Tại sao phải dạy con từ thuở còn thơ

Từ xưa, ông bà đã truyền đạt kinh nghiệm dạy con phải từ khi con còn thơ bé. Thông thường, mỗi đứa trẻ khỏe mạnh đều sẽ có khả năng tiếp thu kiến thức và tự lập khi lớn lên. Tuy nhiên, vì quá yêu thương theo kiểu bao bọc và chiều chuộng con, nhiều bậc phụ huynh đã vô tình trở thành tác nhân khiến con mãi "không chịu lớn".

Nỗi lo "con không chịu lớn"

Tại sao phải dạy con từ thuở còn thơ

Những bữa ăn gia đình ấm cúng cũng là dịp thuận lợi để ông bà, cha mẹ chuyện trò hoặc hỏi thăm, nhằm giáo dục con cháu.

Mấy tháng nay, chị Kim Tuyền, công tác ở một trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ, đón em trai đang học năm nhất đại học đến ở chung để tiện kèm cặp chuyện học hành cho em. Chị Tuyền hơn em trai gần 1 con giáp. Lúc em còn nhỏ, mẹ bệnh, một tay chị chăm sóc cho em từ lúc mới lọt lòng đến khi em vào lớp 1. Dù sau này, sống xa nhà nhưng chị biết, cha mẹ cưng em trai nhứt nhà, thường không cho em làm "đụng móng tay". Vì vậy, trước khi em đến ở cùng, chị Tuyền đã "làm tư tưởng" kỹ lưỡng với em để em biết cách cư xử đúng mực vì chị ở chung nhà với ba mẹ chồng. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như chị nghĩ. Em trai chị dù đã trưởng thành nhưng không hề có kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Em không biết nấu cơm, rửa chén, giặt quần áo. Chị Tuyền kêu em quét nhà, lau nhà, em chỉ làm qua loa rồi nói: "Ở nhà, em chưa từng làm mấy việc này nên không biết". Đã vậy, hễ em ăn vặt ở đâu thì xả rác luôn ở đó, bất kể ở phòng khách hay trên giường ngủ. Nhắc hoài em vẫn không sửa, chị nhiều phen khó xử với nhà chồng. Đỉnh điểm, cả nhà chồng về quê chơi, còn chị cũng đi công tác, giao nhà cho em trông coi. Khi về, cả nhà tá hỏa với căn nhà bừa bộn rác. Vỏ trái cây, bánh kẹo, chén dĩa với thức ăn thừa... bày bừa từ phòng khách đến nhà bếp. Quần áo dơ vứt lung tung, còn quần áo phơi từ mấy ngày trước vẫn "yên vị" trên sân thượng. Đến nước này, chồng chị Tuyền nhất quyết buộc chị phải cho em ra ở trọ để em tự học cách chăm sóc bản thân.

Chị Bích Liễu ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, than thở: "Anh chị tôi ở quê gửi con lớn của anh chị ở nhờ nhà tôi để đi học đại học. Cháu lớn tác nhưng kỹ năng sống và tư duy xã hội thì chỉ như đứa trẻ. Một phần do cháu mê chơi game trên điện thoại, một phần do anh chị chiều cháu từ nhỏ. Chị tắm cho cháu đến khi cháu lên lớp 6, gỡ xương cá cho cháu ăn đến khi cháu học lớp 11, ở nhà không cho cháu làm bất cứ việc gì, cũng không tạo điều kiện cho cháu đi chơi nhà bà con họ hàng. Còn anh thì mua hẳn điện thoại riêng cho cháu chơi game từ khi cháu học lớp 7. Giờ tôi không biết bắt đầu dạy cháu từ đâu".

Dạy con là cả quá trình

Tính cách và kỹ năng của trẻ được hình thành và vun đắp dần ngay từ nhỏ trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, tùy thuộc vào mức độ và phạm vi tiếp xúc, trải nghiệm mà trẻ có được. Vì thế, thay vì chiều chuộng, các bậc phụ huynh nên là người hướng dẫn, tạo điều kiện cho con trải nghiệm càng nhiều càng tốt, giúp con nhận biết những vấn đề trong cuộc sống, khuyến khích con tư duy, lựa chọn và dám chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.

Chị Ngọc Bích, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, chỉ có một cô con gái. Là mẹ đơn thân, chị xác định phải làm sao để có thể vừa là mẹ, vừa là bạn để con hoàn toàn tin tưởng, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Chị Bích chia sẻ: "Tôi tập cho con tự lập từ nhỏ, tùy từng giai đoạn mà hướng dẫn cho con những kỹ năng phù hợp và cùng thực hành với con. Ví dụ như từ 16 tháng tuổi thì tập cho con tự múc ăn; đến 3 tuổi thì tự mang dép, lấy hoặc cất dụng cụ học tập, quần áo; đến 5 tuổi thì tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Con học cấp 2, tôi tập cho con tự học, biết cách cân đối chi tiêu thông qua món tiền tiêu vặt. Tôi đưa con trải nghiệm các dịch vụ ở nơi bình dân đến sang trọng để con có cảm nhận và dần định hướng lựa chọn cách sống cho riêng mình. Con lên cấp 3, tôi khuyến khích con chia sẻ chuyện tình cảm bạn bè, thậm chí là tình yêu và cả định hướng nghề nghiệp, ý định tìm việc làm thêm của con, rồi chỉ ra cho con những việc nên và không nên kèm hệ quả của từng quyết định. Tuy nhiên, tôi tôn trọng quyết định của con, chưa bao giờ cấm con làm việc gì, chỉ dõi theo và đề phòng nguy hiểm cho con. Tôi nghĩ, dẫu con quyết định sai thì sau quyết định đó, con sẽ học thêm bài học quý giá". Con gái chị Bích đi làm thêm từ năm học cấp 3. Đến nay, dù vẫn còn là sinh viên đại học nhưng con chị đã có thể tự mua điện thoại và trang trải các chi phí cá nhân: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, giao tiếp với bạn bè,… Con của chị rất năng động, tham gia nhiều phong trào học tập và hoạt động đoàn thể ở trường.

Nhiều bậc phụ huynh đồng ý rằng, không hẳn là "thương cho roi, cho vọt", nhưng bên cạnh tình thương yêu vô điều kiện, các bậc phụ huynh rất cần có kiến thức nhất định và sự nghiêm khắc, bao dung đúng mực để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho con trưởng thành về tính cách, nhận thức. 

Bài, ảnh: MỸ TÚ

.

Cập nhật lúc: 14:42, 10/01/2020 (GMT+7)

  Từ xưa, ông bà ta đúc kết kinh nghiệm “Dạy con từ thuở còn thơ”. Trong xã hội ngày nay, theo các chuyên gia tâm lý và các nhà quản lý giáo dục, câu chuyện dạy trẻ hình thành những phẩm chất tâm lý, nhân cách từ tấm bé vẫn mang nhiều ý nghĩa và tính thời sự.  

Tại sao phải dạy con từ thuở còn thơ
Trẻ vui chơi hòa đồng với bạn

* “Nuôi con không phải là cuộc chiến”

Đón con tan học, chị Phương Thảo (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) đã mang theo lỉnh kỉnh kẹo, sữa kèm theo một bong bóng bay màu đỏ sặc sỡ cho “công chúa nhỏ” hơn 2 tuổi. Nhưng khi ra tới cổng trường, thấy hàng đồ chơi bày nhiều món bắt mắt, bé nằng nặc đòi mẹ mua cho con thú đồ chơi biết đi. Yêu cầu không được đáp ứng, bé không chỉ khóc lóc mà còn phản ứng bằng cách quăng cặp, đánh mẹ…

Tình huống mà chị Phương Thảo gặp phải không phải là cá biệt trong những gia đình có con nhỏ, và nó diễn ra với những mức độ khác nhau. Theo kinh nghiệm nuôi 2 con của chị Bùi Thị Nghĩa (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), trẻ dù nhỏ nhưng đã ý thức được việc sẽ bám lấy người mà nuông chiều bé, đáp ứng yêu cầu của bé. Nếu không đáp ứng các yêu cầu, bé thường ăn vạ. Dĩ nhiên danh sách yêu cầu của bé thì ngày càng dài ra, có cái vô lý… Các thành viên trong gia đình nếu không bình tĩnh, thống nhất cách dạy con sẽ dễ dẫn đến mất hòa khí trong gia đình.

Theo cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa), với những trường hợp trẻ đòi hỏi phi lý và khóc lóc thu hút sự chú ý như trên thì cha mẹ không nên đáp ứng ngay yêu cầu của trẻ. Thay vào đó, người lớn cần bình tĩnh giải thích với trẻ về hành vi trên đúng hay sai, nên hay không nên một cách đơn giản, dễ hiểu.

* Hành vi của trẻ được thể hiện khác nhau ở môi trường khác nhau

Cô Nguyễn Thị Hạnh cho biết trong nhiều năm làm công tác quản lý, cô thường tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh rằng, sau một thời gian ổn định và hòa nhập với trường với lớp, trẻ thường tự lập hơn trong nhiều hoạt động như: tự xúc ăn, thay quần áo, biết chơi hòa đồng với bạn, thích giúp đỡ cô giáo những việc nhỏ và đặc biệt không quấy khóc, trong khi về nhà thì trẻ thường đòi hỏi sự hỗ trợ, phục vụ của người lớn.

Đi sâu vào việc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non, cô Nguyễn Thị Hạnh phân tích, giáo dục nhân cách cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non. Thông qua hoạt động vui chơi là chủ đạo, giáo viên sẽ giáo dục kỹ năng, đạo đức cho trẻ phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động này được lặp đi lặp lại, từ đó trở thành bài học nhân cách cho trẻ. Chẳng hạn: hoạt động đón trẻ - trả trẻ lồng ghép bài học lễ giáo, hoạt động vui chơi phân vai theo chủ đề giúp trẻ luôn giúp đỡ bạn, không tranh giành đồ chơi…

Về vấn đề trẻ ở trường rất biết nghe lời cô giáo, tuân thủ các quy tắc ở trường ở lớp nhưng về nhà một số trẻ có biểu hiện lại là “ông vua con” trong gia đình, ThS. tâm lý lâm sàng Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) lý giải: “Chúng ta cần nhìn nhận hành vi của trẻ được thể hiện khác nhau ở môi trường khác nhau, liên quan đến cách thức giáo dục và quan điểm trong cách giáo dục của cha mẹ. Theo đó, cha mẹ chưa ứng xử phù hợp và cách thức cha mẹ đáp ứng với các hành vi chưa phù hợp của trẻ thiếu đúng đắn cũng gây nhiều hành vi lệch chuẩn nơi trẻ”.

Tại sao phải dạy con từ thuở còn thơ
Cô dạy trò lễ phép mỗi giờ đón - trả trẻ

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh việc giáo dục tại gia đình rất quan trọng, bởi ngay khi sinh ra, trẻ được tiếp nhận môi trường giáo dục nhân cách nền móng đầu tiên. Đến giai đoạn lứa tuổi mầm non, chính gia đình sẽ nối dài các bài học ở trường, đưa các bài học ở trường vào thực tiễn… Đơn cử như trẻ không thể hình thành ý thức lễ giáo nếu ngoài việc học ở trường, trẻ không được thực hành thường xuyên trong môi trường giáo dục tại gia đình…

* Cần thiết phải có kỹ năng làm cha mẹ

Các nhà giáo dục đã có nhiều bàn luận xung quanh chủ đề việc hình thành những dấu ấn ban đầu có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục trẻ em. Bởi lẽ đây chính là giai đoạn ban đầu của sự hình thành và phát triển nhân cách. Cụ thể hơn, những năm đầu đời, trẻ em rất dễ bắt chước học theo một cách thiếu chọn lọc nên dễ hình thành những nét cơ bản của tính cách và thói quen nhất định. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò tác động của các yếu tố khác như: môi trường xã hội mà trẻ sinh sống, các điều kiện sinh học hay chính bản thân của trẻ.

Một thực tế rằng, nếu như giáo viên mầm non, các nhà quản lý giáo dục đều được đào tạo rất nhiều kiến thức về tâm lý học, giáo dục học, sự phát triển thể chất của trẻ, sự học và tâm lý trẻ, giáo dục hòa nhập…, thì không phải bất cứ ai đảm đương vai trò làm cha làm mẹ đều có những kiến thức cơ bản, sự am hiểu nhất định, kỹ năng làm cha làm mẹ.

ThS.Nguyễn Công Bình cho biết: “Qua các buổi hội thảo chuyên đề giáo dục trẻ dành cho cha mẹ, tôi nhận thấy một điều rằng hầu như các bậc cha mẹ đều cho rằng mình không có nhiều khó khăn trong quá trình dạy con nhưng khi hỏi và tìm hiểu kỹ thì các bậc cha mẹ nhìn chung có cách giáo dục thiếu phù hợp, thậm chí là sai. Chẳng hạn: cha mẹ thường thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân mỗi khi giận dữ, thường chuyển những cảm xúc tiêu cực từ cá nhân lên con, vô tình tác động đến tâm lý trẻ, khiến con dễ sợ hãi, lo lắng… Một trong những nguyên nhân mà trẻ thường gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn hành vi ứng xử, các rối nhiễu tâm lý cũng bắt nguồn từ nguyên nhân trên”.

Thời gian gần đây, ngoài các khóa học kỹ năng làm cha mẹ được tổ chức trên nhiều diễn đàn, trung tâm, còn có nhiều sách về chủ đề này như: Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Con nghĩ đi, mẹ không biết!, Để con được ốm, Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con… được xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu của việc nuôi dạy trẻ.

Cha mẹ nào cũng yêu thương con vô bờ bến nhưng không phải ai sinh ra cũng nghiễm nhiên thực hành hoàn hảo vai trò làm cha mẹ của chính mình. Đó là cả một hành trình dài cùng con khôn lớn thông qua việc tự bồi dưỡng kiến thức và lắng nghe, sẻ chia với con trẻ.

Lâm Viên