Nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Việt Nam sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là gì

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân và ý chí thống nhất đất nước

Ngày đăng: 29/04/2018 04:39
Mặc định Cỡ chữ
Nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Việt Nam sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là gì
Nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Việt Nam sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là gì

1. Với một niềm tin mãnh liệt vào chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chiến đấu bền bỉ, anh dũng trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), giành thắng lợi, thống nhất non sông về một mối. Thắng lợi đó là sự kết hợp của ý chí sắt đá, nguyện vọng thống nhất của nhân dân với chiến lược chỉ đạo kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Trên cơ sở thực tế diễn biến ngày càng có lợi cho cách mạng trong thời gian cuối của cuộc kháng chiến, Đảng ta đã đề ra chủ trương chiến lược quan trọng, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Việt Nam sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là gì

Sau khi Hiệp định Pari (năm 1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ cùng các trang thiết bị quân sự phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Việc quân chiến đấu Mỹ lúc cao nhất lên đến 543.000 người ở miền Nam (năm 1969) phải lần lượt rút ra khỏi miền Nam đánh dấu thất bại của sức mạnh quân sự Mỹ, đánh dấu quá trình Mỹ chấp nhận từ bỏ biện pháp quân sự, chuyển sang đàm phán tìm giải pháp chính trị, ngoại giao để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, tình hình miền Nam Việt Nam sau khi ký Hiệp định Pari vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù phải rút quân ra khỏi miền Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn tìm cách viện trợ, đưa thêm vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, tiếp sức cho quân đội của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục chiến tranh, lấn chiếm vùng giải phóng, nhằm xây dựng, củng cố địa bàn chiếm đóng, tạo thế đối trọng và làm suy yếu các lực lượng cách mạng.

Trước tình hình đó, nhằm đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc chặng đường tiến hành cuộc kháng chiến qua 18 năm, định ra chủ trương, phương hướng cho cách mạng miền Nam, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt của các chiến trường miền Nam được triệu tập về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) được triệu tập (tháng 10/1973), ra Nghị quyết nêu rõ: Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao một cách hết sức chủ động, linh hoạt, tùy theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp các mặt trận đó cho thích hợp(1) Theo đó, cách mạng miền Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn(2).

Những thắng lợi liên tiếp cuối năm 1973 và nửa đầu năm 1974 trên chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên, Khu 7, vùng giải phóng được mở rộng, kéo dài từ suốt Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, tạo thế áp sát Sài Gòn. Thời cơ và điều kiện thuận lợi để giải phóng miền Nam xuất hiện. Nối tiếp những nghị quyết và chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, kế hoạch giải phóng miền Nam bắt đầu được triển khai từ tháng 8/1973, hoàn thiện từng bước theo thời gian và biến chuyển trên chiến trường. Bản kế hoạch xác định quyết tâm chiến lược: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, đánh chiếm Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân... ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975, 1976(3). Bộ Chính trị thống nhất lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, mở màn cho trận quyết chiến chiến lược trong năm 1975 với mục tiêu tiến công là thị xã Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, công tác chuẩn bị lực lượng cho đòn tấn công chiến lược được tiến hành tích cực. Theo tiếng gọi của cách mạng miền Nam, hầu hết thanh niên miền Bắc đều xung phong nhập ngũ. Quân số từ miền Bắc bổ sung cho chiến trường năm 1973 là 129.311 người, đến đầu năm 1975 tăng lên 238.646 người. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, chưa bao giờ trong thời gian ngắn cách mạng miền Nam được chi viện số lượng bộ đội lớn như vậy. Các quân đoàn chủ lực được thành lập, thể hiện bước phát triển lớn mạnh vượt bậc của quân đội cách mạng.

Sau thắng lợi trong Chiến dịch tiến công đường 14 - Phước Long đầu năm 1975, Đảng ta khẳng định Mỹ không thể đưa quân trở lại miền Nam Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975(4). Ngày 10/3/1975, trận đánh then chốt của cuộc tổng tiến công đánh vào Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã đưa đến kết quả ngoài dự kiến: toàn bộ chính quyền, quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên tháo chạy, thực sự mở ra thời cơ chiến lược lớn. Bộ Chính trị Trung ương Đảng liên tiếp bổ sung chỉ đạo chiến lược với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất trong thời gian nhanh nhất. Trong suốt 20 năm, tình thế cách mạng chưa bao giờ thuận lợi như lúc này, do vậy phải tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu. Phương án thời cơ đã được triển khai với việc mở chiến dịch tiến công Trị Thiên - Huế và chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Chỉ sau 4 ngày (từ ngày 26 đến ngày 29/3/1975) quân và dân ta đã giải phóng hai thành phố, hai căn cứ quân sự trọng yếu của địch là Huế và Đà Nẵng.

Trong cục diện cuộc chiến đang chuyển nhanh như 1 ngày bằng 20 năm, trước thực tế cách mạng miền Nam đang trên đà phát triển như vũ bão, ngày 01/4/1975, Bộ Chính trị chỉ thị: Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn để thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm(5). Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ hơn tinh thần cuộc chiến: Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 04/4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sĩ(6). Thực hiện mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến. Ngày 08/4, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng 4, không để chậm, công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 14/4, Bộ Chính trị quyết định lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt đã lựa chọn trong nội đô: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc lập, Tổng Nha Cảnh sát đô thành, Biệt khu Thủ đô. Từ các hướng đông, đông nam, bắc, tây bắc và tây - tây nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy. Đến 11h30 phút, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên nóc Dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi, minh chứng cho ý chí quyết tâm không có gì có thể lay chuyển được của toàn thể dân tộc Việt Nam, sức mạnh đoàn kết và khao khát hòa bình, hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn miền Nam mở ra điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất đất nước, thực hiện tâm nguyện thống nhất non sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam hiện đại đã ghi nhận ngày 30/4 hàng năm là Ngày thống nhất đất nước.

2. Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng song về mặt lãnh thổ, trên mỗi miền có một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ở miền Nam có Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Từ thực tế đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1975) nhấn mạnh: Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam(7). Thống nhất lãnh thổ, thống nhất nhà nước là yêu cầu khách quan bức thiết, sẽ tạo ra sức mạnh mới, động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xuất phát từ ý nghĩa đó, tiến hành thống nhất nhà nước càng sớm thì càng phát huy nhanh chóng sức mạnh toàn diện của đất nước.

Để thực hiện thống nhất đất nước, từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị khẳng định khâu then chốt để thống nhất Tổ quốc là thực hiện sự thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đó là điều kiện cơ bản để đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị nhấn mạnh: Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất về mặt nhà nước. Hội nghị quyết định cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước và xác định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc dân chủ là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị là một thắng lợi lớn trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước. Hội nghị không chỉ đạt được sự nhất trí cao về chủ trương, phương hướng mà còn đề ra được những biện pháp cụ thể để thực hiện nguyện vọng tha thiết của toàn thể nhân dân ở cả hai miền Nam - Bắc là sớm thành lập một nhà nước chung, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Chủ trương, nghị quyết của Hội nghị được triển khai khẩn trương nhưng theo từng bước cụ thể ngay sau khi Hội nghị kết thúc.

Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước được tiến hành. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa VI đã thành công rực rỡ với trên 23 triệu cử tri đi bầu với tư thế của người làm chủ đất nước. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam đạt 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu Quốc hội ngay trong vòng bầu cử đầu tiên.

Quốc hội khóa VI là biểu tượng của độc lập gắn liền với dân chủ, thống nhất về lãnh thổ, về cơ cấu hành chính và Quốc hội. Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô và quốc ca của nước Việt Nam thống nhất: Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ đô là Hà Nội; Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Cuộc Tổng tuyển cử và sự ra đời của Quốc hội khóa VI là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu sự thành công quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thắng lợi của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó còn là thắng lợi khẳng định tính đúng đắn của con đường giải phóng dân tộc, ý chí sắt đá thống nhất non sông như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà.

Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam. Với thắng lợi đạt được đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, ý chí thống nhất Tổ quốc, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập và thống nhất của toàn thể nhân dân ta. Thống nhất đất nước đã tạo điều kiện để tiếp tục hoàn thành thống nhất các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho quá trình phát triển tiếp theo của dân tộc Việt Nam./.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà -Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS. Lê Mai Trang -Học viện Chính trị, Bộ Công an

------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb CTQG, H.2004, tr.237.

(2) Sđd, tr.239.

(3) Thư của đồng chí Lê Duẩn gửi đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường), ngày 10/10/1974, về Kết luận đợt một Hội nghị Bộ Chính trị, tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TK/1294.83.

(4) Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 2, Nxb Sự thật, H.1991, tr.185.

(5) Trích điện văn số 956/TK (14h ngày 01/4/1975) của đồng chí Lê Duẩn gửi anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn; Tư liệu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TK/1294.83.

(6),(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr.36, tr.395.

tcnn.vn

Về trang trước
Gửi email In trang