Thực phẩm sạch và an toàn là gì

Thực phẩm sạch và an toàn là gì

Thời gian gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam. VTV đã có hẳn một chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn” để vạch trần và cảnh báo tới những người dân. Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường ra quân và vào cuộc để cố gắng dẹp bớt các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn. Tuy nhiên bạn có bao giờ tự hỏi, vậy pháp luật quy định như thế nào về “thực phẩm sạch”, mà để cho vấn nạn thực phẩm bẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng như vậy? Liệu có phải do pháp luật quy định chưa chặt chẽ hay không? Trong bài viết này tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để bạn có thể đánh giá về vấn đề này.

Thực phẩm trong cuộc sống có rất nhiều loại khác nhau, và trong luật cũng vậy, mỗi loại thực phẩm lại có một quy định về tiêu chuẩn an  toàn tương ứng. Để thuận tiện và ngắn gọn tôi sẽ lấy ví dụ về một loại thực phẩm phổ biến, quen thuộc và có lẽ là được quan tâm nhất, đó là thực phẩm tươi sống.

Thực phẩm tươi sống được định nghĩa trong luật như thế này:

Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.

(Khoản 21, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm 2010)

Tiếp theo, là những quy định về việc đảm bảo an toàn với thực phẩm tươi sống:

Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tươi sống

  1. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
  2. Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định trên, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
  • Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm;
  • Quy định về bảo quản thực phẩm.
  1. Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc theo quy định.
Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện trong các trường hợp sau đây:
  • Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
  • Khi phát hiện thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các việc sau đây:
  • Xác định, thông báo lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn;
  • Yêu cầu các đại lý kinh doanh thực phẩm báo cáo số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường;
  • Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và biện pháp xử lý.
  1. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

Thực phẩm sạch và an toàn là gì

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống

Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
  • Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn;
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm;
  • Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt;
  • Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường;
  • Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống:

Cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm theo quy định.

Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
  • Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.
  • Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
  • Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Điều kiện bảo đảm an toàn  thực phẩm trong bảo quản thực phẩm

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện về bảo quản thực phẩm sau đây:

  • Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
  • Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
  • Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm

Tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

  • Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;
  • Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;
  • Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

2. Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.

(Các quy định trên được trích dẫn trong Luật An toàn thực phẩm 2010, có hiệu lực từ 01/7/2011)

Thực phẩm sạch và an toàn là gì

Như vậy, chỉ cần đọc sơ qua thì các bạn cũng có thể thấy được Luật An toàn thực phẩm quy định chặt chẽ như thế nào để đảm bảo an toàn cho thực phẩm tươi sống. Đó mới chỉ là Luât thôi. Để cụ thể và chi tiết hơn, sẽ có một loạt các Nghị định, Thông tư, Quyết định… của các Bộ, ban, ngành có liên quan để thực hiện trên thực tế.

Và cũng có rất nhiều cơ quan nhà nước cũng được quy định tham gia để đảm bảo an toàn thực phẩm từ Chính phủ cho đến Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan thành viên của các Bộ trên.

Vậy thì nguyên nhân do đâu mà vẫn có thực phẩm bẩn?

Nếu cứ làm đối chiếu theo các quy định của pháp luật và thực hiện được thì muốn có thực phẩm bẩn cũng … khó. Thế nhưng, tại sao vẫn có thực phẩm bẩn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn? Đó không phải do quy định của pháp luật chưa có hoặc chưa chặt chẽ, mà có thể do một hoặc đồng thời các nguyên nhân sau:

  • Các cơ sở SX, KD thực phẩm bẩn che giấu việc làm của mình ngày càng tinh vi: như một số phóng sự đưa tin họ có người che chắn, có lực lượng cảnh giới để khi có đoàn kiểm ta là ngay lập tức thu dọn hiện trường.
  • Một số cán bộ cơ quan nhà nước chưa làm hết trách nhiệm của mình (nguyên nhân thường xuyên được đưa ra và quá rõ ràng rồi nên có lẽ không cần phân tích thêm)
  • Lực lượng cán bộ mỏng, trình độ hạn chế (lại là một nguyên nhân thường xuyên được đưa ra nhưng người ngoài nên không rõ thực hư ra sao)
  • Có sự xung đột về quy chuẩn giữa các cơ quan cùng quản lý thực phẩm: Trường hợp này không phổ biến nhưng cũng có, chẳng hạn Bộ Y tế cho rằng chất này được sử dụng nhưng Bộ Nông nghiệp lại cấm, hoặc quy định hàm lượng sử dụng khác nhau
  • Một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý chủ quan: Đây là thực trạng có cầu thì mới có cung. CQNN có thể đang rất nỗ lực dẹp các cơ sở SX và KD thực phẩm bẩn nhưng một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn quan điểm “ăn bao nhiêu năm rồi có sao đâu”, vậy nên họ vẫn lựa chọn mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc mặc dù họ cũng biết rằng thực phẩm đó không có nguồn  gốc rõ ràng và có thể là thực phẩm bẩn. Tuy là có thể thực phẩm đó có giá rẻ hơn (thậm chí rất rẻ) so với thực phẩm sạch nhưng biết đâu sau này số tiền bạn dùng để chưa bệnh và hồi phục sức khỏe vì ăn thực phẩm rẻ và không rõ nguồn gốc đó sẽ là con số không thể tính được.

Vậy người tiêu dùng làm thế nào để phân biệt thực phẩm bẩn – thực phẩm sạch?

Thực ra trong luật không có khái niệm thực phẩm sạch – thực phẩm bẩn. Mà chỉ có khái niệm An toàn thực phẩm, vì vậy có thể tạm hiểu thực phẩm an toàn là thực phẩm sạch, còn thực phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thực phẩm bẩn.

Cũng xin nói luôn là để phân biệt thực phẩm an toàn và sạch hay không mà dựa vào luật thì… chẳng ăn thua. Bạn đọc luật như vậy, cũng rõ ràng, dễ hiểu, bạn biết thế nhưng làm sao mà bạn biết được thực phẩm sạch như thế nào nếu chỉ nhìn, ngửi, sờ … mà không có công cụ xét nghiệm? Vậy nên, chẳng có cách nào tốt bằng cách bạn tự trang bị kiến thức thực tế để bảo vệ mình và gia đình bằng một số biện pháp như:

  1. Tìm hiểu một cách tương đối về nguồn gốc thực phẩm: việc tự tìm hiểu tất nhiên chỉ đạt được ở mức độ tương đối thôi, chẳng hạn thịt lợn đó do hàng xóm ở quê nhà bạn nuôi, vậy người hàng xóm đó có dùng thức ăn chăn nuôi sạch không, chuồng trại như thế nào, nguồn nước gần đó có sạch không, có tiêm phòng đúng quy định…v..v.. Hay thực phẩm do một công ty cung cấp, vậy thì bạn có thể tìm hiểu tư cách pháp nhân và các thông tin về công ty đó. Xem cách kiểm tra thông tin doanh nghiệp tại ĐÂY
  2. Đừng đợi cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc và công bố cho bạn rồi mới quyết định, lúc đó có khi bạn đã ăn một khối lượng kha khá thực phẩm không an toàn rồi.
  3. Mua thực phẩm được cung cấp bởi những nhà cung cấp lớn và đáng tin cậy, có tiếng và được người tiêu dùng đánh giá cao.
  4. Nhìn, ngửi, sờ: Đây là cách phổ biến của những người nội trợ thường xuyên, được tích lũy bằng kinh nghiệm. Cách làm này không phải chính xác 100% nhưng tôi thấy rằng sẽ rất có hiệu quả nếu bạn là người nội trợ giỏi và tinh ý. Vậy nên không phải ai cũng làm được điều này, phải tùy vào khả năng của bạn và học hỏi kinh nghiệm ở những người xung quan nữa. Nếu bạn kết hợp được cả với những kiến thức về hóa học, sinh học và vật lý nữa thì có lẽ hiệu quả đạt được không kém gì các cơ quan chức năng.
  5. Tuyệt đối không mua thực phẩm mà bạn không rõ thành phần hay nguồn gốc, hoặc bạn có nghi ngờ về thành phần, nguồn gốc: Thôi thì với thời buổi này đành phải áp dụng thà nghi nhầm còn hơn bỏ sót, với lại dù sao khi đã nghi ngờ thì bạn cũng sẽ ăn không thấy ngon rồi.

Đó là một số chia sẻ về khía cạnh pháp lý của thực phẩm sạch – thực phẩm bẩn. Bạn có kinh nghiệm thực tế nào để phân biệt thực phẩm sạch – thực phẩm bấn hay không? Nếu có thời gian hãy chia sẻ bằng những bình luận dưới đây nhé hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.

Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.

Thực phẩm sạch và an toàn là gì

Reader Interactions