Vì sao phải đăng ký thành lập doanh nghiệp

Ngày nay, ngày càng nhiều mô hình doanh nghiệp mọc lên và phát triển rực rỡ ở Việt Nam. Vậy nguyên nhân tại sao mà nhiều người lại đi đăng ký thành lập doanh nghiệp như vậy? Điều này là bởi vì thành lập doanh nghiệp sẽ cho bản thân bạn, nền kinh tế nước nhà, cơ quan quản lý nhà nước nhiều lợi ích không thể đo đếm được. Bài viết này sẽ chỉ ra những lí do tại sao bạn nên thành lập doanh nghiệp ngay bây giờ.

Bạn có nhiều ý tưởng táo bạo trong đầu nhưng lại không có một cơ sở doanh nghiệp hợp pháp nào để thực hiện sản xuất, truyền bá và thu lợi nhuận từ sáng kiến của mình, đó là lí do tại sao bạn bên thành lập doanh nghiệp ngay bây giờ. Bởi vì doanh nghiệp sẽ cho bạn một nền tảng hợp pháp để bạn có thể làm việc vì sở thích, kiếm lợi nhuận từ ý tưởng, lan truyền niềm đam mê đến mọi người xung quanh.

Thêm nữa, thành lập doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp trẻ trở nên trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Khi thành lập doanh nghiệp chủ doanh nghiệp sẽ phải học cách chịu trách nhiệm với những hoạt động của doanh nghiệp, cũng như chịu trách nhiệm với sự phát triển của doanh nghiệp, quan hệ với nhân viên, đối tác, và đối với những khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.

Khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ có được những ưu đãi và các quyền tương ứng theo quy định của pháp luật. Khi thành lập doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thành lập nên doanh nghiệp sẽ có quyền quyết định và quản lý mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thành lập doanh nghiệp sẽ giúp hoạt động kinh doanh, sản xuất được mở rộng và thu về nhiều lợi nhuận hơn so với những quy mô nhỏ khác vốn phải chịu nhiều hạn chế ngặt nghèo hơn của pháp luật.

Khi thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, sản xuất của bạn sẽ được công bố trên thị trường. Từ đó, nhiều khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng tìm đến doanh nghiệp của bạn hơn. Bạn sẽ được tin tưởng hơn do doanh nghiệp của bạn đã được pháp luật công nhận và quản lý.

Một chủ thể được thành lập doanh nghiệp và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có mô hình phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc thành lập doanh nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh trong nền kinh tế.

Các doanh nghiệp được thành lập sẽ góp phần tạo ra lợi nhuận lớn cho nền kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Do đó, việc thành lập doanh nghiệp là một nhân tố cực kì quan trọng trong việc phát triển môi trường kinh doanh và nền kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, khi một doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước sẽ dễ quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó hơn. Qua đó, nhà nước sẽ nắm bắt được xu hướng thị trường và đưa ra các chính sách phát triển phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà hơn.

Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những quy định rất cởi mở khuyến khích thành lập doanh nghiệp. Cũng đề cập quyền tự do kinh doanh nhưng từ một khía cạnh khác, Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa có bài viết liên quan đến quyền "tự do không thành lập doanh nghiệp". Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia xin đăng tải lại bài viết này. Tôi có một người bạn là chủ một cơ sở karaoke gia đình, có trên dưới 10 nhân viên. Vừa rồi có đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra cơ sở của anh. Không phát hiện sai phạm nào của cơ sở, đoàn kiểm tra phạt anh 500.000 đồng vì thuê hơn 10 lao động mà không có nội quy lao động. Ngoài ra, cũng vì lý do trên, đoàn kiểm tra còn bắt anh phải chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên công ty.

Sáng sớm, anh gọi, giọng bức xúc: “Tôi phải lo đủ thứ chuyện mới có tiền trả lương cho nhân viên thế mà họ lại phạt tôi, phạt vì tôi tạo việc làm cho lao động à? Tại sao cứ phải bắt tôi lên công ty trong khi bây giờ tôi đang đóng thuế khoán, chả phải lo sổ sách kế toán gì cho phức tạp. Lên công ty thì được lợi ích gì chứ?”.

Tôi nói đùa cho anh đỡ bực mình, thời giờ ai cũng muốn có doanh nghiệp để được thành doanh nhân cho hoành tráng, chỉ riêng anh là cứ nhất định làm chủ hộ kinh doanh tí tẹo. Cúp máy mới thấy sự bức xúc của anh có lý.

Công ty có hẳn là tốt?

Công ty hẳn nhiên là một phát minh to lớn của loài người để kiếm tiền và tích tụ tiền.

Trước nhất, công ty bảo vệ người chủ thông qua hai lợi thế quan trọng: tính chịu trách nhiệm hữu hạn và tư cách pháp nhân. Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn anh ta góp hoặc cam kết góp vào công ty, tức là một khi anh đã góp đủ vốn cam kết vào công ty, không ai được quyền đụng đến tài sản cá nhân - “cái nồi cơm” của vợ con anh. Và công ty là thực thể độc lập, nó có tư cách pháp nhân riêng, nó tạo ra vỏ bọc pháp lý che chắn cho người chủ. Khi làm ăn với công ty, đối tác muốn kiện tụng gì thì kiện công ty, còn người chủ sẽ thoát khỏi những vụ kiện đó.

Tiếp đến là khả năng trường tồn của công ty, công ty độc lập với chủ, nên nếu chủ có qua đời thì công ty vẫn tồn tại và sẽ được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Ở Nhật Bản, có những công ty hơn 1.000 năm tuổi trải qua bao nhiêu thế hệ trong gia đình là vì thế.

Lợi thế không kém phần quan trọng là khả năng chuyển nhượng của công ty. Nếu không muốn kinh doanh nữa, người chủ có thể bán vốn cho người khác và rút lui khỏi công ty. Nếu vẫn muốn giữ công ty, anh ta có thể bán tài sản của công ty như nhà xưởng, đất đai, thương hiệu, máy móc, thậm chí hệ thống phân phối hoặc danh sách khách hàng... cũng có thể bán được.

Cuối cùng công ty có lá chắn thuế - tức là công ty chỉ phải đóng thuế thu nhập trên phần tiền còn lại sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí. Nếu doanh thu nhỏ hơn chi phí (công ty lỗ) thì không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như hai mặt của một đồng xu, công ty cũng có nhiều bất lợi (tạm so sánh với hộ kinh doanh cá thể). Thông thường, các công ty phải tuân thủ nhiều quy định và chi phí tuân thủ các quy định đó cũng không nhỏ. Thuế và kế toán cũng là vấn đề nhức đầu, ít nhất là so với thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể. Nếu công ty có nhiều thành viên, sẽ luôn tồn tại khả năng tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên.

Một quy định lửng lơ từ Luật Doanh nghiệp 2005

Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2005 buộc hộ kinh doanh cá thể sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bắt buộc như vậy nhưng luật không hề có mức phạt nào khi hộ kinh doanh cá thể không tự nguyện chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Cũng không có quy định về thời hạn buộc phải chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, luật cũng không có hướng dẫn thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Trong cuộc điện thoại với bạn tôi, khi tôi nói đến nội dung của điều 170 trên, anh bạn tôi “đốp” lại ngay: “Thế chuyển lên doanh nghiệp thì những giấy phép hiện giờ phải làm lại hết à. Nhà nước có miễn phí tiền xin lại giấy phép này cho tôi không?”. Đứng từ góc độ kinh doanh, tôi phải thừa nhận sự bức xúc của anh bạn là hợp lý. Hiện nay, để điều hành một cơ sở karaoke gia đình như thế, anh phải đi xin hàng chục loại giấy phép và thủ tục khác nhau như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự, cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cam kết phòng chống tội phạm, cam kết không để xảy ra tệ nạn xã hội... Nếu chuyển thành doanh nghiệp, bạn tôi sẽ là làm lại toàn bộ giấy phép trên từ đầu (Nhức đầu lắm, tốn một mớ tiền khá đấy ông ạ! - như lời anh nói).

Có lẽ vì sự lửng lơ đó mà ít doanh nhân nào biết rằng quy định này có từ Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, tin xấu là quy định này vẫn được giữ lại trong Luật Doanh nghiệp 2014, dù chúng ta, không chắc rằng nó sẽ được thực thi như thế nào trong tương lai.

Khi đưa ra quy định này, dường như nhà làm luật quên một điều là không phải ai cũng muốn và được quyền thành lập doanh nghiệp. Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 không cho phép cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, công an nhân dân, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước... thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, những người trên có quyền mở cửa hàng dưới danh nghĩa hộ kinh doanh cá thể. Nếu bắt những hộ kinh doanh này phải chuyển thành doanh nghiệp, chẳng khác nào bắt họ đóng cửa hộ kinh doanh cá thể.

Học được gì từ những thất bại trong quá khứ?

Tâm lý lý tưởng hóa mô hình doanh nghiệp không chỉ có trong Luật Doanh nghiệp. Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng có quy định tương tự khi yêu cầu tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.

Dựa theo quy định này, một vài cơ quan nhà nước giải thích rằng cứ cho thuê nhà là kinh doanh bất động sản, bất kể quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ. Từ đó, họ hăng hái bắt các hộ gia đình phải lập công ty bất động sản cho đúng luật (!) nếu muốn cho thuê nhà. Tuy nhiên, do bị phản đối, quan điểm này không đứng vững và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã sửa lại điều này. Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân  bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải lập doanh nghiệp.

Công ty, suy cho cùng, là một công cụ luật tạo ra để doanh nhân sử dụng. Dưới góc nhìn này, công ty cũng ngang hàng như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã hoặc các công cụ kinh doanh khác. Công cụ nào cũng có cái hay và cái dở của nó. Doanh nhân có quyền chọn lựa, tùy vào sở thích hoặc nhu cầu của họ. Buộc hộ kinh doanh cá thể sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải chuyển thành doanh nghiệp là hạn chế quyền chọn lựa công cụ kinh doanh của doanh nhân.

Thiết nghĩ, khi thực hiện quy định về chuyển đổi nêu trên, cần ban hành các hướng dẫn rõ ràng; đồng thời, khi thực thi cũng đòi hỏi phải mềm dẻo và không ép buộc. Ngoài ra, từ đây cho đến khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, vẫn còn một khoảng thời gian đáng kể để các nhà làm luật xem xét và đánh giá tính phù hợp và thực tiễn của quy định này.

Theo LS Trần Thanh Tùng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
* Tiêu đề do tòa soạn đặt


Video liên quan

Chủ đề