So sánh ghép cải tạo và trồng mới

“GIẢI PHÁP KỸ THUẬT TÁI CANH, GHÉP CẢI TẠO NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

Tác giả:

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Phạm S

Ông Nguyễn Văn Châu

Bà Nguyễn Thị Phương Loan

Cơ quan chủ trì:

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng

Thuộc lĩnh vực:

Nghiên cứu phát triển công nghệ

Công trình đạt giải C Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng lần thứ hai năm 2021.

Tóm tắt công trình

Cây cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, chiếm khoảng 60% tổng giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm trước năm 2013, đứng trước nhiều khó khăn thách thức ảnh hưởng đến sản xuất cà phê như: nhiều diện tích già cỗi, năng suất kém do trồng bằng cây thực sinh không qua chọn lọc giống dẫn đến thời điểm thu hoạch vườn cây bộc lộ nhiều nhược điểm như cây sinh trưởng không đồng đều, năng suất thấp, kích cỡ hạt không đều, nhỏ,... ảnh hưởng đến giá bán và thu nhập của người nông dân và chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.

Đứng trước khó khăn thách thức nêu trên việc tái canh, cải tạo giống cà phê được tỉnh Lâm Đồng xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Chính vì thế, cùng với chỉ đạo từ TW, Tỉnh, ngành nông nghiệp (trực tiếp là nhóm tác giả) đã cùng với các địa phương xác định nhu cầu và tham mưu, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015. Trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vị và mục tiêu - nhiệm vụ, nội dung thực hiện, đặc biệt là xác định cụ thể diện tích cà phê cần tái canh, cải tạo; các giải pháp kỹ thuật; nguồn lực cần tác động để triển khai thực hiện hiệu quả, có tính ứng dụng cao trong sản xuất. Để quá trình tái canh hiệu quả trong kế hoạch đã xác định cần phải có lộ trình thích hợp; chỉ nên thay thế cà phê già cỗi, kém hiệu quả theo từng giai đoạn cuốn chiếu để giảm gánh nặng về chi phí đầu tư. Trong thời gian tái canh, cải tạo giống cà phê nông dân nên chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế cao để tích lũy vốn tiếp tục tái đầu tư cho cây cà phê.

UBND Tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất và hàng năm ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh, sau khi hối hợp với Bộ Nông nghiệp và ngành ngân hàng đánh giá sơ kết giai đoạn 3 năm triển khai thực hiện (2013-2015), từ đó tạo ra tiền đề thúc đẩy và lan tỏa hiệu quả chương trình tái canh đến người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Giá trị khoa học

- Đã khảo sát đánh giá thực tế hiện trạng sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh từ đó ứng dụng trong việc xác định nguồn giống, chủng loại giống, nhu cầu số lượng giống, các giải pháp kỹ thuật và diện tích cần trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo tại từng địa phương và đề xuất giải pháp thực hiện theo từng năm.

- Đã đánh giá được sự phù hợp của các giống thông qua 3 chỉ tiêu quan trọng là sức sinh trưởng, mức độ nhiễm bệnh gỉ sắt (bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cà phê) và năng suất hạt khô của từng dòng tại từng địa phương khác nhau để khuyến cáo cho người dân.

- Xác định được một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng của cây giống cà phê vối ghép và triển khai biện pháp kỹ thuật tái canh (trồng mới bằng giống đã chọn lọc, đánh giá), phù hợp với từng vùng và từng địa phương.

- Xác định được độ tuổi cà phê cần tái canh sau khảo sát thực tế từ các mô hình có hiệu quả tại vùng trọng điểm (Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà..), cụ thể:

+ Đối với giải pháp kỹ thuật ghép cải tạo: Áp dụng cho diện tích cà phê trên 15 năm tuổi, cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,5 tấn/ha, không đồng đều về chất lượng giống nhưng cây có bộ rễ còn khỏe.

+ Đối với giải pháp kỹ thuật tái canh (trồng mới trên diện tích cũ): Cây trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém và năng suất nhiều năm liền dưới 1,5 tấn/ha; không thể áp dụng các biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; cây cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng sinh trưởng kém, năng suất bình quân thấp.

- Xác định được diện tích cà phê cần chuyển đổi dựa trên độ tuổi, năng suất kém và nhu cầu từng loại giống cà phê tái canh hàng năm.

.jpg)

Hội nghị đánh gia kết quả tái canh cây cà phê

Xác định được các giống cà phê Robusta cho năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh gỉ sắt như: TR4, TR9, TR11, TRS1, Thiện Trường, Hữu Thiên, Trường Sơn …và các giống cà phê chè chủ lực Catimor, Typica.

- Xây dựng các giải pháp kỹ thuật đề xuất ban hành áp dụng trên địa bàn tỉnh (Văn bản 2304/SNN-TT, ngày 19/12/2013 về Hướng dẫn quy trình tạm thời Cưa – ghép cải tạo và chăm sóc vườn cây cà phê sau cưa – ghép cải tạo trên địa bàn tỉnh; Văn bản 2313/SNN-TT, ngày 20/12/2013 về Hướng dẫn áp dụng Quy trình tái canh cà phê vối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng); Văn bản 1324/ QĐ-SNN, ngày 12/12/2014 về Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng theo hướng ứng dụng nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

- Chuyển giao quy trình công nghệ từ trồng mới, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cho các hộ dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh áp dụng; đồng thời tính toán định mức đầu tư phù hợp với thực tế làm cơ sở để Agribank Lâm Đồng hỗ trợ nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu vay của các hộ dân theo quy định.

- Làm cơ sở để xây dựng lộ trình, kế hoạch hàng năm gắn với các mô hình và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để các địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng những biện pháp tái canh hiệu quả trong sản xuất cà phê của tỉnh.

Giá trị thực tiễn

- Đã trẻ hóa khoảng trên 60% diện tích vườn cây cà phê già cỗi, không đồng đều, năng suất thấp, quả nhỏ, bị sâu bệnh, năng suất thấp bằng các giống cà phê cao sản, chọn lọc có năng suất, chất lượng cao. Giai đoạn từ 2013-2020 đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê 73.161 ha (trồng tái canh cà phê vối 36.277 ha, ghép cải tạo cà phê vối 35.165 ha, trồng tái canh cà phê chè 1.689ha). Riêng năm 2021 ước thực hiện 6.426 ha (trồng tái canh cà phê vối 2.900 ha, ghép cải tạo cà phê vối 3.476 ha, trồng tái canh cà phê chè 50 ha).

.jpg)

Vườn cà phê được trẻ hóa

+ Đối với trồng tái canh: Lâm Đồng áp dụng biện pháp cày bỏ toàn bộ lô cà phê già cỗi sau khi thu hoạch, tiến hành phơi đất, bón vôi nâng độ pH đất, đào hố, xử lý nấm, tuyến trùng, bón phân và trồng ngay trong đầu mùa mưa (không luân canh mà thực hiện xen canh với cây khác trong năm đầu tiên đã tiết kiệm được 2 năm chờ luân canh đất theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp).

- Ghép cải tạo: được thực hiện trên cả diện tích già cỗi và có thể áp dụng trên bất cứ diện tích cà phê nào cho năng suất kém, không phụ thuộc vào độ tuổi cây bằng việc sử dụng chồi ghép từ các giống tốt đã được chọn lọc để ghép cải tạo. Việc ghép cải tạo có ưu điểm không làm giảm năng suất hoặc giảm ít so với năm thực hiện, năng suất ổn định ngay năm sau ghép, những năm sau đó cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần.

- Năm thứ 3 sau tái canh, ghép cải tạo, NSBQ đạt 2,3-2,5 tấn/ ha; năm thứ 4 đạt 3,3 – 3,5 tấn/ha, từ năm thứ 5 năng suất đạt trên 4,5 tấn/ha. Nhiều mô hình đạt từ trên 7 - 8 tấn/ha, đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,61 tấn/ha năm 2012 tăng lên 3,03 tấn/ha năm 2017 và đạt 3,19 tấn/ha năm 2020; sản lượng từ 365.924 tấn năm 2012 tăng lên 455.653 tấn năm 2017 và đạt 516.603 tấn năm 2020 với mức tăng bình quân sản lượng khoảng 1,9%/năm. Riêng năm 2021, NSBQ đạt 3,21 tấn/ha, sản lượng đạt 520.166 tấn.

- Phát triển một số giống cà phê chè đặc sản, chất lượng cao (Typica, Bourbon, Catura, …), hiệu quả kinh tế gấp 3- 5 lần so với giống cà phê Catimor.

- Từng bước quản lý, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn giống tốt được; đến nay nhiều giống có ưu thế vượt trội, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương được chọn lọc, công nhận và phát triển trong sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng vườn cây của người trồng cà phê nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao như: giống Hữu Thiên; Thiện Trường; Xanh Lùn; Typica, Bourbon, THA1, TN1, ….

- Nhiều chuỗi liên kết tăng năng suất, chất lượng cà phê được hình thành và phát triển sau chương trình tái canh (đặc biệt là cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao) giúp tăng giá trị của sản phẩm, chất lượng được kiểm soát tốt.

- Nhiều hộ dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các Ngân hàng (nhất là Agribank) để phục vụ tái canh, cải tạo chất lượng vườn cây cà phê.

- Từ hiệu quả của những mô hình thành công, nhiều hộ dân đã làm theo từ đó tạo ra phong trào tái canh, ghép cải tạo phê phát triển mạnh mẽ đến nay.