Văn hóa trong nghiên cứu khoa học

MỞ ĐẦU

Lịch sử khoa học đã cho thấy quá trình phát triển xoáy trôn ốc của tư duy khoa học: tổng hợp – phân tích – tổng hợp… Vì thế, sẽ là tất yếu nếu ngày nay có một bộ môn khoa học mới được hình thành trên cơ sở những bộ môn khoa học (xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, nhân học…) vốn được thoát thai từ một khoa học tổng hợp – triết học xã hội.

Ở những công trình chuyên sâu của một số chuyên ngành dân tộc học, hay văn hóa dân gian…, người ta còn thấy xu hướng thiên về miêu tả, phân tích, ưu tiên cho những cái “lạ”, cái khác biệt mà ít chú ý đến việc khái quát những tương đồng ở các xã hội người

Chính vì vậy, ngày nay – sau gần 100 năm kể từ khi văn hóa trở thành đối tượng nghiên cứu riêng biệt của nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn – nhiều nhà khoa học đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết về một lối tư duy tổng hợp để khắc phục những bất cập của từng cách tiếp cận riêng biệt trong nghiên cứu văn hóa và họ đã đề xuất về việc hình thành một bộ môn khoa học văn hóa mới mang tính tổng hợp mà đặc trưng của nó là phương pháp tiếp cận liên ngành. Các nhà khoa học đã đặt hy vọng ở một bộ môn khoa học mới, có khả năng nghiên cứu văn hóa một cách toàn diện hơn, sâu sắc và khách quan hơn

Thuật ngữ văn hóa học (culturology) dường như mới chỉ được nêu ra như một sự thăm dò của các nhà khoa học đi theo hướng trên. Thuật ngữ này xuất hiện vào năm 1898 tại đại hội các giáo viên sinh ngữ họp ở Viên, nhưng phải đến năm 1949, khi công trình The Science of Culture của L.Weiter được xuất bản, thì thuật ngữ này mới bắt đầu được phổ biến

----------------------------------------------------------------

Ở các nước phát triển, người ta còn dùng thuật ngữ trên một cách rất dè dặt.

Ví dụ ở Đức, người ta dùng cả hai thuật ngữ Kulturwissenschaft (số ít – với nội hàm tương đương với văn hóa học) và Kulturwissenschaften (số nhiều – các khoa học nghiên cứu văn hóa), ở Mỹ, ở Anh người ta thường dùng cultural studies,  ở Việt Nam có một vài nhà khoa học (Phạm Đức Dương, Đoàn Văn Chúc, Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng…) đã sử dụng thuật ngữ văn hóa học.

----------------------------------------------------------------

Có hay chưa? Có thể có hay không một văn hóa học như thế?

Trả lời những vấn đề này, có những ý kiến rất khác nhau thậm chí đối lập nhau

Racliffe-Brown  không thừa nhận một khoa học chung về văn hóa: Ông cho rằng văn hóa là một khái niệm trừu tượng bởi giá trị và chuẩn mực của một xã hội là không thể quan sát được ; Hoặc nhiều nhà nghiên cứu theo quan điểm phản thực chứng luận (anti-positivism) thì lại cho rằng: văn hóa của nhân loại là không đồng nhất và vô cùng đa dạng, giữa chúng không có những quy luật chung, vì thế, văn hóa không thể được nghiên cứu theo thực chứng luận (positivism) (tức không thừa nhận một khoa học chung về văn hóa) mà phải được hiểu (Verstehen – thuật ngữ tiếng Đức mà M. Weber đã đề xuất) và được diễn giải…

Có ý kiến ngược lại, cho rằng, thực ra, trước khi xuất hiện thuật ngữ culturology (văn hóa học) đã có nhiều nhà khoa học, cùng nhiều công trình cụ thể đã thực hiện việc nghiên cứu văn hóa theo quan điểm và phương pháp liên ngành (interdiciplin). Nói cách khác, những người này cho rằng: Văn hóa là một tồn tại khách quan, dù các hình thái của nó rất đa dạng nhưng người ta vẫn có thể trắc đạc nó một cách khoa học và có thể so sánh các biểu thị văn hóa để tìm ra những nét tương đồng, những quy luật chung trên cơ sở tính thống nhất tinh thần của nhân loại. Họ cho rằng, đã có đủ cơ sở để xây dựng một bộ môn khoa học văn hóa mới này – Văn hóa học

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

I. LỊCH SỬ KHÁI NIỆM VĂN HOÁ

1.1. Mọi khái niệm đều ra đời sau thực tiễn

- Văn hóa cũng như các hoạt động tự nhiên và xã hội khác, có trước khi có sự nghiên cứu về nó, nghĩa là: người ta cứ sống theo một văn hóa nào đó, cứ không ngừng sáng tạo văn hóa nhưng chưa có ý thức về nó.

- Sự phát riển của ngôn ngữ và ý thức - > năng lực khái quát hoá, trừu tượng hoá

Trước khái niệm Văn hoá có rất nhiều khái niệm cụ thể hơn: nhảy múa, nghi lễ, huyền thoại, phong tục, ...phong hoá --> văn hoá

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1.2. Văn hoá như là đối tượng nghiên cứu riêng biệt của các ngành KHXH&NV

Mãi đến năm 1871, bằng công trình Văn hóa nguyên thủy (Primitive culture)  B. E. Tylor đã đánh một dấu son vào lịch sử khoa học: Văn hóa lần đầu tiên trở thành đối tượng nghiên cứu riêng biệt

Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản châu Âu đã bắt đầu có những bước phát triển nhảy vọt, (công nghiệp hóa, năng suất lao động cao, xâm lấn thuộc địa và mở rộng thị trường…) chính sự phát triển ấy đã kéo theo những xáo động, bất ổn trong đời sống văn hóa – xã hội đương thời của những nước công nghiệp châu Âu (suy thoái đạo đức, khủng hoảng niềm tin, hệ giá trị cổ truyền bị tan rã…)

Mặt khác, sự phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp đem lại những đột biến trong văn hóa: Xã hội đã xuất hiện những dạng vẻ, hình thức văn hóa mới chưa hề có trong lịch sử văn hóa các quốc gia, các dân tộc: Một văn hóa mới – mang tính công nghiệp, tính hàng loạt – bùng nổ, đã xóa dần đi những dấu vết của điều kiện tự nhiên, cũng xóa dần những nét độc đáo của truyền thống và bản sắc tộc người.

Điều này tác động trực tiếp tới suy nghĩ của một số nhà khoa học. Họ cho rằng, cần phải nghiên cứu văn hóa – xã hội một cách khoa học để phục vụ cho sự ổn định xã hội và duy trì truyền thống văn hóa, để tránh nguy cơ các dân tộc, các quốc gia phải cùng khoác một bộ đồng phục văn hóa.

Cũng khoảng thời gian này, các tư liệu rất phong phú của những nhà truyền giáo, những nhà cai trị thực dân ở các thuộc địa đã trở thành cứ liệu khoa học, thành nguồn kích thích các nhà khoa học đi vào khám phá các kiểu thức sinh tồn của các xã hội man dã hay sơ khai. Nhờ khối tư liệu dân tộc học đồ sộ từ khắp các miền trên lục địa, người ta đã hình dung được bước đi đầu tiên của loài người và có thể so sánh được văn hóa của xã hội sơ khai với văn hóa của xã hội đương đại. Điều đó giúp người ta hình dung được hình thù và bước đi ban đầu cũng như tiến trình phát triển của văn hóa.

-----------------------------------------------------------------------------

Giới thiệu về E. B. Tylor (1832-1917)

Và định nghĩa văn hóa của ông:

Văn hóa – theo Tylor là: “Một toàn thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, luật pháp, phong tục và tất thẩy những năng lực khác và những tập quán khác mà con người hoạch đắc với tư cách là thành viên của xã hội". Có thể coi đây là định nghĩa khoa học đầu tiên về văn hóa. Tất cả những nhà nghiên cứu văn hóa sau này đều không thể bỏ qua định nghĩa trên, bởi nó như là điểm xuất phát: Căn cứ vào đó mà người ta có thể tán thành hay không tán thành, thêm hay bớt… để khái niệm văn hóa phù hợp với thực tiễn văn hóa của xã hội mà mình đang nghiên cứu.

----------------------------------------------------------------------------------------

Từ đó văn hóa trở thành đối tượng mới mẻ và riêng biệt của nhiều khoa học xã hội và nhân văn.

Có thể nói rằng, dân tộc chí đã trở thành cơ sở khoa học cho rất nhiều môn khoa học mới ra đời và phát triển. Người có công đầu trong việc khai thác kho tư liệu phong phú về văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới để từ đó tổng hợp, khái quát hóa thành quy luật tiến hóa văn hóa của nhân loại là B. E. Tylor. Lịch sử của khoa học văn hóa sẽ không bao giờ quên những đóng góp có tính khai phá của ông: Khái niệm văn hóa, tiến hóa luận đơn tuyến, đặc biệt là thuyết hồn linh của ông đã và vẫn đang là những công cụ khoa học đối với những nhà khoa học văn hóa đương đại

B. E. Tylor trở lại với các dân tộc sơ khai không phải vì một mục đích nghiên cứu thuần túy, mà nói như Lévi-Strauss, thì mục đích của Tylor là: “Mở rộng một kinh nghiệm riêng biệt đến kích thước một kinh nghiệm chung hoặc chung hơn, và do đó mà kinh nghiệm ấy trở thành kinh nghiệm khả tiếp cận đối với những người của một xứ sở khác hay một thời đại khác…”

------------------------------------------------------------------------------------------------------- 

1.3. Lịch sử khái niệm văn hoá

Tính từ khái niệm của E. Tylor

Trước Tylor là những khái niệm mang tính triết học nhằm nhấn mạnh đến " bản chất người" như "văn hoá là cái Nguỵ", "Văn hoá là thiên nhiên thứ hai"...

Định nghĩa văn hóa theo xã hội học:

Văn hóa nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó là phương thương thức sống chung của con người trong một xã hội nào đó.

Cuốn Xã hội học của J. Fichter, có thể coi là một ví dụ: ông quan niệm văn hóa là hình thái toàn diện của hệ thống thể chế (chính trị, kinh tế, gia đình, giáo dục, tín tưởng và giải trí) mà con người có cùng chung trong xã hội.

Những định nghĩa theo nhân học/ dân tộc học

Thừa hưởng những thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối trên, nhân học văn hóa và xã hội học văn hóa đã rất phát triển, chúng trở thành những mũi nhọn trong công cuộc nghiên cứu văn hóa của nhân loại. Hai bộ môn nghiên cứu văn hóa này, trong quá trình phát triển của mình, đã tích hợp được nhiều quan điểm và phương pháp nghiên cứu của những chuyên ngành khoa học khác. Có thể nói, nhân học văn hóa và xã hội học văn hóa, tự nó đã bao hàm ý nghĩa của những bộ môn khoa học liên ngành

Giới thiệu nhà nhân học Bronislaw Malinowski(1884 - 1942 ) và định nghĩa của ông “Văn hóa bao gồm các quá trình kế thừa về kỹ thuật, tư tưởng, tập quán và giá trị”

--------------------------------------------------------------------------------------

Nhấn mạnh quan điểm nhân học của malinowski:

“mục tiêu cuối cùng của các nhà dân tộc học - nhân học là “nắm bắt cách nhìn nhận của người bản địa, mối quan hệ của họ với đời sống, hiểu được sự nhìn nhận của họ về thế giới của họ”

Lưu ý, trước Malinowski:

Cách tiếp cận nhân học truyền thống không mang tính tham dự:

- arm- chair anthropologist

(Nhà nhân học ghế bành)

- Rocking- chair anthropologist

 (Nhà nhân học ngồi ghế xích đu)

 -------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Giới thiệu nhà nhân học Margaret Mead (1901-1978 ) và định nghĩa của bà:

"Chúng tôi hiểu văn hóa là toàn thể những hình thức ứng xử mà một nhóm cá nhân được hợp nhất bởi một truyền thống chung, truyền lại cho con cháu họ. (...) Như vậy, từ ấy không những chỉ định các truyền thống nghệ thuật, khoa học, tôn giáo và triết học của một xã hội, mà còn chỉ định cả các kỹ thuật riêng biệt, các phong tục chính trị và hàng ngàn cách sống đặc định đời sống hàng ngày của xã hội ấy: các cách thức nấu nướng và ăn uống, cách ru con trẻ ngủ, phương thức chỉ định chủ tịch hội đồng, thủ tục kiểm ra hiến pháp.."

------------------------------------------------------------------------------------------

Như thế, cách định nghĩa theo quan điểm dân tộc học đã cụ thể hóa được những hình thái chính của văn hóa, tạo điều kiện cho việc thu thập tài liệu, mô tả đối tượng. Tuy nhiên, cách định nghĩa này có một số hạn chế sau:

- Trong một định nghĩa giới hạn, việc liệt kê tất cả các hình thái của văn hóa - vốn rất đa dạng - là điều không thể.

- Không có đường biên rõ ràng để phân biệt cái văn hóa và cái xã hội.

-------------------------------------------------------------------------------------------

Giới thiệu nhà nhân học Leslie White (1900- 1975) và định nghĩa của ông

Phát triển quan điểm triết học coi văn hóa là tiêu chí để phân biệt giữa người và động vật, kế thừa những quan điểm dân tộc học, nhân học về văn hóa, Leslie White đã phân tích sự phát triển từ hành vi động vật đến hành vi người và đã đưa ra một quan điểm mới: Động vật, chỉ đến khi biết sử dụng biểu trưng, mới trở thành con người. ông diễn tả trạng thái ấy của quá trình tiến hóa từ động vật lên con người bằng thuật ngữ homo-symbolling

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Mở rông thêm cho sinh viên rõ về khái niệm biểu tượng

Biểu tượng?
Cái gì đó (thing) àÝ nghĩa (Meaning)à Cái khác

Không- biểu tương

Biểu tượng

- Trật tự tự nhiên (chó- mèo, vịt con) (không qua trung gian, không qua học tập)

- phản xạ có điều kiện

(Pavlop)

- Không sáng tạo và chia sẻ được cho đồng loại

- Được học tập

- Nhận thức thông qua trải nghiệm/ cảm tính

- Không phải là quan hệ nhân quả mà là trải nghiệm

-  Chia sẻ và di truyền xã hội được

 -------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Xuất phát từ đặc trưng cơ bản ấy của con người, L.White đã định nghĩa văn hóa như sau: "Văn hóa là cơ chế của các hiện tượng, sự vật, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu trưng hoặc phụ thuộc vào biểu trưng đó"

Một định nghĩa khác, phát triển được những ý tưởng của L.White là định nghĩa của từ điển danh mục tiêu đề về phát triển văn hóa do UNESCO đưa ra: “Văn hóa là một tập hợp các hệ thống biểu trưng qui định thế ứng xử của con người và làm số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt"

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Một vài định nghĩa ở VN

Đoàn Văn Chúc:
"Văn hóa chỉ định toàn thể những sản phẩm mang tính biểu tượng do một xã hội sản xuất“

BQT: “Văn hóa của một xã hội là hệ thống các hình thái biểu thị giá trị của xã hội ấy”

Như vậy, cách quan niệm này vừa bao hàm được tính đa dạng, "vô sở bất tại" của văn hóa (nó có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội), vừa thể hiện được văn hóa là một hiện tượng xã hội tổng thể, vừa khu biệt được văn hóa với những cái xung quanh,

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

 Tuy nhiên, người ta vẫn thấy có một sự "khập khiễng" nào đó trong tư duy phân loại, điều mà J. H. Fichter đã rất băn khoăn. ông viết:

   “Một định nghĩa hợp lý chỉ có thể xếp những đồ vật giống nhau vào cùng một loại. Nếu những khuôn mẫu tác phong là những thành phần nòng cốt của văn hóa và nếu những khuôn mẫu đó được phối hợp thành vai trò, tương quan và định chế thì đem xếp những thứ như túc cầu, tủ lạnh, sách cầu kinh và phi cơ vào cùng một loại với nhau tất sẽ là một điều không hợp lý”

---------------------------------------------------------------------------------------------

Văn hóa:

Văn hóa trong nghiên cứu khoa học

------------------------------------------------------------------------------------------------

Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể
 (tangible and intangible culture)

Văn hóa vật thể là những hình thái biểu trưng, tồn tại ổn định trong không gian, và thường trực theo thời gian, (có nghĩa là cái văn hóa sau khi được sáng tạo ra tồn tại ổn định cùng với thời gian và khách quan đối với chủ thể đã sáng tạo ra nó). Văn hóa phi vật thể thì tiềm ẩn trong trí nhớ của con người, chỉ khi nó được khách thể hóa (thông qua các hoạt động của con người xã hội, trong một khoảng thời gian nhất định) thì người ta mới nhận biết được các hình thái biểu trưng của nó.

Văn hóa trong nghiên cứu khoa học

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

TỐM LẠI

 Có nhiều cách định nghĩa, tuỳ vào mục đích, cách tiếp cận của các quan điểm nghiên cứu:

- Miêu tả (E. Tylor, M. Mead)

- chức năng (L. White, các nhà nhân học biểu tượng)

- cấu trúc (unesco, J, Fichter, BQT)

- Ý niệm (Triết, )

 Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng coi biểu tượng là nền tảng của khái niệm văn hoá chiếm ưu thế.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

II. LỊCH SỬ VĂN HOÁ- NHỮNG KHÍA CẠNH PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Vấn đề đặt ra là: Nếu phải viết một cuốn sách/ hay một giáo trình đại học về sử văn hóa Việt Nam thì liệu chúng ta có thể làm được không và phải viết theo cách nào?

Sẽ gặp 3 khó khăn sau:

-        Muốn viết được sử văn hóa Việt Nam thì trước hết phải thống nhất được một quan niệm về văn hóa để làm hệ quy chiếu.

-- Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, vậy lịch sử văn hóa Việt Nam là lịch sử văn hóa của ai?

-- Khác với lịch sử của từng loại hình nghệ thuật, lịch sử văn hóa không phải chỉ là đồ thị nối liền những tác phẩm đỉnh cao được mỗi thời đại ghi nhận. Bởi, trong văn hóa, chính cái đời thường chứ không phải là cái đỉnh cao là yếu tố nền tảng.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

2.1.Quan niệm văn hóa trong sử văn hóa?

- Hướng thứ nhất, tương đối phổ biến ở Việt Nam, là giới thiệu sử văn hóa như là một bộ phận của thông sử. Nghĩa là, mỗi một thời kỳ lịch sử, mỗi một triều đại trình ra cái gì là biểu thị cho những thành tựu nghệ thuật (mà cũng chủ yếu là mỹ thuật - qua những di chỉ khảo cổ học hay hiện vật văn hóa).

- Hướng thứ hai là những tác phẩm mà trong đó lịch sử văn hóa được hiểu như là một hay những lịch sử riêng lẻ của các hình thái khác nhau của văn hóa như lịch sử tư tưởng, lịch sử tôn giáo, lịch sử phong tục…

- Hướng thứ ba là những tác phẩm mà diễn trình văn hóa được quy nạp về những biến đổi tâm cách (mentality). Theo hướng này chủ yếu là các học giả phương Tây. Ở ta chưa phát triển trường phái này

-----------------------------------------------------------------------

Mở rộng:

tuy nhiên, cũng có thể xếp ý tưởng của nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân vào hướng này. Theo ông, lịch sử nghệ thuật chính là lịch sử của các mô hình thẩm mỹ - cái ông gọi là: "Mẫu số chung của ứng xử tạo hình, được gói ghém và bộc lộ ở dạng biểu trưng; là cái nhìn thế giới của cả một thời đại, một dân tộc, một trường phái, thậm chí một tác giả nghệ thuật được xây dựng trên toàn cục dữ kiện của đời sống vật chất và tinh thần"

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Theo tôi, không cần phải bàn cãi nhiều đến hướng thứ nhất, bởi nó không phải là sử văn hóa chuyên ngành và không đủ sức để dựng lại diện mạo của văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử (chắp vá, phiến diện và thiếu logic ).

 Hướng viết sử văn hóa thứ hai tuy phổ biến và thuận tiện hơn nhưng nó lại thích hợp với những chuyên khảo (monography), tức thích hợp với nghiên cứu hơn là giảng dạy. Nếu theo hướng này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có một bộ sử đầy đủ về văn hóa Việt Nam?

 Vì thế, tôi thiên về hướng tìm hiểu rõ hơn những điểm mạnh/ yếu của xu hướng thứ ba, tức lịch sử văn hóa được biểu thị và diễn giải bằng những biến đổi của mentality như thế nào?

------------------------------------------------------------------------------------------------

MỞ RỘNG

Mentality là một thuật ngữ của xã hội học, về nội hàm nó tương đương với khái niệm social character (tính cách xã hội) của tâm lý học. Trên cơ sở quan niệm: xã hội chính là những tập hợp người có tinh thần, tâm lý tương tự,

 E. Durkheim - một nhà xã hội học tiền bối - đã đề ra một khái niệm rất nổi tiếng là "ý thức tập thể": ở khái niệm này, ông muốn nhấn mạnh đến sự tồn tại khách quan của một văn hóa - với tư cách là những biểu thị chung nhất mà mỗi một thành viên trong xã hội nhất định đều có.

 Để đo cái "tồn tại khách quan" ấy của một văn hóa, các nhà tâm lý học như E. Fromm đưa ra khái niệm "tính cách xã hội" (social character). Tính cách xã hội - theo E. Fromm: "Là cái trong cấu trúc của tính cách, là hạt nhân chung cho đa số cá nhân tham gia cùng một văn hóa, đối lập với tính cách cá nhân, là cái khiến cho những người tham gia cùng một văn hóa khác biệt người này với người nọ"

 Các nhà xã hội học thì lại diễn tả "cái chung" ấy bằng một khái niệm khác là "tâm cách" (mentality). G. Bouthoul trình bày về khái niệm này như sau: "Nếu tiến hành bằng cách loại trừ, chúng ta thấy đằng sau những khác nhau và những sắc thái cá nhân, có một thặng dư tâm lý ổn định tối giản hành vi phán định, hành vi nhận thức và hành vi tín tưởng, mà tất thảy các cá nhân của cùng một xã hội gia nhập thực chất vào chúng. Cái toàn bộ ấy cấu thành cấu trúc tinh thần đặc thù của mỗi văn minh".

 Tâm cách là một toàn bộ tư tưởng và thiết bị trí tuệ được tích hợp vào cùng một cá nhân, chúng được gắn liền với nhau bởi những quan hệ lôgic và những quan hệ tín tưởng.

 G. Bouthoul phân biệt trong tâm cách ba khuôn khổ chính:

1/ một quan niệm về vũ trụ, bao gồm những kiến giải và những tư tưởng diễn đạt sự lĩnh hội và sự diễn giải của mỗi xã hội về vũ trụ (huyền thoại, các học thuyết tôn giáo và triết học, các lý thuyết khoa học...).

2/ một kỹ thuật, tức là những tri thức và những tín tưởng của chúng ta về các thủ đoạn tác dụng đến vật chất. Có thể xếp vào khuôn khổ này ngay cả những kỹ thuật ảo tưởng, như ma thuật.

 3/ một luân lý gồm những nguyên tắc điều khiển quan hệ của chúng ta với những người khác, hay với những thế lực cao đẳng được quan niệm theo cách nhân học hình thái hoặc xã hội học hình thái. Các nghi thức xã hội, các qui tắc của luật pháp, của lễ phép, các quan niệm và các ứng xử liên quan đến đẳng thức đều là bộ phận cấu thành giá trị.

Như vậy, từ đây, người ta có thể xem xét các đặc điểm của một nền văn hóa (tương ứng với một phương thức sản xuất nhất định) thông qua những biểu thị cụ thể của tâm cách - những biểu thị cụ thể của ba khuôn khổ trên: thế giới quan, nhân sinh quan, kỹ thuật công nghệ. Nói cách khác, nếu đo được ba khuôn khổ trên, thì chúng ta sẽ thấy được những giá trị căn bản của một xã hội xác định (trong một thời điểm lịch sử nhất định, một không gian xã hội xác định), và có thể dự đoán được sự nẩy sinh của những giá trị xã hội mới.

Rõ ràng là, mỗi một thời kỳ lịch sử nhất định (tương ứng với một trình độ sản xuất nhất định, một hình thái kinh tế xã hội nhất định), những biểu thị cụ thể của cách tinh thần là khác nhau. Ở phương diện xã hội học vĩ mô, người ta thấy rất rõ sự khác biệt đó. Điều này có thể lấy ví dụ ở lý thuyết ba trạng thái của A. Comte. (Ông chia xã hội học thành xhh tĩnh và xhh động, trong xhh động ông cho rằng động lực cho sự phát triển xã hội là tư duy, theo đó, lịch sử được ông chia thành 3 giai đoạn: 1) giai đoạn thần học, là sự thống trị của tôn giáo 2) giai đoạn siêu hình học là sự thống trị của tư duy lý luận và 3) giai đoạn 3) thực chứng, là thời kỳ các khoa học sẽ thay thế các thầy tu và các nhà quân sự để quản lý xã hội)

------------------------------------------------------------------------------

Tuy nhiên, sử dụng cách tiếp cận này để nghiên cứu một nền văn hóa cụ thể, thậm chí một hiện tượng văn hóa cụ thể không phải là một công việc đơn giản: các nhà nghiên cứu cần phải cụ thể hóa các đặc điểm của tâm cách bằng những chỉ báo cụ thể và khái quát hóa những đặc điểm ấy để giải thích những qui luật tâm lý xã hội ở một nền văn hóa hay một hiện tượng văn hóa.

Như vậy, dù là tâm cách hay tính cách tập thể thì nội hàm của khái niệm này đều chỉ rõ quá trình phản ánh những điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội khách quan vào những con người cụ thể trong những thời kỳ lịch sử cụ thể. Thực ra, những thuật ngữ trên về căn bản phù hợp và cụ thể hoá được quan điểm duy vật lịch sử macxit: Những biến đổi căn bản của mentality chỉ có thể xẩy ra nếu có những cuộc cách mạng xã hội. Nói cách khác, chỉ khi có sự biến đổi của phương thức sản xuất (sự thay thế của phương thức sản xuất tiến bộ hơn) thì tâm cách mới có biến đổi, tức văn hóa mới biến đổi.

Nếu theo quan điểm này thì sử văn hóa không đồng nhất với sử biên niên (thường lấy tiêu chí của phân kỳ khảo cổ học hay những thay đổi chính trị giữa các triều đại), nghĩa là: Không phải lúc nào, ở đâu văn hóa cũng biến đổi theo những biến đổi chính trị.

------------------------------------------------------------------------

2.2.         Lịch sử văn hóa của ai?

Việt Nam là quốc gia đa tộc người - thống nhất và tộc người chủ thể là người Việt (người Kinh). Tuy nhiên, về mặt chính trị cũng như về mặt khoa học, không thể coi lịch sử văn hóa của người Việt là lịch sử văn hóa Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là: Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, người Việt và các tộc người cùng chung sống trên đất Việt Nam có giao lưu và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng sự thay đổi về chính trị - kinh tế - xã hội và tương ứng với nó là sự biến đổi văn hóa của người Việt không giống và không cùng "tốc độ" như các tộc người thiểu số khác.

Vậy, trình bày mối tương quan này như thế nào? Nếu trình bày theo cách lấy những dữ liệu sử của các triều đại phong kiến Việt Nam làm nền móng để diễn giải văn hóa của các tộc người khác thì sẽ rơi vào quan điểm "thực dân văn hóa" (bởi thực chất các triều đại phong kiến ở Việt Nam là của người Việt).

Thêm nữa, trong lịch sử văn hóa thì vấn đề bản sắc văn hóa tộc người được giải quyết thế nào? Về mặt thống nhất chính trị có thể thừa nhận một thứ quốc ngữ (tiếng Việt), nhưng về mặt văn hóa khó có thể bàn về một thứ bản sắc văn hóa chung cho cả các tộc người ở Việt Nam mà ta vẫn quen gọi trên ngôn ngữ thông dụng là "bản sắc văn hóa Việt Nam".

 Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cách tốt nhất để chúng ta giải quyết vấn đề này là một bộ sử văn hóa Việt Nam, trong đó có bộ sử văn hóa người Việt, và những bộ sử về văn hóa của các tộc người anh em trong lãnh thổ Việt Nam (Có thể chia thành những nhóm tộc người có quá trình lịch sử và văn hóa tương đồng).

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2.3. Mối quan hệ giữa cái đời thường và cái đỉnh cao trong sử văn hóa?


Đối với lịch sử nghệ thuật, dường như đại đa số các nhà nghiên cứu đều dễ dàng tán đồng quan điểm của nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân: "Lịch sử nghệ thuật không thuộc đám đông mà là đường nối giữa các đỉnh cao, bước ngoặt, sự kiện với cái ý nghĩa chúng là yếu điểm của không - thời gian. Lịch sử có quyền không biết tới một vạn hoạ sỹ lập thể trên thế giới để chỉ nhớ có năm 1907, có bức tranh Những cô gái quận Avignon và có cái tên Picasso như những cột mốc trên đường dài"

 --------------------------------------------------------------------

Tuy nhiên, đối với lịch sử văn hóa, vấn đề không đơn giản như vậy. Trong một xã hội - xét một cách tổng thể - không có thứ văn hóa cao đối lập với thứ văn hóa thấp. Trên phương diện xã hội học, sự khác biệt trong một thể thống nhất của các giai tầng xã hội tạo nên những khác biệt của văn hóa nhóm. Những văn hóa nhóm này không vận hành kiểu tự do mà là thích nghi với văn hóa chính thống.

Mối quan hệ giữa văn hóa chính thống và văn hóa các nhóm xã hội là:

  -       Văn hóa chính thống là chủ đạo, nhưng không vì thế mà triệt tiêu các văn hóa nhóm.

  -       Văn hóa nhóm về thực chất là sự vận hành của văn hóa chính thống trong các tầng xã hội, nhưng chúng có tính độc lập tương đối.

 Trong một xã hội, chính sự khác biệt chứ không phải sự đồng nhất văn hóa giữa các nhóm (kể cả sự khác biệt giữa văn hóa chính thống của giai cấp thống trị với văn hóa của giai cấp bị trị) tạo nên sự ổn định, thăng bằng của xã hội ấy. Ngược lại sẽ gây ra những rối loạn xã hội. Ví dụ: Quan phải có văn hóa của tầng lớp trên (xưa gọi là văn hóa quý tộc), nếu quan mà lại suy nghĩ và thực hành theo cách của loại người "dưới đáy" thì xã hội tất loạn

 Vì thế, viết lịch sử văn hóa của một xã hội không thể chỉ viết về những đặc trưng của văn hóa chính thống (mặc dù nó chiếm vị trí ưu thắng). Nhất là ngày nay, giới học thuật trên thế giới đang nghiêng về những quan điểm tân - lịch sử (một quan điểm không nghiêng vào cách nhìn nhận thực chứng  - tổng thể)

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

III. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ

3.1. Qua những hướng nghiên cứu trên thế giới)

a. Văn hóa trong quá trình tiến hóa của nhân loại

Rất nhiều nhà nhân học nổi tiếng đã tập trung công sức để nghiên cứu sự tiến hóa của văn hóa. Đi đầu trong hướng nghiên cứu này là Herbert Spencer, L. H. Morgan và đặc biệt là B. E. Tylor với tác phẩm nổi tiếng “Văn hóa nguyên thủy”.

iến hóa luận của các hình thái tín ngưỡng – tôn giáo: Hồn linh – bái vật giáo – thiên nhiên giáo – đa thần giáo – nhất thần

Tuy nhiên, đây là tiến hóa luận đơn tuyến, vì thế nó sẽ dẫn đến những quan điểm cứng nhắc khi xem xét các nền văn hóa khác nhau: cho rằng, sự khác nhau về văn hóa ở các nơi chẳng qua là sự “chậm trễ” về thời gian mà thôi, chứ thực chất thì (nhanh hay chậm) đều phải đi qua những đoạn đường tiến hóa như nhau

 Sau này, nhiều nhà nghiên cứu đã phản bác lại lý thuyết trên bằng những cứ liệu dân tộc học và đi theo một hướng nghiên cứu khác (gọi chung là phản tiến hóa luận): Chứng minh sự bình đẳng của các nền văn hóa và cho rằng, các khái niệm cao, thấp, dã man, văn minh… là vô giá trị trong các nghiên cứu so sánh văn hóa. Đại diện khuynh hướng này là F. Boas và L. Strauss.

 Hiện nay, nhiều nhà nhân học hiện đại vẫn kiên trì đường lối tiến hóa luận của Tylor. Những người này hoặc nêu ra những quan điểm mới về tiến hóa văn hóa (ví dụ quan điểm tiến hóa luận đa tuyến của J. Steward) hoặc khẳng định tiến hóa luận đơn tuyến bằng những cứ liệu dân tộc học mới, đầy đủ và xác đáng hơn thời kỳ của Tylor. Có thể kể ra ở đây những tên tuổi như M. Harris, đặc biệt là Leslie White (1900 – 1975). White không đưa ra thuyết tiến hóa nhiều chiều, ngược lại, ông bổ sung và khẳng định tính hợp lý của tiến hóa luận đơn tuyến thế kỷ 19. Cũng như các nhà tiến hóa luận đơn tuyến, ông nhìn nhận sự tiến hóa ở sự phát triển từ đơn giản tới phức tạp, và tiến hóa văn hóa được biểu thị ở ba lĩnh vực: kỹ thuật, xã hội và hệ tư tưởng, trong đó kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhất (những thay đổi trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến các thiết chế xã hội và hệ thống giá trị).

--------------------------------------------------------------------------

b. Văn hóa trong mối quan hệ với lịch sử

Về vấn đề này, chúng ta phải kể đến Franz Boas (1858 – 1942), cha đẻ ngành nhân học Mỹ. Căn cứ vào những luận điểm căn bản của ông, sau này người ta đặt tên cho trường phái của ông là “Chủ nghĩa đặc thù lịch sử” (historical particularism). Tuy ủng hộ thuyết tiến hóa sinh học, nhưng Boas phản đối lý thuyết tiến hóa tổng quát về văn hóa.

Trong cuốn “Giới hạn của phương pháp so sánh trong nhân học”, ông đã chứng minh được: các nền văn hóa có nhiều nét tương tự nhau là do nhiều lý do, trong đó bao gồm cả sự truyền bá và thương mại, đặc biệt là tính quyết định của hoàn cảnh lịch sử. Ông cho rằng, các môi trường tương ứng hay những biến cố lịch sử đã tạo ra những nét văn hóa tương tự nhau, độc lập với những quá trình tiến hóa chung khác. Do đó sự tồn tại những nét chung như vậy không thể được sử dụng như là những bằng chứng cho những giai đoạn tiến hóa văn hóa chung.

Theo Boas, khi giải thích các hiện tượng văn hóa tộc người (như một tập tục nào đó), người ta cần phải xem xét chúng ở ba phương diện: Điều kiện môi trường, những yếu tố tâm lý và những liên kết lịch sử, trong đó lịch sử là quan trọng nhất. Từ đó, ông cho rằng, cách giải thích tốt nhất đối với các hiện tượng văn hóa là đặt chúng vào sự phát triển lịch sử của các xã hội trong đó chúng diễn ra

Tuy nhiên, ông đã cực đoan khi cho rằng, mỗi một văn hóa của một xã hội là kết quả của những điều kiện môi trường và lịch sử của xã hội đó và người ta chỉ có thể hiểu được văn hóa ấy trong bối cảnh ấy. Nói cách khác, ông không thừa nhận một lý thuyết văn hóa tổng quát

Một quan điểm khác về mối quan hệ giữa văn hóa và lịch sử là của C. L. Strauss. Cũng theo chủ nghĩa tương đối văn hóa, nhưng L. Strauss lại có quan điểm về văn hóa và lịch sử khác với Boas. Theo ông, những hiện tượng văn hóa, các nền văn hóa không đồng nhất, nhưng chúng có những khuôn mẫu nền tảng chung – có tính cách xuyên lịch sử. Lý thuyết nhân học của ông – chủ nghĩa cấu trúc – tập trung vào việc khám phá những khuôn mẫu đó.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

c. Văn hóa trong mối quan hệ với xã hội

Chúng ta đều biết rằng, cho đến đầu thế kỷ 20, người ta còn ít để ý đến sự khác biệt giữa xã hội học và nhân học. Thời ấy, những kiến thức, những lý thuyết của hai ngành khoa học này tràn vượt vào nhau đến mức khó tách biệt. Vì thế, trong nghiên cứu nhân học thời ấy, những tư tưởng của các nhà sáng lập xã hội học Pháp, đặc biệt là của Durkheim, chiếm vị trí ưu thắng. Durkheim cho rằng, xã hội nào cũng vậy, tồn tại một thực thể - mà ông gọi là “ý thức tập thể” – quyết định hệ thống giá trị, những niềm tin của các thành viên và những hành vi của họ

Mặc dầu coi “ý thức tập thể” là một thực thể mang tính cách tâm lý, nhưng Durkheim không giải thích nó bằng hành vi, tâm lý cá nhân. Theo ông, đơn vị chính xác của sự phân tích này là những sự kiện xã hội: Những luật lệ xã hội và những luật lệ hành vi tồn tại trước khi cá nhân sinh ra, gia nhập vào xã hội, cá nhân phải học hỏi và tuân thủ chúng

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

d. Văn hóa trong mối quan hệ với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Đầu thế kỷ 20, nhân học chịu ảnh hưởng mạnh bởi trào lưu phân tâm học mà đại biểu là S. Freud. Từ đó, một hướng nghiên cứu mới trong nhân học được triển khai: nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và nhân cách. Ở hướng này, có thể kể đến hai nhà nhân học lớn người Mỹ M. Mead[16] (1901 – 1978) và A. Kardiner (1891 – 1981).

Ảnh hưởng rõ nét nhất của Freud đối với Mead được thể hiện ở tác phẩm “Những đặc điểm của người Balin”, trong đó bà và đồng tác giả (chồng bà) đã chứng minh được, những kỹ thuật nuôi dưỡng trẻ em đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách người Balin như thế nào

Kardiner là một nhà phân tâm học, nhưng ông đã cộng tác chặt chẽ với những nhà nhân học tài năng như Du Bois, Sapir [sđd, tr. 58] để phát triển quan điểm của Freud trong hướng nghiên cứu này. Dựa vào luận điểm trong cuốn “Tương lai của một ảo tưởng” của Freud, cho rằng, những kinh nghiệm ban đầu của đứa trẻ quyết định niềm tin tôn giáo của chúng sau này, Kardiner xây dựng một lý thuyết về cơ chế tác động qua lại giữa văn hóa và nhân cách

Kể từ khi những cách thức nuôi dạy trẻ như kỷ luật, cai sữa và giáo dục vệ sinh (mà Kardiner gọi là “những thiết chế ban đầu”) đã được chuẩn mực hóa tổng quát trong một xã hội, tất cả những thành viên của xã hội đó phải chấp nhận những ảnh hưởng cơ bản như vậy lên sự phát triển nhân cách của họ. Kết quả là, những thiết chế ban đầu của xã hội sẽ dẫn đến sự hình thành cấu trúc nhân cách cơ bản của nó. Nhân cách, ngược lại, ảnh hưởng đến văn hóa thông qua việc tạo ra thiết chế thứ hai. Đó là những thiết chế văn hóa như tôn giáo, được tạo ra nhằm thỏa mãn những yêu cầu của nhân cách thông qua cơ chế phóng chiếu tâm lý học

---------------------------------------------------------------------

e. Văn hóa trong quan hệ với môi trường (môi trường địa lý nhân văn, môi trường sinh thái)

Về vấn đề này, trước hết cần phải kể đến trường phái nhân học – địa văn hóa do những người Đức chủ xướng, mà đại biểu là E. Rassen và L. Frobenius và F. Grebner

 Rassen phủ nhận sự phát triển thống nhất của văn hóa loài người và văn hóa chịu sự quy định của những điều kiện, hoàn cảnh địa lý. Theo ông, ít có khả năng các dân tộc khác nhau lại sản sinh ra các hiện tượng văn hóa giống nhau, nếu có sự giống nhau thì đó là kết quả của sự vay mượn. Frobenius với những kết quả điền dã ở châu Phi, đã củng cố và phát triển thêm luận điểm trên

Đầu thế kỷ 20, trên cơ sở học thuyết vay mượn ấy, Grebner đã nêu lên thuyết vòng văn hóa. Quan điểm căn bản của thuyết này là: Mỗi hiện tượng văn hóa chỉ phát sinh một lần ở một trung tâm, còn nếu thấy nó ở các vùng khác thì là do nó được truyền bá đến từ một trung tâm đầu tiên. Vì thế, nhiệm vụ của dân tộc học là nghiên cứu sự phân bố địa lý của các hiện tượng văn hóa và tìm “vòng văn hóa”

Trong nhân học hiện đại, F. Boas là người có ảnh hưởng mạnh nhất đến những nhà nhân học sinh thái, trong đó có Kroeber, người học trò xuất sắc của ông. Vẫn tuân thủ quan điểm của Boas, Kroeber luôn nghiên cứu văn hóa trong mối liên hệ với môi trường bao quanh nó. Điều này được thể hiện trong tác phẩm “Vùng tự nhiên và vùng văn hóa của thổ dân Bắc Mỹ”, hệ bản đồ về sự phân bố thực vật, địa chất, khí tượng học liên quan đến văn hóa của thổ dân đã được Kroeber trình bày một cách thuyết phục

 J. Steward, học trò của Kroeber, sau này đã tiếp tục phát triển cách tiếp cận sinh thái học văn hóa trong việc phân tích văn hóa. Ông nhấn mạnh đến sự thích nghi của văn hóa cá nhân với những điều kiện môi trường riêng biệt. Theo ông, “những nền văn hóa ở trong những môi trường tương tự nhau sẽ có xu hướng phát triển theo những quá trình giống nhau và sẽ tạo nên những đáp trả tương tự đối với những thách thức của môi trường. Ông gọi những đặc điểm văn hóa đó kết hợp chặt chẽ với những phong tục là hạt nhân văn hóa”

--------------------------------------------------------------------------------------

3.2. Lược sử nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam?

a. Lý luận và lịch sử văn hóa

Người có công đầu tiên trong việc xây dựng cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam là Đào Duy Anh. Ông là người đầu tiên đưa ra ý niệm có tính cách khoa học về văn hóa trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương xuất bản năm 1938:

Khi viết “văn hóa tức là sinh hoạt”, ông đã đồng nhất hóa văn hóa với xã hội. Nhưng nếu đặt câu này vào trong điều kiện chưa phát triển của khoa học hồi ấy, người ta có thể hiểu: với từ “sinh hoạt” dường như tác giả muốn trình bày: văn hóa như là một kiểu thức sinh tồn của một xã hội, hoặc nói như ngôn ngữ khoa học ngày nay là hệ thống những khuôn mẫu ứng xử.

 Tiếp theo phải kể đến định nghĩa của Trường Chinh, theo quan điểm dân tộc học, trong cuốn “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” năm 1949:

Văn hóa là một vấn đề rất lớn, bao gồm cả văn học nghệ thuật, khoa học, triết học, phong tục, tôn giáo… Có người cho văn hóa với văn minh là một. Nhưng trong lịch sử có nhiều dân tộc chưa có văn minh song đã có văn hóa. Văn hóa súc tích, phát triển tới mức nào đó mới thành văn minh

------------------------------------------------------------------

 Sau này (cũng phải từ sau 1975), những ảnh hưởng từ sự phát triển của các khoa học xã hội và khoa học nhân văn trong thời kỳ đầu và giữa thế kỷ XX ở nhiều nước Âu châu cũng như ở Mỹ mới thực sự thâm nhập vào giới khoa học và học đường Việt Nam. Từ đó, văn hóa mới bắt đầu được xem xét như là một đối tượng nghiên cứu riêng biệt và được nghiên cứu theo quan điểm của nhiều môn khoa học khác nhau: nhân học, tâm lý học, xã hội học, mỹ học,v.v… (trước đó, đa phần những công trình nghiên cứu, các giáo trình đại học tập trung vào văn học – nghệ thuật hoặc văn nghệ dân gian).

 Cũng khoảng thời gian này, nhiều cuộc hội thảo, hôi nghị khoa học về khái niệm văn hóa, cấu trúc và chức năng của văn hóa được tổ chức ở Việt Nam. Tiền thân của Viện nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật ngày nay – lúc đó là Viện nghiên cứu Lý luận và Lịch sử nghệ thuật – là một cơ quan khoa học tích cực nhất trong hoạt động khoa học này. Kết quả của những cuộc hội thảo khoa học ấy đã được công bố ở những kỷ yếu như “Văn hóa là gì?”, “Bàn về khái niệm văn hóa”…

Ở các trường đại học khoa học xã hội của ta, thời gian này, mới chỉ có giáo trình Dân tộc học là có đề cập một cách trực tiếp đến khái niệm văn hóa, nội dung và cách thức nghiên cứu của nó. Có thể coi những giáo trình “Những bài giảng về văn hóa” được xây dựng theo quan điểm nhân học – xã hội học của Đoàn Văn Chúc (sau này được in thành hai tập “Văn hóa học”  và “Xã hội học văn hóa” và “Lý luận văn hóa” của Hoàng Vinh ở trường đại học văn hóa theo quan điểm triết học – chính trị học, (những nội dung chính của giáo trình này được in trong cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta” ) là những giáo trình bậc đại học đầu tiên về khoa học văn hóa ở Việt Nam. Những năm gần đây, có thêm những giáo trình như “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Trần Quốc Vượng chủ biên  “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm , “Lịch sử văn hóa Việt Nam truyền thống giản yếu” của Nguyễn Thừa Hỷ …

Ngày nay, hệ thống thiết chế khoa học để nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam đã khá phát triển: Ngoài những Viện nghiên cứu chuyên ngành về văn hóa như Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa – Thông tin), Viện Văn hóa Dân gian, Viện Bảo tàng Dân tộc học (Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) thì ở hầu hết các Viện nghiên cứu và các trường đại học lớn đều có bộ phận chuyên nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa (như phòng xã hội học văn hóa của Viện xã hội học, bộ môn lý luận và lịch sử văn hóa của trường đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia Hà Nội, bộ môn Văn hóa học của trường đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia TP.Hồ Chí Minh…).

Nhiều công trình của các nhà nghiên cứu từ các cơ quan nghiên cứu này đã có những đóng góp quan trọng về lý thuyết hoặc phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu văn hóa. Chính vì thế, chúng trở thành những giáo trình chuyên đề cho bộ môn Văn hóa học (đang được hình thành ở nước ta). Đó là những bài nghiên cứu theo quan điểm Địa văn hóa của Trần Quốc Vượng , Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á của Phạm Đức Dương , Văn hóa dưới góc độ Ngôn ngữ học của Phan Ngọc , Vùng văn hóa của Ngô Đức Thịnh [, hay những công trình có tính cách phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu văn hóa tộc người và văn hóa dân gian như các công trình của Từ Chi , của Đinh Gia Khánh , của Tô Ngọc Thanh, Ngô Đức Thịnh vv...

Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được những công trình nghiên cứu cũng như giảng dạy mang tính hệ thống về bộ môn Văn hóa học, tức hệ thống những giáo trình từ đại cương (đối tượng, hệ thống khái niệm, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu liên ngành) đến chuyên ngành. Nói cách khác, bộ môn Văn hóa học ở  nước ta đang trong quá trình hình thành.

---------------------------------------------------------------------------------------

b. Các nghiên cứu Dân tộc chí, Dân tộc học, Nhân học

Không kể những công trình của các nhà sử học thời phong kiến như “Dư địa chí” (thế kỷ 15) của Nguyễn Trãi, “Ô châu cận lục” (thế kỷ 16) của Dương Văn An, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục” (thế kỷ 18) của Lê Quý Đôn… chỉ tính những công trình Dân tộc chí, khảo tả các phong tục tập quán của người Việt và các dân tộc ít người khác ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay, thì số trang sách khảo tả về vấn đề này cũng đã phải hàng vạn trang.

Trong số những người đi đầu trong lĩnh vực khảo tả các hình thái văn hóa của người Việt (các khuôn mẫu ứng xử trong ăn uống, lao động, cộng cư, lễ, tết, lễ hội, cưới xin, tang ma và các phong tục, tập quán khác) phải kể đến:

- Đào Duy Anh với tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” ,

- Phan Kế Bính với “Việt Nam phong tục”

- Toan Ánh với những tác phẩm như “Phong tục Việt Nam”

 Những tác phẩm kiểu này đã trở thành những tài liệu khoa học không thể thiếu đối với những ai muốn nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Từ những tài liệu này, các nhà khoa học đương đại có thể so sánh, đối chiếu (lịch đại) để tìm thấy những biến đổi về cấu trúc cũng như chức năng của các hiện tượng văn hóa.

Tiếp theo, phải kể đến thế hệ các nhà nghiên cứu Việt Nam được trang bị những kiến thức khoa học của phương Tây để nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam. Đó là các ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu [xem 94, tr. 284]. Sự nghiệp nghiên cứu của các ông gắn liền với Trường Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO). Đóng góp lớn nhất của các nhà nghiên cứu này là các chuyên khảo (Monographie) về văn hóa ở các làng quê cổ truyền của người Việt

 - Năm 1930, Nguyễn Văn Khoan công bố “Tiểu luận về ngôi đình và việc thờ cúng thần hoàng ở các làng Bắc Kỳ”, trong đó có trình ra một đề cương gần 10 mục có liên quan đến thần thành hoàng và việc thờ cúng, kiêng kỵ của từng làng . Chính ý tưởng này của ông đã thúc đẩy người Pháp triển khai chương trình Điều tra phong tục làng xã vào năm 1938. Kết quả của chương trình này là một khối lượng tư liệu khổng lồ của hầu hết các làng xã ở Việt Nam, nó vô cùng quý giá đối với những ai muốn nghiên cứu văn hóa làng Việt Nam . Theo và phát triển hướng nghiên cứu này, nhiều nhà nghiên cứu đương đại đã đạt được những thành công đáng kể

- Nguyễn Văn Huyên công bố hàng loạt công trình về văn hóa làng xã (hiện nay đều đã được sưu tập lại và công bố thành hai tập sách “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” ). Có thể nói rằng, những nghiên cứu này không chỉ là những tài liệu dân tộc chí quý hiếm, mà còn là những ví dụ điển hình về sự vận dụng thành công những quan điểm và phương pháp dân tộc học vào việc giải mã các hiện tượng văn hóa ở Việt Nam.

-  Nói đến tình hình nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, không thể không kể đến những nhà nghiên cứu người Pháp – những người đã nêu tấm gương sáng về tinh thần và phương pháp khoa học cho mọi thế hệ nghiên cứu văn hóa của chúng ta: Họ đã dành nhiều năm, có khi gần cả đời người, để tham dự vào đời sống của chúng ta, để hiểu văn hóa của chúng ta, để ghi chép trung thành chúng và cố gắng diễn giải chúng. Đó là J. Cuisinier với tác phẩm gần 1000 trang “Người Mường” (Le Muong) , là J. Boulbet với tác phẩm “Xứ người Mạ - Lãnh thổ của thần linh” , là Condominas với một loạt nghiên cứu về dân tộc học  là E. M. Durand với những nghiên cứu về văn hóa Chăm

Theo những tấm gương này, nhiều người Việt Nam đã trở thành những nhà dân tộc học không chuyên và đã có những đóng góp vô giá. Đó là trường hợp Nguyễn Kinh Chi và tác phẩm “Mọi Con-Tum” của ông

Từ năm 1960, nhiều nhà dân tộc học Việt Nam được đào tạo chính quy theo hướng Marxism, nhiều người trong số họ trở thành những nhà dân tộc học nổi tiếng

Cũng thời gian này (1954 – 1975), Việt Nam còn bị chia cắt thành hai quốc gia, vì thế chúng ta không có điều kiện nghiên cứu văn hóa các tộc người từ Quảng Trị trở vào.

Vì thế cần phải nhắc đến những tên tuổi các nhà nhân học ở miền nam lúc bấy giờ

Tuy nhiên phải thừa nhận một điều rằng, ở Việt Nam, những nhà nghiên cứu theo hướng nhân học  còn rất hiếm hoi. Theo quan điểm của chúng tôi, người theo hướng này rõ nét nhất là nhà nghiên cứu Từ Chi. Cuộc đời của ông với những năm dài sống tham dự với người Mường và những nghiên cứu về văn hóa của người Mường, về quan hệ văn hóa Việt – Mường  của ông là minh họa khá rõ về quan điểm và phương pháp nghiên cứu của nhân học văn hóa.

---------------------------------------------------------------------------------------

c. Các nghiên cứu văn hóa dân gian

Có thể nói, ở Việt Nam, Folkloristik – Văn hóa dân gian học – hiện đang là một mũi nhọn trong nghiên cứu văn hóa và là bộ môn nghiên cứu văn hóa phát triển nhất ở ta hiện nay

gần đây các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam đã mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình và sử dụng cách tiếp cận liên ngành để giải quyết những vấn đề có tính thời sự như: Vai trò của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, hay văn hóa

------------------------------------------------------------

d. Các nghiên cứu tâm lý học

Phải nói rằng, trong các bộ môn nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, thì hướng tiếp cận này là mới mẻ nhất và cũng hiếm công trình nhất.

Hướng nghiên cứu chính (và cũng có thể nói là duy nhất) của tâm lý học xã hội trong nghiên cứu văn hóa ở ta là mối quan hệ giữa văn hóa và nhân cách. Tiêu biểu cho hướng này là công trình của Phạm Minh Hạc, “Phát triển giáo dục, phát triển con người, phục vụ phát triển xã hội – kinh tế”

Trong những năm gần đây, đã xuất hiện một số bài nghiên cứu các hiện tượng văn hóa ở Việt Nam bằng quan điểm phân tâm học và đã đóng góp được tiếng nói đáng kể vào sự phát triển của Văn hóa học, ví dụ như những nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy

-----------------------------------------------------------------

e. Các nghiên cứu xã hội học

Các nhà xã hội học Việt Nam – dù “sinh sau đẻ muộn” – cũng đã cố gắng tiếp cận những vấn đề tương đối cập nhật của văn hóa. Về lý thuyết, tuy còn ít, nhưng chúng ta có một số công trình như “Xã hội học văn hóa” , “Xã hội học sân khấu”  và “Xã hội học nghệ thuật” .

Đa số những công trình nghiên cứu xã hội học văn hóa ở Việt Nam là những công trình thực nghiệm, tập trung vào những hướng chính:

- Văn hóa trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình và tộc họ.

- Sự truyền lưu và biến đổi văn hóa.

- Văn hóa cộng đồng (làng – xã).

- Hiện tượng mê tín.

- Công chúng nghệ thuật.