Ví dụ về các hình thức khuyến mại trong Luật thương mại

Khuyến mại gần như là một phần không thể thiếu trong hoạt động marketing của bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào, đây là hình thức marketing giúp tăng doanh số bán hàng mà không mất nhiều chi phí quảng cáo hay tiếp thị.

Tuy nhiên, việc khuyến mại không chỉ đơn giản là thực hiện chương trình giảm giá hoặc tặng sản phẩm hàng hóa mà cần phải xem xét chương trình khuyến mại có phù hợp với doanh nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế cao nhất và đặc biệt việc thực hiện chương trình khuyến mại phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Khuyến mại theo quy định tại Điều 88 Luật Thương mại 2005 là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

Mua 01 tăng 01 hoặc giảm giá 50% sản phẩm là những hình thức khuyến mại phổ biến và được lựa chọn để tăng doanh thu mà không tốn nhiều công sức để quảng cáo sản phẩm. Hai hình thức khuyến mại này thoạt nhìn thì là một nhưng nếu phân tích kỹ hơn, hai hình thức khuyến mại này khác nhau cả về lợi ích kinh tế và pháp lý.

Về lợi ích kinh tế

Cả hai hình thức khuyến mại trên đều mang lại lợi ích kinh tế nhất định cho cả người tiêu dùng và thương nhân thực hiện khuyến mại, tuy nhiên đối với hình thức mua 1 tặng 1, thương nhân khi áp dụng hình thức này mong muốn bán nhiều sản phẩm hơn với việc “mua càng nhiều, lợi ích càng cao”. Mặt khác, thương nhận khi áp dụng hình thức khuyến mại giảm giá 50% sẽ thu hút người tiêu dùng hơn, bởi lẽ nhu cầu mua của người tiêu dùng có giới hạn, họ chỉ mong muốn mua thứ cần thiết nhưng được giảm giá và hình thức giảm giá 50% sẽ giúp họ mua hàng ít với chất lượng không đổi và được giảm giá 50%.

Về khía cạnh pháp lý

Theo quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại thì có 08 hình thức khuyến mại được áp dụng hiện nay.

Hình thức mua 1 tặng 1 được xác định là hình thức khuyến mại Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền, cụ thể là Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền có kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

Hình thức giảm giá 50% là hình thức khuyến mại Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)

  • Về tính phù hợp với quy định pháp luật

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại như sau:

“1. Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định này.

2. Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.”

Như vậy, tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi.

Theo đó khi thực hiện hình thức khuyến mại mua 1 tặng 1 thì tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%.

Theo quy định trên thì không thể áp dụng hình thức khuyến mãi mua 1 tặng 1 đối với sản phẩm vì vượt định mức về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.

Ngược lại, hình thức giảm giá 50% đáp ứng đầy đủ được quy định về hạn mức giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định tại Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, khi thực hiện giảm giá 50%, thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo cho Sở Công Thương theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Một số bất cập trong hoạt động quản lý hoạt động khuyến mại

Hoạt động khuyến mại đã tác động tích cực đến tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần kích thích tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh doanh thu thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khó khăn cho công tác quản lý. Theo quy định của pháp luật, hoạt động khuyến mại phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật, ví dụ: Thương nhân phải thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại cho Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại ít nhất 7 ngày trước khi thực hiện khuyến mại. Hình thức khuyến mại mang tính may rủi phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với hình thức giảm giá thì mức giảm giá tối đa của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không vượt quá 50% giá bán trước đó. Pháp luật cũng quy định về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa áp dụng khuyến mại. Song trên thực tế một số thương nhân đã lợi dụng chương trình khuyến mại đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; nâng giá gốc lên cao rồi thực hiện khuyến mại giảm giá, dẫn đến các chương trình khuyến mại thực tế không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà chỉ là hình thức để thương nhân gia tăng doanh thu bán hàng.

Để đảm bảo hoạt động khuyến mại được chấp hành đúng với quy định của pháp luật, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, công khai đơn vị khuyến mại và kiểm soát hoạt động khuyến mại thì các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm ngặt đối với các trường hợp vi phạm hoạt động khuyến mại. Bên cạnh đó, đối với khách hàng, cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, thông báo cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khuyến mại; yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm.

Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Các hình thức khuyến mại cũng rất đa dạng về cách thức thực hiện cho phép thương nhân có thể lựa chọn hình thức phù hợp với mô hình, hàng hóa và dịch vụ họ kinh doanh. 

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề trên như sau:

Ví dụ về các hình thức khuyến mại trong Luật thương mại
EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Thương mại 2005;

– Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. Định nghĩa và đặc điểm của hoạt động khuyến mại 

2.1.1. Định nghĩa 

Khuyến mại là hình thức xúc tiến thương mại phổ biến hiện nay, các doanh nghiệp thường sử dụng phương thức này để thúc đẩy doanh số bán hàng, kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. 

Theo Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 quy định:

“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.“

2.1.2. Đặc điểm

Hoạt động khuyến mại có các đặc điểm cơ bản sau:

a) Chủ thể tham gia hoạt động khuyến mại là các thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau:

– Thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thông qua các thương nhân phân phối;

– Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.

b) Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp

– Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại để xúc tiến việc bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ đó.

– Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được là loại hàng hóa, dịch vụ sau:

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định: 

“1. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.“

c) Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá, dịch vụ thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng.

– Hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để khuyến mại có thể là hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đó đang kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ khác.

– Hàng hóa, dịch vụ được dùng để khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.

– Hàng hóa, dịch vụ được dùng để khuyến mại không bao gồm các loại hàng hóa, dịch vụ:

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP sau đây:

“2. Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật.“

– Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trừ các trường hợp khuyến mại sau: Đưa hàng mẫu, cung cấp dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.

d) Hoạt động khuyến mại do chính thương nhân có hàng hóa, dịch vụ khuyến mại thực hiện hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại tiến hành. 

+ Kinh doanh dịch vụ khuyến mại là việc một thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác trên cơ sở hợp đồng.

+ Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

2.2 Hình thức khuyến mại 

2.2.1. Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền

– Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách cung ứng hàng mẫu, dịch vụ mẫu cho khách hàng để dùng thử.

– Hàng mẫu, dịch vụ mẫu phải là hàng hóa, dịch vụ thương nhân đang hoặc sẽ bán, cung ứng trên thị trường. 

– Khách hàng nhận hàng mẫu, dịch vụ mẫu sẽ không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào.

– Thương nhân phải chịu trách nhiệm về hàng mẫu, dịch vụ mẫu; phải thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin về sản phẩm họ được nhận. 

2.2.2. Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền

Hình thức tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền được thực hiện qua 02 cách thức:

– Kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

2.2.3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó

– Hình thức này được áp dụng trong thời gian đã đăng ký hoặc khuyến mại.

– Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

+ Giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ mà hàng hóa, sản phẩm đó thuộc diện Nhà nước định giá cụ thể;

+ Giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu mà hàng hóa, dịch vụ đó thuộc diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiểu.

+ Lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ.

– Tổng thời gian thực hiện khuyến mại này không được vượt quá 120 ngày/năm. 

2.2.4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ 

– Thương nhân sẽ tặng kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ cho khách hàng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ thương nhân đó cung cấp. 

– Các loại phiếu trên phải là phiếu của chính thương nhân đó hoặc của thương nhân, tổ chức khác.

– Giá trị tối đa của phiếu không vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.

– Nội dung của phiếu phải đầy đủ thông tin bắt buộc thông báo công khai theo quy định của Luật thương mại

2.2.5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng 

– Nội dung của chương trình thi không được trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục.

– Việc tổ chức phải được công khai, có sự chứng kiến của đại diện khách hàng; phải thông báo với Sở Công thương nơi có cuộc thi và mở thưởng diễn ra; trừ trường hợp chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng.

– Chương trình khuyến mại phải được tổ chức và trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

2.2.6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi 

– Việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia.

– Việc xác định trúng thưởng phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản.

– Bằng chứng xác định trúng thưởng phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ Dưới dạng vật chất (vé số, phiếu, thẻ dự thưởng; phiếu rút thăm, bốc thăm, quay số; thẻ, tem, phiếu cào; tem, phiếu trúng thưởng; nắp, nút, đáy, vỏ, thân của bao bì sản phẩm hoặc của sản phẩm; chính giải thưởng) hoặc thông điệp dữ liệu (tin nhắn; thư điện tử; mã code, mã giao dịch, mã khách hàng, mã sản phẩm) hoặc hình thức khác có giá trị tương đương;

+ Có hình thức khác với xổ số do nhà nước độc quyền phát hành; không được sử dụng kết quả xổ số của Nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng.

– Thương nhân trích 50% giá trị giải thưởng vào ngân sách nhà nước khi không có người trúng thưởng.

2.2.7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên

– Việc tặng thưởng được căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện.

– Việc khuyến mại được ghi nhận dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận hoặc các hình thức khác.

– Nội dung thông tin trên thẻ, phiếu ghi nhận hoặc các hình thức khác gồm:

+ Tên thẻ, phiếu và thông tin về khách hàng (họ và tên, chứng minh nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu);

+ Điều kiện và cách thức ghi nhận sự tham gia của khách hàng vào chương trình khách hàng thường xuyên;

+ Số lượng, trị giá hàng hóa do khách hàng mua; điều kiện chi tiết về số lượng, trị giá hàng hóa, dịch vụ do khách mua, sử dụng để được nhận thưởng.

2.2.8. Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin

– Là hình thức khuyến mại thông qua mạng internet, phương tiện, thiết bị điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin.

– Đây là hình thức phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Các phần mềm ứng dụng luôn được xây dựng và phát triển để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể kể đến một số ứng dụng nổi bật như Grab, Now, Momo, Airpay,…

– Điểm chung của các ứng dụng này là cho phép người dùng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet; nhiều tiện ích từ việc đặt xe, đặt đồ ăn đến dịch vụ thanh toán trực tuyến.

– Kèm theo các dịch vụ này luôn có những voucher giảm giá cho người dùng với các mức ưu đãi lớn.

Ngoài các hình thức khuyến mại trên, thương nhân có thể thực hiện các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “ ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI, HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ “.

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: –

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250     

Quét mã QR Zalo Luật sư:

Ví dụ về các hình thức khuyến mại trong Luật thương mại

Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

– NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

– THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

– HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ LOGISTICS