Có nên chụp sổ đỏ cho người khác xem

Chủ nhà cho người hỏi mua đất xem sổ đỏ nhằm tạo sự cậy khi tìm hiểu thông tin nhưng không ngờ sập bẫy những kẻ lừa đảo.

Vợ chồng bà Hà sở hữu mảnh đất hơn 200 m2 tại quận Long Biên, Hà Nội. Không có nhu cầu sử dụng, đầu tháng 10/2019, bà rao bán trên nhiều trang web rao vặt.

Cuối tháng 10/2019, Vũ Quý Lãm, 36 tuổi, cựu công an tại Hải Dương, tự giới thiệu tên Hoàng, liên lạc hẹn gặp và trao đổi với bà Hà về việc mua bán. Lãm thỏa thuận giá 12 tỷ đồng và hẹn 3-4 ngày sau đặt cọc.

Ngày 28/10/2019, Lãm cùng một phụ nữ đến nhà riêng của bà Hà bàn thủ tục. Bà tin tưởng, mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gốc của mảnh đất cho Lãm xem.

Lợi dụng lúc bà Hà không để ý, Lãm đánh tráo sổ đỏ này bằng bản giả, do trước đó đã thuê người làm sẵn, dựa trên hình ảnh và thông tin sổ đỏ bà Hà đăng khi rao bán, VKS Hà Nội cáo buộc.

Có nên chụp sổ đỏ cho người khác xem
Hình ảnh sổ đỏ xuất hiện nhiều trên các trang web mua bán nhà đất.

Sau khi chiếm đoạt được sổ đỏ gốc, Lãm tiếp tục chiêu trò lừa đảo để có ảnh chân dung và lấy dấu vân tay của vợ chồng bà Hà nhằm làm giả toàn bộ giấy tờ tùy thân của chủ đất, gồm: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

Theo kế hoạch, đồng phạm của Lãm đóng giả làm chồng bà Hà và cùng Lãm đi ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất này cho bên thứ ba là anh Nguyễn Công Minh.

Thống nhất xong với anh Minh, nhóm Lãm liên hệ với một văn phòng công chứng để yêu cầu công chứng quyền sử dụng đất và yêu cầu công chứng ở ngoài văn phòng. Ngày 29/10/2019, tại quán cà phê tại quận Nam Từ Liêm, nhóm giả danh đã bán mảnh đất của bà Hà cho anh Minh với giá 2 tỷ đồng.

Bà Hà chỉ là một trong số 11 nạn nhân của Lãm. Theo cáo trạng của VKSND Hà Nội, từ năm 2018 đến 1/2020, nhóm Lãm đã thực hiện 10 vụ lừa đảo tương tự, chiếm đoạt của mỗi người 150 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng. Tổng thiệt hại trong vụ án 22,5 tỷ đồng.

Có nên chụp sổ đỏ cho người khác xem
Quyết định truy nã bị can Vũ Quý Lãm của Công an Hà Nội.

Sáng 18/3, phiên xét xử 10 đồng phạm của Lãm tại TAND Hà Nội phải hoãn do có một bị cáo đang cách ly điều trị Covid-19. Riêng Lãm đã bỏ trốn, đang bị cơ quan điều tra truy nã.Quyết định truy nã bị can Vũ Quý Lãm của Công an Hà Nội.

Thủ đoạn của Lãm qua 11 vụ lừa đảo được cơ quan điều tra xác định với các bước sau: Lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua. Lãm sau đó yêu cầu bên bán gửi ảnh sổ đỏ để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin làm sổ giả. Khi gặp chủ đất, Lãm nhân lúc họ không để ý đã tráo.

Khi có sổ thật, Lãm phân công các đồng phạm làm giả CMND, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác.

Thủ đoạn này không phải của riêng Lãm mà nhiều kẻ khác cũng từng thực hiện. Ngày 23/11/2021, Công an Cần Thơ bắt Lưu Hoàng Hải, 49 tuổi, và 4 đồng phạm với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sử dụng mưu kế giống hệt, nhóm tội phạm Cần Thơ thừa nhận đã thực hiện 4 vụ, đánh tráo 6 sổ đỏ tại Cần Thơ với trị giá khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, các nghi phạm đã chuyển nhượng, cầm cố 4 sổ chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị can còn khai đã đánh tráo, làm giả nhiều sổ đỏ của người dân ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng... lừa bán lấy tiền chia nhau. Công an TP Cần Thơ đang mở rộng điều tra.

Tại một vụ án khác được TAND Hà Nội xét xử ngày 27/4/2021, Tạ Quốc Hùng, 45 tuổi, Ngô Thị Hiếu, 63 tuổi, và Nguyễn Lệ Huyền, 44 tuổi bị tuyên phạt từ 30 tháng đến 3 năm tù vì tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ba người này nhận 4 triệu đồng để đóng chung một "vở kịch": Giả làm chủ đất, đi giao dịch bán đất với bên thứ ba. Trước đó, họ cũng được chủ mưu vụ án yêu cầu chụp ảnh chân dung và cung cấp dấu vân tay để đi làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả để khớp với sổ đỏ đã lừa ăn cắp được.

Chủ mưu vụ án này đang trốn truy nã, song cũng được xác định đã thực hiện những phương thức giống hệt Lãm. Gia chủ "dẫn người này đi xem đất, tin tưởng cho xem Giấy chứng nhận bản gốc và bị đánh tráo, đưa sổ đỏ giả", cáo trạng nêu.

Dù cho xem sổ đỏ có nhiều rủi ro, một khảo sát trên VnExpress cho thấy nhiều độc giả sẵn sàng cho người mua xem sổ đỏ "bất cứ khi nào họ yêu cầu". Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến khuyên chủ đất nên cân nhắc.

"Tôi mua bán nhà vài lần rồi nên góp ý: Không gửi hình chụp sổ đỏ qua mail hay đăng lên mạng. Đề phòng tình trạng làm giả sổ đỏ nhan nhản hiện nay. Khách đến mua tận nơi có thiện chí thì mới cho xem..., không cho sao chụp kể cả chụp hình... Tuy mất sổ đỏ họ không làm gì được mảnh đất của bạn, nhưng bạn đi làm lại cũng mệt nghỉ, tốn tiền tốn thời gian", độc giả ptchau bình luận.

Luật sư Vũ Tiến Vinh khuyên chủ tài sản không nên cung cấp hoặc công khai sổ đỏ. Nhiều người nghĩ đơn giản đằng nào cũng bán thì không cần phải giữ bí mật thông tin sổ đỏ nhưng nếu kẻ gian đã chuyển nhượng thửa đất thì việc giải quyết phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. "Trong thời gian giải quyết, chủ đất cũng rất khó, thậm chí không thể chuyển nhượng nên kế hoạch tài chính có thể bị đổ vỡ, mất cơ hội trong các giao dịch dân sự khác".

Nếu sau khi nhận chuyển nhượng, người mua xây dựng các công trình, nhà ở trên đất (trường hợp này thường xảy ra khi mảnh đất trống và chủ đất không thường xuyên qua lại kiểm tra) thì sự việc càng phức tạp, thời hạn giải quyết càng kéo dài.

Khi người mua có nhu cầu được xem sổ đỏ, theo luật sư Vinh, chủ đất cần tìm hiểu nhân thân của họ để cân nhắc, quyết định có đáp ứng hay không. Nếu người mua không quen biết thì không nên cho xem bản gốc, chỉ cho xem bản photo. Trên bản này, phần thông tin cá nhân của chủ đất (họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ), số sổ, ngày cấp, số hồ sơ gốc nên xóa để kẻ gian không có thông tin.

Trường hợp người mua là người quen biết, chủ đất có thể cho xem trực tiếp nhưng hạn chế hoặc không nên cho chụp ảnh bởi có thể bị lộ lọt hình ảnh ra bên ngoài. Trường hợp này xảy ra khi người mua gửi hình ảnh cho nhiều người khác hoặc khi họ mang điện thoại đi sửa chữa dẫn đến khó kiểm soát, hình ảnh sổ đỏ có thể bị kẻ gian lợi dụng.

Nguồn: vnexpress.net

Xuất bản: 07:00 01/01/1970 [GMT+7]

Theo Báo CATP HCM

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CATP Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do một nhóm đối tượng thực hiện.

Ảnh minh họa

Tại cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1957) tường trình: Do có nhu cầu bán căn nhà đang ở tại số 80/22 Đặng Văn Ngữ, P10Q Phú Nhuận với giá 6,5 tỷ đồng, giữa tháng 8-2012 bà đăng tin trên các phương tiện truyền thông. Qua nhiều ngày chờ đợi vẫn không thấy tín hiệu vui, bà Huệ chuyển sang cho thuê. Ngày 10-9-2012, gia chủ nhận được điện thoại của một thanh niên tự xưng tên Tuấn, hỏi mua và nói cần đến xem nhà. Sau khi quan sát một hồi, Tuấn yêu cầu bà Huệ cung cấp bản photocoppy giấy chủ quyền để anh ta liên hệ các cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng nhà.Khoảng một tuần sau, Tuấn đi cùng một phụ nữ. Theo anh ta giới thiệu là chị ruột, người có nhu cầu mua nhà và cả hai xin được xem bản chính giấy chủ quyền. Trong lúc Tuấn đang ngắm nghía “sổ hồng” ở phòng khách thì người phụ nữ kêu bà Huệ đưa lên lầu xem qua hiện trạng. Trước khi ra về, chị em Tuấn... thả câu thòng “sẽ quyết định trong thời gian sớm nhất”. Chừng hai giờ sau, Tuấn điện thoại báo bà chị không muốn mua nữa.Ngay hôm sau, một phụ nữ trung niên tìm đến tự giới thiệu tên Phạm Việt Hoa (SN 1970, thường trú P8Q Tân Bình) gặp bà Huệ đặt vấn đề thuê nhà. Sau khi thỏa thuận, đôi bên thống nhất giá thuê 14 triệu đồng/tháng.  Bà Hoa yêu cầu gia chủ cung cấp bản sao CMND cùng hộ khẩu để thảo hợp đồng. Ngày 19-9, hai bên chính thức ký hợp đồng thuê nhà trong thời hạn ba tháng.Ngày 21-9, bà Huệ lên máy bay sang Hoa Kỳ thăm bà con. Ngao du chưa thỏa thích thì bà phải vội vã quay về khi nhận được tin người thân báo hai vợ chồng ông Lại Quang Thứ - bà Trương Hồng Ngọc Hạnh đến cho biết họ đã nhận chuyển nhượng căn nhà này, yêu mọi người trong gia đình dọn hết đồ đạc để bàn giao. Bằng chứng ông Thứ - bà Hạnh trưng ra là hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của bà Huệ và được công chứng hẳn hoi cùng toàn bộ bản chính giấy chủ quyền nhà. Song kiểm tra CMND lưu tại Phòng công chứng thì hình không phải là bà Huệ thật.

Xâu chuỗi lại nhiều tình tiết, bà Huệ ngộ ra đây là màn kịch hết sức tinh vi của bọn bất lương. Nhiều khả năng trong lúc bà Huệ đưa ả phụ nữ bịp bợm kia lên lầu thì gã tên Tuấn đã tráo sổ hồng giả vì đã lấy được bản photo giấy chủ quyền rồi sau đó đưa đồng bọn đến tiếp tục thu thập thêm các loại giấy tờ tùy thân của bà. Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết hiện đang thụ lý nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn này nên khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác.Trở lại vụ mua bán nhà khuất tất trên, tranh chấp giữa những người có liên quan được đưa ra tòa giải quyết. Sau khi thẩm tra tài liệu, chứng cứ, xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, TAND quận Phú Nhuận đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ.Một cao thủ khác cũng qua mặt được cơ quan công chứng để lừa bán nhà người khác là Trần Thị Vân (SN 1954, ngụ P7Q11). Theo hồ sơ, căn nhà mặt tiền đường Đào Duy Từ (Q11) thuộc quyền sở hữu của bà Vân và chồng là ông Huỳnh Lai. Do bất đồng nên thoạt đầu đôi bên đệ đơn ra tòa yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Vì muốn để tài sản này lại cho con trai nên ông Lai đồng ý bù một nửa giá trị căn nhà cho vợ và bà Vân đã nhận đủ tiền. Sau đó hai bên đổi ý không chia tay nữa nên vẫn sống chung. Bà Vân nảy sinh ý định lừa bịp thiên hạ nên nhờ người đóng giả chồng đến Phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền cho Vân được toàn quyền định đoạt căn nhà trên. Có được giấy tờ hợp pháp, ngày 9-11-2010 bà Vân kèm giấy chủ quyền đem bán cho chị Võ Thị Thu Hà với giá 1,5 tỷ đồng, hẹn sau ba tháng sẽ làm thủ tục đăng bộ, sang tên chủ sở hữu.Quá hạn không thấy bà Vân xúc tiến theo hợp đồng cam kết, chị Hà tự đi làm thủ tục thì mới tá hỏa khi phát hiện ra trong thời gian này ông Lai cớ mất giấy tờ nhà xin cấp lại và đã được cơ qua có thẩm quyền chuyển quyền sở hữu tài sản cho con ông.Lưu manh không kém Vân là vợ chồng Huỳnh Văn Phúc - Trần Thị Kim Yến (cùng ngụ P. Đông Hưng Thuận, Q12). Tháng 9-2010, vợ chồng Phúc ký hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng) căn nhà số 34A Thoại Ngọc Hầu, P. Hòa Thạnh, Q Tân Phú cho anh Đinh Tuấn Khanh (thường trú Q1) với giá 2 tỷ đồng, đã nhận đủ tiền và bên mua đã hoàn tất thủ tục sang tên chủ sở hữu. Thế nhưng sau đó, Phúc - Yến lại dùng tài sản trên đem bán cho bà Lê Thị Nhâm với giá 1,6 tỷ đồng. Sau khi “ẵm” 600 triệu đồng tiền đặt cọc, vợ chồng Phúc tức tốc “cao chạy xa bay” khiến bị hại khóc ròng.Để đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật, ai phát hiện “nữ quái” giả danh bà Huệ ở đâu hãy báo cho đồng chí Nguyễn Hồng Huynh, điều tra viên thuộc Đội 8 Phòng CSĐTTP về TTXH; ĐT: 08.38640548.

Tác giả: Minh Dũng - Bích Châu