Việc sử dụng thành ngữ tạo ra hiệu quả giao tiếp như thế nào

Tục ngữ - ngữ cảnh và hình thức thể hiện

Viết bởi Nguyễn Văn Nở

Nguyễn Văn Nở, " Tục ngữ - ngữ cảnh và hình thức thể hiện", Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 (213), 2007, tr 53 – 64.

Trong Đối thoại văn học, Hoàng Trinh viết: "Đặc biệt tục ngữ nói chung đều tồn tại mãi mãi, bất biến, khuôn nào, mẫu ấy, không ai có thể bớt, thêm mặc dầu lúc đầu có thể là sáng tác của một cá nhân nào đó." [4, tr 25]. Dưới góc độ văn bản, rõ ràng tục ngữ là những khuôn hình mang tính ổn định về hình thái cấu trúc. Nó là một sáng tác tập thể và cá nhân không thể tuỳ tiện thay đổi, thêm bớt vì như thế chẳng khác nào vi phạm "bản quyền" của nhân dân. Nhưng điều này có lẽ chỉ đúng với những người làm công tác sưu tập văn bản tục ngữ. Trong thực tế vận dụng, tính ổn định này chỉ tương đối. Hay nói khác đi, chúng không phải bất biến. Khi giao tiếp, chúng ta thấy tục ngữ được vận dụng rất linh hoạt trong lời nói và nó xuất hiện dưới hai dạng sau:

- Vận dụng ở dạng tiêu thể, tức ở dạng thể hiện tiêu biểu mà ở đây chúng tôi gọi là nguyên dạng. Dạng này có thể được hiểu là dạng khuôn hình tục ngữ phổ biến trong tư duy của cộng đồng. Chúng được ghi lại tương đối thống nhất trong các công trình sưu tập về tục ngữ.

- Vận dụng ở dạng biến thể mà ở đây chúng tôi gọi là cải biến và mô phỏng, triển khai các khuôn hình tục ngữ. Ở dạng này, có những trường hợp thay đổi khuôn hình không làm thay đổi nghĩa và có trường hợp sự thay đổi đó dẫn đến thay đổi nghĩa của tục ngữ.

Khi vận dụng tục ngữ trong một tình huống giao tiếp cụ thể, người dùng có khi lại trở thành "tác giả". Có nghĩa là tuỳ theo năng lực của mình, họ sáng tạo lại trên cơ sở khuôn hình vốn có của tục ngữ cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Bài viết này chỉ bàn về mặt hình thức của tục ngữ. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem người ta vận dụng các khuôn hình của tục ngữ ra sao trong ngữ cảnh cụ thể. Việc khảo sát này dựa vào kết quả thống kê ngữ cảnh mà chúng tôi sưu tập được qua tác phẩm văn chương, văn bản báo chí, chính luận và cả khoa học. Cụ thể như sau:

Số lượng tục ngữ thống kê

Tổng số ngữ cảnh thống kê

Nguyên dạng

Cải biến, mô phỏng tục ngữ

388

838

572

266

1. Vận dụng nguyên dạng:

Đây là dạng xuất hiện với tần số cao nhất. Trong tổng số 838 ngữ cảnh tục ngữ thống kê được thì dạng này xuất hiện 572 lần, chiếm 68,38 %. Về việc vận dụng nguyên dạng, Chu Xuân Diên có viết: "Sở dĩ tục ngữ có thể giữ nguyên vẹn dạng đã có sẵn của nó như vậy vì không những nó có cấu trúc hình thức tương đối ổn định, mà thường lại được dùng như một lời khuyên răn, hay như một phán đoán - luận cứ trong hình thức chứng minh của tư duy logich." [1, tr 176]. Tần số xuất hiện cao của tục ngữ được dùng theo nguyên dạng đã chứng minh điều đó. Việc vận dụng ở dạng này rất phong phú. Nó có thể xuất hiện ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu; có nghĩa là nó được dùng hoà lẫn vào trong phát ngôn. Cũng có khi nó được dùng với tư cách là một phát ngôn riêng biệt. Ví dụ:

+ Xuất hiện ở đầu câu:

" Chị thở rất mạnh, với lấy một cây lạc bứt từng củ một:

"Các anh đã biết đời em rồi đấy. Mỗi năm một tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi. Nồi nào vung ấy, em đã có bố cháu ở dưới xuôi rồi." (Nguyễn Khải- Mùa Lạc)

+ Xuất hiện ở giữa câu:

"Công trường không phải là nơi ăn cơm chúa, múa tối ngày, tiền công ở công trường cũng không phải nước sông gạo chợ mà là ở đâu cũng mồ hôi nước mắt của nhân dân cả thôi." (Bàng Sĩ Nguyên - Niềm vui)

+ Xuất hiện với tư cách là một phát ngôn riêng biệt:

d) Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta.

(Hồ Chí Minh- Gởi đồng bào Nam bộ trước khi sang Pháp đàm phán)

2. Vận dụng ở dạng cải biến, mô phỏng và triển khai khuôn hình tục ngữ:

Đối với trường hợp vận dụng tục ngữ ở dạng này, Chu Xuân Diên viết: "Song nói đến tục ngữ là người ta thường nghĩ đến tính hàm súc của nó. Với tính chất ấy, tư tưởng của tục ngữ dường như bị nén chặt trong một hình thức câu hết sức ngắn gọn. Khi được vận dụng vào trong chuỗi lời nói, tư tưởng của tục ngữ thường đòi hỏi được mở tung ra. Do đó có rất nhiều trường hợp, cấu trúc hình thức dưới dạng đã có sẵn của nó cũng thường bị phá vỡ. Khi nội dung tư tưởng của tục ngữ được mở tung ra, khi kết cấu hình thức của nó bị phá vỡ, thì tục ngữ dễ hoà lẫn cả về tư tưởng, cả hình thức câu vào trong tư tưởng và hình thức câu của chuỗi lời nói." [1, tr 176-177].

So với cách dùng nguyên dạng, dạng cải biến, mô phỏng và triển khai khuôn hình tục ngữ có tần số thấp hơn. Theo kết quả thống kê, dạng này xuất hiện trong 266 trường hợp trên tổng số 838 ngữ cảnh, chiếm 31,62 %. Chúng tôi tạm chia thành một số dạng như: dạng cải biến về ngữ âm, dạng cải biến về từ ngữ, dạng chen thêm một số từ ngữ, dạng tách vế hoặc chỉ sử dụng một vế, dạng mô phỏng và dạng triển khai khuôn hình tục ngữ.

2.1. Dạng cải biến về ngữ âm:

Dạng cải biến này thực ra là do sự biến đổi về mặt ngữ âm khi người dùng bị ảnh hưởng bởi cách phát âm theo thói quen địa phương ở phong cách khẩu ngữ. Dạng này chủ yếu xuất hiện trong lời nói của nhân vật ở tác phẩm văn chương. Ví dụ:

a) Thầy: Tục ngữ ta có câu "Trời sanh voi, sanh cỏ"; chớ nào đâu "trời sanh heo, sanh cám" cho heo. Thấy được chỗ thiếu sót ấy của trời nên chệc đến quê ta, hay là đến nơi thôn quê nào khác cũng vậy, họ mở ngay ra tiệm cám.

(Nguyễn Văn Trấn- Chợ Đệm quê tôi)

b) Cô đứng lại nhìn tôi, nửa muốn đi nửa muốn không.

- Ông già em khổ quá! Cô nói "khổ quá" nhưng mặt lại tươi tắn.

- Đất sanh cỏ già sanh tật anh ơi! (Nguyễn Quang Sáng- tuyển tập, tr.185)

Sự biến đổi phát âm sinh --> sanh (tính --> tánh; chính --> chánh) là một hiện tượng khá phổ biến của phương ngữ Nam bộ trước đây.

c) Và nghiệm ra, người mình cũng có quan niệm y như Tây, ngay từ ngày xửa ngày xưa nào, cả ngàn năm nay, qua mấy câu tục ngữ: "Nhứt gái một con"- "Gái một con trông mòn con mắt".

(Bình Nguyên Lộc (Tuyển tập 2), Tì vết tâm linh, tr. 1029)

d) Còn dân gian dốt thì làm giàu kho tàng văn hoá bằng lối nói bắt vần. Coi như "Ăn thịt chó mà cũng ghép được chó vào vần. Nghe nha "nhứt vện, nhì vàng, tam khoang, tứ mực, cùng cực chó xi, ghẻ chóc sá gì, miễn thui cho cháy.

(Nguyễn Văn Trấn- Chợ Đệm quê tôi)

Hiện tượng thu hẹp độ mở của nguyên âm khi phát âm là một trong những đặc điểm của phương ngữ Nam bộ. Ví dụ như: đàn --> đờn; nếp --> níp; hôn --> hun;chân --> chưn; bệnh--> bịnh... Ngữ cảnh (c) và (d) ở trên cũng nằm trong hiện tượng này (Nhất gái ---> nhứt gái; nhất vện ---> nhứt vện).

Thật ra, trong giao tiếp khẩu ngữ, dạng cải biến về mặt ngữ âm của tục ngữ còn thể hiện phong phú hơn nhiều. Khi xuất hiện bằng văn bản, những biến thể phát âm trên đã được lược bớt và ghi lại theo đúng chính tả. Tuy nhiên, có thể thấy những biến thể này mang tính tự nhiên, xuất phát từ thói quen phát âm của người nói chứ không phải là sự dụng công của người dùng. Còn trong tác phẩm văn chương, tác giả vẫn ghi lại hình thức ngữ âm trên để phản ánh một cách trung thực đặc điểm nói năng của nhân vật ở từng địa bàn cụ thể.

2.2. Dạng cải biến về từ ngữ:

Hình thức này có những thể hiện như:

2.2.1. Thay thế từ ngữ trong câu tục ngữ nguyên dạng bằng một từ khác có nghĩa gần hoặc cũng giữ nguyên được nghĩa gốc. Ví dụ như:

a)"Mẹ tôi đành ngậm bồ hòn làm mật, sống trong cái cảnh hắt hủi đau đớn đó." (Mạnh Phú Tư - Sống nhờ)

+ Ngậm bồ hòn làm ngọt ---> Ngậm bồ hòn làm mật.

Phẩm chất của "mật" là "ngọt", nên sự thay đổi này không làm ảnh hưởng đến nghĩa của tục ngữ.

b) Ôi! Vợ tôi cùng tôi từ thủa hàn vi mà không được sung sướng bằng người nhân ngãi tôi, ngồi mát ăn bát đầy vậy. Đến khi vợ tôi mất mà tôi vẫn còn ôm ấp với người yêu dọc đường của tôi!

(Mân Châu- Thần thiên lương-Nam Phong số 26-1920)

+ Ngồi mát ăn bát vàng ---> Ngồi mát ăn bát đầy.

"Bát vàng" chỉ đồ đựng, "bát đầy" chỉ vật được chứa đựng. Cả hai đều biểu trưng cho sự hưởng thụ đầy đủ, sung sướng. Vì vậy, nghĩa của tục ngữ về cơ bản vẫn không thay đổi nhiều.

c) -Ông nọ bà kia thì đã làm gì ai.

- Không làm gì ai à! Ông mà làm nên thì ông giết cả nhà nhà ông, cả nhà nhà mày, vợ với con gì cái hạng mày.

Bà tôi mắng:

- Rõ cái giọng chưa đỗ ông nghè đã đe hàng xóm.

(Mạnh Phú Tư - Sống nhờ)

+ Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng -->Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng xóm.

"Tổng" là một đơn vị hành chính thời phong kiến, gồm nhiều xã còn "hàng xóm" chỉ những người sống ở cùng một xóm với mình. Chúng chỉ khác nhau về cấp độ còn về nghĩa thì vẫn không thay đổi lắm.

Trong ba ngữ cảnh trên, sự thay đổi từ ngữ trong tục ngữ như thế chấp nhận được. Từ ngữ được thay đổi đặt trong cấu trúc vẫn tương hợp và nghĩa không thay đổi. Tuy nhiên, ở ngữ cảnh (d) dưới đây, nghĩa của tục ngữ dẫu không thay đổi, người đọc vẫn có thể tiếp nhận được, nhưng từ ngữ được thay đổi không có sự tương hợp hoặc không logic.

d) Lúc tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu là phải giải quyết dứt khoát việc hội kèn với ông Tạo mới được. Không nên nhu nhơ với bọn này "được đằng chân lân đằng lưng". (Nguyễn Khải- Xung đột, tr 87)

+ Được đằng chân lân đằng đầu ---> Được đằng chân lân đằng lưng

"Chân => đầu" chỉ sự khái quát cao hơn, có nghĩa là sự lấn lướt không có điểm giới hạn; còn "chân => lưng" không đạt được mức độ trên. Sự thay đổi này rõ ràng không tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao. Trong khi đó, sự thay đổi sau đây mới thật thú vị:

f) Cho rằng bà Phó Đoan làm việc ấy chỉ vì lòng hâm mộ thể thao và yêu chuộng cô cháu nghĩa là vợ mình, ông Văn Minh thấy cần nói những câu ân nghĩa để đối phó với một sự nhờ vả. Ông "uốn lưỡi bảy lần trong miệng rồi mới tán"...

(Vũ Trọng Phụng- Số đỏ, tr 87)

Câu tục ngữ "Uốn lưỡi trong miệng bảy lần rồi mới nói" vốn có sắc thái biểu cảm dương tính, trong ngữ cảnh (f) đã được dùng với sắc thái biểu cảm âm tính nhằm thể hiện sự châm biếm, mỉa mai. Câu tục ngữ nguyên dạng đề cập đến tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói; đưa ra một lời khuyên cần phải suy nghĩ khi nói năng. Trong ngữ cảnh trên, câu tục ngữ được Vũ Trọng Phụng dùng để miêu tả về tính cách của một loại người, với sự mưu tính, giảo hoạt bằng những lời chót lưỡi đầu môi. Và, chính nhờ cách sử dụng trên mà tính cách của nhân vật càng thể hiện rõ nét bằng ngòi bút bậc thầy của "Ông vua phóng sự Bắc Kì".

2.2.2. Thay thế từ ngữ trong câu tục ngữ nguyên dạng bằng từ địa phương có nghĩa tương đương. Ví dụ như:

a) Họ lấy đạo Phật làm gốc để tu tâm dưỡng tánh, hoà gia thuần tục. Nhưng cơ sự lại quá trái ngang! Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Con trùn xéo lắm cũng oằn, huống chi là con người! Bởi vậy dân tình lầm than cơ cực, chẳng biết trông cậy vào ai!

(Phạm Văn Thuý- Vụ án rạch Láng Thé- Văn nghệ số 41, ngày 08-10-05, tr 08)

+ Con giun xéo lắm cũng oằn --> Con trùn xéo lắm cũng oằn.

b) Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhờ người đào giếng". Thử nghĩ bao nhiêu đất đai mà các thế hệ qua đã thừa hưởng của tiền nhân, công khai thác khi còn là chốn hoang vu, đầy rắn độc, thú dữ, thật là công đáng ghi muôn thuở.

(Huỳnh Minh- Vĩnh Long xưa- tr 72)

+ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ---> Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Từ toàn dân: Con giun quả

Từ địa phương Nam bộ: Con trùn trái

Cũng giống như dạng biến thể ngữ âm, hình thức thay từ toàn dân bằng từ địa phương là do chi phối bởi thói quen nói năng của người dân Nam bộ.

2.3. Dạng chen thêm một số từ ngữ:

Dạng này có hình thức thêm một số từ ngữ vào câu tục ngữ nguyên dạng (cũng có khi vừa thêm từ ngữ mới, vừa lược bớt từ ngữ trong câu tục ngữ gốc) để hoà lẫn vào trong sự phô diễn của người dùng. Chúng khiến cho câu tục ngữ trở nên tự nhiên như lời nói thường nhưng vẫn gợi lên khuôn hình quen thuộc của tục ngữ trong tư duy của người tiếp nhận. Ví dụ như:

a) Lúc bấy giờ thì tôi phẫn uất đến cực điểm. Tôi cho tôi như một con giun, ai xéo lắm ắt tôi cũng biết quằn! Đi hát, lúc chi tiền bị kè nhè là đồ keo, lúc về giữa đường lại bị có kẻ muốn tống tiền, tôi tưởng như vậy thì có từ tâm đến bằng Đức Phật Tổ cũng phải cáu, dẫu rằng Phật Tổ không đời nào đi hát...

(Vũ Trọng Phụng- Một đồng bạc)

Trong ngữ cảnh (a), người đọc dễ dàng nhận thấy câu tục ngữ "Con giun xéo lắm cũng quằn" đã được tác giả khéo léo hoà lẫn vào trong lời nói thường bằng cách chen thêm từ ngữ vào cấu trúc. Tương tự, ở ngữ cảnh (b), câu "Cờ đến tay ai, người nấy phất" cũng có cách dùng tương tự.

b) Rất nhiều mùa giải Tiền Giang tưởng đã với tay tới chiếc vé thăng hạng nhưng rồi lại vuột mất. Bây giờ cờ đã đến tay rồi, phải phất thôi!

(TT Thứ bảy, ngày 6-7-2005, tr 13)

Cũng có khi trong sự lập luận của mình, người viết chỉ mượn ý của câu tục ngữ chứ không dùng đến khuôn hình tục ngữ. Ví dụ như ngữ cảnh dưới đây:

c) Tất nhiên không thể bao che, bênh vực cho Quyến với những điều đã thú nhận. Cái cần bình tâm là tự xét vì đâu một người trẻ tuổi, còn quá trẻ ra nông nổi. Tuổi trẻ thường nông nổi, tuổi trẻ thường vấp ngã. Tục ngữ Việt Nam có câu đại ý: dù là chu sa, là son mà gần mực, gần bóng tối cũng thành đen thui nữa là.

(TT Thứ hai, 26-12-2005, tr 13)

Ta thấy, người viết muốn nói đến nguyên nhân mà Quyến, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng, bị sa ngã. Đó là do không biết chọn bạn mà chơi, do gần gũi với người xấu, do không cưỡng nổi sự cám dỗ. Và để thuyết minh cho kết quả tất yếu này tác giả đã nhờ đến câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" và cải biến thành hình thức trên. Còn ở ngữ cảnh (d) dưới đây, để cho lời mắng nhiếc của mình thêm sức nặng, người nói đã cải biến câu tục ngữ "Nhà dột từ nóc" như sau:

d) Vì rằng bà tham Bích mới là có tội. Goá chồng, rồi đi lấy phăng ngay chồng! Ai giáo dục mày mà mày lại không hư hỏng, nhất là khi mày đã trông thấy một cái gương xấu như thế? Cái nhà dột bao giờ cũng dột từ nóc dột xuống! Đáng thương! (Vũ Trọng Phụng- Toàn tập, tr 180)

Sự cải biến câu tục ngữ "Rượu vào lời ra" trong ngữ cảnh dưới đây phản ánh cách nói năng bỗ bã mà cũng không kém phần văn hoa của nhân vật:

e) Anh Sáu tuyên truyền cười ha hả:

Bác Ba bữa nay xuất khẩu thành văn. Vô ban tuyên truyền cộng tác với tôi đi, cha nội!...Các đồng chí thấy chưa, ngán dân đất Chắc Băng này chưa? Rượu chưa vào mà lời lời châu ngọc đã tuôn ra rồi!

(Đoàn Giỏi- Đất rừng phương Nam, tr 32)

Trong ngữ cảnh (f), cách dẫn truyện của tác giả thật sinh động, hình tượng và tự nhiên mà trong đó câu tục ngữ "Giỏ nhà ai quai nhà nấy" được cải biến đóng vai trò không nhỏ:

f) Ngay cả trong đám đông cùng lúc có ba bốn cặp, người réo gọi con, đứa réo gọi mẹ, người lạ chịu không thể biết được ai gọi, nhưng ở đây thìgiỏ nhà nào vẫn cứ về đúng quai nhà nấy. Bọn trẻ nghe tiếng mẹ như gà con nghe tiếng cục cục quen thuộc của gà mẹ mà tìm về ổ.

(Kao Sơn- Duyên giời- VN số 34, 21-8-2004, tr 8)

2.4. Dạng tách các vế hoặc chỉ sử dụng một vế của tục ngữ:

Ở cách dùng này, hai vế của câu tục ngữ được tách ra và hoà lẫn vào trong ngữ cảnh, hoặc người dùng chỉ sử dụng một vế của chúng mà thôi. Tuy nhiên, người đọc cũng như người nghe vẫn có thể nhận ra. Điều này do khuôn hình tục ngữ đã trở nên rất quen thuộc trong cộng đồng dân tộc đã sản sinh ra chúng. Và cũng từ điều này chúng ta thấy, dù tục ngữ là một chỉnh thể cấu trúc cả về hình thức lẫn nội dung ngữ nghĩa nhưng đôi khi chỉ cần sử dụng một vế, hoặc chỉ sử dụng một phần hay diễn đạt không trọn vẹn người ta cũng có thể nhận ra tục ngữ đó. Ví dụ:

a) Vợ Cừ đang ngồi nhặt rau, ngẩng lên láu táu bắt chuyện:

-Em đi gánh nước, thấy công an họ khám một nhà ở gần phố, lấy ra cả một bao tải tiền.

- Cho chúng nó chết! Lí nghiến răng- Thật là ăn thịt bò mà lo ngai ngái chưa! Cô Cừ thấy có phải không? Cứ rau muống mà ngáy o o như chị em mình mà sướng. (Ma Văn Kháng- Mùa lá rụng trong vườn)

Câu tục ngữ ở dạng khuôn mẫu là "Ăn rau muống ngáy o o, ăn thịt bò lo ngai ngái".

a) Hồi bác Hai còn sống, bác Hai uống rượu bằng tô, còn anh sao anh không uống, không giống lông thì cũng giống cánh chớ, anh Hai.

(Nguyễn Quang Sáng- Dòng sông thơ ấu, tr 195)

Dù chỉ xuất hiện một vế nhưng nhờ ngữ cảnh, người đọc vẫn có thể nhận ra nó được rút gọn từ câu tục ngữ: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Cụm từ "không giống lông cũng giống cánh" chưa nêu lên nội dung thông báo hoàn chỉnh nhưng trong ngữ cảnh trên nó đảm bảo trọn vẹn nội dung biểu đạt mà người dùng muốn nói đến vì có sự so sánh về mối liên hệ kế thừa trong quan hệ cha con. Trong ngữ cảnh (b), người dùng đã lược cả một vế của câu tục ngữ:

b) Thầy phái viên lại không chịu rằng mình kém trí nhớ:

- Ngang hình ông già đó, trương phía tay trái có bài chọn bạn mà chơi, thói thường gần mực thì đen. Cha chỉ ngón tay, con đứng khoanh tay cúi đầu mà nghe. Dưới chót lại có hàng chữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

(Sơn Nam- Tình nghĩa Giáo khoa Thư - tr 137)

Dù chỉ xuất hiện một vế "Gần mực thì đen", nó vẫn đảm bảo nội dung thông báo. Và người tiếp nhận vẫn liên hệ ngay vế được lược đi là "gần đèn thì sáng". Như vậy, sự tri nhận tục ngữ không chỉ ở nội dung ý nghĩa mà còn về hình thức mang tính cân đối, hài hoà, có vần, có nhịp của tục ngữ. Với những câu tục ngữ có kiến trúc sóng đôi, chỉ cần nghe hay đọc một vế nào đó của nó là có thể liên tưởng được vế còn lại.

Ngữ cảnh (c) dưới đây có sự phối hợp cả hai hình thức cải biến: thêm từ ngữ và chỉ sử dụng một vế của tục ngữ.

c) Như đàn cá phèn chỉ vàng ào ào kéo đến rồi lại tan đi, hai tiểu đội nữ "23" ngày nào làm náo động cả tiểu đoàn đánh cá dưới cái thời của Nghinh và Hiến còn ở đây, thì bây giờ, những "con thuyền đều đã đi theo lái", vẫn còn ở lại đây bây giờ chỉ vài chị và Thuỷ - hiện là đại đội trưởng đội chế biến.

(Nguyễn Minh Châu (Tuyển tập)-Những người đi từ trong rừng ra, tr 7)

Câu tục ngữ vốn có cấu trúc so sánh "Thuyền theo lái, gái theo chồng" đã được tác giả khéo léo chỉ dùng một vế mà thôi và được dùng như một lời nói thường. Người viết đã tinh tế không dùng đến vế thứ hai. Câu tục ngữ nói về sự phụ thuộc của người vợ với chồng theo quan niệm ngày xưa; về sự bất bình đẳng trong mối quan hệ trên. Nhưng trong ngữ cảnh (c), cái sự "bất bình đẳng" đó đối với các chị còn ở lại có phải chăng là sự khát khao, niềm mong ước. Còn ngữ cảnh (d) có cách dùng là chỉ sử dụng các chất liệu tiêu biểu của câu tục ngữ mà thôi.

d) Về phía các bạn gái vẫn e dè khi tìm đến trung tâm do vậy trâu vẫn nhiều hơn cọc" - Chị Tuyết cho biết. (TT thứ bảy, 03-12-2005, tr 08)

Câu tục ngữ nguyên dạng là "Trâu tìm cọc chứ cọc không tìm trâu" với nghĩa: "Người con trai phải ngỏ lời, thổ lộ tình cảm với người con gái chứ con gái không chủ động tỏ tình trước". Ở đây, tác giả chỉ gợi lên nghĩa ẩn dụ của hình ảnh "trâu" và "cọc" với nghĩa "con gái" và "con trai"; tuy nhiên, người đọc vẫn hiểu được ý nghĩa mà tác giả gởi gắm qua sự liên hội với nghĩa của câu tục ngữ nguyên dạng. Hoặc trong một bài viết ca ngợi phong độ bền bỉ của một tay vợt lão tướng, tác giả chỉ dùng danh ngữ là "gừng già" trong câu tục ngữ "Gừng càng già càng cay". Dù thế, khi tiếp nhận, người đọc vẫn hiểu được nghĩa của nó do trong tâm thức đã có sự liên hội với câu tục ngữ gốc.

c) Chính vì vậy, khi đoàn quần vợt Tiệp Khắc sang thi đấu giao hữu, ông vẫn là cây vợt chủ lực và tiếp tục cho khách - toàn là những đấu thủ có hạng của Tiệp, trẻ khoẻ - biết thế nào là gừng già Việt Nam. (TT Thứ bảy, ngày 19-11-05, tr 9)

2.5. Dạng mô phỏng khuôn hình tục ngữ:

2.5.1. Mô phỏng theo cách thay đổi từ ngữ nhằm tạo ra nét nghĩa mới trái ngược với tục ngữ nguyên dạng. Cách vận dụng này là sự cải biến hệ quả logic của tục ngữ:

Đây là trường hợp hết sức đặc biệt. Từ khuôn hình tục ngữ với nghĩa vốn quen thuộc trong đời sống văn hoá của cả cộng đồng, người dùng đã mô phỏng lại có thay đổi đi một số từ ngữ để có một nội dung ngữ nghĩa mới ngược với nghĩa thường thấy nhằm mục đích châm biếm, đùa vui. Trường hợp này chủ yếu xuất hiện trong giao tiếp khẩu ngữ và chúng tôi chỉ ghi nhận được văn bản tục ngữ được mô phỏng còn ngữ cảnh vận dụng thì chưa tìm được. Đây có thể được coi là hình thức "lẩy tục ngữ". Ví dụ, câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" với nghĩa "Gần kẻ xấu bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm cái xấu, gần người tốt thì học hỏi, tiếp thu được cái tốt, cái hay mà tiến bộ hơn" [27, tr 386] đã được mô phỏng thành "Gần mực thì đen, gần đèn thì cháy". Hình thức mô phỏng này đã khiến cho ý nghĩa tích cực của vế thứ hai trong câu tục ngữ không còn nữa. Gần "đèn" ở đây cũng hoá ra nguy hiểm, cần tránh xa không kém gì "mực"!

Câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ" cũng đã được mô phỏng thành "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ chạy". Câu tục ngữ gốc vốn có nghĩa tốt là "Một người trong cộng đồng bị tai hoạ, đau đớn thì cả tập thể cùng chia sẻ, đau xót" đã bị thay đổi thành nét nghĩa xấu: ngoảnh mặt với nỗi đau của đồng loại; sợ bị vạ lây. Cũng với cấu trúc logic của câu tục ngữ gốc đã nêu, người ta thay đổi chất liệu để tạo thành câu "tục ngữ" sau: "Một người vô "nét" cả nhà kẹt "phone"!

Để biểu trưng cho việc sẽ đạt được một thành quả tốt đẹp nào đó nếu cần cù, siêng năng, nhẫn nại, ta có những câu tục ngữ như: "Kiến tha lâu đầy tổ", "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Ấy thế mà hai câu trên lại được mô phỏng thành hai tục ngữ mới là: "Kiến tha lâu cũng có ngày mỏi cẳng"; "Có công mài sắt có ngày chai tay"! Dù cũng nêu lên một hệ quả tất yếu, một quy luật nhưng tính triết lí và lời khuyên răn không còn nữa. Mục đích biểu đạt của hai câu trên chỉ mang tính đùa vui, giễu cợt. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một nhận định, một phát biểu về một thực tế có thể xảy ra trong cuộc sống: không phải mọi sự cố gắng đều đạt được như ý mà có khi chỉ là sự hoài công.

Như vậy, cách vận dụng theo hình thức mô phỏng này là dựa vào việc cải biến hệ quả logic của tục ngữ theo các kiểu sau:

+ Vận dụng hệ quả logic của a: a ==> b

- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

a: đau ( bệnh hoặc gặp bất hạnh) ==> b: bỏ cỏ (thương cảm, đau xót)

- Một con ngựa đau, cả tàu lợi phần cỏ.

a: đau (bỏ ăn --> dư thừa) ==> b: lợi phần cỏ (hưởng phần dư thừa)

- Một toa bị "đau", cả tàu dừng lại.

a: đau (hỏng máy) ==> b: dừng lại (không thể chạy tiếp)

- Một nhân viên bị đau, cả phòng nhao nhao do thiếu người buôn chuyện.

a: đau (nghỉ việc) ==> b: thiếu người buôn chuyện (vắng người)

- Một người vô "nét", cả nhà kẹt "phone".

b: vô "net" (đang sử dụng) ==> kẹt "phone" (không sử dụng được)

+ Vận dụng hệ quả logic theo nghĩa đen:

- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Đen / sáng ==> xấu / tốt (nghĩa biểu trưng)

Gần mực ==> trở nên xấu ; gần đèn ==> trở nên tốt (nghĩa biểu trưng)

==> Gần mực thì đen; gần đèn thì cháy/ nóng.

Gần mực ==> dính mực (đen); gần đèn ==> bị nóng/ bị cháy (nghĩa đen)

- Kiến tha lâu đầy tổ

Tha lâu ==> kiên trì; đầy tổ ==> thành công (nghĩa biểu trưng)

- Kiến tha lâu cũng có ngày mỏi cẳng

Tha lâu ==> đi, mang vác lâu ngày; mỏi cẳng ==> mệt mỏi (nghĩa đen)

- Có công mài sắt; có ngày nên kim.

Công mài sắt ==> kiên trì, nên kim ==> thành công (nghĩa biểu trưng)

- Có công mài sắt; có ngày chai tay.

Mài sắt ==> dùng tay làm; chai tay ==> tay bị chai do làm (nghĩa đen)

2.5.2. Mô phỏng khuôn hình tục ngữ theo cách thay đổi từ ngữ để chuyển nghĩa biểu trưng của tục ngữ vốn mang tính trừu tượng, khái quát thành nghĩa cụ thể nhằm phản ánh một sự việc cụ thể trong một ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ, tục ngữ có câu "Quen sợ dạ, lạ sợ áo" đã được mô phỏng thành "Quen sợ dạ, lạ sợ si- da". Hoặc ở ngữ cảnh (a) dưới đây, câu tục ngữ "Cháy nhà ra mặt (mạch) chuột" đã được mô phỏng thành:

a) Cháy nhà lòi ra... tình trạng thiếu nhà ở.

(Tiêu đề một bài báo trên báo TT thứ bảy, ngày 27-8-2005, tr 15)

Câu tục ngữ nguyên dạng có nghĩa "Nhân biến cố đặc biệt mới phát hiện ra tung tích của kẻ phá hoại, bộc lộ rõ bộ mặt thật của kẻ xấu" [27, tr 141]. Câu tục ngữ mô phỏng lại được dùng với nghĩa đen chỉ một biến cố cụ thể. Bài viết phản ánh về một vụ hoả hoạn ở khu nhà ổ chuột ngoại ô nước Pháp. Chính vụ hoả hoạn này đã bộc lộ ra thực trạng về điều kiện sống chật chội, tồi tàn của những người cùng khổ. Hoặc trong quá trình đô thị hoá, việc quy hoạch giải toả đã khiến một số người phải đến nơi cư trú mới nhưng cũng giúp một số nhà trước đây trong xóm vắng lại trở thành nhà mặt tiền. Thế nên có câu: "Giải toả đường nhà lòi ra... mặt tiền". (TTC 245, 15-8-03, tr 19)

Câu "Chọn mặt gởi vàng" vốn có nghĩa tìm người tin cậy để giao trọng trách đã được mô phỏng và dùng với nghĩa đen như sau:

b) Việc "Chọn mặt gửi... quảng cáo" được coi là một chiến lược thực sự vì quyết định tới sự sống còn của sản phẩm. Chính vì thế, những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội như ca sĩ, diễn viên điện ảnh rất hay được tìm đến.

(TNCN, ngày 06-11-05, tr 20)

Các ngữ cảnh (c), (d), (e) dưới đây đều có cách dùng tương tự. Có nghĩa là câu tục ngữ nguyên dạng vốn có nghĩa biểu trưng đã được mô phỏng để dùng với nghĩa đen, đúng với hoàn cảnh, đối tượng và mục đích giao tiếp:

c) Cả lũ cười khì khì, thế là vừa đi vừa ăn oản, ăn xong cả lũ giao kèo: ngoài bọn ta ra, đừng để ai biết nhé... sau đó tiếp vài lần, lần thì nải chuối, lần thì đĩa xôi... nhưng đi đêm mãi cũng có ngày gặp bảo vệ. Nhớ mãi cái lần Tuấn bê một đĩa xôi to đùng, nhà chùa vớ được,...

(Trần Anh Tuấn- Dưới một mái trường, VN số 37, 10-9-2005, tr 16)

- Đi đêm có ngày gặp ma --> Đi đêm mãi cũng có ngày gặp bảo vệ.

d) Đời y khoa không gì khổ hạnh bằng mấy năm nội trú. Trăm dâu đều đổ lên đầu nội trú, đến nỗi mấy anh ấy ăn ngủ đều mặc áo choàng trắng sẵn trong mình. (Bình Nguyên Lộc (Tuyển tập 1), Cho tay này lấy tay kia, tr 718)

e) "Thôi ông cứ yên tâm... Một người lấy Tây, cả họ được nhờ."

(Vũ Trọng Phụng- Kỹ nghệ lấy Tây)

- Một người làm quan, cả họ được nhờ --> Một người lấy Tây, cả họ được nhờ.

Hoặc câu "Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lí hàm răng không còn" đã được mô phỏng thật thú vị để đề cập đến một hiện tượng mang tính thời sự trong lĩnh vực xây dựng và bóng đá như sau:

f) Dự án mà biết nói năng, thì thầu xây dựng hàm răng không còn.

(Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, sáng ngày 17-02-2006)

f) Cái còi mà biết nói năng,

Trọng tài, cầu thủ, hàm răng không còn.

(TTC số 303, 01-3-2006, tr 34)

Hay để phê phán nền "văn hoá phong bì":

"Phong bì mà biết nói năng

Thì đám tham nhũng hàm răng không còn"

(TTC số 221, 6-2002, tr 31)

Như vậy, cách vận dụng theo kiểu mô phỏng này dựa vào việc cải biến nghĩa biểu trưng và quan hệ logich như sau:

+ Mô phỏng tục ngữ dựa theo cách cải biến nghĩa biểu trưng thành nghĩa cụ thể hoặc ám chỉ:

- Chọn mặt gởi vàng (nghĩa biểu trưng) ==> Chọn mặt gởi... quảng cáo. (nghĩa cụ thể)

- Đi đêm có ngày gặp ma. (nghĩa biểu trưng) ==> Đi đêm có ngày gặp... bảo vệ. (nghĩa cụ thể)

- Cháy nhà ra mạch chuột (nghĩa biểu trưng) ==> Cháy nhà lòi ra...tình trạng thiếu nhà ở. (nghĩa cụ thể)

+ Mô phỏng tục ngữ dựa theo cách cải biến quan hệ logich của từng cặp đối tượng trong tục ngữ:

- Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lí hàm răng không còn.

B A

==> A hành nghề về B. Nếu B có thể nói (tố cáo) A ==> A không tồn tại.

==> Cái còi mà biết nói năng, trọng tài, cầu thủ hàm răng không còn.

==> Phong bì mà biết nói năng, thì đám tham nhũng hàm răng không còn.

==> Dự án mà biết nói năng, thì thầu xây dựng hàm răng không còn.

2.5.3. Mô phỏng bằng cách hoán chuyển hai vế hoặc đảo ngược cấu trúc của tục ngữ:

Hình thức mô phỏng này chúng tôi chỉ mới tìm thấy được ở góc độ văn bản mà chưa tìm được ngữ cảnh vận dụng. Sự mô phỏng đó tạo nên nghĩa mới đối lập với tục ngữ nguyên dạng. Ví dụ câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" thể hiện triết lí của nhân dân ta là coi trọng nội dung hơn hình thức; bản chất tốt quý hơn vẻ bề ngoài đẹp đẽ đã được mô phỏng hoán chuyển thành "Tốt nước sơn hơn tốt gỗ". Tất nhiên cái triết lí ở câu tục ngữ mô phỏng này rất khó chấp nhận, tuy vậy trong một trường hợp giao tiếp cụ thể nào đó, người dùng vẫn có thể viện dẫn để nguỵ biện hoặc châm biếm mỉa mai người khác và đặc biệt là khi kẻ xấu ở vị trí thắng thế. Một trường hợp giao tiếp giả định. Người tốt, chính trực không chấp nhận bán mình để làm điều xấu. Họ cố giữ phẩm hạnh và phê phán bọn trọc phú, vô sỉ. Thế nhưng trong xã hội kim tiền, họ lại không được tôn trọng. Kẻ xấu thấy "triết lí": "Tốt nước sơn hơn tốt gỗ" đúng hơn và tự đắc, chê cười người tốt không biết thức thời.

Để nói về hoàn cảnh dù cực kì khó khăn nhưng nếu còn một chút cơ hội nhỏ nhoi nào đó chúng ta vẫn có thể vượt qua nghịch cảnh nếu cố gắng, không chịu buông xuôi, đầu hàng, tục ngữ có câu "Còn nước còn tát". Và có câu mô phỏng theo kiểu hoán chuyển rất thú vị là "Còn tát còn nước". Câu tục ngữ nguyên dạng có nghĩa: Còn cố gắng đấu tranh để vượt qua hoàn cảnh khó khăn thì cơ hội vẫn còn đó. Như vậy, sự hoán chuyển hai vế của tục ngữ không tạo nên nghĩa đối lập. Theo chúng tôi, tính tích cực của câu tục ngữ được mô phỏng theo kiểu hoán chuyển còn cao hơn câu tục ngữ nguyên dạng.

Một trường hợp mô phỏng khác, theo chúng tôi cũng tạo nên sự tăng tiến về mặt ý nghĩa so với tục ngữ gốc. Xưa nay, những ai vướng vào vòng đỏ đen, không sớm thì muộn cũng "tán gia bại sản". Do đó, tục ngữ có câu "Cờ bạc là bác thằng bần". Câu tục ngữ được mô phỏng lại thành "Thằng bần là bác cờ bạc". Tất nhiên, ở đây cần phải hiểu cái logic trong câu "tục ngữ" này là những người nghèo đều là "bác cờ bạc". Hậu quả của chuyện bạc bài trong câu mô phỏng như một sự khẳng định mức độ cao hơn.

2.6. Dạng triển khai khuôn hình tục ngữ:

Đây là dạng xuất hiện không nhiều nhưng cũng cho thấy các hình thức đa dạng của sự vận dụng các khuôn hình tục ngữ. Dạng thức này mang tính chất tăng tiến, có tác dụng mở rộng và nhấn mạnh thêm nghĩa của tục ngữ. Ví dụ như:

a) Bốn người ngồi với nhau lặng lẽ, hồi lâu, day qua chị tư Nổ má nói thôi coi như là lá lành đùm lá rách, rách ít đùm rách nhiều, rách nhiều đùm rách nát, bây biết mà tao cũng nghèo.

(Nguyễn Ngọc Tư- Gió mùa thao thức- TTCN số 02-2004, tr 29)

Câu tục ngữ nguyên dạng có nghĩa là: "Đùm bọc, cưu mang giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn" [27, 485]. Nhưng "lá lành" vẫn có nghĩa giới hạn người giúp ở đây có điều kiện, không đến nỗi túng thiếu, đến "lá rách ít" và nhất là "lá rách nhiều" cho thấy người sẵn sàng ra tay cứu giúp kẻ khác ở đây cũng ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Chính vì vậy sắc thái biểu cảm dương tính của chúng càng tăng cao. Còn ngữ cảnh (b) dưới đây phản ánh đặc trưng của cách nói năng người Việt, một trong những cơ sở để làm nên nét riêng của các thể loại dân gian Việt Nam nói chung và tục ngữ Việt Nam nói riêng:

b) Còn dân gian dốt thì làm giàu kho tàng văn hoá bằng lối nói bắt vần. Coi như "Ăn thịt chó mà cũng ghép được chó vào vần. Nghe nha "nhứt vện, nhì vàng, tam khoang, tứ mực, cùng cực chó xi, ghẻ chóc sá gì, miễn thui cho cháy". Thì cũng dân gian nói: "Làm cho nên tội chẳng qua vì vần" bị ép vì vần mà con chó mực phải "xuống" thứ tư. (Nguyễn Văn Trấn- Chợ Đệm quê tôi)

Cách triển khai này cho thấy sự hóm hỉnh, nhạy cảm ngôn ngữ của người dùng. Sự triển khai này cũng có thể diễn ra bằng hình thức lặp lại khuôn hình của tục ngữ gốc nhưng thay đổi về nội dung biểu đạt. Ví dụ như:

c) Làm ruộng nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống.

Làm quan tham thứ nhất giải ngân, thứ nhì mị dân, thứ ba biết ẩn thân, thứ tư phải ôm chân sếp bự. ( TTC 283, 01-4-05, tr 17)

Sự triển khai khuôn hình của tục ngữ cũng có thể diễn ra ở trường hợp nhằm thuyết minh một vấn đề mới nhưng nghĩa của tục ngữ nguyên dạng không phù hợp với một vấn đề cụ thể đã và đang diễn ra. Ví dụ như:

d) Giá vàng trong nước đã hoà nhập giá thế giới, có nghĩa nước lên thì thuyền phải lên. Nhưng những ngày qua "nước lên thì ít mà thuyền lên thì nhiều", giá trong nước đã chênh đến cả trăm ngàn đồng/ lượng so với giá thế giới.

(TT Thứ năm 04- 12-2003, tr 11)

e) Thầy: Tục ngữ ta có câu "Trời sanh voi, sanh cỏ"; chớ nào đâu "trời sanh heo, sanh cám" cho heo.

Thấy được chỗ thiếu sót ấy của trời nên chệc đến quê ta, hay là đến nơi thôn quê nào khác cũng vậy, họ mở ngay ra tiệm cám.

(Nguyễn Văn Trấn- Chợ Đệm quê tôi)

Triết lí của câu tục ngữ ở ngữ cảnh (d) nêu lên mối quan hệ nhân quả. Hai sự vật có mối quan hệ phụ thuộc, nếu cái A phát triển tất sẽ kéo theo sự phát triển của cái B. Nhưng đôi khi logic của cuộc sống lại xuất hiện tình hình không theo mối quan hệ như thế. Giá vàng thế giới không tăng bao nhiêu mà giá vàng trong nước thì lại vượt quá cao. Sự triển khai của khuôn hình tục ngữ ở đây lại diễn ra trên bình diện nghĩa nhằm phản ánh một sự việc xảy ra bất thường trong xã hội. Trong ngữ cảnh (e) thì sự phát triển ở đây diễn ra dưới hình thức lẩy lại câu tục ngữ gốc nhằm chuyển nó từ nghĩa biểu trưng sang nghĩa cụ thể. Cách nói này làm cho sự diễn đạt trở nên vừa gần gũi, mộc mạc vừa hài hước, dí dỏm. Trong giao tiếp hàng ngày chúng tôi còn bắt gặp được trường hợp câu tục ngữ "Vạn sự khởi đầu nan" được triển khai thành "Vạn sự khởi đầu nan, vạn nan bắt đầu nản"!

----------------

Tài liệu tham khảo:

1. Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri - Tục ngữ Việt Nam - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

2. Vũ Dung, Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào - Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam- NXB Văn hoá, Hà Nội, 1995.

3. Nguyễn Thái Hoà - Tục ngữ Việt Nam - cấu trúc và thi pháp - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

4. Hoàng Trinh - Đối thoại văn học- NXB Văn học, Hà Nội, 1986.

5. Cù Đình Tú - Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt- NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.

Nguyễn Văn Nở ngữcảnh tục ngữ hình thức thể hiện