Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào Phim

trụ sở hà nội

Tầng 20, Tòa nhà Center Building - Hapulico Complex, Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: 024.39743410, máy lẻ 230

VPĐD tại TP.HCM

Tầng 6 Tòa nhà 123, 123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, Tp. HCM.

Điện thoại: 028.73077979, máy lẻ 216

CHỊU TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NỘI DUNG

Bà Nguyễn Bích Minh.

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO

0942 86 11 33

Tầng 20, Tòa nhà Center Building - Hapulico Complex, Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

© Copyright 2008 - 2022 – Công ty Cổ phần VCCorp

Tầng 17, 19, 20, 21 Tòa nhà Center Building - Hapulico Complex, Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Giấy phép số 1082/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 16 tháng 4 năm 2014

Trước khi dành thời gian đọc cuốn sách này, với một trải nghiệm “đau thương” từng có với cuốn Tôi Vẫn Nghe Tiếng Em Thầm Gọiđồng tác giả, tôi đã nghĩ đây sẽ là một câu chuyện tình yêu bi đát với một kết thúc gần trong gang tấc, xa tận chân trời như sự sắp đặt trớ trêu của định mệnh trong 5 Centimet Trên Giây. Nhưng không, đây là một câu chuyện có một cái kết trọn vẹn và ấm áp.

Đến khi kết thúc quyển sách này, ý nghĩa của tiêu đề gần như sẽ thay đổi trong cách nhìn nhận của bạn. Ngòi bút của Ichikawa Takujivẫn luôn hấp dẫn như vậy, nhẹ nhàng dẫn lối độc giả tự mình mở ra những ẩn ý nằm sâu trong thứ ngôn ngữ đẹp như vần thơ. Lời chào đến “người ấy” không chỉ ngụ ý một tình cảm lãng mạn. Lời chào ở đây mang một ý nghĩa thực sâu xa. Đó có thể là lời chào từ biệt từ người đã đi xa đến một thế giới ta chẳng thể vươn tới. Đó có thể là lời chào đến những người thân thương dù cách ta vài ngàn dặm, trái tim ta vẫn luôn kết nối tới họ bằng một phương thức đặc biệt nào đó của tâm trí.

Điều gì thu hút tôi viết bài cảm nhận về cuốn sách, tác giả này?

Những sự ngẫu nhiên được sắp đặt tuyệt vời, hay còn được biết đến với cái tên gọi là định mệnh, có thể được ví như những” ông tơ bà nguyệt” dẫn dắt mọi tình tiết trong những tác phẩm của Ichikawa Takuji. Cũng như người bố của Satoshi, ông có một niềm tin mãnh liệt vào định mệnh. Định mệnh là một thứ mỏng manh như một làn sương luôn khiến ta có cảm tưởng có thể tan ra bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà từ thứ ngôn ngữ mang hương thơm đặc trưng của những vần thơ tình, một thứ mang màu sắc mờ ảo như vậy lại có thể biến hóa thành điều hiển nhiên đẹp đẽ, quyến rũ mọi độc giả yêu thích cái lằn ranh của thực và mộng. Chẳng biết tự bao giờ, trong trái tim tôi đã tự sắp xếp một khoảng trống không thể xâm phạm, chỉ dành để đặt lên những tác phẩm của nhà văn ấy. Tôi không phải một người say mê văn học lãng mạn, cũng không phải người theo chủ nghĩa duy tâm, vậy mà văn học của ông luôn hấp dẫn ánh mắt tôi hàng giờ đến tận những con chữ cuối cùng. Để rồi khi kết thúc, ở lại trong tôi là những dư âm dai dẳng từ cuốn sách. Mỗi lần đọc đến tôi cảm tưởng như đang trải qua thế giới mộng mơ huyền bí trong cuốn sách và dường như có thể hiểu được diễn giải mơ hồ của những vị nhân chứng không có thực đó.

Đôi dòng cảm nhận về những nhân vật, mối quan hệ trong câu chuyện

Nếu để tôi phải lựa chọn chỉ một nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất với tôi trong câu chuyện này, tôi sẽ không ngần ngại chọn nhân vật người cha của Satoshi. Con người tôi có chút kỳ lạ, một khi đã gạt bỏ tư duy lý trí khi phân tích một vấn đề hiện thực, ngón tay tôi sẽ tự động viết ra những suy nghĩ thẳm sâu nhất trong đầu mình. Đó là những nghĩ suy mà định kiến và ranh giới chỉ thuần là một thứ không tồn tại. Niềm ưa thích của tôi đối với nhân vật này cũng vậy. Trong cảm nhận của tôi không có khái niệm về chính và phụ, xuất hiện nhiều hay không hay xuất hiện, chỉ là nhân vật nào có thể tác động đến cảm xúc của tôi nhiều nhất, đó chính là người mà tôi muốn viết đến đầu tiên. Người bố của Satoshi như một hình mẫu người thân lý tưởng của tôi và bất kì một ai có chung một suy nghĩ. Đó là một người cha đầy sức sống, với một tinh thần khỏe mạnh lạc quan thoát ly khỏi lằn ranh của tuổi tác và định kiến bình thường. Một ông lão tám mươi mang tâm hồn của thiếu niên mười bảy ư? Ông ấy là tổng hòa của cả hai. Sự hòa quyện giữa tinh thần thanh niên phóng khoáng và sự bình thản dung dị của một niên lão khiến ông trở nên đặc biệt vô cùng. Độc giả sẽ không khỏi phì cười trước những màn xuất hiện của ông lão, nhưng cũng sẽ có những lúc chúng ta phải gật gù nghĩ ngợi. Ông có một mối tình đẹp với vợ, tuy chỉ kéo dài 27 năm, nhưng tất cả những hồi ức tình yêu vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí ông rõ ràng như ngày nào. 

Nơi đây giống như nơi kết nối. Nó liên kết ta và bà ấy. Tuy nhiên, chỉ cần nắm được bí quyết nhỏ thì không cần đến nơi này chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau. Dù có đang ở giữa phố phường đông đúc.

Chúng ta cứ mãi đi tìm một tình yêu hoa lệ như trong phim ảnh, nhưng chẳng phải đạt được một mối liên kết trọn vẹn như vậy mới nên là chân ái hay sao?

Hễ cứ nghĩ đến quãng thời gian còn lại của cuộc đời ta lại có cảm giác dù thế nào thì cũng không đủ thời gian để nuôi nấng một sinh linh nhỏ bé thành người trưởng thành. Hai chúng ta đã nỗ lực nuôi nấng anh. “Ông bố trẻ” năm mươi tuổi và “bà mẹ trẻ” bốn mươi ba tuổi. Chúng ta đã tiếp tục phấn đấu để hòa nhập với những ông bố bà mẹ mà tuổi đời chỉ bằng một nửa chúng ta. Tuy vậy mọi sự đều vui vẻ. Cùng bà ấy đi bách hóa mua quần áo lót cho anh, đi siêu thị mua sữa bột, rồi đẩy xe nôi đi dạo trong công viên, tất cả đều vui không sao tả nổi. Nhìn thấy bà ấy làm mẹ cũng là niềm vui của ta. Hình ảnh bà ấy khi cho anh bú sữa trông đẹp như một thiên thần. Bà ấy đẹp vô cùng. Chẳng mấy chốc mà anh lớn, bắt đầu đi học. Hai chúng ta tham gia hầu hết các sự kiện của trường học trong thời gian và sức khỏe cho phép. Biết là anh không thích nhưng duy chỉ có điều đó là đặc quyền của cha mẹ. Chúng ta không thể nhượng bộ được. Chúng ta còn cùng nhau đi dự lễ khai giảng cấp ba của anh. Hồi đó sao mà khí thế bừng bừng…”

Hồi ấy bố tôi đã sáu mươi lăm tuổi nhưng ngồi hàng ghế phụ huynh, lưng ông vẫn thẳng hơn tất cả mọi người.

“Hai chúng ta đã lén nắm tay nhau. Bảo nhau rằng, chúng mình đã chèo lái thật tuyệt vời, vui quá. Hai năm sau đó bà ấy lìa xa cõi đời này. Dẫu sao thì cũng không có gì phải nuối tiếc. Kết hôn khi đã cứng tuổi, hơn nữa hồi đó mẹ anh cũng yếu, ta có cảm giác không thể lơ là bà ấy đến một giây. Thế mà hai chúng ta cũng đã ở bên nhau được hai mươi bảy năm cơ đấy. Ta thấy ta là một kẻ may mắn. Vì ta có thể sống chừng ấy năm bên người ta yêu thương. Lời trăng trối cuối cùng của bà ấy là, “Anh ơi, nhìn kìa…” Chắc là bà ấy nhìn thấy gì đó và muốn chỉ cho ta xem. Ta mong đợi lắm. Có lẽ nó phải đẹp lắm. Những lúc đi dạo, bà ấy thường nói thế và trỏ cho ta xem. Chẳng hạn bông hoa me đất nở ven đường, hay mảnh trăng lưỡi liềm hiện lên giữa bầu trời đêm. Lúc nào ta phải hỏi xem bấy giờ bà ấy đã nhìn thấy gì mới được…”

Có lẽ hôm nay cũng thế, trước khi chìm vào giấc ngủ bố tôi sẽ bắt chuyện với mẹ. Rằng, em thế nào?

Ichikawađặt ra một đề tài suy ngẫm thú vị: Liệu những định kiến tiêu cực về giới hạn tuổi tác mà con người đặt ra có luôn luôn đúng? So với người lão niên trẻ mãi không già, Suzume  - người chị của Karin lại là một hình mẫu khá tương phản, nhưng cũng mang đến sự tương đồng: Trong đời thực, cô là một cô gái ba mươi sáu tuổi với ngoại hình non nớt; trong nội tâm mà người ngoài nhìn thấy, suốt cho đến khi tỉnh dậy, cô vẫn mãi dừng ở lứa tuổi lên 10. Thế nhưng, dưới góc nhìn của tôi, xin mạn phép được diễn giải từ lời của người cha tiểu thuyết gia của Yuji: 

Tiểu thuyết là thứ giống như nước mắt. Nước mắt là thứ tuy có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng không ai có thể nhìn thấy quá trình nội tâm dẫn đến nó cả. Chỉ cần cháu nghĩ nước mắt chính là từ ngữ lấp đầy khung sườn bản thảo là được.

Khung sườn bản thảo ấy cũng giống như thế giới nội tâm toàn vẹn của Suzume vậy. Mặc dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, hay chưa thể chứng minh bằng một phương pháp khoa học nào, những "giọt nước mắt" đã lấp đầy thế giới nội tâm của cô trong suốt hai mươi năm ngủ vùi. Đó là điều mà chỉ cô và những người đã tận mắt chứng kiến quá trình trưởng thành ấy có thể thấu hiểu.

Suzune dang hai cánh tay, ngước lên bầu trời và nói, “Ước gì mình được thấy một giấc mơ thế này.” Chị mỉm cười rạng rỡ, “Trong giấc mơ ấy mọi người đều đang kết nối với nhau. Chúng ta, rồi những người trước đây đã từng sống trên con phố này, tất cả. Em không nghĩ đó là một giấc mơ tuyệt đẹp sao?”

Chúng ta không chia lìa mà đang gắn kết với nhau. Ai cũng sẽ là chất xúc tác cho hai người nào đó và cuộc đời này tràn đầy những phản ứng hóa học.

Phải chăng mọi điều là như vậy?

Yêu một ai đó, dù có mất người ấy đi chăng nữa thì ta cũng sẽ không bao giờ quên được nỗi buồn và hình bóng cũ. Nỗi buồn càng sâu thì các kí ức càng khắc mạnh vào trái tim ta và đọng lại như mới.

Nếu vậy thì ta không thể quên họ. Quên việc họ vẫn hiện diện. Quên việc yêu, được yêu và trao cho nhau nụ cười. Chắc chắn tất cả đều có ý nghĩa.

“Em đã hiểu tại sao chúng ta lại bị cuốn vào kỷ niệm tha thiết đến thế rồi chứ?”

Tôi gật đầu.

Tại sao chúng ta cứ hướng về quá khứ?

Có lần Karin đã bảo tôi rằng, đó là bản năng của con người. Con người là sinh vật không thể không ngoái lại phía sau. Cảm xúc “nhớ nhung” cũng đồng nghĩa với việc kiếm tìm “thời gian” xưa cũ. Yêu mọi khoảnh khắc, quý trọng cuộc đời, những ý nghĩ đó tạo nên “giấc mơ,” và giấc mơ ấy là thế giới mà những người ta yêu đang sống.

“Rất nhiều người đã truyền đạt quan điểm này cho chị. Dĩ nhiên trong đó có cả bố em.” Đến đây Suzune cắn chặt môi dưới. Chiếc răng khểnh trắng trông rất dễ thương. Nhận ra ánh mắt của tôi, ngay lập tức chị giấu hàm răng vào phía trong cặp môi. Và rồi chị ghé mặt lại gần, nói như thì thầm. “Bố em có gửi lời nhắn lại đấy.”

“Lời nhắn?”

“Ừ. Chị nghĩ vì bố em đã chân thành nhờ chị chuyển lời này đến em nên chị mới ở đây như thế này. Sức mạnh trong ý nghĩ của bố em đã đánh thức chị dậy.”

Suzune nhìn trân trối vào mắt tôi. Qua ánh mắt mạnh mẽ đó, có vẻ chị định chuyển đến tôi cả những tình cảm không thể diễn đạt thành lời. “Ông bảo rằng ông rất yêu em.”

Hốt nhiên, ống mũi tôi đau nhói. Tôi nghiến mạnh quai hàm, cố kìm nén cảm xúc đang chuẩn bị trào ra.

“Ta rất lo lắng vì đã để lại con trai ta một mình. Anh em không có, mẹ thì đã mất sớm. Ta cũng đã cố gắng nhưng chỉ dốc sức được đến đây.”

Tôi vẫn cắn răng, gật đầu.

“Ông bảo vì sinh con khi tuổi đã cao nên nâng niu quá cẩn thận, khiến con trai trở thành một người không trông cậy được. Vì lẽ đó mà ông lo lắng khi chẳng chuẩn bị tinh thần mà đột nhiên ra đi thế này.”

“… Bố em bao bọc con cái quá phải không?” Tôi nói như thì thầm bằng cổ họng cứng đờ. “Còn Yuji với Momoka mà. Em đâu có sao…”

“Cha mẹ thường như vậy, phải không?”

“Đúng.”

Suzune nhìn chăm chăm vào tôi với khuôn mặt ngây thơ, nhưng ánh mắt thấp thoáng thứ cảm xúc như người mẹ nhìn con. “Bố mẹ thường hay thiên vị con cái, nhưng quả thật Satoshi là một đứa rất tốt. Bố em nói vậy.”

“Từ xưa đã thế rồi.”

Dù tôi có mang điểm kém về nhà, bố vẫn đón nhận hệt như đó là dấu hiệu hứa hẹn thiên tài tiềm ẩn trong tôi.

“Lúc nào bố cũng đánh giá em cao quá mức.”

“Em không thấy hạnh phúc vì có một người cha như vậy sao?”

Có chứ. Chắc chắn rồi. Thế nên tôi là một đứa trẻ hạnh phúc. Dù tôi lập dị, không giỏi giao tiếp xã hội, không có gì đặc biệt gọi là ưu điểm thì tôi vẫn là một kẻ hạnh phúc. Vì bên cạnh tôi có người công nhận một tôi như thế.

Sự kết nối là chủ đề của tác phẩm. Bất kì nhân vật nào trong tác phẩm, cũng giống như những con người ngoài đời thực, đều liên quan đến nhau theo một cách sắp xếp kỳ lạ nào đó của vận mệnh. Họ tác động đến nhau, làm nên những quyết định trong đời của nhau dù vô ý hay cố tình. Ví như mối quan hệ của bộ ba nhân vật chính, cứ như những sự sắp đặt tình cờ như có chủ ý từ trước. Ba tính cách khác biệt lại hài hòa đến không tưởng, tạo nên một mối liên kết đặc biệt, dù mỗi người lại có một cách nhìn nhận khác nhau về những người còn lại. Tôi thực cảm thấy may mắn vì tác giả đã không để tình cảm của họ phát triển theo quan hệ tam giác tình yêu. Nếu đây là một tiểu thuyết ngôn tình, đó quả là một cách thông dụng để phát triển cốt truyện nhưng đồng thời, đó cũng là cách nhanh nhất phá hủy đi mối quan hệ tốt đẹp của họ. Có lẽ đây cũng là một điều khiến tôi ưa thích ở tác giả. Tình tiết câu chuyện phát triển rất tự nhiên, nhưng lại luôn làm tôi bất ngờ trước khi sự yên bình ru tôi vào trong sự nhàm chán. Vẫn một câu đó, quả là một phong cách rất Ichikawa. Nhẹ nhàng tinh tế và không nhàm chán, luôn biết cách tạo những nút thắt bất ngờ. Những mô típ thường thấy lại có thể được phát triển theo một cách thú vị đầy khéo léo như vậy, thật khó để không mê đắm văn chương của ông.

Thế nên tôi là một đứa trẻ hạnh phúc. Dù tôi lập dị, không giỏi giao tiếp xã hội, không có gì đặc biệt gọi là ưu điểm thì tôi vẫn là một kẻ hạnh phúc. Vì bên cạnh tôi có người công nhận một tôi như thế.

Nếu bạn muốn tôi tóm tắt cảm nhận của mình đối với nhân vật chính của câu chuyện này, Satoshi, sẽ chỉ một câu này thôi: Quả là một người có cuộc sống mà tôi hằng mơ ước. Tôi mơ ước điều gì ở một nhân vật bị có thể bị coi là tầm thường nhất trong câu chuyện ư? Anh ấy sở hữu nhiều điều mà có lẽ chỉ nằm trong những ước mong sâu thẳm của nhiều người. Một gia đình tuy không giàu có hay hoàn hảo, nhưng yên bình và hạnh phúc với một cặp vợ chồng già yêu thương người con độc nhất hết mực. Những phân cảnh về gia đình anh khiến tôi luôn phải dừng mắt nhẩm đọc, như muốn khắc ghi trong trí nhớ. Một người mẹ dịu hiền, một người cha đáng ngưỡng mộ. Biết bao nhiêu đứa trẻ mong ước một sự nuôi nấng trọn vẹn như anh? 

"Cậu ấy không hề sợ cô lập. Hoàn toàn không có khái niệm rằng mình phải giống người khác. Chỉ tin vào bản thân và không một chút lung lay. Và, cứ như vậy, cậu ấy chẳng còn gánh nặng nào trên vai. Hoàn toàn tự nhiên, vô tư, thư thái."

Tôi nhớ lại buổi tối cuối cùng ở cùng bố. Đó là ba ngày trước khi bố tôi chạy sang “thế giới bên kia.”

Và quả nhiên là đêm ấy tôi lại cùng bố ăn món mì udon nấu nhừ ở chung cư.

Tôi không nhớ rõ vì sao chúng tôi nói chuyện này, nhưng giờ ngẫm lại, có lẽ bố đã có linh cảm về vận mệnh của mình.

“Ta xin lỗi,” bấy giờ bố nói.

“Gì cơ ạ?” Tôi hỏi.

“Về hiện trạng của anh bây giờ. Về hiện trạng một thanh niên tử tế tuổi ngoài ba mươi và người bố ngoài tám mươi gặp mặt nhau vào tối cuối tuần, cùng xì xụp món udon.”

“Có gì đâu ạ,” tôi trả lời. “Con có cơ hội thư giãn, mà mì udon cũng ngon. Như thế này là được rồi đấy chứ ạ.”

Thật ra thì đây cũng chẳng phải là cuộc sống mà tôi mong muốn. Là đứa con trai duy nhất mà tôi chẳng thể thực hiện giấc mơ của bố mẹ. Chưa bao giờ tôi hỏi giấc mơ đó là gì, chỉ chắc chắn một điều rằng, bố mẹ không mong đợi hình ảnh hiện tại của tôi.

Bố nói, “Anh dễ thương lắm, dễ thương không chịu được. Chưa bao giờ ta nghĩ việc có con lại làm ta xáo động nhường này. Vì quá hạnh phúc nên có lẽ ta đã quên mất trình tự đúng của nó. Ta chẳng giơ tay ra đánh, cũng chẳng mắng nhiếc nặng lời. Chắc chắn ta cũng không thể làm được điều đó.” Bố khẽ lắc đầu. “Giờ nghĩ đến tim ta vẫn đau. Hình ảnh anh vừa lắc cái mông phồng lên vì bỉm vừa chạy quanh phòng. Chuyện như vừa hôm qua. Ta thấy hạnh phúc đến chết đi được. Ta nghĩ thế này chẳng phải mình đã sung sướng quá mức được hưởng rồi hay sao? Một người đàn ông như thế làm sao giáo dục con cái cho được. Tất cả mọi điều anh làm ta đều thấy tuyệt vời. Anh là đứa trẻ đẹp nhất thế giới, là cậu bé thông minh nhất thế giới và có tâm hồn dễ mến nhất thế giới.”

“Thế nhưng,” tôi nói. “Nhờ điều đó mà con mới hạnh phúc. Con biết ơn bố lắm. Con nghĩ nếu con bị nói này nói kia như những nhà khác thì quá khổ.”

“Nhưng chưa biết chừng ta đã bóp chết cái gọi là khả năng của anh.”

Như vậy nghĩa là sao?

“Hồi đó những lời ta nói với anh cũng không nhiều lắm.”

Ừm, đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Những lời bố nói là những lời răn dạy vô cùng đơn giản. Dù không ăn được những đồ ngon cũng không sao. Không cần thiết phải ăn vận đắt tiền. Luôn phải sạch sẽ. Hãy làm những việc làm người khác hạnh phúc. Luôn phải nhã nhặn.

Chắc chắn những người lớn hồi xưa đều nói giống hệt nhau. Tôi lớn lên theo cách đó và giả sử nếu tôi có con hẳn là tôi cũng sẽ dạy chúng những lời như vậy.

“Thời đại bây giờ, đặt trong thế giới ích kỉ, những lời đó sai bét phải không? Đôi khi ta cũng băn khoăn. Rằng liệu thế này có được không?”

“Đâu có sai ạ.”

Nhờ nghe theo những lời dạy của bố mà tôi sống một cách an lành. Tôi thấy thoải mái. Ít nhất là cách sống này hợp với tôi. So với những người đàn ông khác thì cuộc sống của tôi quá đỗi đơn giản, nhưng đây là phong cách của tôi. Tôi không có duyên với những chuyến du lịch cuối tuần hoành tráng, không sở hữu những thiên tình sử với phụ nữ đẹp, nhưng tôi cũng chẳng thấy ước ao. Vì vậy mà tôi biết ơn bố. Tôi thấy mình may mắn vì được làm con của bố. Chẳng phải lúc nào bố cũng công nhận tôi hay sao? Chẳng phải dù tôi là đứa con chẳng làm được điều gì khiến bố mẹ tự hào thì bố vẫn tiếp tục bảo rằng “Con đã cố gắng đấy, cừ lắm” hay sao? Dù tôi có là đứa con vô tích sự thì bố vẫn ở bên tôi tới tận bây giờ với tình yêu thương vô bờ bến. Chỉ cần như thế là quá đủ. Còn điều gì cần hơn thế nữa?

“Vậy nên,” tôi khẳng định. “Bố không cần phải nghĩ ngợi thế đâu. Như thế này là được rồi. Với con như thế này là rất ổn.”

Người ta thường nói, hoàn cảnh góp phần tạo nên tính cách, tôi thực tâm đắc với câu nói này. Được nuôi dưỡng trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, anh lớn lên với một trái tim trọn vẹn, không bị cô quạnh bủa vây bởi anh tin vào chính mình. Những độc giả mang trong mình những nỗi niềm không hạnh phúc có lẽ phần nào cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi: Liệu có điều gì đáng sợ hơn bị chính nỗi sợ cô đơn của mình vây khốn?  

Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào Phim

Hình dung thế nào về Yuji nhỉ? Nếu có thể họa ra một bức tranh, có lẽ đó là hình ảnh của một người với vẻ ngoài nghiêm nghị khó gần, tóc tai bù xù, với cặp kính gọng nhựa màu đen thô kệch, kiểu dáng cổ lỗ sĩ, như Satoshi miêu tả lần gặp đầu tiên của hai người. Nửa đầu câu chuyện, Yuji gần như chỉ xuất hiện trong những mảnh kí ức của người khác, mà chủ yếu là của Satoshi. Tuy vậy, trong kí ức của hai người bạn, cậu bé đó vẫn hiện lên với một dáng vẻ sinh động như chưa từng phai mờ theo dòng thời gian. Mỗi một niềm đam mê cống hiến đặc biệt cho một thứ gì đó luôn đi kèm với những lý do từ quá khứ.

Tất cả những thứ mà Yuji vẽ đều bị tổn thương, sầu muộn và đơn độc.

Một chiếc xe ba bánh với tay lái cong queo, han gỉ. Phần phía sau yên xe có chữ “tricycle” nhưng nhạt màu và đang dần biến mất. Hay là một chú khỉ nhồi bông đang chuẩn bị đánh chũm chọe bỗng nhiên dừng lại. Miệng chú ta vẫn còn đang há hốc, nhe cả lợi ra như thách thức thế giới. Có lẽ chú ta chẳng bao giờ có thể quay trở lại biểu hiện nhã nhặn được nữa.

Thậm chí có cả bức vẽ như thế này. Nó có vẻ như là phòng ngủ của ai đó, cửa sổ treo một tấm rèm đăng ten, trong phòng có một cái hòm và một cái tủ kiểu hay thấy ở các gia đình nông thôn. Chính giữa căn phòng kê một chiếc giường có màn che nhưng nằm sóng soài trên đó lại là xác chết của một con chuột hoang. Chắc nó đi lạc đến ngôi nhà búp bê của một bé gái nào đó và trút hơi thở cuối cùng ở đấy. Tình cảnh có hơi hướm của một câu chuyện ngụ ngôn nhưng lại sống động đầy chân thực, khác hẳn những câu chuyện của Aesop.

Sở thích vẽ những vật bị bỏ đi là một sự đặc tả tính cách của Yuji. Chăm chú quan sát, đặc tả từng chi tiết một của sự vật không còn nguyên vẹn, cậu như đang vẽ lên chính mình với một tuổi thơ không êm đềm. Càng đọc, tôi càng cảm thấy đồng tình với nhận định của Satoshi về cậu. Cậu ấy không muốn làm ai tổn thương dưới bất kỳ hình thức nào, dù đó là kẻ gây đau đớn cho bản thân cậu. Liệu đây có phải một cách biểu hiện của phương thức tự hủy hoại? Cậu thà chịu đau đớn chứ không bao giờ tổn thương ai. Cậu tha thứ cho người mẹ hai lần bỏ rơi cậu, còn đẩy cậu vào cảnh nợ nần túng quẫn để rồi biến mất không chút tăm hơi. Con người này, sống một cách cố chấp như vậy, cố chấp không chịu từ bỏ tính thiện, như cái cách cậu cố chấp theo đuổi sở thích bị cho là kỳ quặc. Thật khó để viết một lời bình phẩm về con người này, có chăng là do lối tư duy của tôi không dung nạp được cách sống của cậu ấy, nhưng tôi cũng biết, đấy tuyệt nhiên chẳng phải là ghét. Phần nào đó trong tôi luôn muốn hướng ánh mắt đến một người như vậy, có lẽ là để xác nhận rằng, có lẽ sự thánh thiện sẽ không bao giờ biến mất. Con người có lẽ sẽ không bao giờ bị tha hóa đến hủy diệt như trong những tiểu thuyết viễn tưởng. Chờ đợi chúng ta có thể sẽ là viễn cảnh tương lai tươi đẹp mà nhiều người trong chúng ta luôn mong muốn.


Về cô gái tên Karin, nữ chính của tác phẩm, cô tạo cho tôi một ấn tượng vừa đủ, không phải quá sâu đậm nhưng vẫn mang những dấu ấn nhất định. Trong kí ức của Satoshi, cô là một cô bé ăn mặc nam tính với chiếc răng nẹp cũng khó có thể giấu đi vẻ xinh đẹp của cô. Khi gặp cô sau mười lăm năm xa cách, cô gái nhỏ khi ấy giờ đã trở thành một người mẫu, diễn viên nổi tiếng, là mẫu hình hàng vạn người đàn ông mơ ước, dù đó chỉ là một chiếc mặt nạ tinh xảo. Trong cảm nhận của tôi, những nữ chính trong các tác phẩm văn học Nhật thường mang một vẻ dịu dàng đúng chất phụ nữ. Những cô gái đó thường để lại một ấn tượng nhẹ nhàng và có đôi phần khá mờ nhạt. Nhân vật này đã thay đổi suy nghĩ đó của tôi. Ở Karin, tôi thấy một sự mạnh mẽ đáng khâm phục. Cô là một người không bao giờ bỏ rơi bạn bè, sẽ vì bạn mà đứng lên chống trả bằng bạo lực, nhưng là một cô gái thông minh luôn biết điều chỉnh hành vi của mình. Cô là một người sống rất vô tư, lạc quan, tuy rằng cuộc sống chẳng mấy suôn sẻ, cô vẫn ngẩng cao đầu mà sống như thể mọi chuyện đều ổn, đến mức Satoshi chỉ có thể cảm nhận ra khi cô đã gần tới giới hạn của mình. Khoảnh khắc Satoshi phát hiện ra bệnh tình của cô, đó có lẽ cũng là lúc chiếc mặt nạ mệt mỏi của một diễn viên hoàn toàn được rũ bỏ.

“Công việc làm người mẫu hay diễn viên cũng đã vất vả lắm rồi. Cậu thử nghĩ xem,” Karin nói. “Cậu nghĩ ở đất nước này có bao nhiêu người biết mặt tớ?”

Natsume nói tám mươi phần trăm đàn ông con trai từ mười đến ngoài ba mươi tuổi đều biết. Ngẫm thử thì cũng là một con số đáng kể. Hơn nữa, Karin hầu như không quen bọn họ.

“Áp lực ấy kinh khủng lắm chứ. Mọi người đều nói, rằng gần đây có phải Morikawa Suzune hơi béo thì phải? Mười triệu con người để ý tới kết quả của việc trốn tập luyện trong ba ngày của tớ. Tớ mừng rơi nước mắt.”

“Ừ,” tôi gật đầu.

“Đấy, mọi chuyện nói chung đều theo chiều hướng như vậy. Bao nhiêu thứ từ lớn đến nhỏ. Thế nên trái tim mong manh của tớ làm sao chịu được hết đây.”

Ra vậy. Nghe cứ như thật. Đến đây Karin buông tiếng thở dài. Tiếng thở dài đầy chân thực của diễn viên đoạt giải diễn viên phụ xuất sắc. Thế nhưng tôi chỉ muốn tin vào những giọt nước mắt chịu đựng mà cô còn chưa để tôi thấy. Chắc chắn sự chân thực nằm ở đó.

Họ đến với nhau thật không dễ dàng. Tuy vậy, đó vẫn là một chuyện tình đẹp thanh bình, không thị phi. Thật may cuối cùng, chào đón chúng ta vẫn là một cái kết có hậu. Một kết thúc thật viên mãn, với mọi lời hứa đều được thực hiện.

Tình yêu là như vậy đúng không? Chẳng hạn môn chạy 400 mét ấy, nếu luyện tập hằng ngày thì cậu sẽ đạt được mục tiêu; hoặc hoa trồng trong bồn, nếu được tưới nước đầy đủ thì sẽ nở rộ. Nhưng tình yêu lại khác. Vì nó cần tác dụng tương tác, nên chỉ một người cố gắng thôi sẽ chẳng làm được gì cả. Có lẽ nó phải trải qua một quá trình phức tạp. Tình yêu luôn là một điều vô lý phải chăng là bởi tác dụng tương tác phức tạp ấy?


Lời kết

Nếu bạn đang tìm một cuốn tiểu thuyết lãng mạn cho buổi chiều muộn thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, hãy tìm đến gian sách của tác giả Ichikawa Takuji. Từng câu chữ được đẽo gọt tỉ mỉ sẽ gợi lên những rung cảm yếu ớt nhất thẳm sâu trái tim bạn. Dù bạn là một người theo chủ nghĩa thực tế, có lẽ phần nào trong trái tim bạn sẽ được cảm hóa bởi ngòi bút tinh tế này. Hoặc có thể bạn sẽ tìm ra cho mình những bài học đáng giá nào đó chẳng hạn.

Review chi tiết bởi: Yến Ly - Bookademy

Hình ảnh: Yến Ly - Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.