Biên tập sách học ngành gì

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 24
  • Số năm kinh nghiệm ở nghề này: 2
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học ngành Quan hệ quốc tế
  • Số giờ làm hằng tuần: 40
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 20 25 người

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì?Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Thẩm định, biên tập, hiệu đính bản dịch sách ngoại văn và bản thảo sách trong nước.

Nâng tầm chất lượng bản thảo để đạt tiêu chuẩn xuất bản, giúp người đọc tiếp cận với nội dung sách một cách tự nhiên, không bị cản trở.

    • Bản thảo tiếng Anh: Đối chiếu bản gốc để tìm ra lỗi dịch thuật; chỉnh sửa câu cú cho thuần Việt; bổ sung kiến thức cho người đọc về những khái niệm mới được nêu trong bản thảo; chuẩn bị nội dung bìa, tay gấp, quyết định quy cách in; v.v.
    • Bản thảo tiếng Việt: Đọc và đánh giá chất lượng bản thảo; hỗ trợ tác giả xây dựng và triển khai ý tưởng, tổ chức và sắp xếp cấu trúc bản thảo theo trình tự hợp lý, khoa học, dễ hiểu; chỉnh sửa ý, câu cú cho thuần Việt, rõ ý; tương tác với tác giả để điều chỉnh và thống nhất nội dung bản thảo; chọn nội dung bìa, tay gấp, quy cách in, tựa, v.v.
  • Tương tác với tác giả, cộng tác viên để đảm bảo tiến độ thực hiện bản thảo.
  • Đọc rà lỗi cho bản dàn trang và theo dõi quá trình xuất in, hạn chế sai sót của khâu hậu kỳ.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Xét theo ngành học của mình mà nói thì nghề làm sách không hề đúng tuyến chút nào. Mình không được đào tạo chính quy, dấn thân vào nghề này thuần túy là vì niềm yêu sách mà mình được thấm nhuần từ bé. Thời còn học đại học, mình may mắn được thực tập tại một tòa soạn tạp chí, dưới sự dẫn dắt của một người sếp có kinh nghiệm trong làng dịch thuật, và chính chị ấy đã giới thiệu mình với công ty hiện tại, mở ra cơ duyên của mình với nghề chữ.

Có thể nói, duyên làm nghề sách đến với mình rất tự nhiên, tự nhiên như nước chảy vậy, không hề gặp chút trở lực nào. Nhưng mình gắn bó với nghề này hoàn toàn không phải vì sự dễ dàng và thuận lợi ban đầu nó mang lại, mà chính tình yêu với sách, với kiến thức và với lý tưởng mang tri thức đến cho mọi người mới là thứ níu giữ mình với nghề. Có thể nói, nghề chọn mình, và mình chọn lại nghề, chúng mình chọn nhau một cách tự nhiên và hài hòa như vậy đấy.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:30 9:00Kiểm tra hộp thư điện tử, phản hồi cho cộng tác viên (CTV), tác giả.9:00 11:30Biên tập bản thảo
  • Bản thảo tiếng Anh
  • Bản thảo tiếng Việt
  • Tương tác với tác giả, cộng tác viên để đảm bảo tiến độ thực hiện bản thảo.
11:30 13:00Nghỉ trưa13:00 16:00Đọc sửa bản in

Sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đối chiếu thông tin với sách gốc, đối chiếu tên riêng trong tiếng Anh, phối hợp chỉnh sửa bản dàn trang với thiết kế, giám sát quy trình xuất in.

16:00 17:30Kiểm tra công việc hậu kỳ lần cuối, xác nhận xuất in sách

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Mỗi cuốn sách mình được tiếp xúc là một kho tri thức mới để mình nghiền ngẫm, suy tư và học hỏi. Làm nghề biên tập, mình không chỉ xử lý bản thảo, mà còn học từ chúng. Mình từng biên tập qua bản thảo sách kỹ năng, sách kinh tế, sách văn học, v.v., và cứ mỗi bản thảo như vậy mình lại thu nạp một lượng kiến thức quý giá. Quá trình xử lý bản thảo còn đòi hỏi mình phải tra cứu rất nhiều để làm sáng tỏ đến tận cùng ý đồ của tác giả, để từ đó truyền tải một bản dịch mượt mà nhất, dễ hiểu nhất và giàu giá trị nhất cho người đọc.

Công việc này còn mở ra nhiều cơ hội gặp gỡ và làm việc với những tác giả tại Việt Nam, giúp mình mở rộng mạng lưới mối quan hệ và vòng tròn bạn bè trong giới trí thức. Mỗi sự tương tác mình có được đều đem lại cho mình nhiều bài học sâu sắc, nhiều chiêm nghiệm về cách đối nhân xử thế và cách giữ gìn mối quan hệ. Có người nói, nghề biên tập tĩnh quá, suốt ngày chỉ chúi mặt vào bản thảo, nhưng sự thực không phải vậy. Bởi vì nhờ làm nghề này mà mình mẫn tiệp hơn nhiều trong quan hệ giữa người với người, nhận ra được những chuyển động ngầm mà nhiều nghề động khác không cho phép mình có thời gian sáng tỏ.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Trở ngại lớn nhất của mình khi theo đuổi nghề này, nói thật lòng thì, không phải là bản thân công việc. Mình vấp phải khá nhiều sự phản đối của gia đình khi quyết định trở thành biên tập, mặc dù cha mẹ mình là những người luôn tôn trọng quyết định của con ngay cả khi không đồng tình với nó. Trong mắt cha mẹ, nghề biên tập vừa nặng nề phải làm việc với con chữ, phải tư duy, suy ngẫm nhiều lại vừa khép kín, ít có cơ hội tang bồng, đi đây đi đó. Mình đã phải rất cố gắng để thuyết phục gia đình rằng đây là nghề giúp rèn dũa kỹ năng toàn diện và mở ra nhiều cơ hội phát triển không chỉ qua lời nói mà còn là hành động, và may mắn là nỗ lực của mình đã được cha mẹ hiểu và ủng hộ.

Một trở ngại khác của nghề chính là việc tương tác với con người. Có thể nói, trong công ty người biên tập viên là người hiểu bản thảo nhất, là người gắn bó với sản phẩm của công ty nhất. Vì vậy, mình luôn hình dung được phương pháp tối ưu hóa sản phẩm để người đọc đón nhận nó thoải mái nhất chẳng hạn như cách đặt tựa, quy cách in ấn, phong cách trình bày, đối tượng độc giả, v.v. Tuy nhiên, để truyền tải những thông tin đó cho các phòng ban khác đòi hỏi sự ứng xử khéo léo. Mình luôn cố gắng đảm bảo đội ngũ hậu kỳ (thiết kế, in ấn) hiểu được tinh thần của sách mà không bị gò ép khiến mất đi tính sáng tạo, hỗ trợ ban Marketing hiểu được sản phẩm để hoạch định chiến lược PR phù hợp nhất. Việc va chạm và mâu thuẫn là không tránh khỏi, nhưng mình luôn xử lý với tinh thần hợp tác và tất cả vì chất lượng sản phẩm. Vì vậy nên những xích mích trong công việc nhanh chóng được làm dịu, không gây ảnh hưởng đến hòa khí và năng suất của mọi người.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Thứ nhất, cần phải có độ nhạy với ngôn ngữ. Nếu bạn muốn là biên tập giỏi, bạn phải giỏi tiếng Việt để phát hiện được những bất thường, những cấu trúc câu bất hợp lý, thiếu tự nhiên và xử lý chúng.

Thứ hai, cần phải có kiến thức rộng. Không nhất thiết bạn phải hiểu sâu sắc từng lĩnh vực mà bạn tìm hiểu, nhưng bạn cần đọc nhiều và có cái nhìn tổng quan về tình hình chính trị kinh tế xã hội và sự vận động của thế giới. Bạn cần tinh thần học hỏi, cầu tiến, không ngừng mở rộng, trau dồi kiến thức. Chỉ bằng cách đó, bạn mới không bỡ ngỡ khi bắt tay xử lý một bản thảo không thuộc phạm trù hiểu biết của bản thân.

Cuối cùng, bạn phải chăm chỉ. Nghề biên tập đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm qua từng câu văn, từng bản thảo, từng dự án. Nếu bạn không chăm chỉ và đặt kỳ vọng cao cho bản thân, nếu bạn dễ dãi và dễ thỏa mãn với những thành tựu mình có, thì chỉ cần 3 năm, ngòi bút của bạn sẽ cùn, kỹ năng của bạn sẽ mai một, lý tưởng của bạn sẽ héo mòn.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Nhiều người nghĩ rằng làm biên tập thì phải giỏi tiếng Anh/ngoại ngữ, nhưng thật ra thứ tiếng mà một người biên tập phải thành thạo nhất chính là tiếng mẹ đẻ. Mình rất tự tin về tiếng Anh của mình, nhưng khi thực sự xử lý bản thảo, mình nhận ra rằng kỹ năng Anh ngữ chỉ nhằm mục đích đối chứng lại bản dịch của người dịch và nghiên cứu thông tin trên nhiều nguồn hơn. Còn tiếng Việt giỏi mới là điều giúp mình nâng tầm bản dịch lên, khiến nó trở nên thuần Việt và chạm tới được nhiều đối tượng độc giả hơn. Một cuốn sách dịch hay không phải là một cuốn sách dịch đúng từng từ từng chữ so với sách gốc (nếu chỉ vậy thì Google translate cũng có thể làm được), mà phải là một cuốn sách truyền tải được tinh thần của tác giả dưới hình hài của một bản thảo tiếng Việt trơn tru, trôi chảy.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Mức lương khởi điểm của ngành này vào khoản 6-8 triệu/tháng. Đây là mức lương tạm ổn, đủ để giúp mình chi trả các khoản phí sinh hoạt.

Sau khi có kinh nghiệm trong nghề hơn (thường là sau 1-3 năm) thì mức lương đó có thể tăng lên 10-12 triệu/tháng.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Lời khuyên quan trọng nhất chính là hãy cứ dấn thân nếu bạn yêu sách. Đừng suy nghĩ, đừng đắn đo, nếu bạn đủ yêu thì tại sao lại không thử?

Nghề sách là nghề đem lại niềm vui và sự thỏa mãn nó vừa đáp ứng nhu cầu kiến thức của cá nhân, vừa có ý nghĩa cao cả thông qua việc đem lại kiến thức cho xã hội.

Nghề sách cũng không xô bồ, không có những đấu đá, tranh đoạt, hơn thua, và những người làm sách đa phần là người tử tế. Trên hết, công việc này vô cùng thú vị và sẽ khiến bạn say mê, vì kiến thức trong sách là vô tận.

Biên tập sách học ngành gì