Nội dung của văn học hiện đại

I. Đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam (từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945)

1. Văn học đổi mới theo hướng hiện đại hóa

- Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp xâm lược và đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, làm cho xã hội nước ta có nhiều thay đổi. Xuất hiện nhiều đô thị và nhiều tầng lớp mới, nhu cầu thẩm mĩ cũng thay đổi.

- Nền văn học dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn học Trung Hoa và dần hội nhập với nền văn học phương Tây mà cụ thể là nền văn học Pháp.

+ Chữ quốc ngữ ra đời thay cho chữ Hán và chữ Nôm.

+ Nghề báo in xuất bản ra đời và phát triển khiến cho đời sống văn hóa trở nên sôi nổi.

- Quá trình hiện đại hóa diễn ra qua 3 giai đoạn.

a). Giai đoạn 1 (từ đầu thế kỉ XX đến khoảng năm 1920)

- Chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi, tác động đến việc ra đời của văn xuôi.

- Báo chí và phong trào dịch thuật phát triển giúp cho câu văn xuôi và nghệ thuật tiếng Việt trưởng thành và phát triển.

- Những thành tựu đạt được là sự xuất hiện của văn xuôi và truyện kí ở miền Nam.

- Thành tựu chính của văn học trong giai đoạn này vẫn thuộc về bộ phận văn học yêu nước của các tác giả như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế.

Văn học Việt Nam giai đoạn này chưa thoát khỏi hệ thống văn học trung đại.

b). Giai đoạn 2 (từ 1920 đến 1930)

Quá trình hiện đại hóa đạt được nhiều thành tích với sự xuất hiện của các thể loại văn học hiện đại và hiện đại hóa các thể loại truyền thống như tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách; truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn; thơ Tản Đà, Trần Tuấn Khải..; kí của Phạm Quỳnh, Tương Phổ, Đông Hồ

c). Giai đoạn 3 (từ 1930 đến 1945)

- Có sự cách tân sâu sắc ở nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phóng sự, phê bình ra đời và đạt được nhiều thành tựu

- Về thơ có phong trào thơ mới.

- Tiểu thuyết có nhóm Tự Lực văn đoàn.

- Truyện ngắn có Nguyễn Công Hoan, Nam Cao

- Phóng sự có Tam Lang, Vũ Trọng Phụng...

- Bút kí, tùy bút có Xuân Diệu, Nguyễn Tuân

2. Văn học hình thành hai bộ phận và phân hóa thành nhiều xu hướng

a). Bộ phận văn học công khai là văn học hợp pháp tồn tại trong vòng luật pháp của của chính quyền thực dân phong kiến. Những tác phẩm này có tính dân tộc và tư tưởng lành mạnh nhưng không có ý thức cách mạng và tinh thần chống đối trực tiếp với chính quyền thực dân. Bộ phận này cũng phân hóa thành nhiều xu hướng:

+ Xu hướng văn học lãng mạn, nội dung thể hiện cái tôi trữ tình với những khát vọng và ước mơ. Đề tài là thiên nhiên, tình yêu và tôn giáo. Thể loại chủ yếu là thơ và văn xuôi trữ tình.

+ Xu hướng văn học hiện thực, nội dung phản ánh hiện thực thông qua những hình tượng điển hình. Đề tài là những vấn đề xã hội. Thể loại gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự.

b). Bộ phận văn học không công khai là văn học cách mạng, phải lưu hành bí mật. Đây là bộ phận của văn học cách mạng và là dòng chủ của văn học sau này.

- Nội dung: Đấu tranh chống thực dân và tay sai; thể hiện nguyện vọng của dân tộc là độc lập tự do; biểu lộ nhiệt tình vì đất nước.

- Nghệ thuật: Hình tượng trung tâm là người chiến sĩ; thể loại chủ yếu là văn vần.

Hai bộ phận văn học trên có sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật và khuynh hướng thẩm mĩ.

3. Tốc độ phát triển văn học

- Văn học phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng

- Nguyên nhân:

+ Sức sống văn hóa mãnh liệt mà hạt nhân là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, biểu hiện rõ nhất là sự trưởng thành và phát triển của tiếng Việt và văn chương Việt.

+ Sự thức tỉnh ý thức cá nhân của tầng lớp trí thức Tây học.

+ Sự thúc bách của thời đại (lúc này văn chương trở thành hàng hóa và viết văn là một nghề có thể kiếm sống).

II. Thành tựu chủ yếu của văn học

- Về nội dung, tư tưởng

+ Văn học Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy 2 truyền thống lớn của văn học dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo với nhân tố mới là phát huy tinh thần dân chủ.

+ Lòng yêu nước gắn liền với quê hương đất nước, trân trọng truyền thống văn hóa dân tộc, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước, lòng yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản. Chủ nghĩa nhân đạo gắn với sự thức tỉnh ý thức cá nhân của người cầm bút.

- Về hình thức thể loại và ngôn ngữ văn học

+ Các thể loại văn xuôi phát triển mạnh, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ ra đời, đến những năm 30 được đẩy lên một bước mới. Truyện ngắn đạt được thành tựu phong phú và vững chắc. Phóng sự ra đời đầu những năm 30 và phát triển mạnh. Bút kí, tùy bút, kịch, phê bình văn học cũng phát triển.

+ Thơ ca là một trong những thành tựu văn học lớn nhất thời kì này.

* Tư tưởng cổ điển:

Đề tài, cốt truyện vay mượn. Kể theo trật tự thời gian. Nhân vật phân tuyến rạch ròi, thể hiện tâm lí theo hành vi bên ngoài. Chú trọng cốt truyện li kì. Tả cảnh, tả người theo lối ước lệ. Kết cấu tác phẩm theo chương hồi. Kết thúc tác phẩm có hậu. Lời văn biền ngẫu.

* Tư tưởng hiện đại:

Xóa bỏ những đặc điểm của tiểu thuyết trung đại.

* Thơ trung đại:

Mang đầy đủ những đặc điểm thi pháp văn học trung đại.

* Thơ hiện đại:

Phá bỏ các quy phạm chặt chẽ. Thoát khỏi hệ thống ước lệ mang tính phi ngã.

+ Lí luận phê bình.

+ Ngôn ngữ, cách thể hiện, diễn đạt, trình bày dần thoát li chữ Hán, chữ Nôm, lối diễn đạt công thức, ước lệ, tượng trưng, điển cố, quy phạm nghiêm ngặt của văn học trung đại.

- Văn học giai đoạn này đã kế thừa tinh hoa của truyền thống văn học trước đó. Mở ra một thời kì văn học mới là thời kì văn học hiện đại.