Chứng minh phương pháp xung đột là phương pháp đặc trưng của tư pháp quốc tế

Chứng minh phương pháp xung đột là phương pháp đặc trưng của tư pháp quốc tế
(Ảnh minh họa - Nguồn: hocluat.vn)

Xung đột pháp luật là hiện tượng pháp lý trong đó hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng tham gia vào điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế mà nội dung điều chỉnh trong mỗi hệ thống pháp luật sự khác nhau.

Nguyên nhân: do mỗi nước có điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, bởi vậy pháp luật của các nước được xây dựng trên các nền tảng đó cũng có sự khác nhau.

Mỗi nước có các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử…

Ví dụ: Một nam công dân Việt Nam muốn kết hôn với một nu công dân Anh. Lúc này, những vấn đề cần giải quyết là luật pháp nước nào sẽ điều chỉnh quan hệ hôn nhân này hay nói chính xác hơn là họ sẽ tiến hành các thủ tục kết hôn theo luật nước nào. Câu trả lời là hoặc luật của Anh hoặc luật của Việt Nam. Giả sử, hai công dân này đều thỏa mãn các điều kiện về kết hôn của pháp luật Anh và Việt Nam, lúc đó, vấn đề chọn luật nước nào không còn quan trọng. Bởi vì, luật nào thì họ cũng được phép kết hôn. Nhưng, nếu nam công dân Việt Nam mới chỉ 19 tuổi, nu công dân Anh 17 tuổi thì theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam, cả hai đều chưa đủ độ tuổi kết hôn (Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định độ tuổi kết hôn với nam – đủ 20 tuổi trở lên, nữ – đủ 18 tuổi trở lên). Trong khi đó, luật hôn nhân của Anh thì quy định độ tuổi được phép kết hôn đối với nam và nữ là 16 tuổi. Như vậy, đều về độ tuổi được phép kết hôn nhưng pháp luật của cả hai quốc gia đều hiểu không giống nhau. Đấy chính là xung đột pháp luật.

Xung đột pháp luật là hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế vì:

Trong các ngành luật khác, khi quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của chúng phát sinh, không có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng tham gia vào việc điều chỉnh cùng một quan hệ xã hội ấy, và cũng không có sự lựa chọn luật để áp dụng vì các quy pháp pháp luật của các ngành luật này mang tính tuyệt đối về mặt lãnh thổ.

Chỉ khi các quan hệ tư pháp quốc tế xảy ra thì mới có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng tham gia điều chỉnh quan hệ đó và làm nảy sinh yêu cầu về chọn luật áp dụng nếu trong trường hợp không có quy phạm thực chất thống nhất.

Nguồn: Chuyên trang học luật trực tuyến (hocluat.vn)

Mỗi ngành luật đều có phương pháp điều chỉnh riêng của mình, phù hợp với đặc điểm của đối tượng điều chỉnh cũng như mục tiêu, mục đích điều chỉnh của ngành luật đó. Tư pháp quốc tế, với vị trí là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc gia, cũng có phương pháp điều chỉnh riêng biệt của nó, phù hợp với đối tượng điều chỉnh của ngành luật này là các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Tư pháp quốc tế sử dụng hai phương pháp điều chỉnh cơ bản, đó là: phương pháp thực chất và phương pháp xung đột.

Phương pháp thực chất là phương pháp trực tiếp giải quyết ngay quan hệ pháp lí phát sinh bằng cách xác định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ. Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất được xây dựng trong pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế có liên quan. Như vậy, khi áp dụng phương pháp thực chất để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế cụ thể, vấn đề pháp lí có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết ngay bằng quy phạm pháp luật thực chất đã được xây dựng sẵn trong đó chỉ rõ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như đưa ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề có liên quan. | Quy phạm pháp luật thực chất tồn tại trong điều ước quốc tế và tập quán quốc tế, theo quy ước, được gọi là quy phạm pháp luật thực chất thống nhất.

Ví dụ: Điều 11 Công ước Vienna 1980 của Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế quy định: “Hợp đồng mua bán không cần phải được kí kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng những lời khai của nhân chứng”, hay, các điều kiện giao hàng mang tính tập quán trong thương mại quốc tế như: FOB, CIF, DAF, vv. trong INCOTERMS (các điều kiện thương mại quốc tế) được tập hợp bởi Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce) cũng là những quy phạm pháp luật thực chất thống nhất.

Bên cạnh quy phạm pháp luật thực chất thống nhất, tư pháp quốc tế còn có quy phạm pháp luật thực chất nội địa (hay thông thường) là quy phạm pháp luật thực chất được xây dựng trong pháp luật quốc gia.

Ví dụ: Khoản 2 Điều 161 Luật nhà ở 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu...”

Xét về nội dung của quy phạm pháp luật thực chất, có thể nhận thấy, có hai loại quy phạm pháp luật thực chất: một là, quy phạm pháp luật thực chất điều chỉnh các quan hệ pháp luật nội dung có yếu tố nước ngoài như hợp đồng, sở hữu tài sản hữu hình, SHTT, hôn nhân và gia đình, lao động v.v. và hai là, quy phạm pháp luật thực chất điều chỉnh các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế như xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của toà án quốc gia, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài, vv..

Ví dụ sau đây là minh chứng cho sự tồn tại của quy phạm pháp luật thực chất trong tố tụng dân sự quốc tế. Khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;...”

Khoản 1 Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

a) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

b) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại”.

Chứng minh phương pháp xung đột là phương pháp đặc trưng của tư pháp quốc tế
Hình minh họa. Phương pháp điều chỉnh của tư pháp quốc tế

Phương pháp xung đột là phương pháp điều chỉnh quan hệ một cách gián tiếp. Phương pháp này không đưa ra phương án giải quyết trực tiếp ngay quan hệ mà điều chỉnh quan hệ bằng cách lựa chọn một hệ thống pháp luật cụ thể trong số những hệ thống pháp luật có liên quan, rồi dùng hệ thống pháp luật được chọn ra ấy để giải quyết quan hệ. Như vậy, bằng phương pháp này, quan hệ pháp lí phát sinh chỉ được giải quyết thấu đáo khi áp dụng trực tiếp các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật của quốc gia được viện dẫn tới (được chọn để điều chỉnh quan hệ). Muốn chọn ra hệ thống pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề pháp lí phát sinh, tư pháp quốc tế đã xây dựng nên hệ thống các quy phạm pháp luật xung đột (quy phạm xung đột). Đây chính là hệ thống quy phạm pháp luật giúp cho việc lựa chọn pháp luật được thực hiện trên thực tế. Quy phạm pháp luật xung đột được xây dựng trong pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế hữu quan. Cũng giống như quy phạm pháp luật thực chất, quy phạm pháp luật xung đột trong điều ước quốc tế được gọi là quy phạm pháp luật xung đột thống nhất, còn quy phạm pháp luật xung đột trong pháp luật quốc gia được gọi là quy phạm pháp luật xung đột nội địa (hay thông thường).

Ví dụ: Khoản 1 Điều 129 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân”.

Hoặc, khoản 1 Điều 20 HĐTTTP Việt Nam – Bungari quy định: “Các điều kiện kết hôn giữa công dân của hai nước kí kết sẽ xác định theo pháp luật của nước kí kết mà người kết hôn là công dân”.

Rõ ràng, phương pháp xung đột là phương pháp phức tạp, khó áp dụng hơn so với phương pháp thực chất. Tuy nhiên, phương pháp xung đột lại là phương pháp đặc thù và chủ yếu của tư pháp quốc tế bởi chính phương pháp này mới đảm bảo cho việc điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế khách quan nhất, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong quan hệ được bảo vệ triệt để nhất.