Tại sao kiều phong tự sát

Với những người yêu mến Kim Dung, hẳn ai cũng nhận ra những nhân vật chính của Kim gia như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Dương Quá... trước khi trở thành các quán tuyệt quần hùng, họ đều nếm trải muôn vàn bất hạnh, đắng cay. Nhưng có lẽ nhân vật bất hạnh, khổ đau nhất trong truyện Kim Dung, chính là nhất đại kiêu hùng Kiều Phong.

Chuỗi đời bất hạnh của Kiều Phong bắt đầu từ trận chiến đầu tiên trên Nhạn Môn Quan khi chàng mới là đứa bé tròn 1 tuổi nằm trong nôi. Khi ấy, vì mắc mưu của Mộ Dung Bác, các đại cao thủ của võ lâm Trung Nguyên đã vây đánh cha mẹ Tiêu Phong, mẹ chàng tử nạn còn cha chàng là Tiêu Viễn Sơn sau khi báo thù đã ôm cả Tiêu Phong nhảy xuống vực. Vì thương con nên cuối cùng Tiêu Viễn Sơn đã ném chàng trở lại.

Trong đám người vây hãm Tiêu Viễn Sơn bị thương không chết, bang chủ Cái Bang và Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm tự đã đem Kiều Phong về và giao cho một gia đình nông dân nuôi dưỡng. Kiều Phong được Huyền Khổ truyền thụ võ công và làm đệ tử Cái Bang. Vậy là từ lúc mới nằm trong nôi, Tiêu Phong đã mất cha mất mẹ, rồi phải nhận giặc làm thầy.

29 năm sau, Kiều Phong tròn 30 tuổi thì những biến cố bất hạnh tiếp theo bắt đầu.

Lúc này, với tài năng, đức độ của mình, Kiều Phong đang là bang chủ Cái Bang, được giang hồ ca tụng là đại anh hùng, là cao thủ số 1 võ lâm với lời truyền Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung (nhà Mộ Dung Cô Tô ở Giang Nam). Nhưng đang lúc ở đỉnh cao danh vọng, trong 1 lần xuống Giang Nam, chàng lại bị mưu hại đến thân bại danh liệt, mất chức bang chủ và trở thành 1 kẻ không rõ thân thế, nguồn gốc. Cả giang hồ đã đổ tội giết cha mẹ, giết thầy, giết bằng hữu lên đầu Kiều Phong và ráo riết truy sát chàng.

A Châu - tình yêu lớn nhất trong đời Kiều Phong.
A Châu - tình yêu lớn nhất trong đời Kiều Phong.

Và trong quãng đời chém giết cô khổ ấy thì Kiều Phong gặp được A Châu, người con gái Giang Nam đã mang đến ước mơ, mang đến hy vọng, mang đến tình yêu cuộc sống và tưới mát cả tâm hồn đang khô héo của chàng. Nhưng nghiệt ngã thay, cũng lại vì giang hồ hiểm ác mà Kiều Phong đã lỡ tay đánh chết A Châu, dập tắt cả ước mơ về cuộc sống tiêu dao miền tái ngoại của 2 người và chính bản thân chàng từ đó trở đi cũng sống không bằng chết.

Để hòa giải mối hận của Kiều Phong với cha mình là Đoàn Chính Thuần, A Châu giả thành cha đến gặp người yêu, nhưng lại vô tình bị chàng dùng một chiêu Kháng long hữu hối đánh thẳng vào người, cướp đi sinh mệnh.

Về sau, chàng tìm lại được cha đẻ của mình là Tiêu Viễn Sơn. Năm xưa, ông nhảy xuống vực sâu tự tử nhưng vì vướng vào cây cối nên không chết. Nhưng thật trớ trêu thay, lúc Kiều Phong tìm lại được cha thì cũng là lúc Tiêu Viễn Sơn quy y cửa Phật, bỏ mặc con trai quỳ gối 7 ngày 7 đêm cũng không ra gặp mặt.

Cuối cùng, trong trận chiến thứ 2 tại Nhạn Môn Quan, vì để tránh họa binh đao cho bá tánh 2 nước Tống – Liêu, Kiều Phong đã bị vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ hạ chỉ cấm trở về đại mạc, nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Lúc này, Kiều Phong đã trở thành 1 kẻ vô thân vô thích, không nhà không cửa, có quê nhưng chẳng có đường về. Còn con tim chàng thì đã chết cùng nàng A Châu thương yêu.

Kiều Phong đã tự vẫn ngay tại Nhạc Môn Quan, tại chính nơi mà 30 năm trước, chàng từ cái chết tìm về sự sống và đến giờ lại từ sự sống bay về với cõi chết. Thân thể Kiều Phong lại gieo mình xuống vực thẳm một lần nữa, kết thúc 30 năm oanh liệt nhưng đầy đau khổ và cũng là khép lại kiệt tác kinh điển Thiên Long Bát Bộ của Kim gia.

Độc ác nhưng đáng thương

Nếu nói chính xác, A Tử chính là một cô công chúa chính hiệu. Cha đẻ cô là Trấn Nam Vương Hoàng Chính Thuần của nước Đại Lý. Đoàn Chính Thuần sau này được phong làm Hoàng Thái Đệ, rồi Hoàng đế. Trớ trêu thay, cô lại là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc.

Bởi thế, dù là giọt máu hoàng tộc, nhưng A Tử và A Châu đều trở thành những đứa trẻ côi cút. Nếu A Châu trở thành a hoàn của họ Mộ Dung đất Cô Tô thì số phận A Tử lại bi đát hơn nhiều khi cuối cùng trở thành đệ tử của Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu, một tay tàn ác, gian manh đệ nhất võ lâm. 

Xuất thân như nhau, nhưng vì môi trường lớn lên khác hẳn nhau cho nên bản tính A Châu và A Tử cũng khác. A Châu dù mang phận a hoàn, nhưng lại được giao cai quản Yến Tử ô, được nhà Mộ Dung coi như con cháu trong nhà. Nên nhớ họ Mộ Dung đất Cô Tô cũng là một gia đình “có số có má” trong võ lâm. Bởi thế, tuổi thơ  và sau này lớn lên, A Châu cũng được an nhàn, ăn ngon mặc đẹp, được học hành và ít nhiều có địa vị trong xã hội.

Với A Tử lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Để tồn tại được trên đảo Tinh Tú, nàng phải ma mãnh, giảo hoạt và đặc biệt nếu không biết ăn nói, nịnh bợ sư phụ thì nàng có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đám sư huynh đệ của nàng bao lớp cũng như vậy. Thậm chí, để lộ ra võ công hơn người khác cũng không dám, bởi sẽ bị hại lúc nào không hay. Môi trường “đi với ma” như vậy, chẳng ngạc nhiên khi A Tử trở thành một cô gái độc ác, lại vô cùng gian manh, giảo hoạt. 

Từ bé đã như thế, cho nên sau này khi trốn được khỏi đảo Tinh Tú, bản chất của nàng rất khó để thay đổi. Sự độc ác của nàng đã được thể hiện ngay khi xuất hiện trọng truyện. Đó là một cô gái đã không ngần ngại dùng cần câu đâm chết sáu con cá tội nghiệp rồi vứt xuống hồ mà chẳng mảy may xúc động. Rồi nàng tiếp tục làm những việc độc ác khác như định ám toán Đoàn Chính Thuần dù biết đó là cha mình bởi ông đã “trót” mắng nàng. Dùng thủ đoạn lấy dao rạch chi chít lên người Khang Mẫn (vợ của Mã Phó bang chủ cái bang) rồi bôi mật để kiến bu vào gây nên thảm kịch sống không bằng chết.

Những tội ác của A Tử khiến mọi người không thể dung thứ được. Càng đọc về những trò ma mãnh và tàn nhẫn của A Tử, không ít độc giả sẽ phải lắc đầu, thậm chí rùng mình. Tuy nhiên, càng về cuối câu chuyện, A Tử lại trở thành cô gái đáng thương hơn là đáng ghét. Như việc cô yêu Kiều Phong chẳng hạn. Khi A Châu mất đi, gửi gắm cô em gái A Tử cho hôn phu Kiều Phong. A Tử sau một thời gian bôn ba cùng với Kiều Phong đã một lòng say mê chàng, muốn trở thành người thay thế chị gái trong trái tim chàng.

Nhưng Kiều Phong đã không còn chỗ cho người con gái khác. Chính sự lạnh nhạt của Kiều Phong đã khiến bản tính trẻ con của A Tử càng thêm bột phát, và nhiều khi những điều độc ác của nàng cũng chỉ để Kiều Phong chú ý, khiến nàng trở thành cô gái đáng thương. 

Những mối tình ngang trái

Trong đời A Tử chưa làm được việc gì tốt, điều đó là đúng, nhưng quả thật, sau này khi gặp được Kiều Phong mà nàng vẫn không thay đổi được là bao, thì cũng cần trách vị Bang chủ Cái bang. Thay vì cảm hóa cô gái mới tuổi 16, chàng lạnh nhạt đã đành, nhiều khi lại còn thờ ơ, không thèm khuyên bảo, trách phạt khi nàng làm những trò tai quái, gây nên những tội ác. Khi cô bị Trúc Tinh Tử, đại đệ tử của Tinh Tú lão quái và đám sư đệ của y bắt nạt, giả sử Kiều Phong cứu cô thoát khỏi bàn tay bọn ác ma thì mọi chuyện đã khác.

Đằng này chàng lại “nối giáo cho giặc”, giúp A Tử lấy được vị trí đại đệ tử của một môn phái tà ma ngoại đạo khiến bản tính hiếu thắng của nàng lại càng cao. Sau này, khi A Tử bị Kiều Phong vô tình đánh một chưởng gần chết, Kiều Phong mấy năm trời chăm sóc, và sau đó lại càng thêm phần chiều chuộng. Chàng chiều chuộng A Tử chỉ bởi di nguyện của A Châu, nhưng lại khiến A Tử càng ngày càng tai quái. Liệu như vậy có đúng với lời trăng trối của A Châu trước khi lìa xa thế gian? 

A Tử đem lòng yêu một người, đó là tỷ phu của mình. Nàng yêu Kiều Phong đến mức rồ dại, thậm chí dùng cả độc châm ám toán để chàng sống cuộc đời tàn phế để nàng có thể cả đời chăm sóc. Đó là rung động đầu đời của một cô gái còn rất trẻ tuổi. Kim Dung đã cho một cô gái tưởng không có trái tim nhưng lại biết yêu. Sau này, khi đến đoạn kết truyện, Kiều Phong tự vẫn mà chết để bảo toàn danh tiết, nàng chẳng thiết tha gì nữa mà ôm xác chàng nhảy xuống vực sâu muôn trượng tự vẫn. Tình yêu như thế sâu sắc lắm, đúng với chữ “si”.

Ấy vậy mà tình yêu ấy là tình yêu ngang trái khi Kiều Phong chỉ coi cô như một người em gái. Nàng đẹp là vậy nhưng lại bị người mình yêu ác cảm. Chàng chiều chuộng nàng là vậy nhưng tất cả cũng chỉ vì di nguyện của một người đã khuất. Nếu không có di nguyện của A Châu, có thể A Tử đã chết dưới tay Kiều Phong, một đấng nam tử ghét kẻ ác như kẻ thù. Và có lẽ, trong sâu thẳm trái tim Kiều Phong, chàng thật sự căm ghét A Tử. Đó chính là bi kịch trong tình yêu của nàng.

Không có được tình yêu của mình, A Tử cũng không thể mở lòng đón nhận tình yêu khác. Du Thản Chi yêu A Tử thậm chí còn hơn cả A Tử yêu Kiều Phong. Hắn yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên, và sau đó cam tâm làm nô lệ cho nàng cả đời, và coi đó là lẽ sống. Dù nàng liên tục hành hạ y bằng những trò tàn độc nhất, Du Thản Chi vẫn không vì thế mà ghét bỏ nàng mà càng lúc càng yêu nàng hơn.

Khi A Tử dùng khuôn sắt nung nóng chụp lên đầu Du Thản Chi, có thể hình dung ra được những đau đớn tột cùng mà hắn phải chịu, vậy mà trong hắn vẫn một lòng dành trọn trái tim cho A Tử. Không những thế, hắn sẵn sàng hy sinh vì nàng. Sau khi A Tử bị Đinh Xuân Thu làm mù đôi mắt, hắn sẵn sàng dùng đôi mắt của mình hiến dâng cho A Tử để nàng có được ánh sáng dù biết sau khi nhìn lại được, A Tử sẽ chỉ coi hắn là một kẻ gớm ghiếc. Hình ảnh tiêu biểu nhất thể hiện tình yêu của Du Thản Chi dành cho A Tử chính là hình ảnh y tuyệt vọng gọi tên A Tử ở quan ải rồi cũng tự vẫn theo nàng. 

Có người bảo giữa Kiều Phong – A Tử - Du Thản Chi tồn tại một cuộc tình tay ba, nhưng không hẳn như thế bởi giữa họ chỉ hoàn toàn là những mối tình đơn phương. Trong ba người họ đều chung kết cục là bỏ xác dưới vực sâu, người này vì người kia mà tự tử. Nhưng đáng thương nhất vẫn là A Tử, giằng xé giữa những ngang trái, người nàng yêu thì không yêu nàng, người yêu nàng thì nàng một mực khinh ghét. Cuối cùng, chết đi rồi, nàng vẫn không có được tình yêu của mình, một điều thua thiệt nữa của nàng so với người chị là A Châu. 

Theo Pháp luật 4 Phương