Trang trí món ăn là gì

Ẩm thực không chỉ là hương vị mà còn là nghệ thuật. Nghệ thuật trang trí món ăn là nghệ thuật của kết hợp và sắp đặt, có thể khơidậy mọi giác quan của thực khách. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của từng món ăn.

Nghệ thuật trang trí món ăn là gì?

Không ai biết chính xác thời gian nghệ thuật trang trí món ăn bắt đầu xuất hiện. Theo một số thông tin, nó có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hy Lạp và một số nền văn minh lâu đời khác. Trong thế kỷ 18, nghệ thuật trang trí món ăn dần trở nên phổ biến và phát triển theo xu hướng văn hóa kiểu Pháp. Người Trung Quốc được xem là đã góp công lớn trong việc quảng bá nghệ thuật décor món ăn đến toàn thế giới thông qua phim ảnh và các hoạt động về văn hóa.

Nghệ thuật trang trí món ăn hay décor món ăn được hiểu là sự sắp đặt các nguyên liệu của món ăn theo ý đồ của đầu bếp nhằm tạo nên một sự liên kết giúp thực khách có thể hiểu và cảm nhận được. Mọi nguyên liệu chế biến đều có thể được sử dụng để làm nổi bật món ăn. Khi trang trí món ăn, đầu bếp sẽ phân chia thành phẩm và nguyên liệu trang trí, sắp đặt các yếu tố chính và phụ sao cho hài hòa, cân bằng để giúp món ăn bắt mắt nhất.

Trang trí món ăn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Một đầu bếp chuyên nghiệp có thể biến một món ăn đơn điệu thành một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh ẩm thực sống động, góp phần nâng tầm món ăn và kích thích khẩu vị của thực khách.

Với những cô nàng yêu thích ẩm thực và cái đẹp, bạn cũng có thể tự trang trí món ăn tại nhà để giúp cả gia đình thưởng thức bữa ăn thêm thú vị hơn nhờ những nguyên tắc và gợi ý sau đây:

Chọn chén đĩa

Đừng cố sử dụng chiếc đĩa hoa bởi nó sẽ làm lu mờ màu sắc món ăn của bạn. Bí quyết ở đây là sử dụng bộ chén đĩa đơn giản hoặc có hình dạng lạ mắt. Bạn cũng có thể chuẩn bị sẵn bộ đồ dùng trưng bày nghệ thuật nhà bếp để sẵn sàng cho những bữa tiệc tại nhà. Mọi người hẳn sẽ rất bất ngờ khi biết đến bạn không chỉ là người vừa giỏi nấu ăn lại vừa khéo tay đó.

Kết hợp màu sắc

Phông nền trắng của đĩa sứ, chén sứ, sẽ làm nổi bật màu sắc của món ăn. Do đó, hãy tận dụng và tạo một chút sự tương phản để món ăn thêm sống động và thu hút ánh nhìn của thực khách. Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp màu sắc của các nguyên liệu một cách khéo léo để tránh tạo cảm giác khó chịu cho người nhìn. Nguyên tắc càng đơn giản càng đẹp nên được áp dụng trong trường hợp này. Đừng quá tham lam bày biện quá nhiều màu sắc lên trên đĩa nhé! Chỉ cần thêm một chút rau thơm khi trang trí món thịt; một chút nguyên liệu có màu vàng hoặc màu đỏ cho các món canh; hay chỉ cần điểm xuyết đơn giản bằng cà chua bi và ớt tươi là các món ăn của bạn đã trở nên sinh động.

Chú ý đến số lượng

Bí quyết ở đây là không nên quá tham lam bỏ hết tất cả mọi thứ lên đĩa bởi điều này không chỉ khiến bạn khó décor món ăn mà còn tạo cảm giác bị ngấy cho thực khách. Ngoài ra, một đầu bếp chuyên nghiệp thường trang trí món ăn theo nguyên tắc số lẻ. Bởi theo họ, đây là một tổ hợp thần thánh giúp món ăn trông khác lạ và bắt mắt hơn. Vì vậy, bạn hãy thử sắp đặt món ăn theo nhóm ba hoặc năm phần, thay vì hai hoặc bốn để xem hiệu ứng nhé!

Chú ý đến chiều sâu của món ăn

Có rất nhiều cách sắp đặt trên cùng một không gian chiếc đĩa. Trong đó, kiểu xếp lớp hoặc chồng từng nguyên liệu lên nhau không những tạo chiều sâu cho hình thức món ăn mà còn giúp thực khách có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị trong mỗi miếng ăn.

Chú ý ánh sáng

Đã là nghệ thuật thì ánh sáng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với nghệ thuật trang trí món ăn, ánh sáng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công hay thất bại của cả một buổi chuẩn bị và nấu nướng. Bí quyết ở đây là hãy chọn một góc bàn sạch sẽ, có ánh sáng trung bình hoặc có ánh nắng bởi điều này sẽ giúp các món ăn trông nổi bật và bắt mắt hơn.

Các loại nước sốt cũng rất quan trọng

Các đầu bếp chuyên nghiệp đã áp dụng thành công trong việc sử dụng nước sốt như một nguyên liệu trang trí món ăn. Bên cạnh việc sắp đặt để tạo điểm nhấn cho toàn bộ bố cục, bạn cũng có thể sử dụng nước sốt để tạo ra những nét vẽ tinh tế trên đĩa thức ăn. Chắc chắn thực khách sẽ có ấn tượng sâu sắc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Món ăn nên được sáng tạo bằng đam mê, suy nghĩ sâu sắc và kỹ thuật điêu luyện, nhưng trình bày bởi đôi tay thanh thoát và theo hướng dung hòa với thiên nhiên. Màu sắc thể hiện theo mùa, với độ sáng tối tương phản nhưng vẫn mang lại cảm xúc cho thực khách. Cuối cùng, hãy giữ một tinh thần đơn giản và để cho những nguyên liệu tự thân thăng hoa chia sẻ của đầu bếp Travis Swikard, nhà hàng Boulud Sud, New York City.

TweetPocket