Công văn hướng dẫn sáp nhập doanh nghiệp năm 2024

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 468/HQBĐ-NV ngày 11/4/2023 của Cục Hải quan tỉnh Bình Định báo cáo vướng mắc về thủ tục xử lý thuế sau khi sáp nhập doanh nghiệp. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định về sáp nhập công ty thì sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập;

Căn cứ khoản 7 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư trong trường hợp sáp nhập thì tổ chức được hình thành trên cơ sở sáp nhập được kế thừa các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư trước khi sáp nhập nếu vẫn đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư;

Căn cứ khoản 1 Điều 51 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế thì Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đối với dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan;

Căn cứ khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 14 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư;

Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 31a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) quy định về thông báo, kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu.

1. Trường hợp Công ty TNHH Bidiphar Công nghệ cao thực hiện dự án ưu đãi đầu tư “Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar Công nghệ cao” sau đó sáp nhập vào Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định thì Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định được kế thừa các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư trước khi sáp nhập nếu vẫn đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án “Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar Công nghệ cao” đã hoàn thành thủ tục miễn thuế, sau đó sáp nhập vào Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định tiếp tục được theo dõi, quản lý theo đối tượng miễn thuế quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP).

2. Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích hàng hóa đã được miễn thuế và báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế trong năm tài chính cho cơ quan hải quan nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 31a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

3. Cục Hải quan tỉnh Bình Định có trách nhiệm kiểm tra tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế theo quy định tại

Đề nghị cho biết thủ tục và một số vấn đề cần chú ý về thuế và hải quan khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp.

Answer (VN)

<Lời mở>

Trong thời điểm nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gồng mình hết sức để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng những khủng hoảng, bất ổn trong thị trường kinh tế, tài chính cũng đang đặt ra nhiều khó khăn hơn cho các doanh nhân, đòi hỏi họ phải chọn lựa ra chiến lược khôn ngoan nhất cho sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, sáp nhập là chiến lược hợp tác doanh nghiệp trong việc tái phân bổ nguồn lực tài chính và hệ thống quản trị mà nhiều công ty hướng tới. Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập tại Việt Nam, các doanh nghiệp chưa nắm rõ những thủ tục, vấn đề cần phải thực hiện và khó khăn trong quá trình thực hiện liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Bài viết này giải thích và làm rõ hơn các vấn đề về thuế và hải quan mà doanh nghiệp cần thực hiện khi tiến hành thực hiện sáp nhập doanh nghiệp.

  1. Sáp nhập doanh nghiệp là gì?

Theo điều 201, luật doanh nghiệp 2020, Sáp nhập là một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Như vậy, sáp nhập là hoạt động xảy ra khi các doanh nghiệp, thường là các doanh nghiệp trong cùng một ngành, đồng ý hợp lại thành một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Việc sáp nhập doanh nghiệp liên quan đến tài chính, việc quản lý của nhà nước của nhiều doanh nghiệp nên thủ tục sáp nhập cần tuân theo quy định của pháp luật.

  1. Thủ tục về hải quan liên quan đến thực hiện sáp nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị sáp nhập thông báo bằng văn bản tới cơ quan hải quan có thẩm quyền về việc sáp nhập. Sau đó, doanh nghiệp bị sáp nhập cần thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa nhập khẩu đến thời điểm có quyết định về việc sáp nhập và nộp cho cơ quan hải quan chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày quyết định sáp nhập.

Tiếp theo, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở của doanh nghiệp bị sáp nhập sau khi doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán hải quan.

Sau khi cơ quan hải quan kiểm tra xong, doanh nghiệp bị sáp nhập chuyển giao hàng hoá, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… cho doanh nghiệp nhận sáp nhập. Không có quy định rõ ràng liên quan đến thủ tục khi bên bị sáp nhập chuyển nguyên vật liệu máy móc,.. cho bên sáp nhập, doanh nghiệp phải nộp công văn cho Tổng cục Hải quan nhận hướng dẫn về thủ tục cần thiết và nộp bổ sung tiền thuế nếu thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.

Trường hợp doanh nghiệp bị sáp nhập sau sáp nhập là dự án mở rộng của doanh nghiệp nhận sáp nhập nếu muốn áp dụng quy định của doanh nghiệp chế xuất thì cần thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất trước khi thực hiện.

Về thực hiện thủ tục hải quan trong thời gian chờ giấy phép kinh doanh mới/ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, căn cứ quy định của luật doanh nghiệp, sau sáp nhập doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập. Như vậy, trong khi chờ giấy phép kinh doanh mới/ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới thì chỉ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép của doanh nghiệp nhận sáp nhập.

Tuy nhiên, trên thực tế thủ tục hải quan có thể có một số điểm thay đổi tuỳ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp hoặc quy định chưa rõ ràng. Doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp để được hướng dẫn thực hiện.

  1. Thủ tục về thuế liên quan đến việc thực hiện sáp nhập doanh nghiệp.

Khi tiến hành sáp nhập, công ty bị sáp nhập sẽ cần phải thực hiện quyết toán thuế để tiến hành việc đóng mã số thuế của doanh nghiệp. Việc thực hiện quyết toán thuế sẽ được doanh nghiệp tiến hành như sau:

Đầu tiên, công ty bị sáp nhập cần xác định kỳ cuối cùng quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán thuế thu nhập cá nhân như thế nào.

  • Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, kỳ tính thuế cuối cùng được tính từ ngày bắt đầu năm tài chính theo đăng ký tính đến ngày doanh nghiệp có quyết định về việc sáp nhập của cơ quan có thẩm quyền (hoặc ngày trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới trong trường hợp không có quyết định sáp nhập). Trường hợp kỳ tính thuế năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm trước đó để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 15 tháng.
  • Đối với thuế thu nhập cá nhân, kỳ tính thuế cuối cùng tính theo năm dương lịch từ ngày 1/1 đến ngày quyết định sáp nhập của cơ quan có thẩm quyền ban hành (hoặc ngày trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới trong trường hợp không có quyết định sáp nhập)

Hiện nay, các doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định của nghị định 123/2020/NĐ-CP vì vậy doanh nghiệp không cần phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn cho cơ quan thuế. Trường hợp doanh nghiệp không tiếp tục sử dụng hoá đơn điện tử khi sáp nhập thì không cần thông báo cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, vấn đề này không được nêu rõ trong quy định nên doanh nghiệp cần xác nhận lại với cơ quan thuế trực tiếp quản lý khi thực hiện.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán, nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán cho các cơ quan ban ngành, nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trong vòng 45 ngày kể từ ngày quyết định sáp nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để thực hiện đóng mã số thuế.

Sau đó, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để thực hiện đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) theo phương pháp khấu trừ, trong quá trình cơ quan thuế làm việc, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ kiểm tra đồng thời, doanh nghiệp không cần gửi Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế có một số cơ quan thuế vẫn yêu cầu, doanh nghiệp nên xác nhận lại với cơ quan thuế. Trường hợp công ty bị sáp nhập không có nhu cầu hoàn thuế GTGT thì số thuế còn được khấu trừ sẽ được chuyển sang tiếp tục khấu trừ ở công ty nhận sáp nhập (đối với TH công ty nhận sáp nhập cũng kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoặc sau khi sáp nhập, công ty bị sáp nhập là một chi nhánh hạch toán độc lập của công ty nhận sáp nhập kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) hoặc sẽ được ghi nhận vào chi phí của công ty nhận sáp nhập (đối với TH công ty nhập sáp nhập là doanh nghiệp chế xuất).

Sau khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế công ty bị sáp nhập, cơ quan thuế sẽ ban hành biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, quyết định xử phạm vi phạm hành chính về thuế. Doanh nghiệp bị sáp nhập phải tiến hành hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nợ thuế với cơ quan thuế hoặc nộp mẫu 39/TB-ĐKT để chuyển đổi nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp nhận sáp nhập hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thay.

Doanh nghiệp bị sáp nhập nhận thông báo chấm dứt mã số thuế trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế.

Xin lưu ý trong thời gian làm thủ tục sáp nhập doanh nghiệp bị sáp nhập có phát sinh các giao dịch kinh tế thì Công ty có thể sử dụng mã số thuế để lập hóa đơn, kê khai thuế cho đến ngày cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Tuy nhiên, điểm này chỉ được hướng dẫn bởi dẫn bởi công văn số 74982/CT-TTHT ngày 12/11/2019, không được quy định rõ trong văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư) nên doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện.

  1. Một số vấn đề về thuế và kế toán trong và sau khi thực hiện sáp nhập.
  2. Kê khai thuế với hoạt động chuyển nhượng vốn khi thực hiện sáp nhập

Trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp có sự thay đổi tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư của hai doanh nghiệp thực hiện sáp nhập (có hoạt động chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư của doanh nghiệp nhận sáp nhập và nhà đầu tư của doanh nghiệp bị sáp nhập) thì sẽ phát sinh kê khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Thời điểm xác định thu nhập là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng. Tiền thuế từ hoạt động chuyển nhượng được xác định như sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng) x 20%

Giá chuyển nhượng không được thấp hơn giá trị thuần tài sản (Net Assets) của doanh nghiệp bị sáp nhập và phải phù hợp với giá thị trường. Trường hợp chủ đầu tư của doanh nghiệp bị sáp nhập không chứng minh được giá chuyển nhượng phù hợp với giá thị trường có rủi ro bị cơ quan thuế ấn định giá . Thận trọng, chủ đầu tư của doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc chủ đầu tư của doanh nghiệp nhận sáp nhập có thể thuê đơn vị thẩm định giá trước khi chuyển nhượng vốn. Trong quá trình thanh tra kiểm tra để phục vụ cho sát nhập thì có thể cục thuế sẽ thanh tra kiểm tra vấn đề chuyển nhượng vốn này.

Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp bị sáp nhập có lợi nhuận chưa phân phối lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xác định giá chuyển nhượng và tiền thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng. Doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện việc phân chia lợi nhuận trước khi thực hiện việc sáp nhập. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phân chia lợi nhuận, doanh nghiệp bị sáp nhập cần phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Và sau khi chia lợi nhuận, doanh nghiệp bị sáp nhập phải đảm bảo có thể thanh toán mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Nếu chủ đầu tư của doanh nghiệp bị sáp nhập là công ty Việt Nam khi thực hiện chuyển nhượng vốn cho chủ đầu tư của doanh nghiệp nhận sáp nhập thì cần xuất hoá đơn cho hoạt động này. Hoạt động này không chịu thuế GTGT.

  1. Đồng tiền hạch toán của doanh nghiệp bị sáp nhập sau khi thực hiện sáp nhập

Sau khi sáp nhập, đồng tiền hạch toán của các giao dịch phát sinh liên quan doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ theo đồng tiền hạch toán của doanh nghiệp nhận sáp nhập.

Trường hợp đồng tiền hạch toán của doanh nghiệp nhận sáp nhận là đồng ngoại tệ, sau khi sáp nhập doanh nghiệp cần kiểm tra lại doanh nghiệp còn thoả mãn điều kiện sử dụng đồng tiền hạch toán là đồng ngoại tệ theo quy định của điều 4, thông tư 200/2014/TT-BTC hay không. Nếu không thoả mãn, doanh nghiệp nhận sáp nhập cần thực hiện chuyển đổi đống tiền hạch toán theo VND.

  1. Nguyên tắc hạch toán kế toán của doanh nghiệp nhận sáp nhập sau khi thực hiện sáp nhập

Sau khi sáp nhập, trong kỳ kế toán đầu tiên, doanh nghiệp nhận sáp nhập phải ghi sổ kế toán và trình bày báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

– Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp bị sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh trên sổ kế toán của doanh nghiệp nhận sáp nhập.

– Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp bị sáp nhập trước khi sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh của doanh nghiệp nhận sáp nhập và được trình bày trong cột “Số cuối năm”.

– Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm sáp nhập đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên trong cột “Kỳ này”.

  1. Ưu đãi thuế TNDN của doanh nghiệp bị sáp nhập sau khi thực hiện sáp nhập

Doanh nghiệp thành lập hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư từ việc sáp nhập được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư trước khi sáp nhập trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc dự án đầu tư trước khi sáp nhập đã hết thời gian hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp nhận sáp nhập cũng không được hưởng ưu đãi từ doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc dự án đầu tư sau khi sáp nhập.

  1. Chuyển lỗ của doanh nghiệp bị sáp nhập sau khi thực hiện sáp nhập

Số lỗ của doanh nghiệp bị sáp nhập phát sinh trước khi thực hiện sáp nhập phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp nhận sáp nhập sau khi sáp nhập hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp nhận sáp nhập sau khi sáp nhập để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Kết luận:

Việc thực hiện sáp nhập là một quy trình phức tạp, có thể kéo dài và ảnh hưởng đến tài chính của các công ty liên quan. Vì vậy, doanh nghiệp trước khi thực hiện sáp nhập cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị tốt các vấn đề về đầu tư, thuế, hải quan trước khi thực hiện để khi tiến hành thực hiện sáp nhập, hoạt động được diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.