Tại sao phải phòng chống covid 19

Dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới thay đổi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống bình thường và làm thay đổi rất nhiều về quan điểm sống của mọi người. Quan điểm và chiến lược về phòng, chống dịch của Tổ chức Y tế Thế giới cũng thay đổi rất căn bản. Đó là, từ chiến lược Zero Covid (tức tiêu diệt triệt để Covid-19) chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 (hay nói nôm na là sống chung an toàn với dịch Covid-19).

Tại sao phải phòng chống covid 19

Giao ban phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn: Đài PTTH Tiền Giang)

Từ những trận dịch và đại dịch trước đây, các nhà dịch tễ học đã nghiên cứu để tạo ra những công thức phòng, chống dịch gần như bất di bất dịch là: Phát hiện - phong tỏa - truy vết - cách ly - điều trị - dập dịch. Thời gian đầu, chúng ta đã áp dụng và có một số thành công nhất định khi thực hiện hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức này. Tuy nhiên, khi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, nhiều đợt dịch tưởng chừng đã được kiểm soát và khống chế lại bùng phát dữ dội khắp nơi với tốc độ và quy mô ngày càng lớn hơn, bất chấp những nỗ lực tối đa của các quốc gia, để lại nhiều hệ lụy và hậu quả vô cùng to lớn. Chúng ta không thể cứ tiếp tục sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, không thể cách ly kéo dài, không thể phong tỏa mãi được vì nền kinh tế không thể phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống dịch ngày càng cạn kiệt, mọi hoạt động xã hội vẫn cứ đóng băng... Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, thay đổi quan điểm, chiến lược cho việc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, phải thích ứng với dịch Covid-19, tức là chấp nhận có số ca mắc Covid-19 nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân, tức là cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng vi-rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch, từ ý kiến phân tích của các nhà khoa học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", qua đó, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.

Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm "mục tiêu kép" nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

03 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Phân loại cấp độ dịch theo 04 cấp:

Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phải dựa vào 06 nguyên tắc cơ bản: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Phải thực hiện 06 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như sau: (1) Chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch thông qua việc xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế theo từng cấp độ dịch, triển khai khi có dịch; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc F0. (2) Tổ chức xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ, có dịch cấp 3, 4 và nhóm nguy cơ hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ, hoặc xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ. (3) Tổ chức cách ly y tế cho người đến từ địa bàn có dịch; người tiếp xúc gần (F1). (4) Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhanh nhất có thể cho mọi người, ưu tiên theo nhóm đối tượng. (5) Nâng cao năng lực điều trị  F0. (6) Phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; cơ sở giáo dục đào tạo; người điều khiển phương tiện vận chuyển…

Với những nỗ lực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nước ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

BS CKII Trần Thanh Thảo

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hầu hết thời gian, tâm sức để lo cho công tác chống dịch, đau đáu mục tiêu: Dập dịch thành công vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết.

Tại sao phải phòng chống covid 19
Mô hình chốt tự quản " Bảo vệ vùng xanh". Ảnh minh họa

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021, biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm.

Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, dịch bệnh không lây theo chuỗi từ người này sang người kia mà theo lây theo chùm ca bệnh, F0 tăng theo cấp số nhân,… Để ứng phó với tình huống này thì giãn cách xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với biến thể Delta.

Lực lượng chống dịch sẽ có khoảng thời gian quý báu, khẩn trương thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng để nhanh nhất có bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, có giải pháp ứng phó trọng tâm, trọng điểm, kịp thời.

Trong rất nhiều cuộc họp về chống dịch với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Bởi nếu dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước.

Vì vậy, không chỉ trong các phát biểu mà những văn bản truyền đạt ý kiến, Công điện của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, giải pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg luôn được coi là rất quan trọng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “ai ở đâu ở đó” như một lời hiệu triệu, kêu gọi toàn thể người dân tham gia thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội. Trong cuộc chiến chống lại “giặc COVID-19”, dù là chiến lược nào, cách đánh nào thì vai trò, vị trí của người dân cũng vô cùng quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ, hưởng ứng, tuân thủ của người dân, chúng ta khó có thể kiểm soát dịch bệnh. Tham gia phòng, chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Đây còn là trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với tương lai của đất nước.

Thực hiện giãn cách xã hội chỉ có hiệu quả nếu làm thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp trên nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác mà không khai báo…

Thực tế, tại nhiều tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg “sớm một bước, cao hơn một mức”, thì tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát như 6 tỉnh Nam Sông Hậu (Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng), Bến Tre, Trà Vinh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… Điển hình, tại TP. Hà Nội với rất nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg kết hợp xét nghiệm, truy vết thần tốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi khoanh vùng, cô lập ngay các ổ dịch phức tạp xuất hiện trong hệ thống phân phối hàng hóa, tại cộng đồng.

Nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên, TP. Đà Nẵng đã tranh thủ thời gian “vàng”, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0, phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch. Từ đó xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.

Ngay tại các tỉnh có dịch bệnh còn phức tạp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì thực hiện giãn cách xã hội cũng là khoảng thời gian để thiết lập và củng cố vững chắc các “chiến khu xanh” làm “căn cứ” để từng bước xanh hóa “vùng vàng”, “vùng cam”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”… Còn ở TPHCM, trong thời gian giãn cách xã hội, những cơ chế đặc biệt, đặc thù đã được áp dụng để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch từ chiến lược xét nghiệm, cách ly đến điều chỉnh lại hệ thống điều trị, phác đồ điều trị, hỗ trợ an sinh cho người dân…

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1081/CĐ- yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0.

Đây cũng là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, ngày 12/8: Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc.

Nguồn: (Chinhphu.vn)

Admin