Có bao nhiêu nguyện vọng đại học

Phương Anh, cựu học sinh một trường THPT tại Hà Nội, đăng ký 38 nguyện vọng xét tuyển bằng ba tổ hợp nhằm giảm nguy cơ trượt đại học.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của Phương Anh khá tốt với điểm xét tuyển bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là 27, D83 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung) 26,13 và D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung) đạt 24,35. Với các mức diểm này, em đăng ký 38 nguyện vọng vào nhiều ngành khác nhau. Trong đó, năm nguyện vọng đầu đặt vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của nhiều trường bởi đây là ngành em yêu thích nhất. Các nguyện vọng sau được sắp xếp theo thứ tự yêu thích giảm dần.

"Nguyện vọng cao nhất em đặt ở ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường Đại học Hà Nội dù điểm xét tuyển của em thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái hơn 3 điểm", Phương Anh chia sẻ.

Để nâng cao khả năng trúng tuyển, ngoài Ngôn ngữ Trung Quốc, nữ sinh còn đặt nguyện vọng vào một số ngành khác như Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em cũng đăng ký thêm nguyện vọng theo phương thức xét tuyển bằng học bạ để "chống trượt".

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến trưa 11/8, gần 492.000 trong tổng số gần 940.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Tổng số nguyện vọng đã ghi nhận là hơn 2,1 triệu. Số nguyện vọng trung bình một thí sinh đăng ký là 4,3. Tuy nhiên thực tế, rất nhiều sĩ tử đăng ký hàng chục nguyện vọng giống như Phương Anh.

Với 25,4 điểm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), Thuỳ Trang, cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa (Hà Nội), đăng ký tới 20 nguyện vọng xét tuyển. "Em đăng ký 6 nguyện vọng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 6 vào ngành Ngôn ngữ Anh, 3 vào ngành Marketing tại các trường có đào tạo chuyên ngành này và một số nguyện vọng cho ngành khác", Trang chia sẻ.

Lý giải việc đặt nhiều nguyện vọng, Trang cho biết các ngành em lựa chọn đều có tỷ lệ cạnh tranh cao. Điểm số của em năm nay chỉ ngang bằng với điểm đầu vào các ngành này năm trước, chưa kể điểm chuẩn các trường sẽ có biến động.

Ngoài các nguyện vọng xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh cũng đặt hai nguyện vọng xét bằng học bạ ở cuối để "chắc suất đại học".

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) hôm 8/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) hôm 8/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Lê Trọng Vinh, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng thí sinh đăng ký "thả phanh" nguyện vọng không phải là chiến lược thông minh, dễ dẫn đến tình trạng bị phân tâm và rối loạn trong việc chọn ngành, chọn trường.

Theo ông, số lượng nguyện vọng hợp lý và tối ưu nhất cho học sinh là 5-7. Con số này vừa đảm bảo khả năng trúng tuyển đúng ngành học mong muốn, vừa tránh lãng phí.

"Thực tế vẫn có trường hợp chọn nhiều nguyện vọng nhưng không trúng tuyển vì chọn ngành, tổ hợp xét tuyển vượt xa năng lực của mình. Để tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành học yêu thích, thí sinh cần có chiến lược chọn ngành, trường, tổ hợp xét tuyển phù hợp với điểm số", ông Vinh nói.

TS Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cũng khuyên học sinh nên căn cứ năng lực của bản thân để lựa chọn số lượng nguyện vọng phù hợp.

Thí sinh nên tham khảo các ngành phù hợp hoặc nhóm ngành cùng lĩnh vực để có thêm phương án dự phòng nếu không đạt được nguyện vọng cao nhất. "Các ngành đào tạo cùng lĩnh vực thường có kiến thức chuyên ngành khá sát nhau, thí sinh sau khi trúng tuyển hoàn toàn có thể học thêm và tìm được công việc yêu thích tương tự", ông Huyền nói.

Dù có đọc được những lời khuyên về việc cân nhắc đăng ký nhiều nguyện vọng, Hà Phương, cựu học sinh THPT Cầu Giấy, vẫn cho rằng đó là cách tốt giải quyết bài toán tâm lý và nâng cơ hội trúng tuyển.

Xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), nữ sinh đã hoàn thành đăng ký 17 nguyện vọng lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nguyện vọng đặt ở nhiều ngành như Tâm lý học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Xuất bản, Xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tâm lý học của Đại học Sư Phạm Hà Nội. Thứ tự nguyện vọng được xếp theo mức độ yêu thích cũng như sự phù hợp giữa điểm xét tuyển và điểm chuẩn năm ngoái.

Việc đăng ký 17 nguyện vọng khiến Phương gặp đôi chút khó khăn khi điền thông tin lên hệ thống nhưng em cũng đã hoàn thành với sự hỗ trợ của thầy cô.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số lượng nguyện vọng. Em nghĩ càng đăng ký nhiều cơ hội trúng tuyển càng lớn nên dù sẽ tốn kém hơn một chút", Phương nói. Theo hướng dẫn, thí sinh phải nộp lệ phí đối với các nguyện vọng có sử dụng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT với mức phí là 20.000 đồng/nguyện vọng.

Còn một tuần nữa là kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học liên tục nhắc nhở thí sinh hoàn thành khâu này.

Bộ cho biết qua rà soát, có một số thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng chưa thấy đăng ký đúng nguyện vọng. Trên hệ thống của Bộ đã hỗ trợ thông tin để thí sinh biết mình đã đăng ký đúng hay chưa. Để kiểm tra, thí sinh vào mục "Tra cứu" rồi bấm vào "Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển" để xem thông tin chi tiết. Nếu đã đăng ký đúng, cột "Thứ tự nguyện vọng" sẽ hiện ra nguyện vọng đã đăng ký.

Thí sinh nên đăng ký nguyện vọng từ bây giờ thay vì đợi đến sát thời điểm kết thúc thời gian đăng ký để tránh những rủi ro kỹ thuật không đáng có. Đăng ký xong, thí sinh vẫn được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần cho đến 17h ngày 20/8. Sau thời gian này, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang quy trình tiếp theo.

Duy Phương - Phương Uyên