Chủ nghĩa nhân đạo trong văn thơ nguyễn du

Truyện Kiều là di sản vĩ đại, là tuyệt đỉnh của nền văn học dân tộc quá khứ. Tác phẩm được đánh giá cao bởi chủ nghĩa nhân đạo xuyên suốt thông qua hình ảnh Thuý Kiều. Giá trị nhân đạo thể hiện chính là tôn vinh vẻ đẹp của con người, thương xót cho số phận đau thương, phê phán thế lực đã chà đạp lên số phận họ. Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều để cảm nhận được rõ hơn giá trị đó là gì các em nhé!

Đề bài: Giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều – Nguyễn Du

Mở bài:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình

Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”

Thật vậy, mười lăm năm trời lưu lạc của nàng Kiều là một thiên bạc mệnh thấm đầy lệ làm xúc động lòng người qua bao thế hệ: “Cảo thơm lần giở trước đèn…”. Lật giở từng trang văn Nguyễn Du, ta thấy tinh thần nhân đạo được phổ vào văn chương nghệ thuật như suối nguồn dạt dào tuôn chảy, như dòng sông tưới tắm tâm hồn để cho từng dòng thơ câu chữ ấy chở nặng những hạt phù sa đổ vào dòng sông nhân bản mênh mông vô tận. Xây dựng hình tượng và số phận nàng Kiều, dường như Nguyễn Du đang nói thay lòng mình, thể hiện khát vọng công bằng cho nhân dân xã hội, cho những số phận tài hoa mà bạc mệnh trong xã hội phong kiến xưa.

Thân bài:

Tinh thần nhân đạo là cảm hứng nhân văn bao trùm lên toàn bộ “Truyện Kiều”. Cốt lõi của cảm hứng nhân đạo là lòng thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Đó là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thủy trong tình yêu... Đó là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương trước bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội phong kiến… Một tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi nó ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người, không những thế phải đồng cảm xót thương những số phận bị chà đạp, lên án tố cáo những thế lực thù địch, đồng thời phải biết đồng tình với khát vọng và ước mơ chính đáng của con người. Nguyễn Du yêu thương con người đến tận cùng, vì vậy các tác phẩm của ông cũng nhân đạo đến tận cùng. Cảm thương cho những kiếp hồng nhan mà đa truân, tài tử mà đa cùng không phải là cảm hứng mới mẻ trong văn học, nhưng phải đến Nguyễn Du, người đọc mới thực sự đau lòng vì “những điều trông thấy” bởi Nguyễn Du viết về nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình.

Sắc đẹp khuynh thành và tài năng hiếm có của Thúy Kiều đã được Nguyễn Du đặc tả trong hai câu thơ:

“Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”

Vẻ đẹp của nàng thật có một không hai trên thế gian này. Thế nhưng ẩn giấu đằng sau những “làn thu thủy” trong trẻo và những “nét xuân sơn” tươi thắm của ngọn núi mùa xuân ấy là cả một tài năng toàn diện, lỗi lạc rất đáng tự hào:

“Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.”

Tài hoa của nàng không chỉ bộc lộ rực rỡ ở tài thi họa mà còn ở cung đàn có sức thuyết phục tuyệt đối. Cái thông minh và tài hoa ấy cũng chính là biểu hiện phong phú của một trái tim nồng nàn, sôi nổi, một tấm lòng giàu lòng vị tha. Cung đàn đầy cảm xúc của lần tình tự với Kim Trọng chính là nỗi sợ hãi của nàng Kiều thông minh linh cảm trước số phận của những người yếu thế mà cũng chính là tiếng lòng dám yêu đương sôi nổi của một cô gái sống cách đây hai trăm năm, khi mà quan hệ chân chính giữa nam nữ còn chịu nhiều ngăn cấm bởi muôn vàn luật lệ khắt khe của lễ giáo phong kiến.

Mối tình vượt lễ giáo phong kiến ấy cũng chính là một mối tình rất trong sáng, thủy chung. Kiều là một thiếu nữ rất một mực đoan trang, hiền thục, nàng yêu đương sôi nổi nhưng cũng biết kiềm chế cảm xúc để ngăn chặn những bước đi quá trớn không tốt cho tình yêu. Khi nghe Thuý Kiều đàn, Kim Trọng càng mê mẩn, say đắm nàng:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.”

Còn gì đau xót hơn khi mối tình Kim - Kiều vừa chớm nở đã li tan. Lời thề với Kim Trọng vừa trao thì Kiều lại phải bán mình vì chữ hiếu. Trong Truyện Kiều tình tiết “trao duyên” cũng là một nét đẹp của tình cảm nhân đạo. Trước bi kịch cuộc đời “hiếu tình khôn lẽ hai đường vẹn hai” Kiều đã “cậy em” và trao duyên cho Thuý Vân thay mình trả nghĩa “nước non” với chàng Kim:

“Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.”

Thuý Vân nên mối tơ duyên với Kim Trọng, Kiều cũng phần nào bớt đi cảm giác có lỗi trong sự bội ước. Thế nhưng trước ngày đầu tan vỡ ấy Kiều tránh sao khỏi đau đớn xé ruột:

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.”

Làm sao Kiều có thể quên được mối tình đầu ngây thơ trong trắng ấy bởi lẽ:

“Ôi cái buổi ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”

(Thế Lữ)

Và, khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, bị Tú Bà "khóa xuân", trong cái nỗi buồn mênh mang vô tận, không thể gì làm vơi bớt, không có ai để sẻ chia – nỗi buồn của một con người hoàn toàn cô đơn giữa một khung cảnh cô đơn, vắng lặng; Kiều chỉ còn biết nhớ về người thân. Thật đúng như Chu Mạnh Trinh đã từng viết: “Tấm lòng này như tuyết như băng, mối sầu nọ qua ngày qua tháng… Ngọc kia không vết, giá liên thanh không vết so bì. Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng vẫn còn vơ vẩn”. Nguyễn Du đã xây dựng một thiên diễm tình tuyệt mỹ Kim – Kiều. Trái tim nhân hậu của Nguyễn Du đã thương cảm sâu sắc cho mối tình đầu tan vỡ ấy chính vì thế nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật độc đáo, cực kỳ tinh tế trong bút pháp điêu luyện. Nhà thơ đã đảo tình lẫn hiếu, trái với trật tự cương thường của đạo lý phong kiến khi miêu tả Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau.

Nếu trước kia, Nguyễn Du đã không tiếc lời ngợi ca thiên diễm tình tuyệt đẹp vượt lễ giáo phong kiến thì giờ đây, khi mối tình đầu trong sáng ấy "trâm gãy bình tan"; chính ông lại đồng cảm hết sức với tâm sự của người con gái đang yêu buộc phải xa cách người yêu. Nguyễn Du thật thấu hiểu nhân tình!

Nỗi nhớ người thân cũng không làm Kiều khuây khỏa nỗi buồn rợn ngợp. Buồn mà trông ra cảnh vật:

Buồn trông cửa biển chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng quanh quanh ghế ngồi

Tám câu thơ dựng lên bốn bức tranh buồn được bắt đầu bằng hai chữ "Buồn trông". Dường như ở đây không có con người, chỉ có cái nhìn hay đúng hơn, chỉ có tâm trạng. Tâm trạng của Kiều mà cũng là tâm trạng của Nguyễn Du. Lòng nhà thơ tưởng như cũng hòa vào với lòng nhân vật, cùng đồng cảm, buồn thương, đau xót với nhân vật.

Lòng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều trăm lần đứt đoạn, ngàn lần thấu cảm, thấy rõ trong từng câu thơ nghiến nát:

“Dở dang nào có hay gì

Đã tu - tu trót - qua thì - thì thôi”

Về Vấn đề Tố như đặt ra, Xuân Diệu nói: “Đặt ra một cách ghê gớm như lửa châm nhà đã cháy, như chuông treo sợi chỉ mành sắp đứt, như thòng lòng đã giết vào cổ người”. Truyện Kiều không phải là một bài ca hân hoan về giá trị con người mà trở thành “một câu chuyện thê thảm về vận mệnh con người trong xã hội cũ.”

Số phận con người – đó là điều day dứt khôn nguôi trong trái tim Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót xa sâu sắc. Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay đắng, nhục nhã ê chề “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Gặp được Từ Hải, hạnh phúc chợt đến rồi lại chợt đi khi Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến bị giết chết giữa loạn quân. Kiều phải hầu rượu trong bữa tiệc quan, bị ép gả cho viên thổ quan… Uất ức quá, Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nguyễn Du đã phải xót thương kêu lên:

“Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.

Những là oan khổ lưu ly

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!...”

Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc đến não lòng. Từng từ, từng chữ tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo của tác giả khóc thương cho số đoạn trường.

Tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều còn là tiếng nói đồng tình, đồng cảm của thi hào Nguyễn Du với những ước mơ về tự do công lý của con người bị áp bức dưới chế độ cũ. Từ Hải ân nhân của Thuý Kiều là một hình tượng sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh phi thường: “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Người anh hùng văn võ song toàn ấy có lý tưởng sống khác hẳn với bọn “cá chậu, chim lồng” quen “vào luồn ra cúi” để tranh nhau hai chữ công hầu. Ở Từ Hải, đó chính là một chí khí ngang tàng đội trời đạp đất ở đời “dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi’. Chàng thiết tha với một lý tưởng:

“Chọc trời khuấy nước mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”

Trong xã hội phong kiến ý vua là ý trời, mọi thần dân chỉ có thể cúi rạp mình xuống mà thôi, thế nhưng ở đây, thái độ Từ Hải về nhiều mặt đều mang ý nghĩa phản kháng mạnh mẽ chế độ phong kiến. Nó biểu hiện sự quật khởi của một thời đại khi hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng lên dữ dội thì cũng là lúc ý chí chống đối lại tôn ti trật tự khắc nghiệt kia nảy nở trong đầu óc những người bị áp bức. Cũng như Kim Trọng sau này, Từ Hải biết rõ giá trị phẩm chất cao đẹp của Kiều. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên Từ Hải đã bắt gặp những điều ấy, chính vì thế mà Từ Hải luôn luôn xem Kiều là người tri kỷ của mình, đối xử với Kiều bằng một mối tình trước sau như một, khi “vinh hoa” cũng như lúc “phong trần”. Ngoài ra, Từ Hải còn là một con người rất tự tin, thẳng thắn.

Kết bài:

Đọc những trang viết của Nguyễn Du, chúng ta thấy tình yêu thương con người, trăn trở với số phận từng con người, nhất là những người đang đau khổ, để hướng ngòi bút của mình vào đó. Nhà thơ tự gọi mình bằng tên chữ "Tố Như" không phải mong "lưu danh thiên cổ" mà chỉ là tâm sự của 1 nỗi lòng tha thiết với cuộc đời.

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (1820) bình luận: "… Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột… Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy". Nếu là một tâm hồn không bị sóng gió vùi dập, một trái tim không thổn thức trước những nỗi đắng cay của bức tranh thế sự, một lương tâm không phẫn nộ trước những thói đời vô nhân bạc nghĩa, thì Nguyễn Du, dẫu có tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không tìm ra được nhưng âm điệu, những vần thơ khiến cho người đọc trong cuộc nghe như khóc, như than, như uất ức, như oán hờn. Câu thơ còn giống như tâm trạng bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc. Khóc người xưa, nhà thơ tự khóc cho chính mình, giọt lệ chảy quanh kết lại 1 bóng hình Nguyễn Du, lặng lẽ cô đơn khiến người đọc phải se lòng khi ngẫm đến những nỗi đau thấm thía và dày vò tinh thần của những người tài hoa phải sống trong bóng đêm hắc ám của 1 xã hội rẻ rúng tài năng:

Bỗng quý cô Kiều như đời dân tộc

Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường

Chàng Kim đã đến tìm, lau giọt khóc

Và lò trầm đêm ấy tỏa bay hương

Vậy là Học văn chị Hiên đã cùng các em tìm hiểu về giá trị nhân đạo trong “Truyện Kiều”. Chị mong rằng kiến thức trên đây sẽ giúp các em ôn tập tốt và đạt điểm số cao trong bài viết của mình. Để tham khảo thêm nhiều bài học bổ ích theo dõi ngay Học văn chị Hiên.