Hoàng cao khải là ai

Hoàng Trọng Phu

(chữ Hán: 黃仲敷, 1872 - 1946) tự Văn Mệnh (文命) hiệu Hoa Liễu Lâu (華萼樓) là một quan chức triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp tại Bắc Kỳ.

Ông có nguyên quán tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh trong một thế gia. Ông là thứ nam của quan Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Các anh em con cháu của ông có nhiều người làm quan.

Anh trai là Hoàng Mạnh Trí, làm Tổng đốc Nam Định, em trai là Cử nhân Sen Hồ Hoàng Gia Huân.

Vợ cả Hoàng Trọng Phu ở quê tên là Phú là con ông Phan Đình Vận, cháu gọi Phan Đình Phùng bằng bác. Vợ thứ của ông là Đỗ Thị Nhàn con gái Tổng đốc Đỗ Hữu Phương giàu nhất nhì xứ Nam Kỳ.

Con trai ông là Hoàng Gia Mô, làm Tri huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng những năm 1930. Con gái ông là Hoàng Thị Lý, có chồng là Tiến sĩ Luật Hồ Đắc Điềm.

Năm 1888 ông được chính quyền thuộc địa Pháp cử sang Pháp học trường thuộc địa Pháp cùng với Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến (họa sĩ Việt Nam đầu tiên).

Lúc mới về nước, vì có cha đang làm quan, nên ông chỉ làm thông ngôn cho vua Thành Thái ít tháng, rồi ra miền bắc làm Án sát Bắc Ninh năm 1897, Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên).

Tổng đốc Hà Đông

Sau đó ông kế vị cha làm Tổng đốc Hà Đông năm 1906, lúc đó Hà Đông là tỉnh lớn và quan trọng ở Bắc Kỳ kề ngay sát Hà Nội (trong mấy chục tỉnh miền bắc triều đình đặt chức Tổng đốc ở các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Bắc Ninh, Thái bình, Hải Dương, còn các tỉnh khác chỉ đặt chức Tuần phủ). Phạm vi của tỉnh Hà Đông bao gồm Thị xã Hà Đông, các phủ Hoài Đức,Ứng Hòa,Mỹ Đức,Thường Tín, huyện Hoàn Long. So về diện tích thì tỉnh Hà Đông rộng gấp nhiều lần thành phố Hà nội.

Thời gian ông làm Tổng đốc Hà Đông trong hơn 20 năm. Trong gia đình ông có ba người làm Tổng đốc Hà Đông thì ông là người nổi tiếng nhất.

Bên cạnh những hoạt động đảm bảo trị an trong địa phận như những quan cai trị khác trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến lúc đó, ông là người có tinh thần dân tộc, cùng với anh trai Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ Phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn người đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định hoạt động.

Ông cho trùng tu các danh thắng như chùa Trầm ở Chương Mỹ, chùa Bút Tháp phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, mở mang xây dựng ấp Thái Hà. Chùa Bảo Đài thuộc khu vực Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đặc biệt là chùa Bảo Đài thuộc khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Nơi đây vẫn còn lưu lại một văn bia để ghi tạc lại công đức đó.

Phát triển làng nghề thủ công

Ông đã đóng góp nhiều công sức phát triển các làng nghề, dân sinh xã hội của tỉnh Hà Đông. Ông đã khôi phục các làng nghề cho tỉnh Hà Đông vốn đã nổi tiếng với "the La, lụa Vạn, chồi Phùng". Ông viết cuốn Nghề truyền thống Hà Đông mô tả chi tiết các làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Đông. Toàn tỉnh có 136 ngành nghề với những sẩn phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren.

Ông mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Nhân Hiền, phủ Thường Tín về làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bách nghệ (nơi trường Đại học Bách khoa Hà nội ngày nay), thành lập Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Ông cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự triển lãm tại thủ đô nước Pháp. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc trở thành điểm sáng về kinh tế. Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris. Số người đến Vạn Phúc làm thuê ngày càng nhiều.

Ông chọn các nghệ nhân đưa sang Trung quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc, mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân La Cả, La Khê.

Về sau vì muốn có người nhà tiếp tục phát triển các ngành nghề thủ công tại Hà Đông nên ông đã đề nghị với triều đình Huế đưa con rể là Hồ Đắc Điềm lúc đó đang là Án sát tỉnh Bắc Ninh về làm Tổng đốc vào năm 1941.

Lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt

Năm 1937 khi ông Trần Văn Lý, Quản đạo Đà Lạt đề xuất di dân lập ấp tại Đà Lạt, ông đồng ý với việc trên và giao cho Thương tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định (sau này ông Định giữ chức Chánh án Tòa án hỗn hợp Đà Lạt) thực hiện. Năm 1938 nhóm cư dân gốc Hà Đông đầu tiên gồm 35 người thuộc các làng chuyên trồng hoa Tây Tựu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc ven Hồ Tây được đưa lên tàu hỏa vào Đà lạt. Nhóm cư dân này hầu hết là những nông dân khỏe mạnh, quen nghề làm vườn, được huấn luyện thêm phương thức canh tác của châu Âu, được hỗ trợ vay tiền của Quỹ tương trợ. Ấp được đặt tên là Hà Đông để tưởng nhớ quê cũ.

Diện tích đất khai phá ban đầu ở Ấp Hà Đông chỉ từ vài chục ha lên hàng trăm ha, bà con vừa xây dựng nhà cửa vừa trồng trọt các loại rau hoa mang từ Hà Nội vào. Từ năm 1941, ấp Hà Đông bắt đầu làm ăn phát đạt nhờ nghề trồng hoa và rau cải nầy. Cuối năm 1941, có tất cả 28 gia đình ở ấp Hà Đông, tổng số 100 nhân khẩu. Việc thành lập ấp Hà Đông tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất trồng rau và hoa của Đà Lạt sau này.

Năm 1937 ông từ nhiệm Tổng đốc Hà Đông, người kế nhiệm là Vi Văn Định nguyên Tổng đốc Thái Bình.

Tham gia hoạt động xã hội

Ông cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bắc kỳ những năm 1930. Tháng 11 năm 1934 tạp chí Đuốc Tuệ của Phật giáo Bắc Kỳ ấn bản do ông và ông Nguyễn Năng Quốc đứng đầu.

Ông còn tham gia các hoạt động chính trị xã hội khác như thành viên Hội đồng quản lý Hội Khai trí Tiến đức, Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bản xứ Bắc Kỳ. Do có nhiều công lao với Nam triều, ông được phong Đại học sĩ Võ hiển điện, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

Hưu trí

Năm 1937 ông về nghỉ hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, còn gọi là Ấp Hoàng Cao Khải và bị Việt Minh giết tại đây vào năm 1946, thọ 74 tuổi.

Mộ của ông và cha ông nằm trong khu quần thể Ấp Hoàng Cao Khải được xem là khu di tích lăng mộ độc đáo nhất Hà Nội.

Hoàng Cao Khải

(chữ Hán: 黃高; 1850–1933), là nhà văn, nhà sử học và là đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam.

Nguyên danh của ông là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ cử nhân ân khoa 1868 (cùng khóa thi với anh ông Phan Đình Phùng tên là Phan Đình Thuật, Phan Đình Phùng năm 1876 mới đậu ở Trường Thi, Nghệ An) năm Tự Đức thứ 21 (1868), cùng được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ ở phủ Hoài Đức (Hà Tây). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông lần lượt giữ các chức vụ Tri huyện Thọ Xương rồi thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, trong khi các phòng trào chống Pháp nổi dậy thì ông lại hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Tháng 1 năm 1887, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh cho thực thụ Tuần phủ, gia hàm Thự lý Tổng đốc, nhưng vẫn lãnh Tuần phủ kiêm Tiễu phủ sứ ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, đặc biệt tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công (1890), đây là biệt lệ vì quan lại triều Nguyễn chỉ được phong quận công khi đã mất, ban cho thực ấp Thái Hà. Năm 1894, theo lệnh của toàn quyền De Lanessan, ông viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng bị cự tuyệt.

Sách Việt Nam sử lược ghi rằng:

Lúc ấy quan quyền kinh lược sứ là ông Nguyễn Trọng Hợp cử quan quyền Tổng đốc Hải Dương là Hoàng Cao Khải làm chức Tiểu phủ sứ đi đánh dẹp ở vùng Bãi Sậy.

Hoàng Cao Khải đem quân đi đánh riết mấy mặt. Bọn Phong trào Văn Thân người thì tử trận, người thì bị bắt. Nguyễn Thiện Thuật chạy sang Tàu, sau mất ở Nam Ninh, thuộc Quảng Tây. Đốc Tít ra hàng, phải đày sang ở thành Alger, bên Algérie. Đề Kiều và Lương Tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc Ngữ ra thú, Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế đến năm 1912 mới bị giết.

Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Như vậy, Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn.

Năm 1904 khi tỉnh Cầu Đơ được đổi tên là Hà Đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà Đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại Ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây.

Ngày 6 tháng 5 năm 1922, Hội Thanh niên Việt Nam (Foyers de la Jeunesse Annamite) được thành lập, Hoàng Cao Khải cùng Thống sứ Bắc Kỳ Monguillot làm đồng Chủ tịch Hội, Chánh mật thám Pháp Marty làm Chủ tịch danh dự.

Khu di tích Lăng mộ

Mộ của Hoàng Cao Khải nằm ở khu vực ấp Thái Hà cũ, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Di tích này ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có tính đặc thù cao về kiến trúc, được xây dựng năm 1893. Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Tác phẩm

Hoàng Cao Khải sáng tác cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm trên nhiều lĩnh vực. Về lịch sử nổi bật có Việt sử yếu, Việt Nam nhân thần giám, Việt sử kinh bằng chữ Hán, sau được chính ông diễn nôm; Nam sử diễn âm bằng chữ Nôm.

Các sáng tác của Hoàng Cao Khải thường lấy đề tài lịch sử như:

Tây nam đắc bằng (Đi về hướng tây nam gặp được bạn) kể việc Gia Long gặp Bá Đa Lộc nhờ cầu viện nước Pháp,

Trung hiếu thần tiên nói về Hưng Đạo Vương và thời Trần.

Ông cũng soạn các truyện lịch sử mang tính giáo dục luân lý phong kiến như Gương sử Nam, Làm con phải hiếu, Đàn bà Việt Nam...

Ông cũng là soạn giả vở tuồng Gia Long phục quốc.

Đánh giá của người đương thời

Hầu hết các sĩ phu đương thời đều coi khinh Hoàng Cao Khải dù Hoàng có tài văn học. Thái độ đó bắt nguồn từ tác phong kẻ sĩ Nho học, vốn bất hợp tác với người Pháp. Hoàng thì ngược lại, cộng tác rất đắc lực với người Pháp. Các con là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều làm tổng đốc, Hoàng Gia Mô làm Tri huyện, phục vụ cho người Pháp.

Sĩ phu Hưng Yên có đôi câu đối, chửi khéo Hoàng Cao Khải:

"Ông ra Bắc là may, Quan Kinh lược, tước Quận Công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ".

"Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài bảo hộ một lòng với nước có hai đâu ?"

"Bốn bể không nhà" là ý nói mất gốc; "ông về Tây cũng tiếc": chính nghĩa nói là đi về cõi Tây Trúc, Tây Thiên, âu cũng thiệt thòi nhưng thực ra là nói người Tây tiếc vì mất đi tay sai đắc lực. Còn như "một lòng với nước có hai đâu" chính là một mình ông trung với nước, không có người thứ hai nhưng thực là mỉa có hai nước (nước Nam, nước Tây), ông trung với nước nào ? (Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, "Người có vấn đề trong sử nước ta", Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2008)

Đánh giá lại Hoàng Cao Khải

Giáo sư sử học Chương Thâu (nhân dịp in lại Việt sử yếu):

"Bất ngờ là, sau quá trình tìm hiểu, tôi lại đi đến một kết luận thú vị. Đó là, những "bia miệng" giáng xuống Hoàng Cao Khải hơi quá nặng nề so với "tội trạng" thực của ông... Ngoài chuyện làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Cao Khải còn mắc phải một "tội trạng" nặng nề khác là đàn áp khởi nghĩa, đúng không? Nhưng, lục tìm tài liệu cũ của Pháp, tôi lại phát hiện những trang "mật" ghi chép cẩn thận mọi hành vi của Hoàng Cao Khải. Càng đọc càng thấy, các "quan trên" tỏ ý nghi ngờ Tổng đốc họ Hoàng làm việc "hai mang". Nếu không thì tại sao, ngày giờ tiến hành đàn áp khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Cao Khải đều thống nhất với một đồng sự vốn là bà con xa của Hoàng Hoa Thám, như thể ngầm "đánh tiếng" sang nghĩa quân. Rồi, sau này lập ấp Thái Hà, thực tâm Hoàng Cao Khải muốn giúp đỡ những người từ phương xa tới kinh kỳ. Trong danh sách những người được ông cưu mang, có cả Hoàng Mậu Dân, thân phụ của Hoàng Ngọc Phách. Mà Hoàng Mậu Dân thì vốn là thủ túc của Phan Đình Phùng, bị truy nã gắt gao ở Hà Tĩnh. Ngay Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du cũng nhận định: Hoàng Cao Khải là người "nhất điểm linh đài", "còn một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là nước của tổ tông cha mẹ, là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi". Ông cũng hy vọng Hoàng Cao Khải một lúc nào đấy sẽ hồi tâm. Theo suy nghĩ của tôi, dù làm việc cho Pháp nhưng Hoàng Cao Khải vẫn là người có tinh thần dân tộc (tôi không dùng chữ yêu nước). Tinh thần dân tộc ấy đã lan truyền đến thế hệ con, cháu của ông. Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cũng thiết lập một trại ấp "từ thiện" và còn có công khôi phục làng nghề cho tỉnh Hà Đông. Đặc biệt, cả Hoàng Trọng Phu và Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định cứ việc hoạt động. Chừng ấy chi tiết đã đủ để chúng ta nên xem xét lại chưa? Chính từ trường hợp của Hoàng Cao Khải mà tôi nhận thấy, tầng lớp sĩ phu cùng thời với ông có sự phân hóa rõ rệt: một bộ phận đi làm cách mạng, một bộ phận "án binh bất động", một bộ phận vì nhiều lý do tạm thời làm việc cho Pháp. Nét độc đáo ấy, khi nhìn lại lịch sử dân tộc, lẽ ra chúng ta cần để tâm nghiên cứu".

Cận cảnh lăng mộ đá hàng trăm năm tuổi sót lại giữa lòng Hà Nội

Tuy là một khu lăng mộ đã được công nhận Di tích quốc gia và có tính đặc thù cao về kiến trúc nhưng hiện nay, quần thể di tích này đang bị hư hại nhiều và gần như trở thành một phế tích.

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, còn gọi là ấp Thái Hà (nay nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933). Ông là một đại thần dưới triều Vua Thành Thái thời nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.

Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ... với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích quốc gia, nhưng do thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên, cộng với việc bị người dân chiếm dụng khiến quần thể di tích đã hư hại nhiều.

Công trình quan trọng nhất của khu di tích là lăng Hoàng Cao Khải, xây bằng đá cẩm thạch trắng, nay bị biến thành trụ sở tuần tra Cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt. Phía trước lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm, cao 1,3m, hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền ximăng trùm lên, các phần tai tượng, cánh tay cũng bị sứt mẻ.

Phía sau ngôi mộ của ông Hoàng Cao Khải là mộ của con trai ông, tức Hoàng Trọng Phu. Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, sau về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha.

Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá khổng lồ, to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ 20.

Trong khu vực lăng mộ này, chỉ có mộ của con cháu, người thân của ông Hoàng Cao Khải. Theo các cụ kể lại, những người không được làm quan, thì chỉ có mộ nhỏ, là những nấm mồ nằm rải rác trước và sau hai lăng mộ đá khổng lồ.

Không còn ai ở đây, nên toàn bộ khu vực lăng mộ bị bỏ hoang, hai lăng mộ đá khổng lồ của ông Khải và ông Phu cũng không có người trông nom, hương khói.

Theo một số người dân ở gần đây cho biết, do không có người trông nom, nhiều gia đình trước đây đã chuyển mộ đi, chiếm đất xây nhà. Tuy nhiên sau một thời gian, những người này đều gặp đại họa, không chết người thì cũng điên khùng, bệnh tật, làm ăn thất bát, sa sút. Chính vì thế, những gia đình chiếm đất xây nhà sau này không dám di chuyển mồ mả nữa.

Lăng Hoàng Cao Khải được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m, bây giờ đã bị biến thành trụ sở tuần tra Cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt, ngoài ra khuôn viên bị biến thành bãi đỗ xe, cất đồ bán hàng của chợ cóc.

Năm 1962, di tích này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích quốc gia. Tuy nhiên rất nhiều người sống quanh đây đã lâu mà cũng không biết rằng khu lăng mộ này đã được xếp hạng

Nghệ thuật điêu khắc rồng hết sức tinh xảo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khu lăng mộ này có kiến trúc độc đáo, hiếm gặp ở Việt Nam

Những nét hoa văn được chạm trổ trên các cây cột sứt mẻ, biến màu theo thời gian

Phía trước lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm, cao 1,3m. Nhưng hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên.

Bên trong lăng mộ là di ảnh của các thế hệ dòng họ Hoàng nhà Tổng đốc Hoàng Cao Khải

Phần mộ bằng đá được đặt phía bên trong lăng mộ. Dưới nền phần mộ là một lớp đá rất cứng và dày.

Có người đồn rằng, đây chỉ phần phần mộ giả, lại có người khẳng định xác của vợ chồng ông Hoàng Trọng Phu được chôn sâu dưới lòng lăng mộ, dưới lớp đá cứng, không thể đào tới được

Những mãnh vỡ vứt lăn lóc trong sân. Năm này qua năm khác, quần thể di tích này vẫn đang chịu sự hủy hoại của cả thời gian và bàn tay con người.

Những cột đá được dựng lên cùng bức tường gạch được xây dựng bịt kín không gian xung quanh lăng cũ ngày xưa

Dù phường Trung Liệt cũng vài lần ra quân dỡ bỏ lấn chiếm, dẹp hàng rong quanh khu di tích, song chỉ một thời gian sau, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn

Cách lăng mộ Hoàng Cao Khải không xa là khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải. Đây cũng là một công trình kiến trúc bằng đá lớn. Từ năm 1972 đến nay, công trình này đã bị ba hộ dân chiếm dụng.

Không thể có được một bức hình toàn cảnh lăng vì mọi hướng đều bị che khuất bởi những ngôi nhà chen chúc nhau. Sau khi "nhảy dù" vào trong lăng này thì tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra bên quan tài đá trong lăng mộ.

Theo Báo Công lý

Kỳ 1: U uẩn những cuộc đời sống trong khu lăng mộ

Thứ Năm, 18/06/2015 10:10  | Bài và ảnh: Thu Hường

(CAO) Hàng chục năm nay, nhiều người vô gia cư đã chiếm dụng và chui vào trong những khu lăng mộ đá để sinh sống. Bất kể ngày hay đêm, họ như những bóng ma vất vưởng, lạc lõng, bị mọi người xa lánh giữa Thủ đô.

12 sinh mạng trong mộ một ông quan

Từ một sự tình cờ được mấy người bạn dẫn đi xem lại kiến trúc lăng mộ đá của các ông quan thời phong kiến còn tồn tại ở Hà Nội, tôi đã phát hiện ra những điều kinh ngạc.

12 con người đang sống lay lắt trong khu lăng mộ của Hoàng Trọng Phu

Trong con hẻm nhỏ thuộc ngõ 252 đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội chúng tôi đã tình cờ gặp lão ăn mày ngồi bên đường.

Lão kể rằng cuộc đời mình đã ăn xin những đồng bạc lẻ của người qua đường bên lăng mộ đá của ông quan họ Hoàng suốt gần 30 năm rồi.

Lão ăn mày tỏ vẻ am hiểu tường tận lịch sử và cuộc đời của ông quan có tên là Hoàng Trọng Phu.

“Ông Hoàng Trọng Phu này là con của Phó vương Hoàng Cao Khải, từng đỗ học vị cao và làm quan tổng đốc Hà Đông dưới triều nhà Nguyễn khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngày ấy chức này là to nhất xứ Bắc Kỳ đấy. Ông ấy chết đi đã cho làm cái mộ đá quá khủng khiếp, đặt ngay sau mộ cha mình. Vùng này này xưa là Ấp Thái Hà, đất đai, quyền chức đều trong tay gia tộc họ Hoàng ”, lão ăn mày kể.

Lão ăn mày rất am hiểu những câu chuyện về Hoàng Trọng Phu

Chuyện vào lăng mộ đá sinh sống đã xảy ra từ 30 - 40 năm trước. Cho đến bây giờ riêng ở lăng mộ Hoàng Trọng Phu đã có 12 sinh mạng đang sống nương nhờ. Họ xây tạm những bức tường để liên kết các cột đá cổ của lăng mộ thành 4 bức tường che nắng, che mưa.

Chúng tôi bước vào bên trong lăng mộ đá của Hoàng Trọng Phu để thăm quan thực hư ra sao. Thấy có người lạ, chủ nhân của một hộ gia đình sống trong lăng có tên là Ng.N.M.

Ông M. bảo: “Tôi mua lăng mộ đá của ông quan này gần trăm năm nay rồi. Đừng có ai động vào đây, chết với tôi”.

Ông M. năm nay đã ngoài 50, gia đình ông nhảy vào lăng mộ sống đã được hơn 40 năm. Nghe đâu trước đây chỉ có một gia đình, nhưng cha mẹ đã mất cả, sau đó chia lại lăng mộ đá cho 3 người con. Bây giờ quần cư trong mộ ông Phu có đến 3 hộ gia đình với 12 người. Gia đình ông M. đông nhất với 5 thành viên, được ở gian chính giữa của lăng và toàn bộ phía bên trái nơi có mộ đá Hoàng Trọng Phu.

Chúng tôi vào trong gian buồng của gia đình ông M, và phát hiện thấy nấm mộ đá to lù lù, chiến hết gần nửa không gian nơi đây. Mộ đã được phủ một tấm vải lớn nhưng vẫn lồ lộ những hoa văn rồng, phượng khắc trên đá. Khu mộ đã được gia đình ông M. bố trí thành một phòng ngủ khá là “oách” với ti vi, giường ngủ, quạt treo tường, đồng hồ và một cái màn gió…

Kể về những đêm đầu tiên ngủ chung vơi mộ đá của vị quan Hoàng Trọng Phu, con của ông M. cho biết: “Ngày bé không dám ngủ đâu, vẫn chui vào chăn với cha mẹ. Nhưng khi lớn cha mẹ cho tôi ngủ riêng trong buồng này. Cứ mỗi khi màn đêm buông xuống nghĩ đến vào phòng ngủ mà tôi sởn hết cả gai ốc.

Cứ nghĩ nhà mình cũng Hà Nội sao mà khổ đến thế. Sự lạnh lẽo bao trùm lên không gian, nếu tắt điện đi thì tưởng tượng ra cái mộ gần mình cũng chẳng thể ngủ được rồi.

Có nhiều đêm bật điện suốt, mà cũng không dám nhìn ra ngoài, cứ nằm chùm chăn kín đầu đến lúc nào mệt quá ngủ thiếp đi thì thôi. Nhưng rồi cũng thành quen, nhiều đêm tôi đấu tranh tư tưởng và mở mắt ra nhìn xung quanh suốt cũng chẳng thấy ma quỷ gì… Vậy là giờ đây ngủ gần cái mộ này tôi coi như không rồi ý…”.

Khu ban thờ, bia đá cũng được bố trí thành 1 phòng ngủ

Khu phía sau, ngày xưa được Hoàng Trọng Phu xây làm nơi đặt bài vị, bia đá để thờ cúng mình thì giờ cũng được gia đình ông M. ngăn thành một phòng ngủ.

Cửa phòng ngủ được ngăn tạm bằng một tấm ván gỗ lớn. Chúng tôi đưa cặp mắt vào bên trong quan sát thì thấy có kê một chiếc giường, một giá gỗ để quần áo, hòm sắt, có cả đèn bàn và đống chai lọ ngay dưới bệ đặt bia đá, bài vị của thờ Hoàng Trọng Phu.

Khu chính điện của lăng mộ trở thành phòng khách, chếch sang phải chút là khu bếp nấu ăn, nhà vệ sinh của gia đình ông M. Vậy là một phần lăng mộ đá của ông quan họ Hoàng đã được biến thành một căn kiểu tập thể hạng vừa với 2 phòng ngủ, phòng khách, nhà vệ sinh và gian bếp.

Tuổi thơ của 3 đứa con ông M. đã lớn lên như thế, trong cái lăng mộ đá lạnh lẽo đầy ám ảnh ma quỷ này.

Bà Ng. T. H đã sống gần 60 năm ở sát khu lăng mộ đá kể cho chúng tôi biết, ngày còn bé ông M. là một người thông minh, hoạt bát. Nhưng dần dần cứ sống trong lăng mộ, chúng tôi thấy ông ấy đâm ra thay tính đổi nết, chẳng chịu làm ăn gì. Ngày cứ ngồi ở nhà, đợi có ai vào là cười nói linh tinh suốt buổi. Không chỉ có ông ấy, bà vợ cũng tự nhiên khác khác, lầm lì, chẳng mấy khi nói với người xung quanh.

Với mấy người con của ông M., mà chúng tôi tiếp xúc thì cảm thấy họ cũng bình thường. Nhưng không biết rồi đây, nếu sống trong lăng mộ đá này cả đời họ có thay tính đổi nết như cha mình hay không?.

Chúng tôi tiếp tục đi sang phía bên phải của khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu thì được chứng kiến cảnh sống của 2 gia đình khác. Đây xưa kia vốn là nơi đặt mộ bà vợ của ông Hoàng Trong Phu. Với quan niệm dân gian của các cụ ngày xưa trai bên trái, gái bên phải. Nên mộ vợ Hoàng Trọng Phu được đặt bên phải. Giờ đây nó trở thành 2 gian nhà nhỏ để gia đình bà Ng.T.T và ông Ng.T.B ngụ cư.

Ban thờ gia đình bà T phía trên mộ vợ ông quan họ Hoàng

Nhà bà Ng.T.T. được ở một gian nhỏ chính là chỗ đặt phần mộ phụ nhân ông Hoàng Trọng Phu. Mộ đá giờ đã được gia đình 3 người của bà T cho xây ốp gạch, vôi vữa vào để thành một cái giường cỡ lớn, to đùng giữa gian nhà. Toàn bộ thành viên đêm đêm sẽ ngủ trên đó, còn ngay dưới lưng mình là thi hài của vợ ông Phu.

Do diện tích quá nhỏ, nên gia đình bà T. chỉ làm được một cái gác xếp và khu vệ sinh. Phía bên trên gác xếp chúng tôi quan sát thấy có đặt ban thờ của gia đình. Ngay phía sau là khu gia đình ông Ng.T.B. Căn phòng gia đình với 4 thành viên của ông B. có một cửa nhỏ mở thông từ lăng mộ đá ra phía hẻm.

Tiếp xúc với chung tôi, một chị bán quán nước ven đó bảo: “Dù đã sống ở đây quá lâu rồi, nhưng cứ nghĩ đến chuyện đêm họ ngủ trên mộ người khác vẫn thấy ghê ghê. Chắc có cho tôi tiền tôi cũng chả dám sống trong đó…”.

(Còn tiếp). Bài và ảnh: Thu Hường

Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ đá giữa Hà thành

Thứ Tư, 29/07/2015 06:33 AM GMT+7

(VTC News) - Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

Kỳ 3 (kỳ cuối): Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ

Theo anh H., người bán hàng nước trước lăng mộ đá ông Hoàng Trọng Phu, ở ngõ 252, phố Tây Sơn (Hà Nội), trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu có 4 gia đình với 12 nhân khẩu sinh sống. Hai gia đình chiếm hai gian đặt phần mộ của ông Phu và vợ ông, còn hai gia đình chiếm gian thờ ở trung tâm, nơi đặt bài vị thờ cúng ông.

Vòng ra phía ngoài ngõ, mở cửa vào gian chính, tôi gặp ông Nguyễn M. Trong gian chính này vốn có 2 gia đình sinh sống suốt mấy chục năm nay, nhưng một gia đình đã chuyển đi từ tháng trước, còn gia đình ông M. cũng đang dọn đồ để chuyển khỏi lăng mộ.

Ông M. cởi trần, ngồi hút thuốc lào, uống nước chè trên chiếc giường ọp ẹp. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì ngoài cái tivi 14 in cổ lỗ sĩ, chắc phải có tuổi 20 năm.

Ông M. cho biết: "Trước đây, ai đến đây, vào lăng mộ này là tôi đuổi tất, không tiếp. Tôi đã mua ngôi mộ mội đá của ông quan này từ 100 năm nay rồi (?!). Đừng có ai động vào tôi, chết với tôi ngay. Nhưng giờ tôi đã quyết định bán ngôi mộ này cho mấy người Việt kiều Pháp rồi. Gia đình tôi đang chuẩn bị dọn đồ đi đây".

Ông M. chỉ nói vậy, rồi mặc kệ khách tham quan, muốn làm gì thì làm. Bà Nguyễn Thị V., bán hàng rau ở ngay trước lăng mộ kể rằng, từ hồi vợ chồng ông M. chuyển vào lăng mộ đá này sinh sống, thì tâm tính ông M. thay đổi hẳn.

Ông M. trở nên khó tính khó nết, hay nói nhảm, thậm chí còn xua đuổi những người vào lăng mộ thắp hương cho người quá cố.

Bà vợ ông M. cũng là người ít nói, không muốn giao du với hàng xóm bao giờ, thậm chí còn chẳng biết những người hàng xóm là ai, dù đã sống ở đây rất lâu rồi.

Vợ chồng ông M. năm nay mới 52 tuổi, và nhảy vào lăng mộ sinh sống khoảng 40 năm trước. Hồi vào lăng mộ sống, ông M. còn nhỏ. Bố mẹ ông M. đều đã qua đời tại lăng mộ này. Ông M. có 3 anh em, đều làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn, không mua được nhà riêng, nên chia thành 3 gia đình sống trong lăng mộ này.

Bây giờ, con ông M. cũng đã lấy vợ, lấy chồng, và ông M. đã có cháu nội, ngoại. Như vậy, đã có 3 thế hệ sống trong ngôi mộ này.

Tuy nhiên, theo bà V. không có chuyện gia đình ông M. đã mua lăng mộ này từ 100 năm trước, vì cách đây 100 năm, lăng mộ này còn đang xây dựng. Việc ông M. cứ khẳng định đã mua lăng mộ từ 100 năm trước là lời nói nhảm của người không bình thường.

Cũng theo bà V., mới đây, con cháu ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu, sống ở Pháp, đã về Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng, để các gia đình chuyển khỏi lăng mộ, để họ tu bổ, quản lý, trông nom lăng mộ của cha ông.

Số tiền ấy với những Việt kiều Pháp giàu có thì không đáng gì cả, nhưng với các hộ gia đình ở đây thì quá lớn, nên họ đồng ý chuyển đi một cách vui vẻ.

Theo người dân quanh vùng, thì đại gia đình nhà ông M. thảm hại nhất khi sống trong khu lăng mộ đá này. Không chỉ vợ chồng ông M. mà đám con cháu cũng đều hâm hâm, dở dở. Ngày bé thì đều không sao, nhưng lớn lên một chút thì tâm tính đều trở nên kỳ quặc, không bình thường, mặt mũi lúc nào cũng u ám.

Trong số mấy người con, thì có anh H. là bình thường nhất, được coi là khôn lanh nhất nhà. Anh này được học cao nhất, tới lớp 12. Thế nhưng, đột nhiên một ngày, anh này tự dưng ngớ ngẩn, cứ ngồi nói lảm nhảm một mình.

Nghe đồn, có thời gian, anh này rủ bạn bè đến dùng xà beng bật nắp phần mộ đá trong nhà mình, với mục đích tìm kiếm của cải, nhưng không thấy quan tài đâu cả. Dưới nền phần mộ là một lớp đá rất cứng và dày, búa bổ vào chẳng ăn thua gì, nên lại đậy nắp lại, không phá nữa.

Có người đồn rằng, đây chỉ phần phần mộ giả, lại có người khẳng định xác của vợ chồng ông Hoàng Trọng Phu được chôn sâu dưới lòng lăng mộ, dưới lớp đá cứng, không thể đào tới được.

Anh H., người bán nước ở ngay trước lăng mộ bảo: "Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

Ông Hoàng Cao Khải, ông Hoàng Trọng Phu đều là quan lớn, và đất này là của ông ấy, hai ông ấy khác gì vị thần ở đất này, nên đâu có thể tự tiện mà xâm phạm vào được. Ngay như tôi đây, chỉ mới đào một cái lỗ nhỏ để cắm cái ô cho khỏi nắng, mà còn sống dở chết dở". Anh H. vừa nói, vừa chỉ cái ô cắm ngay trước cửa lăng mộ, chỗ anh đặt cái bàn bán trà.

Theo anh H. ngay phía dưới chỗ anh ngồi, vốn có 2 con rồng đá, ngự ở hai bên bậc thềm dẫn vào lăng mộ. Tuy nhiên, quá trình dân cư sinh sống, xây nhà dựng cửa, rồi làm đường, làm ngõ tôn cao, nên hai con rồng đá đã chìm xuống lòng đất.

Hồi năm ngoái, anh H. đã khoan lỗ ngay trên đầu con rồng đá. Ngay buổi chiều, đi về nhà, bỗng dưng anh không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, anh thấy nhà cửa tan hoang, vợ con khóc lóc ghê lắm.

Lúc đó, anh mới biết, vừa về đến nhà, thì bị "ông Hoàng Trọng Phu" nhập vào, tố cáo anh H. xâm phạm nơi yên nghỉ của ông, nên ông đập phá hết đồ đạc, tivi tủ lạnh vỡ nát, thậm chí anh cứ vơ lấy dây điện mà nhai rau ráu. Sau khi "vong" thoát, anh H. mệt lử, sợ hãi và như thể biến thành người khác.

Sau lần ấy, có hôm, đang ngồi bán nước, buổi trưa, ngủ gà ngủ gật, tự dựng nhìn thấy rất nhiều người vái sống mình.

Mặc dù thấy mọi người vái, nghe tiếng mọi người gọi "ông Hoàng Trọng Phu", nhưng anh không sao cử động được cơ thể để nói với mọi người. Cảm giác của anh lúc đó như thể có một vong xâm chiếm cơ thể anh. Lúc tỉnh lại, mọi người mới kể rằng anh bị vong nhập và nói cả tiếng Pháp (?!).

Đường Phong

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải: Tiếc một di tích cấp quốc gia

VŨ PHÚC14-07-2016 10:16 Kinhtedothi - Sâu trong ngõ phố Tây Sơn ngày nay, ít ai biết có một khu lăng mộ của hai cha con họ Hoàng đã từng tồn tại hơn một thế kỷ.

Đến giờ, khu lăng mộ vẫn còn lại vẻ kiến trúc độc đáo, nhưng đã không còn vẹn nguyên là một di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Khu lăng mộ này là của 2 cha con ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, là nhà văn, nhà sử học, là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông về hưu ở ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội). Để chuẩn bị cho hậu sự của mình, ông đã mời thầy địa lý chọn thế đất đặt mộ.

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải.

Khu lăng mộ được xây dựng năm 1933. Lăng Hoàng Cao Khải được thiết kế theo kiểu chữ đinh, dài 8m, cao 6m, toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng, chạm khắc tinh xảo. Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ cầu kỳ. Kiến trúc độc đáo của khu lăng mộ này được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn. Đôi rồng đá chầu trước cửa lăng dù đã bị thời gian bào mòn, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghi của một tác phẩm nghệ thuật.

Phía bên phải khu lăng mộ của ông Hoàng Cao Khải là lăng mộ của con trai, tức Hoàng Trọng Phu. Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha. Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ XX. Vợ của ông Phu cũng được chôn cất tại đây.

Khu lăng Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Theo người dân nơi đây, cách đây 30 năm, khu vực lăng mộ vẫn rậm rạp cây cối, ít người qua lại. Sau nhiều năm phát triển, dân tứ xứ kéo về dựng đất, làm nhà trên khu đất cũ, nhưng chẳng có ai quản lý này. Khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ của nhà họ Hoàng dần bị cắt xén, có mộ bị nhà xây đè lên, một số ngôi mộ nằm rải rác trong các khu dân cư. Cụ Nguyễn Văn Hùng, 80 tuổi, đã nhiều năm sống ở đó cho biết, ngôi mộ lớn của người con từng bị một gia đình do nợ nần chồng chất phải bán nhà rồi đến đó chiếm dụng làm chỗ ở. Sau này con cái họ lớn lên, chia ra làm 4 hộ gia đình, tiếp tục sống trong khu mộ bên cạnh những chiếc quách đá. Cách đây mấy năm, chính quyền đã tiến hành giải tỏa các hộ dân, có đền bù thỏa đáng, hỗ trợ họ mua nhà chung cư để ổn định cuộc sống. Có thời khu mộ của ông Hoàng Trọng Phu cũng từng có người ở hàng chục năm, khi đông nhất lên đến 3 hộ gia đình với 12 người. Nay khu mộ này được tận dụng làm nơi khai báo nhân khẩu của địa phương.

Vào bên trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu thấy có 2 phần mộ đá lớn. Ở giữa là nơi thờ tự, một bên là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Phu, bên kia là nơi chôn cất vợ ông. Phần lớn gian bên phải bị người dân chiếm, xây những bức tường gạch, biến thành phòng ở. Phần mộ bằng đá, chạm trổ rồng phượng vẫn còn dấu tích khi người ta xây bức tường nối hai cột đá, ngăn thành phòng riêng. Nhiều hộ dân còn xây bức tường bao quanh phần mộ, đổ bê tông phía bên trên làm thành giường ngủ…

Quả thật, nếu không “mắt thấy, tai nghe”, không ai có thể tưởng tượng được một thời đã có người sống trong khu mộ với những chiếc quan tài đá được đặt ngay trong phòng. Và khu lăng mộ từng được xếp hạng di tích quốc gia này giờ đã xuống cấp trầm trọng với ồn ào hàng quán, rác thải xung quanh. Rất nhiều nhà làm văn hóa cảm thấy tiếc nuối cho một di tích quốc gia nằm giữa lòng Hà Nội này.

Tư liệu sưu tầm