Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam

Phát huy hiệu quả những đồng vốn kiến thiết

Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của BIDV) - được thành lập ngày 26-4-1957 theo Nghị định số 177/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 60 năm phát triển, BIDV đã mang ba tên gọi và nhiệm vụ khác nhau để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (từ ngày 26-4-1957); Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (từ ngày 24-6-1981); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ ngày 14-11-1990).

Sau khi được thành lập, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài chính) với chức năng cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình, công trình kiến thiết cơ bản, đã tham gia cung ứng kịp thời vốn cho các công trình quốc kế, dân sinh thuộc mọi lĩnh vực, phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục kinh tế, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền bắc. Ngân hàng đã cấp phát vốn phục vụ nhiều công trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống sản xuất của nhân dân miền bắc như khu công nghiệp Thượng Đình; các nhà máy cơ khí ở Hà Nội; khu gang thép Thái Nguyên; Khu công nghiệp Việt Trì; Phân đạm Hà Bắc, Supe phốt phát Lâm Thao; các nhà máy điện Hà Nội, Uông Bí, Nghệ An; các mỏ than ở Quảng Ninh; các trường đại học Bách Khoa, Kinh tế Kế hoạch; công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải,... đã góp phần thay đổi diện mạo miền bắc, tạo tiền đề quan trọng cho buổi đầu xây dựng CNXH ở miền bắc.

Trong thời kỳ 1965 - 1975, thực hiện hai nhiệm vụ chính trị là chống chiến tranh phá hoại và tiếp tục xây dựng CNXH ở miền bắc, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tiếp tục bám sát hoạt động sản xuất và chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân, cấp phát phục vụ sơ tán và nguỵ trang, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất cho các cơ sở công nghiệp ở miền bắc, xây dựng các công trình hậu cần chống chiến tranh phá hoại và phục vụ cho cuộc kháng chiến ở miền nam. Để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng chủ lực hành quân tiến vào giải phóng miền nam, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã thành lập các chi nhánh đặc biệt với những bí số 70.1, 70.2, B12 để cấp phát vốn cho các công trình trọng điểm trên các tuyến huyết mạch giao thông, thông tin liên lạc, đường ống xăng dầu trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng hậu phương lớn miền bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường lớn miền nam, góp phần tích cực vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Hàng trăm cán bộ của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã xung phong lên đường vào hỏa tuyến, trong đó mười bảy cán bộ đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ngân hàng.

Sau chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, Ngân hàng đã sớm thành lập các chi nhánh trên phần nửa đất nước vừa được giải phóng, hình thành hệ thống mạng lưới trên cả nước. Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp quản, cải tạo và xây dựng các cơ sở kinh tế ở miền nam. Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được chuyển từ Bộ Tài chính sang trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (từ ngày 24-6-1981) với nhiệm vụ chủ yếu vẫn là cấp phát, cho vay thi công và bắt đầu thí điểm cơ chế cấp tín dụng ưu đãi từ vốn nhà nước theo phương thức cho vay có hoàn trả để từng bước và nhanh chóng xóa bỏ cơ chế bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cơ chế này đã giúp cho nhiều công trình tầm vóc thế kỷ như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Thủy điện Hòa Bình, Trị An, công trình đường tàu Thống nhất Bắc-Nam, Dầu khí Việt-Xô,... hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đổi mới và hội nhập

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đánh dấu một bước đột phá trong lịch sử phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam với sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh ngân hàng, HTX tín dụng và công ty tài chính, mở ra một thời kỳ mới với cơ chế ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh tiền tệ đối với hoạt động ngân hàng. Theo đó, mô hình ngân hàng thương mại ra đời, hoạt động đa năng, đa lĩnh vực thay cho mô hình chuyên doanh trước đây. Ngày 14-11-1990, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, BIDV đã có những đột phá về xóa bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản, từ việc tự lo một phần tới lo toàn bộ nguồn vốn cho đầu tư trung và dài hạn các công trình, dự án sản xuất, kinh doanh có thu hồi vốn theo kế hoạch nhà nước. Giai đoạn bắt đầu tiệm cận hội nhập này, BIDV nghiên cứu để đưa ra nhiều cơ chế, chương trình phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại ra thị trường, phục vụ tốt nhu cầu của nền kinh tế với các sản phẩm huy động vốn dân cư độc đáo, có thời hạn dài nhưng vẫn bảo đảm lợi ích người gửi tiền như huy động tiết kiệm bảo đảm giá trị theo giá vàng, trái phiếu ngân hàng bằng cả đồng Việt Nam và ngoại tệ, vay vốn ngân hàng nước ngoài, các sản phẩm phục vụ chương trình phát triển kinh tế, phục vụ quốc phòng - an ninh,…

Cuối năm 1994, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 293/QĐ-NH9 điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của BIDV theo hướng kinh doanh đa năng tổng hợp theo mô hình ngân hàng thương mại bắt đầu từ ngày 1-1-1995. Theo đó, nhiệm vụ cấp phát vốn ngân sách nhà nước và cho vay theo kế hoạch nhà nước được chuyển giao từ BIDV sang Tổng cục Đầu tư - Phát triển. Giai đoạn 1995 -2000 là giai đoạn đánh dấu sự đổi mới hoàn toàn về chất của BIDV, là giai đoạn BIDV có những hướng đi mới, tiên phong trong mọi lĩnh vực. Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, năm 1999, BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Lào hợp tác thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào. Cũng từ đây, đánh dấu sự khởi sắc trong sứ mệnh mở rộng hợp tác quốc tế của BIDV.

Giai đoạn 2001 - 2005, BIDV đã đạt được những kết quả quan trọng: đổi mới sâu sắc trong nhận thức về mục tiêu kinh doanh; nhận diện chính xác nội lực và vị trí của mình so với các ngân hàng trong nước và khu vực, từ đó tạo sự đột phá căn bản trong quản trị điều hành, lấy an toàn - hiệu quả - phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản trị rủi ro, đánh giá tín nhiệm và quy trình nghiệp vụ; đổi mới cơ cấu sản phẩm hướng dần theo chuẩn mực quốc tế. Trong giai đoạn 2006 - 2010, BIDV đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, kinh doanh an toàn và hiệu quả, vươn lên thành một ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng, có uy tín, đẳng cấp cao, có đủ năng lực cạnh tranh để tham gia vào sân chơi toàn cầu.

Khi môi trường quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn và thách thức, BIDV đã bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, linh hoạt ứng phó diễn biến thị trường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao. BIDV tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu hoạt động toàn hệ thống song hành quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm tạo sự ổn định, an toàn, hiệu quả. Năm 2012 đánh dấu một bước chuyển lớn khi BIDV thực hiện thành công cổ phần hóa và chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần. Tháng 1-2014, BIDV chính thức giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán BID trên sàn chứng khoán và trở thành ngân hàng đại chúng.

Tiếp nối truyền thống

60 năm trưởng thành và phát triển, dù với bất kỳ tên gọi nào, BIDV vẫn luôn nỗ lực, tập trung cao nhất mọi trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó.

Trong 60 năm hoạt động với hơn 20 năm hoạt động kinh doanh thương mại, từ một ngân hàng đơn sở hữu, đơn lĩnh vực hoạt động, hoạt động chỉ trong nội địa và khách hàng chỉ thuần túy là doanh nghiệp nhà nước, BIDV ngày nay đã trở thành tổ hợp tài chính ngân hàng đa sở hữu, hoạt động đa lĩnh vực, đa quốc gia với năm Tổng công ty trực thuộc, 35 đơn vị liên doanh góp vốn, hoạt động theo yêu cầu quy tắc quản trị công ty đại chúng niêm yết; công khai, minh bạch, hiệu quả ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Từ một ngân hàng chuyên cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp, cho các doanh nghiệp nhà nước, nay đã cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao đáp ứng mọi nhu cầu của hơn 9 triệu khách hàng trong nước và hơn 2.300 định chế tài chính ở 127 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ một ngân hàng được Nhà nước cấp vốn ban đầu 200 tỷ đồng, đến nay vốn nhà nước tại BIDV đã đạt 34 nghìn tỷ đồng và trong 5 năm trở lại đây nộp ngân sách hơn 23 nghìn tỷ đồng, luôn là một trong 10 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam, một ngân hàng có tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng, hoạt động an toàn, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát (< 2%), hiệu quả (lợi nhuận hằng năm hơn 7.500 tỷ đồng), bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho gần 25 nghìn cán bộ công nhân viên và cung ứng hằng năm hơn 1,5 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.

BIDV ngày nay không chỉ được định lượng bằng quy mô, chất lượng, hiệu quả mà còn từng bước xác lập và khẳng định vị thế, uy tín của một ngân hàng hàng đầu đất nước; được các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác trong, ngoài nước, cộng đồng xã hội tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. Thương hiệu BIDV ngày nay không chỉ thể hiện ở tính tiên phong, tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, là lực lượng vật chất của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển cân đối các vùng miền, mà còn là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam thiết lập các hiện diện thương mại, tổ chức kinh doanh toàn diện ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán ở ngoài nước, đóng vai trò chủ lực trong hợp tác kinh tế và đầu tư tại các địa bàn trọng điểm chiến lược và là định chế tài chính tiên phong mở đường để cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, BIDV là một trong những doanh nghiệp tiên phong và có đóng góp quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ; xây dựng nông thôn mới, tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng trong và ngoài nước.

Ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của BIDV, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể, cá nhân: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng ba, Huân chương Lao động các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác, Nước CHDCND Lào, Quốc vương Cam-pu-chia, nhiều cơ quan quản lý, tổ chức định hạng, các định chế tài chính quốc tế cũng trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho hệ thống BIDV.

Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Toàn hệ thống BIDV tiếp tục phát huy vai trò là ngân hàng TMCP có sở hữu lớn của Nhà nước, giữ vững vị thế ngân hàng chủ lực, có trách nhiệm của quốc gia, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai các chương trình kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng thị trường tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế.

Phan Đức Tú

Tổng Giám đốc

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam