Tuyên truyền phụ huynh chăm sóc TRẺ TẠI nhà

Như chúng ta đã biết dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh ra cộng đồng, để giúp trẻ tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh, thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ là rất quan trọng. Sau đây trường mầm non Đan Phượng xin chia sẻ với các bậc phụ huynh về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mầm non.

Ở lứa tuổi mầm non, não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, trẻ cần rất nhiều năng lượng để đảm bảo các hoạt động vui chơi, học tập. Do đó trẻ em trong độ tuổi mầm non rất cần được chăm sóc bởi một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Các bậc phụ huynh cần trang bị nhiều kiến thức để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ khoa học và đúng cách.

I. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non

1. Thực phẩm tinh bột

Nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu hàng ngày cho trẻ là cơm. Tuy nhiên ngoài cơm, bạn có thể bổ sung những thức ăn từ bánh mì, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc, mì ống…Để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, biếng ăn, bạn có thể thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm, làm đa dạng hơn thực đơn hàng ngày của trẻ.

2. Thực phẩm giàu protein

Thịt, cá, trứng, sữa và các chế phầm từ sữa hay các loại đậu, ngũ cốc là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cần ăn một ngày 2 bữa đầy đủ đạm.

3. Thực phẩm chứa chất béo có lợi

Chất béo rất cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ cần được cung cấp chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không thể nào thiếu dầu, thịt, bơ, sữa, phomai…

4. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa là nguồn thực phẩm rất quen thuộc và dường như không thể thiếu với trẻ nhỏ. Sữa giàu canxi, vitamin và khoáng chất có lợi cho trí não của trẻ. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ cho trẻ ở độ tuổi mầm non. Ngoài ra váng sữa, phô mai, sữa chua cũng là những nguồn bổ sung vitamin D cực kỳ tốt cho bé. Tuy nhiên không phải loại sữa chua nào cũng cung cấp vitamin D. Chúng ta cần xem rõ nhãn mác, nguồn gốc và thành phần của sản phẩm.

5. Hoa quả và rau xanh

Trẻ nhỏ cần ăn nhiều rau, củ để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ

Không phải trẻ nào cũng thích ăn rau, củ, quả. Tuy nhiên đây là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, các vitamin có trong hoa quả còn giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh. Ví dụ: vitamin C có trong cam, quýt, ổi giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh xa các bệnh cảm, cúm thông thường; vitamin A có trong cà rốt, cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt…

Bạn có thể linh hoạt chế biến nguồn nguyên liệu này bằng nhiều cách: nấu canh, ăn trực tiếp, trộn với sữa chua, xay nước ép, sinh tố…Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho bé ăn các bữa phụ với trái cây thái nhỏ, rất dễ ăn và được nhiều bé yêu thích.

6. Đồ uống cho trẻ

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi mầm non trẻ có thể uống 6 ly nước mỗi ngày. Đặc biệt đối với những trẻ hiếu động, chơi đùa nhiều thì cần bổ sung nhiều nước tránh tình trạng mất nước. Tuy nhiên nước chủ yếu các bé mầm non uống không nhất thiết chỉ là nước lọc. Bởi sữa cũng là thức uống cực kỳ quan trọng giữa những bữa chính. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ để cung cấp canxi, vitamin D và các vi chất cần thiết cho ở độ tuổi mầm non đến khi 8 tuổi.

II. Thực phẩm và đồ uống cho trẻ mầm non cần tránh

1. Thực phẩm không tốt cho trẻ

Ở trẻ nhỏ, mọi thứ còn non nớt, nhất là với hệ tiêu hóa và đường ruột. Vậy nên chúng ta cần lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, không chất độc hại. Để tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ, chúng ta nên tránh cũng như hạn chế những loại thực phẩm sau:

- Đồ ngọt và nhiều thực phẩm có đường nếu trẻ ăn nhiều sẽ dễ tăng cân và bị hỏng răng.

- Thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến bé thừa cân.

- Những món cứng, quá rắn ảnh hưởng đến răng của bé: hoa quả khô, các loại hạt, bánh kẹo cứng…Tốt nhất nên cho bé ăn đồ đã được thái nhỏ, nấu chín mềm.

- Các món ăn đường phố, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Đồ uống không “thân thiện” với trẻ mầm non

- Thức uống có ga, đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản cần hạn chế cho trẻ dùng.

- Trà và cà phê nên tránh trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ mầm non. Bởi chúng sẽ làm giảm quá trình hấp thu sắt.

- Lưu ý đối với nước ép hoa quả, các mẹ nên cân nhắc với lượng vừa phải. Tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều lần trong ngày. Bởi trong nước hoa quả có tính axit có thể phá hủy men răng sữa còn mỏng của bé.

Tuy rằng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần cân bằng và lựa chọn đầy đủ chất nhưng không có nghĩa là bạn quá khắt khe, quản lý nghiêm ngặt chuyện ăn uống của con. Đừng ép con ăn những món không thích! Hãy từ từ tạo hứng thú trong mỗi bữa ăn để đạt hiệu quả lâu dài. Hy vọng một số chia sẻ trên giúp các bậc phụ huynh phần nào chăm sóc tốt hơn trong thời gian trẻ ở nhà.

Sáng tạo phương thức kết nối với phụ huynh

Theo kế hoạch của tỉnh Hưng Yên, học sinh lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Các khối còn lại học trực tuyến. Tỉnh Hưng Yên chưa cho trẻ mầm non đến trường. Thời gian này, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Cô giáo Đào Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GĐ&ĐT, Phòng GD&ĐT, từ đầu năm học 2021-2022, nhà trường đã chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ em. Giáo viên quay video clip kể chuyện, trò chơi… gửi phụ huynh để hướng dẫn bé tại nhà. Dù trẻ không đến trường, nhà trường vẫn chủ động xây dựng kế hoạch, giáo án học tập theo hướng ngắn gọn, súc tích.

Theo cô Huyền, thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối với phụ huynh thông qua nhóm zalo của từng lớp. Mỗi khi gửi video, giáo viên gửi vào nhóm lớp. Nếu có vướng mắc, phụ huynh có thể liên lạc với giáo viên để nhận hỗ trợ trực tiếp.

Tổ chuyên môn thống nhất nội dung các video, phân công giáo viên tuỳ thuộc vào trình độ chuyên môn, kỹ năng quay dựng. Những video sau khi hoàn thành được sử dụng chung cho các lớp, đảm bảo sự thống nhất, nhất quán trong toàn trường. Phụ huynh có thể nhắn tin trên zalo hoặc trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Trung Nghĩa có 4 lớp dành cho trẻ 5 tuổi. Là tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, chia sẻ: Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, giáo viên xây dựng video về các hoạt động giáo dục theo khung chương trình, kết hợp kỹ năng sống, kỹ năng phòng dịch gửi đến phụ huynh. Giáo viên chuẩn bị nội dung, gửi tổ trưởng chuyên môn duyệt trước khi quay. Video sau khi hoàn thành sẽ được thẩm duyệt rồi gửi về cho phụ huynh.

Một video đạt chất lượng đáp ứng các tiêu chí như ngôn từ chắt lọc, lối kể chuyện tự nhiên, thời lượng không quá 10 phút. Giáo viên tích cực kết hợp đạo cụ như sách truyện, đồ chơi… để nội dung thêm phần sinh động. Thông thường, 2 giáo viên cùng nhau hoàn thiện một video.

Cũng theo cô Minh, video tập trung những nội dung cốt lõi, chú trọng kỹ năng đọc số, làm quen mặt chữ. Đó còn là những chia sẻ dành cho phụ huynh để chuẩn bị tâm thế và hành trang cho trẻ vào lớp 1. Giáo viên chuẩn bị các trò chơi, câu chuyện làm quen với con số, chữ cái phù hợp với trẻ 5 tuổi. Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn tập tô các nét chữ để phụ huynh cho trẻ thực hiện tại nhà.

“Bố mẹ bận đi làm cả ngày nên tối mới có thời gian hỗ trợ con cái. Khi xem video, chỗ nào không hiểu, phụ huynh có thể gọi video, giáo viên hỗ trợ từng bé. Với trẻ 5 tuổi, phụ huynh thường gửi bài làm của con để giáo viên nhận xét”, cô Minh cho biết.

Tuyên truyền phụ huynh chăm sóc TRẺ TẠI nhà
Giáo viên Trường Mầm non Trung Nghĩa, Hưng Yên, quay video hướng
dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.

Sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1

Cô giáo Dương Thị Thanh Luyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, huyện Khoái Châu, bày tỏ: Giáo viên xây dựng video clip về các hoạt động giáo dục theo từng tuần, tháng; lựa chọn những đạo cụ phổ biến như đồ chơi, sách truyện… để phụ huynh có thể chuẩn bị tại nhà. Phụ huynh hướng dẫn các bé học, thực hiện yêu cầu của cô giáo và gửi lại sản phẩm của bé trong nhóm zalo để các phụ huynh cùng tham khảo.

“Việc hỗ trợ gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường được phụ huynh ủng hộ, tích cực tương tác tạo hiệu quả. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên vệ sinh trường lớp, rà soát trang thiết bị, phòng học để luôn sẵn sàng đón trẻ trở lại trường”, cô Luyến cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết tuy các cơ sở giáo dục mầm non chưa đón trẻ trực tiếp, Sở đã chỉ đạo các trường duy trì hoạt động kết nối với gia đình, trẻ em bằng kênh liên lạc phù hợp. Các trường tổ chức phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà.

“Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các trường lựa chọn nội dung cốt lõi, cần thiết, phối hợp hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1”, ông Phê cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh sống tại thành phố Hưng Yên, cho hay: Video của nhà trường ngắn gọn, dễ hiểu. Tôi chỉ mất 2-3 lần hướng dẫn là bé có thể làm theo. Gia đình tôi cũng cảm thấy an tâm phần nào khi con không thể đến trường nhưng vẫn được thầy cô quan tâm, hỗ trợ.