Cách giải quyết mâu thuẫn của giáo viên

TT - Loạt bài Sân trường đổ máu, vì đâu? (Tuổi Trẻ từ 23 đến 25-6-2009) đã phản ánh một hiện tượng xã hội đáng quan tâm trong giới học sinh, đó là cách thức giải quyết xung đột bằng bạo lực.

Cách giải quyết mâu thuẫn của giáo viên
Phóng toChuyên viên tâm lý - giáo dục Trần Thị Thanh Trà tư vấn cho học sinh tại phòng tư vấn tâm lý - hướng nghiệp Trường THPT Marie Curie, TP.HCM -Ảnh: Lưu Trang

Tôi là một giáo viên có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và từng giúp nhiều học sinh giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống với bạn bè.

Từ thực tế tôi thấy nếu giáo viên chủ nhiệm biết được mâu thuẫn của các em, gọi các em lên nói chuyện, phân tích phải trái, thiệt hơn thì các em đều biết nghe lời và mâu thuẫn được giải quyết.

Vấn đề là làm sao giáo viên chủ nhiệm biết được mâu thuẫn của học sinh trong lớp? Theo tôi, giáo viên phải bám sát lớp, quan tâm đến lớp và quan trọng hơn là tạo được niềm tin cho các em để khi có mâu thuẫn các em đều tâm sự với giáo viên. Muốn tạo được niềm tin cho học sinh, giáo viên phải quan tâm, lắng nghe và đối xử công tâm.

Câu chuyện bạo lực học đường có hung khí không phải là một hiện tượng cá biệt mà là một vấn nạn của xã hội hiện đại. Đây là sản phẩm của một xã hội đô thị vốn đang ngày càng trở nên vô danh hơn và cá nhân hóa mạnh mẽ hơn. Quả vậy, khi sống trong một môi trường có tính cố kết xã hội cao, cá nhân sẽ tìm thấy được rất nhiều nguồn hỗ trợ để giải quyết các vấn đề mà mình đang gặp phải trong cuộc sống.

Ngược lại, khi sống trong một môi trường vô danh và đề cao tính riêng tư tuyệt đối, cá nhân gần như phải tự mình đối mặt và giải quyết các vấn nạn của bản thân mà khó hoặc có rất ít sự hỗ trợ từ phía cộng đồng.

Đặc biệt là tình hình tại nước ta lại đáng quan ngại hơn khi nhiều gia đình gần như phó mặc con cái cho nhà trường, trong khi nhà trường lại dốc hết sức để truyền tải kiến thức cho kịp với chương trình đã quy định, nên không còn đủ thời gian để có thể trang bị thêm những kỹ năng giải quyết xung đột hay giúp giải quyết xung đột giữa học sinh. Trong khi đó, học sinh lại đang trong quá trình chuyển tiếp về mặt tâm sinh lý, kinh nghiệm sống còn hạn hẹp nên các em sẽ chọn cách dễ dàng nhất để giải quyết xung đột mà các em học được từ phim ảnh, sách báo, Internet, đó là dùng bạo lực với sự hỗ trợ của hung khí.

Ngay từ bây giờ có lẽ ngành giáo dục cần thiết lập một phòng tư vấn hỗ trợ học sinh tại mỗi trường với sự tham gia của nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Những nhân viên xã hội chuyên nghiệp không chỉ giúp học sinh về mặt học tập mà còn giúp các em cách thức giải quyết xung đột vốn chắc chắn phải có trong môi trường học đường. Các nhân viên này không bao giờ xem chuyện xung đột giữa học sinh là chuyện nhỏ cả. Họ sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ và cùng các em vạch ra các giải pháp có thể giải quyết vấn đề.

Một trong những phương pháp giúp các em học sinh giải quyết xung đột là IDEAL: Xác định vấn đề đang gặp phải - Tìm kiếm các giải pháp khả dĩ bằng động não - Đánh giá những hậu quả có thể có của từng giải pháp để chọn giải pháp tối ưu nhất - Lập kế hoạch hành động - Rút bài học kinh nghiệm.