Thực trạng nợ xấu của ngân hàng thương mại hiện nay

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực lên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Trong đó, hoạt động ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ, nguy cơ nợ xấu tăng cao trong các tháng cuối năm đang ngày một hiện hữu.

Nợ xấu cao dù chưa phản ánh đầy đủ

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, từ mức 1,69% hồi cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào thời điểm cuối tháng 4/2021.

Thực tế ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng cho thấy, hơn nửa số ngân hàng đã công bố đều ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020.

Trong 4 ngân hàng lớn, chỉ riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có số dư nợ xấu giảm nhẹ 1,1%. Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agibank), nợ xấu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, lần lượt là 52%, 31,3% và 13,5%.

Thực trạng nợ xấu của ngân hàng thương mại hiện nay
Dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, đứt gãy dòng tiền, thậm chí là phá sản, dẫn dến mất khả năng trả nợ ngân hàng. (Nguồn: Cafe F)

Đáng chú ý, nợ xấu tại VietinBank tăng đột ngột bắt nguồn từ việc nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng đã tăng gấp đôi, từ hơn 6.000 tỷ đồng lên gần 12.300 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)... cũng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu trong 6 tháng qua ở mức 2 con số.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã có cú xoay chuyển ngoạn mục khi giảm tới 73% số dư nợ xấu so với hồi cuối năm 2020. Lý do là bởi ngay trong quý đầu năm 2021, Kienlongbank đã xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB). Điều này khiến số dư nợ xấu tại Kienlongbank giảm mạnh, nhất là với nợ nhóm có khả năng mất vốn, giảm 4 lần so với trước.

Với phần nhiều các ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng và đặc biệt tăng mạnh ở khoản nợ có khả năng mất vốn, đã phản ánh phần nào sức khỏe của nền kinh tế. Dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, đứt gãy dòng tiền, thậm chí là phá sản, dẫn dến mất khả năng trả nợ ngân hàng.

Tuy vậy, những con số trên vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực trạng nợ xấu của toàn ngành do các ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng.

Lũy kế từ 23/1/2020 đến nay, các tổ chức tín dụng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt doanh số 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.

Củng cố tiềm lực tài chính

Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết việc giãn cách xã hội đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhất là ở những khu vực tập trung các khu công nghiệp lớn. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó sẽ tác động khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) trong báo cáo triển vọng mới đây cho rằng, nợ xấu phát sinh do tác động của Covid-19 thấp hơn kỳ vọng ban đầu, nhiều ngân hàng đã ghi nhận quy mô dư nợ tái cơ cấu giảm.

Nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 ngay từ năm 2020. Tuy nhiên, ngành ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo và ảnh hưởng tới lợi nhuận trong các năm sau nếu dịch bệnh Covid-19 chậm được kiểm soát.

Dự báo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính ở mức từ 2-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức từ 4-4,5%.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, những năm qua, các ngân hàng đã rất nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản, củng cố tiềm lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, giữ lại lợi nhuận không chia để củng cố nguồn vốn tương lai, tiết giảm chi phí hoạt động.

Đồng thời quyết liệt xử lý nợ xấu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại... Nhờ đó đến nay, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đạt cao trong những quý vừa qua dù hoạt động gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

"Lợi nhuận của ngân hàng đạt mức cao là điều đáng mừng, bởi từ đó, các ngân hàng sẽ có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế", ông Hùng khẳng định.

Dù vậy, ông Hùng cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng song song với thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, cần chủ động nâng cao năng lực tài chính và vốn tự có. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN yêu cầu trích lập dự phòng trong thời gian 3 năm với tỷ lệ trích lập tối thiểu là 30%, nhưng nếu tình hình tài chính của tổ chức tín dụng tốt nên trích dự phòng các khoản nợ đó ngay từ bây giờ để có dự phòng trong tương lai.

Nợ xấu vốn là điều không tránh khỏi trong nền kinh tế và càng trở nên rủi ro hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, nếu có một lộ trình rõ ràng và những bước đệm chuẩn bị chu đáo, rủi ro nợ xấu sẽ khó tác động mạnh đến an toàn của hệ thống ngân hàng, kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.

Lam Duy   -   Thứ tư, 01/09/2021 15:11 (GMT+7)

Thực trạng nợ xấu của ngân hàng thương mại hiện nay
Tình hình tài chính suy giảm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nợ xấu tăng thêm 4,5%

Theo các dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỉ lệ nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục có xu hướng tăng lên tính từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, khả năng trả nợ của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4.2021. Đến hết quý II/2021, các số liệu trong báo cáo tài chính được gần 30 NHTM công bố cho thấy tổng nợ xấu nội bảng có mức tăng 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam kỳ tháng 8.2021 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Ở thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, cho phép các ngân hàng gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN - ông Đào Minh Tú - nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu

Dù các chính sách tái cơ cấu, gia hạn nợ và miễn giảm lãi suất đang phát huy tác dụng và giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì và hồi phục sản xuất kinh doanh, tuy nhiên World Bank khuyến cáo rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ có thêm những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng. World Bank theo đó lưu ý vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ tháng 2.2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp.

Cụ thể về khách hàng, Techcombank có hai chính sách: (1) Với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do COVID-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. (2) Với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, trây ỳ tồn đọng đã lâu năm, ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội năm 2017 để xử lý tài sản thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và chính phủ về phòng chống dịch. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. 

Song để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai; đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính - quản trị, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nợ xấu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15.8.2017) trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng.

Không để xử lý nợ xấu trở nên khó khăn

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, với các giải pháp đang triển khai hiện nay, NHNN cũng rất cần sự phối hợp các bộ, ngành về việc chấp thuận khi cơ cấu lại các khoản nợ lãi đến hạn, khoản tín dụng doanh nghiệp khó khăn chưa trả được sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, lợi nhuận các ngân hàng, đến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Điều đó có nghĩa phải giải quyết được hài hòa yêu cầu hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo không làm ảnh hưởng, suy giảm năng lực tài chính của các TCTD, không để việc xử lý nợ xấu trong tương lai gần trở nên khó khăn.