Vì sao phải rèn luyện đạo đức cách mạng

. Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên thể hiện ở nội dung đạo đức cách mạng.

Thứ nhất, sự vận dụng phát triển ấy trước hết ở quan niệm về đạo đức cách mạng. Đảng viên của đảng cộng sản phải là những người ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải là hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của thời đại. Tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đạo đức có tầm quan trọng đặc biệt. Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức của đảng viên phải là đạo đức cách mạng, một loại hình đạo đức kiểu mới. Đối với đảng viên, đạo đức là nền tảng, là gốc của con người."Cũng như sông thì có nguồn mới có nước; không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[1].

Làm cách mạng, theo Hồ Chí Minh phải biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, phải có niềm tin chắc thắng. Người nói: Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại phải nhìn vào tương lai. Chúng ta phải tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, thất bại cũng không lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng giữ vững tinh thần khiêm tốn... phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ... Không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo. Tóm lại, với Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên quyết định đối với sự thành công hay thất bại của cách mạng.

Ngay từ bài mở đầu trong cuốn Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đưa tư cách của một người cách mạng gồm hai mươi ba điều lên hàng đầu; bài cuối cùng trước khi Người từ giã cõi đời này đăng trên báo Nhân dân, nhân dịp ba chín năm thành lập Đảng, Người lại đề cập đến vấn đề đạo đức của người cán bộ, đảng viên với tiêu đề Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong Di chúc, Người lại nhắc nhở Đảng ta phải đào tạo các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng thành những người vừa "hồng" vừa "chuyên".

Quan niệm đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh là sự thống nhất của đức và tài, trong đó đức là gốc. Người nói có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nếu chỉ có đức mà không có tài thì giống như ông bụt ngồi trên chùa. Quan niệm đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh là sự vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách người đảng viên cộng sản khác về chất các kiểu đạo đức phong kiến và tư sản. Theo Người, đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững chắc được dưới đất. Đạo đức mới phủ định biện chứng những chuẩn mực đạo đức phong kiến đạo đức tư sản và tôn giáo.

Thứ hai, sự vận dụng phát triển ấy còn thể hiện trong nội dung đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Nội dung đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh thể hiện:

Một, trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất đạo đức bao trùm, quan trọng nhất chi phối các phẩm chất khác của người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung, hiếu với nước, dân theo Hồ Chí Minh là phải lấy dân làm gốc. Cán bộ, đảng viên phải là công bộc của dân, phải thực hiện dân chủ cho dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Kế thừa truyền thống trung, hiếu với một nghĩa trách nhiệm, bổn phận của người dân, người con của dân tộc, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới phản ánh đạo đức cao rộng hơn. Đó là trung với nước, hiếu với dân. Theo Hồ Chí Minh, trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc với nhân dân, với cách mạng, với Đảng", "quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng", "ra sức làm việc cho Đảng", "giữ vững kỷ luật Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước". Hiếu với dân, theo Người, không còn là chỗ thương dân với tính chất ban ơn mà là phải gần dân, gắn bó với dân, dựa hẳn vào dân, học dân, lấy dân làm gốc. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân... Như vậy, yêu cầu đầu tiên của đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên là phải có ý chí cách mạng, trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân. Đây là sự vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên cộng sản trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. 

Hai, người cán bộ, đảng viên cần có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong tác phẩm Ngày 18 tháng sương mù của Lui Bônapáctơ (1852), Mác coi trách nhiệm của người đảng viên phải “học tập không ngừng”, Lênin thường nhấn mạnh tới trình độ giác ngộ lý luận, tự giác của người đảng viên… Vận dụng quan điểm đó, Hồ Chí Minh phát triển thành nhân, nghĩa, lễ trí, tín. Người cán bộ đảng viên phải vươn tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống con người với năm đức tính Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm:  1) - Nhân là thật thà thương yêu hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không sợ oai quyền...; 2) Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm. Lúc Đảng giao cho việc thì bất kỳ to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc trái phải nói. Không sợ người ta phê bình và phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn; 3) Trí là đầu óc trong sáng, sáng suốt. Biết xem người. Biết xem việc. Biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng? Cất nhắc người tốt. Đề phòng người gian; 4) Dũng là dũng cảm.Gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần có gan hy sinh cả tính mạng cho đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát; 5) Liêm là không ham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham người tâng bốc mình. "Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ"[2]

Ba, người cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác nêu tính tiên phong của người đảng viên thể hiện trên hai phương diện lý luận và hoạt động thực tiễn. Coi đó là luận điểm gốc để xác định vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của người đảng viên. Trong tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, Lênin chỉ ra thiếu nhiệt tình “cách mạng sẽ không thể nào thắng lợi được”. Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá phát triển các luận điểm trên thành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, đó là chuẩn mực đạo đức quan trọng của người cán bộ, đảng viên. Ở nhiều bài báo, nhiều lần gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, đảng viên, bộ đội và nhân dân, Hồ Chí Minh đều nói đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Coi đó là yêu cầu thường xuyên của người cán bộ, đảng viên. Theo Người, "Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, làm việc với năng suất cao. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí. Liêm là trong sạch. Chính là không tà, thẳng thắn, quang minh chính đại, không ngần ngại khi phê bình người khác nhưng phê bình phải có cái "tâm", đồng thời biết lắng nghe tiếp thu ý kiến phê bình, không thù ghét cá nhân. Chí công vô tư là làm những việc ích quốc lợi dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ "cần - kiệm - liêm là gốc rễ của chính. Như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải có chính mới là người hoàn toàn. Theo Hồ Chí Minh: "Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Thiếu một mùa thì không thành trời.Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”[3].

Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống văn hoá mới, là cái để làm việc, làm người, làm cán bộ đảng viên, phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Cần, kiệm, liêm, chính là đặc trưng của xã hội hưng thịnh. "nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân"[4].

2. Hồ Chí Minh phát triển quan điểm “đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội” của chủ nghĩa Mác-Lênin thành việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Thực tiễn của đấu tranh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin rất chú trọng đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong đảng. Các ông chỉ ra rằng, đảng phải  đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội, phải đuổi cổ những phần tử cơ hội ra khỏi đảng… Đồng thời, các ông cũng đã chỉ ra, chủ nghĩa cơ họi có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân. Trên cơ sở những quan điểm đó, Hồ Chí Minh đã phát triển thành quan điểm nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong điều kiện đảng cầm quyền, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ đảng viên trở thành một đòi hỏi thường trực. Nó xuất phát từ bản chất tiên phong, mục tiêu, lý tưởng của đảng. Để có một đất nước độc lập, hoà bình, dân chủ và giàu mạnh đòi hỏi kinh tế phát triển mạnh mẽ làm cơ sở, đồng thời phải giáo dục toàn diện cho mọi người. Về lĩnh vực đạo đức, muốn giáo dục cho xã hội thì cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo quản lý phải tự và được giáo dục với phương châm "cán bộ, đảng viên đi trước làng nước theo sau".

Theo Hồ Chí Minh, ở một nước mà đảng cộng sản cầm quyền, cán bộ đảng viên có đạo đức cách mạng phải là người công dân mẫu mực, người nòng cốt trong việc giữ gìn kỷ cương, đạo đức xã hội. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên xấu thì không những họ không làm tròn nghĩa vụ công dân mà còn là "chất xúc tác" làm cho những thói hư, tật xấu trong xã hội lây lan và phát triển. Hơn thế nữa, đảng viên nắm giữ hầu hết các chức vụ chủ chốt trong các lĩnh vực đời sống xã hội, nếu không tự và được giáo dục, những cán bộ, đảng viên ấy sa sút đạo đức cách mạng thì họ lại là lực lượng chính phá huỷ nền tảng đạo đức xã hội và làm vô hiệu hoá quyền uy của pháp luật, quyền lãnh đạo xã hội của đảng. Để xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Trong đảng cộng sản, sự tha hoá đạo đức là đáng sợ nhất, biểu hiện tập trung nhất ở chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh phát triển hoàn thiện quan niệm về chủ nghĩa cá nhân. Người không chỉ vạch rõ nguồn gốc, bản chất, hình thức đa dạng và tinh vi của chủ nghĩa cá nhân mà còn chỉ ra hậu quả phá hoại ghê gớm của nó, Người cảnh báo, chủ nghĩa cá nhân là một trong ba nguy cơ đe doạ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ khó khăn, sa vào tham ô, lãng phí. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của đảng và của nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng và nhân dân, "do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm"[5].

Để trung với nước, hiếu với dân, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, chí công vô tư cần cương quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân vì chủ nghĩa cá nhân mà làm nảy sinh nhiều bệnh tật cho cán bộ, đảng viên. Vì sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân nên phải quyết tâm đấu tranh chống lại nó. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cần phân biệt rõ chủ nghĩa cá nhân với lợi ích chính đáng của cá nhân.

3. Tấm gương đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh không những vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách người đảng viên cộng sản mà còn để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một di sản về tấm gương đạo đức tiêu biểu và sinh động nhất có sức cảm hoá mãnh liệt đối với dân tộc Việt Nam và quốc tế. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ lớn lao, tạo nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc trong chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thứ nhất, suốt đời hy sinh phấn đấu cho độclập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Sinh ra và lớn lên trong một nước nô lệ, dân lầm than, Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc nỗi khổ nhục của một dân tộc mất độc lập, tự do, nỗi cơ hàn của dân nô lệ. Lòng yêu nước của những người thân trong gia đình, những nhà nho yêu nước đầy nghĩa khí, truyền thống và không khí cách mạng của quê hương đã thấm sâu trong Người, trở thành nguồn lực to lớn thúc đẩy sự hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Người làm đủ nghề, với mục đích tìm đường cứu nước để về dẫn dắt nhân dân phá ách nô lệ cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Trước khi rời khỏi cõi đời này, Người chỉ tiếc một điều duy nhất là "không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa".

Thứ hai, lòng nhân ái, tình yêu thương đồng chí, đồng bào. ở Hồ Chí Minh yêu nước, thương dân hoá thành lòng nhân ái thương yêu con người trong Hồ Chí Minh đã nâng lên thành chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Người đau nỗi đau của dân, Người mẫu mực thực hiện mười ngày nhịn ăn một bữa để chia sẻ với đồng bào nghèo đói. Người cảm thấy như "đứt một đoạn ruột" khi được tin nỗi buồn của dân. Chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân "một ngày miền Nam còn hy sinh đổ máu là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên".

Thương yêu nhân dân, suốt đời chăm lo hạnh phúc của nhân dân vì người nhìn thấy sức mạnh to lớn của nhân dân. Người luôn luôn tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Đối với Hồ Chí Minh, thương yêu con người, vì con người phải gắn với lòng tin vào khả năng sáng tạo, khơi dậy thức tỉnh tính tự giác ở mỗi con người trong lao động, học tập, chiến đấu và các hoạt động xã hội khác, luôn luôn nhìn thấy mặt tốt của mỗi con người để phát huy, để hạn chế mặt xấu. Lòng nhân ái, tình yêu thương mênh mông đối với đồng chí, đồng bào đã tạo cho Hồ Chí Minh sức cảm hoá kỳ diệu đối với mọi tầng lớp nhân dân, với bạn bè quốc tế và với chính cả kẻ thù.

Là lãnh tụ của Đảng, là nguyên thủ một quốc gia nhưng từ cụ già, đến cháu nhỏ, từ chiến sĩ đến nhà khoa học, từ vị tướng đến bác công nhân, nông dân không hề cảm thấy cách biệt mà vô cùng gần gũi thân thiết với Hồ Chí Minh. Không phân biệt màu da, tiếng nói, nhân dân các châu lục trên thế giới đều gọi Hồ Chí Minh cái tên thân thiết, nhưng kính trọng như nhân dân Việt Nam thường gọi "Bác Hồ";

Thứ ba, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong suốt đời mình, dù ở hoàn cảnh nào, điều kiện nào, Hồ Chí Minh sống rất thanh bạch, giản dị, khiêm tốn. Người không chỉ nói, nhắc cán bộ, đảng viên và nhân dân phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà trước hết Người thực hiện một cách mẫu mực những đức tính đó. Người cần cù, tận tuỵ với mọi công việc từ tăng gia sản xuất, đọc sách, viết báo đến việc lãnh đạo. Bất cứ việc gì cũng làm với thái độ chăm chỉ, nghiêm túc và tìm mọi biện pháp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người không bao giờ cho phép mình có mức sống chênh lệch quá xa với mặt bằng đời sống xã hội. Người không bao giờ cho phép mình được hưởng những quyền lợi đặc biệt. Trong Di chúc (1969), Người yêu cầu: Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Cả cuộc đời, Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng và tiêu biểu về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người sống thanh bạch giản dị, đem hết sức tinh thần và nghị lực của mình cống hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân;

       Thứ tư, học tập không mệt mỏi để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ cứu nước cứu dân, Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải học tập, chỉ có học tập mới nâng cao trí tuệ. Hồ Chí Minh là một tấm gương về tự học. Người làm mọi việc không chỉ để kiếm sống mà còn để học tập. Người không chỉ trực tiếp, mà còn thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện câu nói của Lênin: "Học, học nữa, học mãi". Ham học, ham làm là đạo đức cách mạng. Người đề ra mục đích, nội dung, địa điểm học tập rất cụ thể. Học không chỉ tiến hành ở trường mà học trong thực tế cuộc sống, học nhân dân. Học toàn diện, học lý luận, học chuyên môn nghiệp vụ, học đạo đức cách mạng. Học không phải vì bằng cấp, bằng hàm vị, học để hành, học để làm người, làm cán bộ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là học tập không mệt mỏi, vừa làm vừa học, vừa hoạt động cách mạng vừa học tập. Với tư chất thông minh và đức tính cần cù chịu khó, Người đã đọc thông viết thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới: tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh..., hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực từ cổ, kim, đông, tây. Người đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả những tri thức đó vào cuộc sống, vào tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp "trồng người". Khi cách mạng thành công (1945), Người động viên và trực tiếp tổ chức lãnh đạo nhân dân cả nước thi đua "diệt giặc dốt". Người quan niệm, không diệt được giặc dốt thì "giặc đói", "giặc ngoại xâm" khó có thể tiêu diệt được. Khi bắt tay xây dựng miền Bắc (1954), Người chỉ ra: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa.

Tấm gương học tập không mệt mỏi của Hồ Chí Minh và những lời giáo huấn của Người về học tập có sức cổ vũ to lớn đối với cán bộ, đảng viên, quân đội và nhân dân ta trong việc thực hiện chủ trương nâng cao dân trí đào tạo nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay

TS Phạm Ngọc Dũng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Nguồn ĐCSVN)