F0 bị nghẹt mũi phải làm sao

Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19, được chuyển về cách ly tại nhà nhưng vẫn còn triệu chứng ho, nghẹt mũi, mất khứu giác, vị giác, khàn tiếng Họ hoang mang, lo lắng do chưa khỏi bệnh, hay bản thân đang mắc thêm bệnh lý tai mũi họng. Phòng khám Online của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã hỗ trợ người bệnh kịp thời thông qua sự hướng dẫn, tư vấn từ các bác sĩ giỏi đến từ khoa Tai Mũi Họng.

Tư vấn chuyên môn bài viết BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

F0 lo lắng khi khỏi bệnh về nhà vẫn còn ho, khàn giọng

Anh Đ.V. N (ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) vừa được cách ly tại nhà sau một thời gian nằm tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Khi về đến nhà thì anh Đ.V.N lo lắng vì bản thân còn ho có đàm, khàn tiếng. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng, anh thấy tình trạng bản thân đang mắc bệnh viêm thanh quản. Lo lắng không biết mình còn nhiễm Covid-19 hay mắc thêm một bệnh lý tai mũi họng, anh Đ.V.N đã gọi điện xin đặt lịch khám Online với các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. ThS.BS Diệp Phúc Anh, trực tiếp khám Online tư vấn cho người bệnh: Biểu hiện ho có đàm, bác sĩ nhận định có thể đây là triệu chứng Covid-19 chưa khỏi, cũng có thể mắc thêm tình trạng viêm mũi họng cấp và viêm thanh quản. Đầu tiên, người bệnh chờ thêm kết quả Covid-19, thứ 2 để xử lý tình trạng ho có đàm và khàn tiếng thì ta nên súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế nói nhiều, nói to, uống nhiều nước, kiêng các thức ăn nhiều gia vị: chua, cay, thức ăn nhiều dầu mỡ và nghỉ ngơi giúp cải thiện triệu chứng.

Nếu thực hiện nghiêm túc những gì bác sĩ yêu cầu trong 1 tuần lễ, anh Đ.V.N có thể cải thiện được tình trạng bệnh. Bác sĩ Phúc Anh cũng tận tình chỉ dẫn, nếu kết quả xét nghiệm của anh Đ.V.N âm tính, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, sau khi uống các toa thuốc của các bác sĩ điều trị Covid-19 thì người bệnh cần đến các bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi họng thanh quản đánh giá tổn thương.

Theo bác sĩ Phúc Anh, người bệnh nghi ngờ bản thân viêm thanh quản, nhưng đây là triệu chứng chủ quan, để chẩn đoán chính xác viêm thanh quản hay không cần nội soi thanh quản xem có hiện tượng viêm phù nề gây khàn tiếng. Khi xác định do viêm thanh quản, các bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị đúng cho anh Đ.V.N.

ThS.BS Diệp Phúc Anh tư vấn Online cho F0 đã về nhà cách ly nhưng còn triệu chứng ho, khàn giọng.

Bệnh Covid-19, bệnh tai mũi họng đừng tự ý dùng kháng sinh, kháng viêm

Ghi nhận tại nhiều buổi khám Phòng khám Online của khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, do lo sợ dịch Covid-19 nhiều người bệnh đã tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh sử dụng kéo dài dù không có chỉ định của bác sĩ. Có nhiều trường hợp dùng kháng sinh liều cao, dùng thuốc đã 2 tháng mà triệu chứng bệnh không hề thuyên giảm, nếu kéo dài có thể xảy ra tình trạng kháng thuốc. Đặc biệt, các bệnh nhân F0 điều trị COVID-19 tại nhà, có các triệu chứng nóng, sốt, hay có đàm ở họng cũng đã tự dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm.

Trường hợp anh H.N bịt nghẹt mũi bên trong ở 2 bên, có nhiều đàm, mũi bị rát kéo dài suốt 1 tháng nay. Lo sợ dịch Covid-19, anh đã ra hiệu thuốc để được kê đơn chữa bệnh. Tuy nhiên, dù sử dụng thuốc kéo dài, nhưng không tiến triển, mà kèm theo tình trạng ù tai. Lo sợ bệnh trở nặng, anh H.N đã đăng ký khám Online với các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Theo dõi 4 loại thuốc anh H.N cung cấp, bác sĩ Diệp Phúc Anh, người trực tiếp tham vấn qua Phòng khám Online rất lo ngại vì hầu hết các thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là anh H.N đang dùng thuốc kháng sinh mạnh, dùng với liều cao.

Bác sĩ Phúc Anh giải thích cho người bệnh hiểu: Theo mô tả, bác sĩ chẩn đoán anh đang bị viêm mũi xoang cấp, dịch tiết xuống họng, tạo cảm giác vướng đàm. Hiện anh đang dùng kháng sinh kéo dài, đây lại là kháng sinh mạnh nhưng kết quả điều trị kháng sinh lại không hiệu quả, nên sắp xếp đi khám sớm để được kiểm tra, chẩn đoán kịp thời. Nếu người bệnh tự uống kháng sinh kéo dài, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, không tốt cho điều trị về sau.

Với triệu chứng của anh H.N, cần phải được bác sĩ nội soi mũi xoang, đánh giá cấu trúc mũi để xác định xem có viêm mũi xoang không? có vẹo vách ngăn không? có khối u không? Đồng thời, bác sĩ Phúc Anh cũng hướng dẫn, trong khi chờ thời gian có thể đi khám thì anh cần chăm sóc rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Trường hợp mắc bệnh lý tai mũi họng rồi ra hiệu thuốc kê toa như anh H.N trở nên phổ biến, nhiều người bệnh không biết đó là loại thuốc kháng sinh dạng uống hoặc thuốc xịt mũi họng không nên sử dụng thường xuyên, người bệnh dùng hết rồi lại mua dùng thêm một cách hồn nhiên. Bác sĩ Phúc Anh cho biết, các thuốc kháng sinh, các loại thuốc dùng tại chỗ được người dân tự ý mua tại hiệu thuốc dùng không đúng chỉ định, không đúng bệnh lý sẽ gây hư hại niêm mạc mũi họng về sau, đồng thời khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Các dược sĩ của Bệnh viện Tâm Anh hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách.

Tương tự, trường hợp chị T.D có 2 con nhỏ, con 9 tuổi và 10 tuổi cùng bị sốt, ho, đau họng 2 tuần, chị đã lấy đơn thuốc cũ được một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối kê cho bé uống 1 tuần nhưng không đỡ. Khi kiểm tra toa thuốc, bác sĩ Phúc Anh bất ngờ khi toa thuốc kháng sinh, điều trị viêm phế quản, viêm phổi đã được bác sĩ kê cho 2 bệnh nhi từ năm 2019. Bác sĩ Phúc Anh cho biết, qua mô tả của phụ huynh thì trường hợp ho của 2 con chưa đến mức nặng, bác sĩ chẩn đoán có thể bị viêm họng cấp, trong khi mẹ đang cho bé uống đơn thuốc kháng sinh trị viêm phổi cách đây 2 năm. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không tự ý sử dụng đơn thuốc kháng sinh, mà chỉ nên dùng các siro ho dạng thảo dược, sử dụng thuốc ho 3-5 ngày, nếu không cải thiện, phụ huynh cần đưa các con đi bệnh viện để được khám bệnh.

Theo bác sĩ Phúc Anh, triệu chứng bệnh lý tai mũi họng dễ nhầm lẫn với bệnh viêm phế quản phổi, nhưng bệnh nhân ngại đi khám, tự ý cho con sử dụng kháng sinh rất nguy hiểm.

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được hướng dẫn thuốc điều trị tại nhà, trong đó có các thuốc kháng viêm, kháng đông. Tuy nhiên, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khuyến cáo, người bệnh không tự ý sử dụng mà cần sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ, cơ quan y tế địa phương.

Để tạo điều kiện cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà, F0 hết bệnh nhưng còn triệu chứng ho, sổ mũi, hay người bệnh khu vực phong tỏa, giãn cách chưa thể đến bệnh viện thăm khám, Phòng khám Online BVĐK Tâm Anh hỗ trợ tư vấn miễn phí hướng dẫn điều trị cách giảm triệu chứng, chỉ định dùng thuốc hợp lý trong trường hợp cần thiết. Nếu đánh giá tình trạng bệnh nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đến bệnh viện khám để chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Do nhu cầu khách hàng đăng ký xin hỗ trợ khám bệnh Online của khoa Tai Mũi Họng tăng cao, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã quyết định nâng lên 2 buổi khám Online cố định vào 14h-16h thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần. Bác sĩ Thúy Hằng hy vọng với sự tăng cường các buổi khám bệnh Online, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng sẽ kịp thời giúp đỡ người bệnh, giảm thiểu tình trạng lạm dụng toa thuốc cũ, lạm dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, cũng như đánh giá kịp thời các bệnh nhân nặng cần đến bệnh viện điều trị.

Mọi người bệnh có nhu cầu Khám Online Tai Mũi Họng có thể đăng ký qua những cách sau:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Chủ đề: