Dòng vốn vay là gì

Để dòng vốn chảy về đúng địa chỉ

Dòng vốn vay là gì
Đẩy mạnh tốc độ để tiếp cận nguồn vốn, cứu những doanh nghiệp đang bên lề phá sản đang là vấn đề thời sự kinh tế. Để thực hiện được việc này, doanh nghiệp cần hiểu kỹ năng tiếp cận vốn và sử dụng vốn vay hợp lý, cùng đó ngân hàng cần có chế tài quản lý dòng vốn hiệu quả...

MUÔN KIỂU XOAY VỐN

Càng cận Tết Nguyên đán doanh nghiệp lại càng cần vốn để tăng công suất sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để có vốn, kể cả việc mượn từ dân cư, hoặc chọn giải pháp vay chính nhân viên của mình.

Một lãnh đạo tập đoàn chuyên ngành vận tải tại TP Hồ Chí Minh than thở: Đang cần vay ngắn hạn bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những gì có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng như trụ sở công ty, xe khách, hay uy tín thương hiệu, thậm chí cả ngôi nhà của mình... cũng đều đã đem ra làm tài sản bảo đảm. Nay để duy trì hoạt động của công ty với hơn 25.000 cán bộ nhân viên không còn cách nào khác là kêu gọi nhân viên tìm kiếm khách hàng có thể vay được vốn bằng tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Theo đó, với các kỳ hạn ngắn 3, 6, 9 tháng, doanh nghiệp sẽ trả lãi là 13-15%, cao hơn lãi suất huy động trong ngân hàng, nhưng thấp hơn lãi suất cho vay...

Chuyện doanh nghiệp đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng cũng là chuyện thường thấy. Không ít doanh nghiệp nợ tứ bề, bị dân vây đòi tiền... Ngân hàng thì chỉ chờ mỗi khi có nguồn tiền, hàng về là xiết - khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Một lãnh đạo công ty kinh doanh thuốc thú y trên đường Chùa Láng, Hà Nội cho biết: Thời buổi ngân hàng khó gõ cửa thì thà vay chính nhân viên của mình còn hơn. Vay vốn của họ vừa để san sẻ khó khăn vừa tạo động lực để họ gắn bó cùng công ty. Nay không chỉ hỏi vay nhân viên, chủ doanh nghiệp còn gõ cửa cả những người thân của mình.

Hoạt động vay vốn ngoài ngân hàng này tạo rủi ro với người cho vay vì không có khả năng kiểm soát nguồn vốn cũng như không có khả năng thẩm định mục đích vay, tình trạng tài sản, khả năng hoàn trả gốc, lãi của doanh nghiệp vay. Đây là quan hệ dân sự theo nguyên tắc tự thỏa thuận nên không tuân thủ quy định chi tiết của pháp luật và chỉ là giải pháp để doanh nghiệp cầm cự. Nếu duy trì cách này, người cho vay đầy rủi ro và doanh nghiệp cũng kiệt sức vì gánh lãi suất cao...

DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY NGÂN HÀNG

Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp khi vay vốn ở các ngân hàng thương mại là từ đâu? Các ngân hàng thương mại thường đánh giá thấp về năng lực của chủ doanh nghiệp bởi lãnh đạo doanh nghiệp ở ta ít được đào tạo bài bản, chưa biết cách quản lý dòng tiền và hiện tượng đầu tư dàn trải là phổ biến. Nhiều báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu trung thực, chưa minh bạch, chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng là rào cản đối với doanh nghiệp khi tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại.

Theo quy định của Việt Nam có sáu loại doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm; với doanh nghiệp thực hiện vay vốn ngân hàng thì phải được kiểm toán theo quy định của pháp luật về tín dụng. Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ta đều không kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm. Hiện chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để bảo đảm các quy định về báo cáo tài chính được thực thi nghiêm túc, nên nhiều doanh nghiệp không ngần ngại bóp méo thông tin báo cáo tài chính... Mánh trốn thuế của doanh nghiệp đang khá phổ biến, là cố ý tăng chi phí không thực tế để lợi nhuận trước thuế giảm tối thiểu, khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tồi tệ. Như vậy doanh nghiệp đã tự làm khó mình khi có nhu cầu vay.

Nhìn chung hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng. Trần tình việc này, ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HD Bank cho biết: Chúng tôi không nhất quyết đòi tài sản thế chấp là bất động sản mà vẫn có thể cho vay trên cơ sở xem xét phương án sản xuất kinh doanh khả thi, thế chấp bằng hàng tồn kho... Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án kinh doanh hiệu quả, làm ăn thua lỗ... thì ngân hàng phải nhận tài sản thế chấp là bất động sản và bất đắc dĩ trở thành nhà cầm đồ cao cấp mà thôi.

Tại Hội thảo Cách thức, kỹ năng tìm kiếm, tiếp cận vốn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức mới đây, Tiến sĩ Robert D. Hisrich nhấn mạnh: Để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau thì bản thân mỗi doanh nghiệp khi thành lập đều phải xác định làm thế nào để hàng hóa và dịch vụ của mình có vị thế ở thị trường. Đặc biệt là khi dùng vốn của người khác cần cẩn trọng như nguồn vốn của chính mình.

ĐỂ DÒNG VỐN CHẢY ĐÚNG ĐỊA CHỈ

Thực tế nếu để các ngân hàng tự xử lý hết số nợ xấu có thể phải mất đến 10-15 năm. Nợ xấu kéo dài thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp ngày càng ít, sẽ gây những biến cố cho nền kinh tế. Vì vậy Chính phủ nên bảo lãnh phát hành trái phiếu huy động của dân để mua lại nợ. Nợ xấu được giải quyết dứt điểm, các ngân hàng mới dám cho vay và doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay. Nhìn chung năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động. Phần lớn tín dụng bơm ra trong thời gian qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn dẫm chân chung quanh như mức cũ.

TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Dòng tiền trên thị trường hiện nay dường như chưa đi đúng hướng bởi muốn nắn dòng tiền đi đúng hướng thì phải đưa nó về giá trị thực theo đúng cung - cầu thị trường và không thể để thị trường vốn phát triển nửa vời. Nếu ngân hàng hay doanh nghiệp nào không đủ mạnh thì cũng mạnh tay loại bỏ khỏi thị trường.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để khơi thông dòng vốn giúp dòng tiền đang ứ đọng chảy đúng địa chỉ, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: Để quản lý hiệu quả dòng tiền, đầu tiên phải giám sát được dòng tiền. Trong khi ngân hàng hiện chưa kiểm soát nổi tín dụng sau khi ra khỏi ngân hàng. Tín dụng phải được khơi thông theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp chứ như bây giờ cứ lấy tài sản thế chấp để vay thì ngân hàng sẽ chẳng khác nào tiệm cầm đồ.

Nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy mô, năng lực và tài chính hiện có. Về phía ngân hàng cũng cần cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp có khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định để xem xét áp dụng lãi suất cho vay phù hợp, giảm lãi suất các khoản vay cũ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Hiện nhiều ngân hàng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện tốt chính sách cho vay; làm tốt công tác dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng từ nay đến cuối năm để cân đối nguồn vốn; chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là khách hàng tiềm năng để đánh giá lại các khoản nợ, cùng doanh nghiệp bàn bạc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

PHÚC HUY