Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009

Gói kích cầu và kinh tế VN

Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009
Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009

Chụp lại hình ảnh,

Kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi?

Báo Việt Nam đưa tin trong phiên họp Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là một trong những người đề xuất gói kích cầu của chính phủ phải được làm rõ, tránh bị lợi dụng, rằng đang có nhiều điểm đáng quan ngại cần đưa ra mổ xẻ và thảo luận.

Ông Thảo nói: "Khả năng kích cầu có thể chệch mục đích, bị lạm dụng, lợi dụng, móc ngoặc để hưởng lợi ở các chủ thể cung cấp và thụ hưởng vốn kích cầu này rất lớn".

Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cấp bách, và dành 2 tỷ USD để kích cầu. Có thể tóm tắt như sau:

1. Ngày 15/01/2009 Chính phủ đã quyết định các phương án sử dụng khoản kích cầu 1 tỷ USD (17.000 tỷ VND) để hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho một số đối tượng doanh nghiệp. 2. Ngày 04/04/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng, với tổng số lãi được hổ trợ là 20.000 tỷ VND.

3. Chính phủ cũng thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.

4. Đồng thời Chính phủ thực hiện miễn, giảm, giãn một số loại thuế, và kéo dài thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu.

5. Đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ, nhất là ở vùng sâu vùng xa để cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu.

6. Về chính sách tài chính, tiền tệ, sẽ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Tiếp tục hạ lãi suất cơ bản và cho phép các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng nhân dân cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

7. Chính phủ sẽ điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ theo nguyên tắc linh hoạt, nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Nhận xét

Trên nhiều phương diện các nhóm giải pháp trên đây đã đem lại ít nhiều kết quả tích cực, một số các doanh nghiệp bên lề phá sản đã tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất tương đối thấp cho phép doanh nghiệp hồi sinh, một phần lao động được trở lại với công việc, chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số bán lẻ tháng 4 và tháng 5 bắt đầu tăng nhẹ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đã nổi lên những dấu hiệu đáng lo ngại cần phải theo dõi và xử lý:

1. Số tiền 17.000 tỷ đồng và 20.000 đồng tỷ bù lãi suất là được trích từ dự trữ ngoại hối, thay vì từ Ngân sách Nhà nước. Nếu số tiền này được hạch toán theo ngân sách thì thâm hụt ngân sách sẽ không dừng ở tỷ số 8,5% như Chính phủ vừa xin Quốc hội phê duyệt, mà sẽ vượt lên trên 10%. Thâm hụt ngân sách ở mức này là rất cao và nguy hiểm.

2. Tổng số tín dụng được hỗ trợ bù lãi suất của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng là 450.000 tỷ đồng nếu tính theo 12 tháng hoặc là 600.000 tỷ đồng nếu tính theo 8 tháng, thể hiện cho một tỷ lệ tăng dư nợ từ 40% đến 50%.

3. Còn tổng số tín dụng của gói bù lãi suất 20.000 tỷ đồng sẽ là 250.000 tỷ đồng nếu tính trên 24 tháng. Như vậy, nếu cộng cả hai gói kích cầu, tổng số tín dụng sẽ lên đến 850.000 tỷ đồng, thể hiện cho khoảng 70% tăng dư nợ so với cuối năm 2008, chưa kể đến những tín dụng không được hỗ trợ bù lãi suất. Với một tỷ lệ tăng dư nợ cao như vậy, áp lực lạm phát là vô cùng nguy hiểm.

4. Tính đến cuối tháng 05, sau hơn 4 tháng triển khai gói hỗ trợ bù lãi suất 4%, hơn 310.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân, thể hiện cho một tỷ lệ khoảng 26% tăng tổng dư nợ, nhưng theo báo cáo của hệ thống ngân hàng thì tổng dư nợ chỉ tăng khoảng 10%. Vấn đề là số còn lại đã đi đâu?

Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009
Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009

Chụp lại hình ảnh,

Giải pháp khắc phục kinh tế đang là chủ đề tranh luận tại Quốc hội

Bình thường khi ngân hàng giải ngân thì số tiền cho vay được chuyển đến tài khoản của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không cần ngay một lúc toàn bộ số tiền vay. Vậy doanh nghiệp đã làm gì với số tiền tạm "nhàn rỗi"? Có nhiều khả năng: - Một là tạm chuyển qua tài khoản "tiết kiệm có thời hạn" để được hưởng lãi suất huy động. Lãi suất này hiện nay giao động từ 7% đến 8,5%. - Hai là tạm trả những nợ cũ đã vay với lãi suất cao, tức là đảo nợ. - Ba là tạm đầu tư tài chính, ví dụ như tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), hay thị trường bất động sản. - Bốn là tạm dùng vào những dự án khác. Nói chung là dùng vào những việc ngoài những mục đích của chính sách hỗ trợ lãi suất.

5. Cách sử dụng số vốn vay như trên sẽ có những tác động gì đối với thị trường tài chính và nền kinh tế?

- Nếu là gửi trở lại vào tài khoản tiết kiệm để lấy lãi thì không những đã gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước mà còn làm lệch hướng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết lao động thất nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Nếu là đảo nợ thì tạm thời làm giảm tổng dư nợ và giảm một phần nợ xấu hay khó đòi trong hệ thống ngân hàng, nhưng trong tương lai lại có khả năng phát sinh thêm những số nợ xấu khác.

- Nếu là đầu tư vào TTCK và bất dộng sản thì có khả năng hâm nóng thị trường trong một thời gian cho đến khi phải thanh toán số tiền vay. Đến lúc đó nếu không còn khả năng hoàn trả nợ thì cả thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu số lượng tiền sử dụng không đúng mục đích lên đến hàng trăm nghìn tỷ thì nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng là khó tránh khỏi.

6. Những tín hiệu ban đầu đã xuất hiện, và hệ quả:

- Chỉ số hàng tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5 đã bắt đầu tăng khá mạnh. Có khả năng trở thành lạm phát lớn. Hai yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng đột biến tổng dư nợ ngân hàng mà không quản lý được mục đích sử dụng và thâm hụt ngân sách trên hai con số như đã nêu trên. Tình hình này giống như một đám cháy sắp bùng lên vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu Chính phủ không có biện pháp xử lý kịp thời hậu quả sẽ khó lường.

- Các ngân hàng vì thiếu vốn để cho vay đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ tăng và sẽ góp thêm lực gió đẩy mạnh lạm phát.

- Chỉ số TTCK đang tăng mà không có một cơ sở kinh tế vĩ mô nào hỗ trợ. Từ ngày có lượng tiền lớn được giải ngân qua chính sách bù lãi suất, lượng tiền chảy vào TTCK ngày càng nhiều, đẩy lượng cầu lên đột ngột. Đây là một tình thế nguy hiểm, đe dọa tính thanh khoản sau này, và có khả năng đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản nếu mạo hiểm đầu tư số vốn vay vào TTCK.

Đề xuất

Hiện nay, gói bù lãi suất số một mới triển khai được khoảng 50% và gói số hai còn mới ở bước đầu. Đề nghị Quốc Hội và Chính phủ nên xem xét khả năng đình chỉ triển khai hai gói kích cầu bù lãi suất này và thay thế bằng một chính sách tín dụng có hiệu quả hơn không gây lạm phát và cũng không gây thêm thâm hụt ngân sách.

Mục đích của chính sách bù lãi suất 4% là muốn hạ lãi suất ròng doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng xuống còn 5-6%. Mục đích này hoàn toàn có thể đạt được bằng phương thức Ngân hàng Nhà nước cấp vốn cho Ngân hàng thương mại với lãi suất 1-2% và Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất 5-6%. Đây là giải pháp mà hầu hết các nước khác trên thế giới đều áp dụng.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm giám định các dự án doanh nghiệp cần vay vốn, và quyết định cho vay theo nhu cầu của từng dự án, có thể ngắn hạn từ 3-4 tháng, có thể dài hạn từ 2 đến 3 năm. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, và thu hồi vốn đúng thời hạn.

Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009
Tại sao việt nam phải kích cầu năm 2009

Chụp lại hình ảnh,

Chính phủ đã phải nhiều lần điều chỉnh mức tăng trưởng

Ưu diểm của phương án này là: - Nhà nước không phải chi từ ngân sách để bù lãi suất. Nguy cơ tạo thêm thâm hụt và hệ lụy của thâm hụt sẽ không còn nữa. - Doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp, và đúng với nhu cầu của tùng dự án về số lượng cũng như về thời hạn vay. - Mặt bằng lãi suất sẽ bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng. Lãi suất thấp tạo nên chi phí đầu vào thấp, giá thành thấp, giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh ổn định bền vững, không bị giới hạn bởi thời gian 8 tháng hay 24 tháng của chính sách bù lãi suất. - Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, không còn phải lo thiếu vốn cho vay, không phải huy động vốn với lãi suất cao gây nên áp lực lạm phát. - Tổng số dư nợ sẽ được Ngân hàng Nhà nước giám sát theo dõi mỗi ngày, để đảm bảo rằng nền kinh tế có đủ lượng tiền để hoạt động phát triển ổn định bền vững, không để cho một dự án nào khả thi bị thiếu vốn phát triển, mà cũng không để cho dư thừa gây ra lạm phát. Đó là trọng trách của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà Nước, hay nói đúng hơn là "Ngân hàng Trung ương" cần phải được kiện toàn, để hoàn thành sứ mệnh của mình là: Cung cấp và điều phối lượng tiền tệ tín dụng cần thiết cho nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, không để xảy ra lạm phát hay thiểu phát. Một cơ chế mới cần được xác lập để bảo đảm tính chất độc lập của Ngân hàng Trung ương, cần thiết cho việc thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm của mình.

Cũng xin lưu ý rằng quá trình quyết định về hai gói bù lãi suất 4% có nhiều vấn đề mà Quốc hội cần xem xét. Theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vì lý do cấp bách Chính phủ không có thời gian để trình với Quốc hội thảo luận trước khi đưa ra quyết định, và số tiền bù lãi suất là lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối chứ không phải từ ngân sách.

Xét về cơ sở luật pháp phân quyền giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, qui trình quyết định như trên của Chính phủ là vượt quyền và vi phạm Hiến pháp.

Chỉ có khi nào Quốc hội tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" và ủy quyền cho Chính phủ quyết định trong phạm vi quy định bởi "Nghị quyết tuyên bố tình trạng khẩn cấp" thì Chính phủ mới được hành động mà không trình ra Quốc hội phê duyệt trước.

Hiện nay, Việt Nam không ở trong "tình trạng khẩn cấp" thì tất cả những quyết định thuộc về thẩm quyền của Quốc hội, nhất là về Ngân sách Nhà nước, cần phải được tôn trọng.

Hơn nữa, quyền hạn sử dụng khối dự trữ ngoại hối. Bù lãi suất là một quyết định dùng công quỹ để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, thực chất là sử dụng Ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật nào cho phép Chính phủ được bổ sung ngân sách từ khối dự trữ ngoại hối. Nếu không làm rõ cơ sở luật pháp cho quyết định này, và thẩm quyền của Quốc hội về việc sử dụng tài nguyên của Quốc gia, thì có khả năng sẽ còn xảy ra nhiều quyết định vượt thẩm quyền khác gây nên những "thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản xã hội" mà luật pháp nghiêm cấm.

Bài phản ánh quan điểm phản biện của chuyên gia Bùi Kiến Thành. Quý vị có ý kiến hay chia sẻ, xin gửi về .