đổi tâm lý của người bị tác động theo hướng đã định từ trước. Người bị tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp rất đa dạng: bị can, người bị hại, người làm chứng, người tham gia đối chất, nhận dạng, bị cáo, phạm nhân… Trong hoạt động tư pháp, cách thức và nội dung của việc tác động tâm lý được xác định bởi mục đích và điều kiện của hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án.

2. Mục đích của tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp

Trong hoạt động tư pháp, tác động tâm lý được hiểu là một hệ thống những tác động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch của chủ thể tiến hành tố tụng tới các chủ thể khác trong hoạt động tố tụng nhằm làm chuyển biến, thay đổi những đặc điểm tâm lý nào đó ở họ, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tư pháp.

Việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý nhằm các mục đích sau:

2.1 Nhằm làm thay đổi tâm lý của đối tượng bị tác độngthu thập những thông tin, làm sáng tỏ sự thậtcủa vụ án

Với mục đích này, các phương pháp tác động tâm lý có thể được dùng để tác động đến nhận thức của đối tượng nhằm làm thay đổi nhận thức của họ trong trường hợp họ không hiểu, hiểu sai, không nhớ. Chẳng hạn, khi một người làm chứng không thể mô tả lại chính xác một tình tiết nào đó, điều tra viên sẽ tác động đến tư duy và trí nhớ của anh ta, giúp anh ta nhớ lại được chính xác sự việc. Trong nhiều trường hợp, để làm sáng tỏ được sự thật của vụ án thì cần phải làm thay đổi thái độ của người tham gia tố tụng. Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý để đạt được điều này. Chẳng hạn, khi đương sự cố tình nại ra những tình tiết để làm thay đổi sự thật thì thẩm phán sử dụng phương pháp tác động tâm lý phù hợp tới người này, làm cho anh ta có thái độ đúng đắn trong việc cung cấp chứng cứ.

2.2 Tác động tâm lý nhằm giáo dục cải tạo và cảm hoá người phạm tội

Với mục đích này, các phương pháp tác động tâm lý được sử dụng để tác động đồng thời đến nhận thức, tình cảm, ý chí của người phạm tội, làm hình thành ở họ thái độ ăn năn, hối hận đối với hành vi phạm tội của mình, từ đó có thái độ thành khẩn trong khai báo, tích cực trong lao động cải tạo để trở thành người tốt có ích cho xã hội.

2.3 Tác động tâm lý còn làm tăng tính tích cực của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng

Các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng đóng một vai trò quan trọng đối với hoạt động tư pháp. Ý thức và thái độ của họ có ảnh hưởng nhất định đến sự hợp tác của họ với cơ quan tiến hành tố tụng. Thông thường, khi tham gia tố tụng các chủ thể này thường có trạng thái tâm lý căng thẳng, lo lắng thậm chí có những chủ thể thụ động, mất bình tĩnh và không hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, tác động tâm lý cần phải hướng đến loại bỏ những trạng thái tâm lý tiêu cực này đảm bảo cho họ có thái độ đúng đắn đối với hoạt động, làm cho họ tích cực cộng tác với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, các phương pháp tác động tâm lý còn được sử dụng để giáo dục ý thức pháp luật cho công dân. Hoạt động tư pháp diễn ra trong bối cảnh có sự tham gia của nhân dân quan tâm đến sự việc. Do trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế một số người có thể vi phạm nội quy, quy định nào đó. Vì vậy, người cán bộ tư pháp có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý để tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của họ.

3. Nguyên tắc tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp

Việc sử dụng tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp phải đạt đuợc hiệu quả là thay đổi được tâm lý và hành vi của đối tượng tác động. Mặt khác, tác động tâm lý phải không được vi phạm pháp luật và đảm bảo được quyền công dân của họ. Để thoả mãn các tiêu chí nói trên, tác động tâm lý phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình tác động. Các phương pháp tác động tâm lý sẽ dẫn đến thay đổi tâm lý và hành vi của đối tượng. Việc sử dụng chúng một cách tuỳ tiện sẽ dẫn tới những sự vi phạm quyền công dân. Nguyên tắc này đảm bảo cho việc tác động tâm lý không vi phạm các quy định của pháp luật, không ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tham gia tố tụng, không làm giảm khả năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Cụ thể là, Điều 19 – Bộ luật Tố tụng hình sự (2015) quy định: cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Phải căn cứ vào đặc điểm tâm lý của khách thể để thực hiện tác động tâm lý. Nguyên tắc này đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải nắm được các đặc điểm tâm lý của đối tượng tác động gồm: những đặc điểm ổn định (ý chí, tính cách, thói quen...) và những đặc điểm nhất thời (trạng thái tâm lý, xúc cảm, những mâu thuẫn nội tâm), trên cơ sở đó mà xác định phương pháp, hình thức tác động cho phù hợp.

- Người sử dụng phải có tri thức, hiểu biết về các quy luật phát sinh, phát triển và biểu hiện của các hiện tượng tâm lý. Những tri thức này giúp người tiến hành tố tụng theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh quá trình tác động một cách phù hợp để đạt kết quả. Chẳng hạn, khi tác động cần phải biết đến qui luật "thích ứng" của xúc cảm tình cảm. Qui luật này ảnh hưởng đến tính chủ động trong hành vi của đối tượng. Với những đối tượng mới phạm tội, về mặt xúc cảm họ chưa thích ứng với hoạt động tố tụng. Hành vi của họ bị động, lúng túng. Còn với những đối tượng đã có tiền án, tiền sự thì họ đã thích ứng về mặt cảm xúc với các điều kiện của hoạt động tố tụng. Hành vi của những đối tượng này chủ động và khôn khéo hơn. Phụ thuộc vào từng đối tượng khác nhau trong các trừơng hợp trên mà ta sẽ phải lựa chọn các biện pháp tác động tâm lý khác nhau.

- Phải xác định rõ mục đích và kế hoạch tác động, dự đoán quá trình tác động, phản ứng của đối tượng... mà từ đó chuẩn bị cho mình thái độ và hành động phù hợp trước những phản ứng đó.

- Phải tính đến điều kiện, hoàn cảnh mà trong đó xảy ra quá trình tác động tâm lý. Các điều kiện bên ngoài như thời gian, địa điểm, số người tham gia thực hiện tác động tâm lý…có ảnh hưởng đến sự tập trung chú ý của khách thể, đến quá trình cung cấp và tiếp nhận thông tin từ đó ảnh hưởng đến kết quả của tác động tâm lý.

- Đảm bảo tính tích cực tâm lý cho đối tượng tác động. Kết quả của tác động tâm lý không chỉ phụ thuộc vào chủ thể tác động, mà còn phụ thuộc tính tích cực của đối tượng trong quá trình tác động, nghĩa là người bị tác động có “sẵn sàng” tiếp nhận tác động và phản ứng hay không? Nếu họ quá thụ động, tỏ thái độ bất cần, không quan tâm thì mục đích tác động tâm lý sẽ không đạt được. Vì vậy người tiến hành tố tụng phải tạo ra những điều kiện để đảm bảo cho tính tích cực tâm lý của đối tượng tiếp nhận tác động.

- Phải tôn trọng các nguyên tắc đạo đức trong quá trình tác động tâm lý. Các phương pháp tác động tâm lý được sử dụng không chỉ nhằm xoá bỏ hay thay đổi những hiện tượng tâm lý nào đó mà còn phát huy mặt tốt, mặt tích cực trong nhân cách của người bị tác động, khơi dậy lương tâm, đạo lý làm người, ý thức và tình cảm dân tộc, trách nhiệm đối với quốc gia, đối với chế độ xã hội... Tác động tâm lý không phải là việc tạo ra áp lực hoặc gây sức ép về mặt tâm lý đối với người bị tác động, mà là hướng dẫn người bị tác động thấy được sự cần thiết và có sự lựa chọn mục đích khai báo trung thực.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê