Vì sao gatt đổi tên thành wto

03(64)/2011

Vì sao gatt đổi tên thành wto

Mục lục

  • 0.Nội dung
  • 1.Tài liệu tham khảo

Tổ chức thương mại thế giới WTO – Ai thực sự là người điều hành

HÉLÈNE RUIZ - FABRI

03(64)/2011 - 2011, Trang 45-54

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

no


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

HÉLÈNE RUIZ - FABRI, Tổ chức thương mại thế giới WTO – Ai thực sự là người điều hành, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 03(64)/2011, Trang 45-54

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=b1ee1295-3a44-418d-b6ed-3d5ce103c225

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.


Từ trước đến nay, người ta đã viết đủ điều về WTO, từ so sánh tổ chức này với thủy quái Leviathan khống chế cả hành tinh đến gán cho nó hình ảnh một tổ chức lạc hậu và/hoặc bất lực. Sự tồn tại của những nhận định rất khác nhau về tổ chức cũng là một điều hợp lẽ bởi quan điểm về WTO sẽ hoàn toàn thay đổi tùy vào vị thế của người đưa ra nhận định. Một lý do khác nữa: đây là một tổ chức có hai mặt và, cũng như đối với nhiều đối tượng nghiên cứu, người đưa ra đánh giá phải đi sâu hơn bề mặt của sự vật để có thể rút ra ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Cách tiếp cận này khẳng định cảm nhận mà nhiều nhà quan sát có về tính hai mặt của WTO.

Do WTO cũng thường xuyên làm công tác truyền thông, một phương pháp đánh giá có thể được áp dụng là xem xét những gì tổ chức tự nói về mình. “Phiếu lý lịch” trên trang web của WTO có thể là điểm xuất phát tốt và là định hướng để nhận dạng những điều mấu chốt làm rõ ai đang lãnh đạo tại WTO và đối tượng điều chỉnh của WTO là gì.

Nơi đặt trụ sở: Geneva, Thụy Sĩ

Ngày thành lập tổ chức: 01/01/1995

Nguồn gốc ra đời: các Những đàm phán của Vòng đàm phán Uruguay (1986-1994)

Số quốc gia thành viên: 153 quốc gia tại thời điểm ngày 23/07/2008

Ngân sách hoạt động: 194 triệu francs Thụy Sĩ cho tài khóa 2010

Nhân sự của Ban thư ký: 637 người Ban giám đốc: Pascal Lamy (Tổng giám đốc) Chức năng nhiệm vụ:

- Quản lý và điều hành các hiệp định thương mại WTO

- Làm diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại

- Giải quyết tranh chấp thương mại

- Rà soát các chính sách thương mại quốc gia

- Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các quốc gia đang phát triển

- Hợp tác với những tổ chức quốc tế khác (trích dẫn)

Geneva, Thụy Sĩ: Trụ sở WTO đặt bên bờ hồ Léman, trong một phong cảnh điền viên, thoạt nhìn có một bộ mặt rất riêng với những chi tiết như: ở hai bên cổng chính tòa nhà sơn xám với những đường nét khô khan, có những bức tượng theo chủ đề một bên là Hòa bình và một bên là Công lý; dọc theo cầu thang chính có các bức tranh tường lớn theo chủ đề lao động dưới nhiều hình thức khác nhau… Khách tham quan có thể nghĩ gì về những bức hội họa do Gustave-Louis Jaulmes trang trí cho căn phòng Những bước chân lạc loài: “Trong niềm vui chung”, “Lao động và phồn thịnh”, “Lợi ích của thư giãn”? Trên tường của trụ sở WTO có treo các bức tranh chuyển tải những thông điệp không tương xứng với “ngôi đền của toàn cầu hóa thương mại”, và cũng không thể hiện đúng sự việc tuy mang tính giai thoại nhưng lại có ý nghĩa là tại Hội nghị bộ trưởng Singapour 1996 - sự kiện lớn đầu tiên từ sau khi tổ chức ra đời - các thành viên đã quyết định gạt bỏ sự tham gia của các đại biểu thuộc Văn phòng Lao động quốc tế với tư cách là quan sát viên khỏi các buổi tranh luận của tổ chức. Đây là một quyết định mang tính biểu tượng nhằm chuyển tải thông điệp mạnh mẽ rằng trong các đàm phán thương mại quốc sẽ không có việc nói đến “sự phá giá xã hội”, theo cách gọi được sử dụng một cách vội vã ở các quốc gia phát triển phương Tây, cũng như sẽ không nói đến việc tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Trong thực tế, sự lệch pha giữa vỏ bọc là các bức tường và điều được chứa đựng bên trong là WTO cũng chỉ là một trong số vô vàn trớ trêu của lịch sử, vì trụ sở của WTO chính là tòa nhà vốn được xây cất trong thập niên 20 để làm trụ sở cho Văn phòng lao động quốc tế và văn phòng này đã dọn khỏi nơi đây vào năm 1975.

Ngày 1 tháng 1 năm 1995: Hiệp định về việc thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ký kết tại Marrakech năm 1994, đi vào hiệu lực. Đây là ngày chính thức ra đời của tổ chức. Như vậy, xét về mặt thời gian thì WTO còn khá non trẻ, mới ra đời được khoảng trên mười lăm năm. Đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý để đánh giá đúng tầm quan trọng của những cam kết về luật và kinh tế đã được thỏa thuận từ năm 1995 đến nay, điều mà không phải đối tác tham gia đàm phán nào cũng ý thức đến. Việc thực hiện các cam kết đòi hỏi phải có thời gian thích nghi, vốn không được đánh giá đúng, đặc biệt là đối với và bởi các quốc gia đang phát triển.

Nhưng trong thực tế, WTO cũng có tuổi, nếu nhìn dưới hai góc độ. Đầu tiên là tổ chức này dựa theo một mô hình tổ chức quốc tế cổ điển trong đó mỗi nước thành viên bất kể là lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều có một lá phiếu như nhau. Đây là điểm khác biệt giữa WTO và các tổ chức kinh tế khác như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Trong thực tiễn, quyết định trong WTO được thông qua theo cơ chế đồng thuận, ngoại trừ đối với việc giải quyết tranh chấp (khi ấy sẽ áp dụng cơ chế đồng thuận nghịch: các quyết định được thông qua trừ khi có sự đồng thuận bác bỏ). Có nghĩa là rất khó để có thể đi đến quyết định và mọi việc sẽ dễ dàng bị nghẽn tắc, nhất là khi tất cả các cơ cấu đều vận hành theo nguyên tắc toàn thể. , Đây là mô hình hoạt động kế thừa từ quá khứ và đây là lý do thứ hai để có thể coi WTO là một tổ chức đã có tuổi. Tổ chức này không phải sinh ra từ số 0: nó được hình thành từ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), mà WTO tiếp thu và duy trì một số đặc tính. Vì vậy, WTO có ký ức và quá khứ lâu dài hơn rất nhiều so với tuổi đời của nó. Bề dày này vừa là một yếu tố thuận lợi nhưng cũng là một gánh nặng.

WTO đã thay thế GATT một phần vì những phương thức hoạt động của GATT ngày càng trở nên nặng nề, không còn phù hợp. Tuy nhiên, không phải vì lẽ đó mà những phương thức hoạt động này, đặc biệt là tinh thần chúng, bị loại bỏ hoàn toàn. Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng bản thân GATT là một thực thể hơi đặc biệt. GATT ban đầu chỉ là việc 23 quốc gia quyết định đưa vào hiệu lực tạm và trước thời hạn một phần của Hiến chương La Havana thiết lập Tổ chức thương mại quốc tế vào năm 1947. Phần Hiến chương này, liên quan tới thương mại hàng hóa, đã được áp dụng trong suốt gần một nửa thế kỷ và được WTO tiếp thu toàn bộ vào năm 1995. Chúng ta có thể hiểu những bước đầu gian truân của GATT khi nhớ rằng ở giai đoạn đó có sự đối đầu giữa hai quan điểm mang tính hệ thống về trật tự thương mại: quan điểm tự do và quan điểm của Keynes. Quan điểm tự do từng bước đã loại quan điểm Keynes và hoàn toàn thắng thế kể từ thập niên 1970. Có thể nói là GATT đã mở đường cho xu thế này vì GATT quy định việc tự do hóa thương mại trong khuôn khổ Hiến chương Tổ chức thương mại quốc tế; và vì mảng quy định về các can thiệp nhằm tạo ra công ăn việc làm cho mọi người cũng như thương mại các nguyên liệu đã bị từ bỏ. Sự chiến thắng về ý thức hệ của chủ nghĩa tự do hóa trong kinh tế được thể hiện rõ nét kể từ thập niên 80. Nó đã lật đổ yêu cầu có một trật tự kinh tế quốc tế mới do các nước cựu thuộc địa vừa giành được độc lập đề ra. Kể từ thập niên 90, thuyết tự do kinh tế đã được bổ sung và thừa nhận bởi chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường, thay cho mọi hình thức tổ chức kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế chỉ huy, và chiếm lĩnh vị trí độc tôn.

GATT tồn tại lâu dài và đóng vai trò của một tổ chức quốc tế thực sự, tuy có hơi đặc biệt về mặt thể chế, nhưng trong vòng gần năm mươi năm GATT đã là khuôn khổ cho đàm phán nhằm tự do hóa thương mại quốc tế cũng như cho việc hình thành một số quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế. Các bước phát triển đã thực hiện trong khuôn khổ những vòng đàm phán định kỳ giữa các quốc gia, trong đó có thể kể ra vòng sau cùng là Vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994.

GATT đã đạt được những thành tựu đáng kể và chứng minh hiệu quả của mình trong thực tiễn, vì ngay cả văn bản của Hiệp định cũng chưa lường trước được sự lớn mạnh của GATT trong quá trình hoạt động của tổ chức này. Theo quan điểm phổ biến thì chính tính linh hoạt của GATT đã giúp cho GATT đạt được những thành tựu trên. Tính linh hoạt này thường được đề cao (vì đã chứng minh được tính thực tiễn hoặc thực dụng của một luật chơi điều chỉnh một lĩnh vực có nhiều biến động như thương mại?) và sự hiện diện của tính linh hoạt này vẫn là một trong những đặc tính quan trọng của WTO. Tuy thế, tính linh hoạt không chỉ có mặt tích cực. Nó còn gắn với một “tinh thần câu lạc bộ” (mentalité de club) theo đó những thành viên thâm niên nhất và/hoặc có trọng lượng nhất, vì lợi ích hay yêu cầu riêng, sẽ không do dự bắt tay nhau để lách những quy định của luật chơi. Điều này lý giải tại sao nông nghiệp hoặc dầu khí đã bị gạt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của GATT. Ngoài ra, cũng có thể kể đến những hiệp định được gọi là “vùng xám” (hiệp định song phương hạn chế xuất khẩu, dàn xếp trật tự thương mại và các biện pháp cùng loại) mở đường cho việc chế ngự một sự cạnh tranh bị đánh giá là khốc liệt. Ta có thể kể đến những hạn chế “tự nguyện” về xuất khẩu ô tô áp đặt cho Nhật Bản vào thập niên 80. Trong một chừng mực nào đó thì lối hành xử trên có thể chấp nhận được, nhưng nếu đi quá đà thì tính toàn vẹn của GATT sẽ bị đe dọa. Tình hình này thường xuất hiện khi có khủng hoảng, nhiều quốc gia thường đưa ra những biện pháp bảo hộ ít nhiều đậm nét. Ngoài ra, tổ chức này đã nhanh chóng phát triển và thu hút hơn một trăm thành viên trong đó đa số là các nước đang phát triển. Đến lúc ấy, GATT không còn là một thực thể thuần nhất như hình ảnh của một câu lạc bộ nữa và vòng đàm phán khởi động vào năm 1986 là một cơ hội để đổi mới.

Vòng đàm phán Uruguay (1986-1994): Phải mất 8 năm để vòng đàm phán Uruguay - bắt đầu dưới sự bảo trợ của GATT - được kết thúc với sự ra đời của WTO. Dự án ban đầu không có mục đích cho ra đời một tổ chức quốc tế mới mà chỉ nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong vận hành của GATT và mở rộng phạm vi điều chỉnh của các nguyên tắc đa phương cho đến thời điểm bấy giờ vẫn còn giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Mục đích nhắm đến là lĩnh vực thương mại dịch vụ đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng khi vòng đàm phán kết thúc, phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn rất nhiều.

Trong vòng đàm phán này, hầu như không có một lĩnh vực nào bị bỏ quên. Phần cốt lõi của các cuộc đàm phán có vẻ như tập trung vào thương mại hàng hóa và trong thực tế các quốc gia đã quyết định cắt giảm hàng rào thuế quan xuống rất nhiều, trong đó mức thuế trung bình đối với các sản phẩm công nghiệp chỉ còn 3,5% . Một phần quan trọng không kém đó là việc chỉnh đốn và bổ sung công cụ pháp lý điều chỉnh các hàng rào phi thuế quan mà các quốc gia luôn sẵn sàng vận dụng nhằm mục đích bảo hộ. GATT 1947 được khoác lên một bộ áo mới thành GATT 1994 (vì văn bản gốc vẫn được giữ lại và được bổ sung bằng nhiều bản ghi nhớ thỏa thuận liên quan đến một số điều khoản), được bổ sung bằng một loạt những hiệp định về các rào cản đối với thương mại, các biện pháp phòng vệ, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), chống bán phá giá, định thuế hải quan, kiểm tra trước khi xuất, quy tắc xuất xứ, thủ tục giấy phép nhập khẩu, trợ cấp và các biện pháp đối kháng. Nói chung, các hiệp định trên chi tiết hóa các quy định của GATT cho từng lĩnh vực, về nội dung nhưng cũng là về, và chủ yếu về, thủ tục. Ngoài ra, vòng đàm phán này cũng đã đề cập đến một số lĩnh vực đặc biệt. Theo đó, đối với nông nghiệp, sẽ bắt đầu từng bước quá trình “bình thường hóa”, thể hiện qua lộ trình cắt giảm thuế xuất nhập khẩu nông sản và việc quản lý các biện pháp trợ cấp. Song song với Hiệp định về nông nghiệp, còn có Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động-thực vật trong thương mại quốc tế. Mục đích là để các quốc gia không lạm dụng các tiêu chuẩn cần thiết làm công cụ bảo hộ. Một lĩnh vực khác cũng được bình thường hóa, đó là ngành vải sợi, từ rất lâu đã được hưởng một quy chế được gọi tên bằng một mỹ từ là “bảo hộ có tổ chức” cho phép các quốc gia phát triển áp đặt hạn ngạch (tuy có tăng dần) lên các nước đang phát triển. Hiệp định về vải sợi và may mặc, nay đã hết hiệu lực (từ cuối 2004), được ký kết nhằm bố trí các bước để sau 10 năm sẽ đưa ngành này vào trong nhóm mà WTO gọi là nhóm “các ngành thông thường”.

Các quy định liên quan tới thương mại hàng hóa đã được phát triển đáng kể. Thêm vào đó là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), một hiệp định khung được cho là sao chép từ mô hình của GATT, vì nó được xây dựng trên cùng một nguyên tắc là không phân biệt đối xử, trong khi nó vẫn mang nhiều nét riêng. AGCS ?? đã được bổ sung thêm bằng bốn Nghị định thư, trong đó hai Nghị định thư liên quan đến dịch vụ tài chính (lĩnh vực nhạy cảm khiến cho các cuộc đàm phán đã không kết thúc kịp thời để được đưa vào các Hiệp định ký tại Marrakech), một Nghị định thư về vấn đề di chuyển của các thể nhân (vấn đề luôn tế nhị do mối liên hệ với các chính sách nhập cư), một về viễn thông. Cuối cùng với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, tất cả các quốc gia thành viên đều thống nhất bảo vệ quyền này khi ý thức được những tổn hại kinh tế gây ra bởi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm giả, làm nhái hàng v.v…

Nhưng WTO còn đi xa hơn. Các quốc gia muốn có một sự đảm bảo đối với toàn bộ các cam kết, vì vậy họ xây dựng hai cơ chế hoạt động với hai mục đích khác nhau. Cơ chế thứ nhất mang tính “phòng ngừa”, là việc giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia thành viên WTO thông qua kiểm tra định kỳ mà tần suất phụ thuộc vào thị phần trong thương mại quốc tế của quốc gia đó. Đây là nội dung của cơ chế giám sát các chính sách thương mại. Cơ chế thứ hai mang tính “chữa trị”, nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại bằng một công cụ đã được chỉnh đốn căn cơ, đặc biệt là với việc đưa vào hai cấp xét xử và loại bỏ các nguyên nhân có thể dẫn đến bế tắc trong vận hành cũng như trong việc ra quyết định.

Chính trong bối cảnh ra đời của khối lượng lớn các quy định nêu trên mà các bên đã quyết định đặt toàn bộ các quy định này dưới sự quản lý của một tổ chức quốc tế chính thống. Mục tiêu là nhằm gắn chung tất cả các thành tựu của đàm phán lại với nhau mà chất kết dính là nguyên tắc hiệp định duy nhất (single undertaking). Việc lựa chọn nguyên tắc này đã được quyết định bên lề Vòng đàm phán Uruguay nhằm đối phó với cách hành xử thông dụng ở thời kỳ GATT. Các chuyên gia về khoa học chính trị gọi đây là quá trình tự điều chỉnh của hệ thống. Từ thời kỳ GATT, các bên đã đàm phán một số hiệp định bổ sung, nhưng những hiệp định này chỉ có thể áp dụng đối với bản thân các quốc gia đã chấp nhận. Điều này đã tạo thuận lợi cho các lối ứng xử theo kiểu “nhặt và chọn” (pick and choose), các quốc gia thành viên của GATT chọn ra những điểm mà họ xét thấy có thể cam kết. Do không có một ràng buộc chung thống nhất nên tổ chức đã không vận hành một cách trơn tru, do đó dẫn đến việc lựa chọn nguyên tắc hiệp định duy nhất. Nguyên tắc này chi phối bản thân các cuộc đàm phán dựa trên ý tưởng là các đàm phán sẽ chỉ đạt được kết quả khi được chấp nhận trọn gói. Nhưng nguyên tắc này chủ yếu là nhằm quản lý kết quả của đàm phán theo logic là kết quả đàm phán được chấp nhận hay không chấp nhận cả gói chứ không được cắt khúc. Cái lợi của việc áp dụng nguyên tắc này trong đàm phán là những nhượng bộ đưa ra đối với một lĩnh vực nào đó trong hiệp định thì sẽ được bù đắp lại trong một lĩnh vực khác. Chúng ta đều biết sở dĩ các quốc gia đang phát triển đã chấp nhận Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ là vì đổi lại họ đã có được Hiệp định về vải sợi và may mặc và Hiệp định về nông nghiệp, đặc biệt là phần liên quan đến việc giám sát các khoản trợ cấp. Điểm bất lợi là nguyên tắc này sẽ làm chậm lại các cuộc đàm phán vì tất cả các nội dung đàm phán đều liên quan với nhau, và chỉ cần một điểm bất đồng kéo dài là có thể làm ngưng trệ cả cuộc đàm phán. Vì thế, đã có lúc Vòng đàm phán Uruguay đã phải hoàn toàn dừng lại vì một vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Mỹ và Châu Âu. Điểm thuận lợi về mặt kết quả là tất cả các quốc gia thành viên đều được gắn kết với nhau bởi cùng những ràng buộc pháp lý, đây là một yếu tố giúp toàn bộ hệ thống luật của WTO trở nên rõ ràng.

Vì vậy, sau khi Vòng đàm phán Uruguay kết thúc, chỉ những quốc gia nào chấp nhận toàn bộ các hiệp định (ngoại trừ hai hiệp định được gọi đích danh là nhiều bên, liên quan đến mua sắm công và mua bán máy bay dân dụng) mới có thể trở thành thành viên của WTO. Thật ra, về mặt kỹ thuật, các nước chỉ cần chấp thuận một lần duy nhất vì tất cả các hiệp định còn lại đã được đưa vào phần phụ lục kèm theo Hiệp định về việc thành lập WTO, là hiệp định mang tính bao trùm lên toàn bộ các hiệp định khác.

Dù nhiều điểm đã được làm rõ nhưng không vì thế mà ta có thể cho là mọi việc đã trở nên đơn giản. Tập hợp các quy định của luât WTO không chỉ phức tạp mà còn rắc rối, khó giải mã. Vì kết quả của các cuộc đàm phán đều thể hiện bằng những cách diễn đạt cầu kỳ khó hiểu, thêm vào đó là thói quen sử dụng thuật ngữ nhiều hơn mức cần thiết, khiến cho chỉ có các chuyên gia mới có thể nắm bắt được, thậm chí nó trở thành một hệ ngôn ngữ riêng mặc dù tổ chức này luôn kêu gọi đề cao tính minh bạch. Hơn nữa, việc xem xét khái quát sẽ không giúp ta thấy hết được hệ thống quy định của WTO. Mở cửa thị trường thông qua việc giảm bớt các rào cản trong thương mại là một trong số các mục tiêu chính của đàm phán thương mại. Để là thành viên của WTO thì một quốc gia phải đưa ra một số cam kết mở cửa thị trường, được ghi trong danh sách lập riêng cho mỗi quốc gia thành viên (về lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ). Về lý thuyết thì một nước có thể rút lại những cam kết của mình, nhưng phí tổn cho việc này là rất cao và do đó, trong thực tế, rất hiếm khi xảy ra đàm phán lại. Tất cả các quốc gia thành viên đều được hưởng những cam kết này trên cơ sở không phân biệt đối xử, việc tham gia vào tổ chức đồng nghĩa với việc các thành viên không những không được phân biệt đối xử đối với sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc nước ngoài với nhau mà còn không được phân biệt đối xử giữa sản phẩm và dịch vụ nước ngoài với sản phẩm và dịch vụ nội địa. Các danh sách cam kết được xem như là có giá trị bắt buộc, và do đó, là thành phần không tách rời của hiệp định.

Kết quả là, bên cạnh 500 trang của Hiệp định thiết lập WTO và các phụ lục (hiệp định thương mại nhiều bên, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế giám sát các chính sách thương mại, hiệp định đa phương) phải thêm vào hàng chục nghìn trang nội dung các danh sách cam kết để có thể có một cái nhìn tổng quan về luật của tổ chức. Mỗi khi có một thành viên mới thì danh sách này lại dài thêm.

153 quốc gia ở thời điểm ngày 23 tháng 7 năm 2008: Tổ chức chưa quy tụ toàn bộ các quốc gia. Ukraina và Cape Verde là hai quốc gia gần đây nhất gia nhập WTO, vào năm 2008. Tuy nhiên, có không ít hơn 29 chính phủ đang đàm phán việc đưa đất nước của họ tham gia vào tổ chức này. Trong số các quốc gia đang đàm phán gia nhập, ta có thể kể ra Nga, Iran, Algeria, Libya… Như vậy, vẫn còn một số nước lớn chưa là thành viên của tổ chức. Hơn thế nữa, cũng có thể nhận xét rằng trong số các quốc gia đang chờ tham gia tổ chức, có không ít quốc gia mạnh về năng lượng, và điều đó cho thấy rằng vấn đề năng lượng sẽ ngày càng chiếm một vị trí quan trọng, điều này đi ngược lại với logic trước đây khi một số nguồn năng lượng (dầu và khí) bị gạt sang một bên nhằm phục vụ lợi ích của một số quốc gia thành viên.

Tiến trình hướng đến vai trò toàn cầu của tổ chức có tính hai mặt. Thứ nhất, đây là bằng chứng cho thấy các nước đều được hưởng lợi khi tham gia vào WTO. Thoạt nhìn thì đây là một ích lợi kép: tham gia vào một hệ thống có qui củ và, do nền tảng căn bản nhất của hệ thống là tính không phân biệt đối xử, quốc gia thành viên sẽ thụ hưởng toàn bộ những nhượng bộ về thương mại từ phía tất cả các thành viên, những nhượng bộ này sẽ còn gia tăng với những đàm phán mở rộng đang tiến hành. Nếu lợi ích kép này được khẳng định thì hệ quả logic của nó là tổ chức càng mở rộng thì quốc gia nào không tham gia sẽ càng phải trả giá đắt. Nhưng việc tham gia cũng có cái giá phải trả, đó là những nhượng bộ mà quốc gia ứng viên sẽ phải chấp nhận để thanh toán cho chiếc vé vào cửa của mình. Vì lý do trên, đã có những đàm phán gia nhập kéo dài rất lâu, ví dụ như trường hợp Trung Quốc phải mất 15 năm mới được gia nhập và hiện nay Nga vẫn còn phải đang tiếp tục đàm phán. Dù không thể so sánh với việc gia nhập vào một tổ chức dạng EU, việc gia nhập vào WTO cũng đặt ra những yêu cầu rất cao do có thể quốc gia ứng viên sẽ phải tiến hành nhiều cuộc cải cách pháp lý trong nước mình (điều này có thể dẫn đến việc cải cách hệ thống tư pháp cho phù hợp với tiến trình tố tụng theo các hiệp định của WTO, ví dụ trong lĩnh vực dịch vụ hoặc sở hữu trí tuệ) cho phù hợp với những quy định của WTO. Khi tham gia đàm phán, quốc gia ứng viên sẽ tìm cách càng ít cam kết nhượng bộ càng tốt, trong khi ở chiều ngược lại thì gói lợi ích mà quốc gia này sẽ nhận đã được biết trước.

Ở một khía cạnh khác, WTO là một tổ chức đa phương, nhận xét này cũng đồng thời nhắc nhở ta về những khó khăn mà chủ nghĩa đa phương đang vấp phải. Về mặt lịch sử, phát triển đa phương luôn gắn liền với việc phát triển tính phụ thuộc lẫn nhau, với việc tìm ra những giải pháp chung đối với những vấn đề mà các bên cùng chia sẻ thông qua các quy tắc chung. Nhưng cách nhìn hơi giản đơn này cũng không thể giúp ta quên rằng rất khó để đạt được một sự thống nhất trong một thế giới có những khác biệt sâu sắc. Thế nhưng sự thống nhất này là cần thiết để có thể nhận dạng ra những khó khăn và để nhanh chóng tìm ra cách giải quyết những khó khăn này. Sự khác biệt hiện diện trong lòng WTO, tổ chức quy tụ phần lớn các quốc gia đang phát triển trong số các thành viên của mình. Tình hình này không được xử lý một cách rõ ràng trong WTO. Quả vậy, ngoại trừ trường hợp 32 quốc gia được WTO xếp loại “kém phát triển” dựa trên cơ sở cách phân hạng của Tổ chức Liên hợp quốc, thì không có định nghĩa chính thức đối với nhóm quốc gia “phát triển” và nhóm quốc gia “đang phát triển”. Các thành viên tự thông báo mình thuộc nhóm nào, điều này có thể gây tranh cãi. Từ đó có thể dẫn đến một kiểu suy luận nước đôi. Thật vậy, thoạt nhìn, việc xếp một số quốc gia vào nhóm các quốc gia đang phát triển sẽ tạo cảm giác rằng những quốc gia này sẽ được thụ hưởng một số ưu đãi nhằm bù đắp tình trạng kinh tế chậm phát triển của mình. Nhưng việc tự xếp hạng sẽ có tác động làm nhạt đi cảm giác này và tạo ra mối nghi ngờ về những lợi ích do nhượng bộ đem lại.

Trong thực tế, mọi việc luôn luôn diễn ra theo hướng này. Vào cuối thập niên 50, GATT đã vấp phải sự nghi ngại từ phía các quốc gia đang phát triển khi các quốc gia này không tìm thấy sự hỗ trợ từ hệ thống các quy định của GATT cho các vấn đề đặc thù của họ và họ đã chọn một diễn đàn vừa mới được thành lập để diễn đạt nguyện vọng của mình đó là UNCTAD. GATT đã phản ứng lại sự cạnh tranh mang tính lý thuyết này bằng cách bổ sung phần IV dành riêng cho các quốc gia đang phát triển vào năm 1964. Nhượng bộ thật sự của GATT trước yêu cầu về một trật tự kinh tế quốc tế mới chỉ là việc chấp nhận một hệ thống các ưu đãi dành cho xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển, mà việc thực hiện chế độ ưu đãi này lại phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia phát triển. Cũng trong thời gian đó, GATT còn là nơi đàm phán một hiệp định mang tính bảo hộ điều chỉnh lĩnh vực vải sợi. Một mặt, hiệp định này đảm bảo đầu ra cho các quốc gia đang phát triển bằng cách đưa ra định mức xuất khẩu, mặt khác, nó điều chế bớt sự cạnh tranh mà các quốc gia phát triển phải đối đầu vào trong lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động này. Điều này không làm nản lòng các quốc gia đang phát triển và nhiều quốc gia thuộc nhóm này trong việc gia nhập vào một tổ chức mà trong đó họ không có tiếng nói quyết định cho định hướng phát triển. Bởi lẽ, một mặt, các kỹ thuật đàm phán tạo ưu thế rõ ràng cho các quốc gia chiếm thị phần lớn trong thương mại quốc tế, mặt khác, khi được dành cho một quy chế đối xử đặc biệt và đối xử khác biệt trong khuôn khổ các hiệp định được đàm phán vào cuối thập niên 80 thì các quốc gia đang phát triển bị tước đi quyền ảnh hưởng đối với nội dung của nhiều quy định mới sẽ ra đời. Nếu tại vòng đàm phán Uruguay một số nước đang phát triển như Ấn Độ đã bắt đầu có tiếng nói thì phải đợi đến cuối thập niên 90 họ mới thật sự ý thức về vai trò đối lập của mình, khi chưa thật sự là một thế lực chủ đạo. Những căng thẳng vào năm 1998 lúc chỉ định Tổng giám đốc mới của tổ chức đã dự báo cho sự thất bại của Hội nghị bộ trưởng Seattle mà trong đó các quốc gia vẫn thường được gọi là “các ông lớn” nghĩ rằng họ có thể khởi động một vòng đàm phán mới nhằm gia tăng tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ. Hy vọng này sau đó đã tắt ngúm trong thời gian dài. Không khí vào cuối thập niên 90 được đánh dấu bằng phong trào phản đối nền toàn cầu hóa mang tính tự do và mang tiếng là sẵn sàng hy sinh con người. Đây cũng là một hình thức thức tỉnh của các quốc gia đang phát triển và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số quốc gia được gọi là các quốc gia mới nổi. Các cuộc đàm phán được khởi động lại một cách ì ạch vào năm 2001 và nó được dành một cách tượng trưng cho chương trình phát triển, nhưng đây là một mục tiêu không dễ thực hiện.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cán cân đã không thay đổi trong tổ chức, nơi mà nếu không phải là tất cả thì chí ít một số quốc gia đang phát triển nay đã có một trọng lượng đáng kể và thời kỳ hai hoặc ba “ông lớn” hầu như quyết định mọi kết quả của các cuộc đàm phán đã là chuyện quá khứ.

Trong số những ông lớn này, Liên minh Châu Âu, hiện diện với tư cách là một tổ chức, là một minh chứng cho thấy rằng các thành viên của WTO không nhất thiết chỉ là các quốc gia. Có thể kể thêm các “lãnh thổ tự chủ về thuế quan” như trường hợp Đài Loan vẫn có tư cách thành viên song song với tư cách thành viên của Trung Quốc, hay trường hợp Hong Kong, mặc dù lãnh thổ này đã được trả về cho Trung Quốc. Ngược lại, tổ chức này vẫn mang tính thuần túy liên chính phủ, điều này không có nghĩa là các cá thể (chủ thể kinh tế) không thể hiện diện trong tổ chức. Lý do là không những các quyền lợi kinh tế chắc chắn tồn tại phía sau các chính phủ (đôi khi một cách rất rõ nét) mà còn vì WTO đã nhanh chóng phải quen với việc chung sống với các tổ chức phi chính phủ đại diện cho nhiều quyền lợi khác nhau, và những tổ chức này muốn có tiếng nói của mình.

194 triệu francs Thụy Sĩ cho tài khóa 2010: Ngân sách WTO do các quốc gia thành viên đóng góp trên cơ sở thị phần của mỗi quốc gia trong thương mại quốc tế là không đáng kể. Điều này cho thấy WTO là một tổ chức không có các hoạt động nghiệp vụ, khác với các tổ chức như là IMF và WB, cho dù WTO đã gia tăng các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, loại hình hoạt động tiến hành nhờ vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên. Nói một cách khác, trừ trường hợp các cuộc họp của Hội nghị bộ trưởng có thể được tổ chức ở nơi khác thì phần lớn, nếu như không muốn nói là tất cả, hoạt động của WTO diễn ra tại Genève, nơi tổ chức đặt trụ sở. Các hoạt động cụ thể ở Genève là gì và những ai là diễn viên chính?

637 nhân viên: Tương ứng với ngân sách hoạt động, nhân sự “hành chánh” của WTO (Ban thư ký) là không đáng kể (trên nguyên tắc gồm 70 quốc tịch, nhưng người Châu Âu và nói rộng ra là người phương Tây chiếm đại đa số - non một phần ba là người Pháp). Nếu trừ ra số nhân viên kỹ thuật thì chỉ còn khoảng một phần ba là tập trung cho chuyên môn chính, chủ yếu là các nhà kinh tế và các chuyên gia pháp lý (phần đông là người Mỹ và Canada), trong đó khoảng một phần ba là nhân viên biên phiên dịch. Có thể nói rằng đây là một tổ chức hành chính tí hon, chắc chắn nhỏ hơn đội ngũ nhân viên tại trụ sở chính của các doanh nghiệp lớn hay của các tổ chức quốc tế khác. Do đó, khó mà có thể nói đây là một bộ máy hành chính khổng lồ. Tuy vậy, điều này cũng không giúp tổ chức tránh khỏi một số chồng chéo trong hoạt động.

Tổ chức hành chính gọn nhẹ là do WTO là một tổ chức được điều hành bởi các thành viên (member-driven organisation). Ban thư ký, được tổ chức theo bộ phận, chính thức không có một quyền quyết định nào cả mà chỉ có những chức năng hỗ trợ. Điều này không nhất thiết sẽ gây trở ngại cho thực quyền của tổ chức, nhưng cho dù WTO có thực quyền này thì nó cũng phải được thực hiện một cách kín đáo vì nguyên tắc vàng của WTO luôn là member-driven organisation. Mọi cuộc gặp, dù không chính thức, với một thành viên của Ban thư ký đều phải được thông báo để không tạo điều kiện cho bất kỳ một nghi ngờ nào về tính độc lập của Ban thư ký. Trên cơ sở đó, ví dụ, bộ phận pháp lý không có nghĩa vụ tư vấn pháp lý cho các thành viên, và nếu họ cung cấp cho Ban thư ký các nhóm chuyên trách trong khuôn khổ của việc giải quyết tranh chấp thì điều này hoàn toàn dựa trên chức năng. Nói cách khác, Ban thư ký của WTO, theo cách nói chính thức, là một bộ máy hành chính không có chủ thuyết riêng (trừ trường hợp liên quan đến Cơ quan phúc thẩm, nghĩa là cấp xét xử thứ hai của cơ chế giải quyết tranh chấp – xem phần sau).

Thực tế có đôi phần tương phản với nhận định trên. Trước nhất là vì trong lòng WTO, như mọi tổ chức khác, phát sinh một hình thức “ái quốc”, đôi khi được thể hiện một cách rõ nét do WTO không nằm trong hệ thống các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, nhân viên không thể thuyên chuyển sang các tổ chức khác thuộc Liên hợp quốc. Kết quả là nhân viên ở lại vị trí công tác lâu dài, ít có thuyên chuyển nội bộ (và điều này gắn liền với rủi ro là tình trạng cứng nhắc trong hoạt động của tổ chức). Các nhân viên này có kinh nghiệm lâu năm và khả năng chuyên môn có thể vượt xa khả năng của đại diện nhiều thành viên. Khó mà tưởng tượng ra rằng họ hoàn toàn khách quan khi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan khác của tổ chức, nhất là khi các công việc tại các cơ quan này mang tính kỹ thuật. Sau cùng, do có nhiều cơ quan khác nhau nên cấu trúc thể chế của WTO trở nên phức tạp và đặt Ban thư ký vào một vai trò bản lề.

Pascal Lamy (Tổng giám đốc): Mọi tổ chức quốc tế đều có chức danh Tổng giám đốc (hay Tổng thư ký). Tổng giám đốc WTO do cơ quan cao nhất của tổ chức là Hội nghị bộ trưởng đề bạt; và Hội nghị bộ trưởng lẽ ra xác định nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng và nhiệm kỳ. Nhưng trong thực tế, Hội nghị bộ trưởng chưa hề thực thi quyền lực này của mình, và điều đó đã làm yếu đi vai trò của Tổng giám đốc vì Tổng giám đốc phải thực hiện nhiệm vụ hàng ngày dưới cái nhìn soi mói của các quan chức Genève, là những người đã tiến cử mình. Tuy nhiên, vai trò của Tổng giám đốc cũng đã ít nhiều có chuyển biến. Nếu về mặt chính thức đây là một chức vụ mang tính quản lý hành chính, nghĩa là trước hết điều hành tổ chức về mặt hành chính (và bổ nhiệm các cộng sự), vai trò của Tổng giám đốc, tùy tình hình và tùy theo tính cách cá nhân, có thể mang yếu tố chính trị. Trong thực tiễn, đề cử Tổng giám đốc là một công việc mang nhiều toan tính chính trị. Những khó khăn mà tổ chức đã vấp phải khi chọn người kế nhiệm Tổng giám đốc đầu tiên Renato Ruggiero là một minh chứng cho luận điểm trên. WTO sau đó đã phải chọn một giải pháp dung hòa là chia nhiệm kỳ Tổng giám đốc 6 năm cho hai ứng viên. Vì vậy, ứng viên New-Zealand Mike Moore đảm nhận vai trò này cho 3 năm đầu nhiệm kỳ và ứng viên Thái Lan là Supachai Panitchpakdi đảm nhiệm 3 năm cuối. Các căng thẳng gắn với sự bổ nhiệm này vào một năm trước khi diễn ra Hội nghị Seattle là lời cảnh báo về những khó khăn mà sau đó đã dẫn đến sự thất bại của hội nghị. Chính thông qua những sự kiện này mà ta có thể đánh giá đầy đủ nhất về vai trò thực của Tổng giám đốc WTO. Các quốc gia ý thức rằng Tổng giám đốc có thể đóng vai trò định hướng, hòa giải và đôn đốc, đặc biệt là khi đàm phán gặp khó khăn, vai trò này càng được thể hiện rõ nét hơn vào thời điểm trước một vòng đàm phán lớn. Ngoài ra, sẽ xuất hiện những đối kháng giữa các nước phía Bắc và các nước phía Nam. Tầm ảnh hưởng của Tổng giám đốc đương nhiệm Pascal Lamy là không thể phủ nhận, tuy ông không thể một mình “hóa giải” mọi khó khăn, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều. Dù Pascal Lamy đã góp phần đưa vai trò của Tổng giám đốc lên một tầm cao mới (và cũng có thể vì lý do này) ông phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên luôn sẵn sàng nhắc nhở Pascal Lamy rằng WTO là một member-driven organisation. Mỗi khi vị Tổng giám đốc này có một sáng kiến nào thì sáng kiến đó đều bị các thành viên tìm cách kìm hãm; sáng kiến càng khó phát huy khi mà hiến chương WTO không dành nhiều chỗ cho các ý tưởng mới. Sáng kiến thành lập một nhóm chuyên trách (Task Force) do Tổng giám đốc đưa ra vào dịp xảy ra khủng hoảng tài chính với nhiệm vụ thống kê các biện pháp bảo hộ mà các quốc gia thành viên WTO áp dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2008 là một minh chứng cho điều trên. Tổng giám đốc dựa vào các chức năng của Nhóm công tác về thương mại, các khoản nợ và tài chính, đưa ra yêu cầu về tính đồng bộ (xem Quyết định liên quan đến gia tăng tính đồng bộ trong xây dựng các chính sách kinh tế toàn cầu theo Văn bản sau cùng của vòng đàm phán Uruguay và kêu gọi một sự phối hợp với các thể chế của Bretton Woods) và về cơ chế giám sát các chính sách thương mại. Nhưng các quốc gia thành viên của WTO đã nhanh chóng nhắc nhở Tổng giám đốc rằng Tổng giám đốc không được phép làm tăng gánh nặng các cam kết của họ.

Các chức năng:

- Quản lý và điều hành các hiệp định thương mại của WTO

- Làm diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại

- Giải quyết tranh chấp thương mại

- Theo dõi các chính sách thương mại của các quốc gia thành viên

- Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nước đang phát triển

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác

Chúng ta đi vào trọng tâm vấn đề. Chí ít thì ta cũng nhận ra ngay rằng các phương tiện thông tin đại chúng có thể khiến chúng ta quên rằng WTO không chỉ là một nơi đàm phán cho việc gia tăng tự do thương mại mà còn có nhiều chức năng khác. Việc làm rõ các chức năng này và tầm quan trọng tương đối của chúng giúp ta hoàn chỉnh hơn bức tranh về WTO và hiện trạng của WTO cũng như mối liên hệ giữa WTO với thế giới bên ngoài. Cho dù danh sách nêu trong phiếu mô tả về WTO không định rõ các thứ bậc thì thực tiễn vẫn cho thấy rằng ba chức năng đầu là những chức năng quan trọng nhất, những chức năng còn lại đóng vai trò bổ sung. Tuy vậy, các chức năng này không được hoàn thành ở cùng một mức độ như nhau, điều này tác động ngược lại lên trên sự cân bằng của toàn bộ hệ thống. Thật vậy, dù thoạt nhìn ta sẽ không nhận ra nhưng trên thực tế thì các chức năng này tương tác lẫn nhau. Việc phân tích các tương tác quan trọng không kém việc phân tích bản thân các chức năng. Ngoài ra việc phân tích các chức năng và các tương tác giữa chúng chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đến việc tương đối hóa cách đánh giá WTO đơn thuần như là một member-driven organisation.

Tuy nhiên, về điểm này thì các quan điểm thường khó mà thống nhất và không phải lúc nào ta cũng có thể phân biệt được những gì thuộc suy nghĩ đã cắm rễ với những gì không nên diễn đạt ra, những gì thuộc về cấm kỵ hay những gì mà ta vẫn thường gọi là “thái độ đặc thù của quan chức”. Nếu ta khó có thể phủ nhận rằng đàm phán là món ưa thích của các nước thành viên (đến mức mà WTO được xem như là một khuôn khổ, thậm chí là một “cái bàn (đàm phán)” – theo cách nói trên web site của WTO) thì các hoạt động khác của họ ít hoặc rất ít khi được biết đến. Khi xem xét kỹ các chức năng khác nhau đã được liệt kê ta sẽ có thể phân biệt được chức năng làm khuôn khổ cho các đàm phán với các chức năng khác mà ta có thể gắn với ý niệm chung về quản lý (bên trong WTO hay nhằm xác lập vai trò của WTO như là một chủ thể của việc quản lý bao quát hay quản lý toàn cầu).

Theo cách nói thông dụng trong WTO, để đối phó với các cuộc đàm phán diễn ra một cách ì ạch, không có thay đổi gì lớn về các biện pháp điều hành, ngoại trừ trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Một số người thậm chí không do dự xem WTO chỉ thuần túy là một nơi giải quyết tranh chấp. Theo những người này thì đây là nhiệm vụ duy nhất mà WTO thực sự đảm nhận tốt. Trên thực tế, việc giải quyết tranh chấp được xem như là một điểm nhấn cho những thành tựu của WTO (và kèm theo đó, xuất hiện một cách logic của bài diễn văn đối trọng lên án vai trò quá lớn của chức năng giải quyết tranh chấp và kêu gọi giảm bớt vai trò của chức năng này). Nhưng nếu chỉ theo khẳng định này thì xem như ta đã quên những hoạt động khác, mặc dù những hoạt động này thường khó có thể được đánh giá đầy đủ. Những hoạt động này càng đáng được quan tâm hơn khi mà đây lại chính là những yếu tố đóng góp không chỉ cho việc thúc đẩy cả hệ thống đi tới mà còn cho việc cung cấp thêm thông tin cho đàm phán.

Chúng ta phải chấp nhận một khái niệm thoáng về quản lý, bao gồm cả những quy trình không chính thức và trong đó có chỗ cả cho vai trò của luật mềm (soft law), đồng thời cũng phải tính đến những hiệu ứng kèm theo và các kết quả hiển hiện. Thật vậy, WTO không đứng bên lề một số đổi thay gây ảnh hưởng đến hệ thống luật pháp quốc tế trong 25 năm qua và đã dẫn đến việc tái cấu trúc hệ thống này. Ta có thể kể đến vị trí ngày càng quan trọng của các cá thể và, qua đó, các quy định có nguồn gốc tư nhân. Chúng ta cũng có thể kể đến vị trí ngày càng lớn của các qui trình ít nhiều mang tính chính thức về điều phối thường xuất hiện trong khuôn khổ các mạng lưới liên quốc gia hay liên chính phủ. Các qui trình này có thể là trao đổi thông tin và cũng có thể là việc tiến hành pháp điển hóa thông qua con đường chấp nhận “luật mềm”, một hiện tượng chưa hoàn toàn là luật nhưng cũng vì lý do này mà có thể tác động đến cách ứng xử một cách có hiệu quả.

Các hiện tượng này xuất hiện ở WTO, và cho dù không mô tả chi tiết về chúng, ta cũng cần phải ghi nhận sự tồn tại của chúng thì mới thấy được vai trò quan trọng của hình thức quản lý không thật sự giấu mặt nhưng vì mang tính không phô trương nên ít thu hút sự chú ý, khác với các đàm phán nay đã trở thành vấn đề “chính trị cao cấp”. Cần phải có một cái nhìn phê phán về các lợi ích và/hoặc thuận lợi cũng như các tác dụng phụ của các xu hướng trên.

Khi đánh giá ta cần phải xem xét đến việc WTO không phải là một tổ chức tách rời hay cô lập khỏi môi trường xung quanh vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, ngay từ ban đầu hệ thống quy định của WTO đã được mượn từ những hệ thống đã có sẵn, ví dụ như đối với các biểu thuế, các chuẩn về y tế mang tính tham chiếu hoặc các qui định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Như vậy, WTO phụ thuộc một phần vào những gì đang diễn ra ở nơi khác cho dù là WTO sẽ vận dụng theo cách riêng của mình, và, ở hướng ngược lại, những gì WTO làm hoặc có thể làm với những qui định này sẽ có những tác động ra bên ngoài phạm vi WTO. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ đến việc diễn giải các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ được lấy lại từ các công ước thỏa thuận trong khuôn khổ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), làm phát sinh những khả năng giải thích luật đồng bộ hoặc không đồng bộ. Ta cũng có thể nghĩ đến các quy định và các yêu cầu liên quan đến tính không độc hại của thực phẩm trong Codex alimentarius mà ta biết rằng trong đó có một số quy định (ví dụ như về thực phẩm biến đổi gen) rất khó xây dựng từ khi chúng được dùng như tham chiếu tại WTO. Thứ hai, ngày nay, hầu như không có vấn đề nào không mang yếu tố thương mại và do đó đều chịu sự chi phối bởi các qui định của WTO. Tổ chức này sẽ luôn bị kéo vào những tranh luận về các vấn đề trên và những vấn đề đó ngày càng gia tăng. Ví dụ điển hình liên quan đến các biện pháp chống lại hiện tượng nóng dần lên của nhiệt độ trái đất. Ngoài ra ta cũng có thể nêu thêm nhiều ví dụ khác, như tính đa dạng văn hóa và điều này nhắc rằng chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau, khiến nảy sinh nhu cầu về sự thừa nhận và đặt ra vấn đề về giá trị. Luật pháp quốc tế càng mang tính can thiệp thì các vấn đề liên quan đến giá trị càng xuất hiện thường xuyên, với những khó khăn gắn với sự nhận dạng các tiêu chí phân biệt có thể chấp nhận được. Đây là một trong những thử thách của chủ nghĩa đa phương nói chung và đối với WTO nói riêng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các tổ chức đa phương không đạt được sự thành công. WTO vận hành trong một môi trường và một quá trình lịch sử tác động đến tổ chức và tổ chức tác động ngược lại, trong bối cảnh gia tăng tính liên đới giữa các quá trình xây dựng luật và đàm phán.

Phác thảo chung này cho phép chúng ta có cái nhìn chuẩn xác hơn về ba khía cạnh mà chúng ta tập trung xem xét: đàm phán, quản lý và giải quyết tranh chấp.


*GS-TS, Hiệu trưởng Trường Luật - Đại học Paris I

** Người dịch, ThS, Phó trưởng phòng QL NCKH & HTQT - Trường Đại học Luật Tp .Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Vì sao gatt đổi tên thành wto

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref