Tại sao thiên chúa phải làm người để cứu độ

THIÊN CHÚA MẶC KHẢI CHO CON NGƯỜI

Lời Chúa     :         “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” (Dt 1, 1-2).

Ý chính       :         1. Mặc khải là gì ? (Dt 1,1-2).

              2. Cách thức và các giai đoạn mặc khải (Dt 1,1-2).

Quy chiếu   :         sách GL.HTCG 1992 số 50-73

Tâm tình     :         Cảm tạ, yêu mến, muốn đáp trả tình yêu vô cùng lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người.

I. ỔN ĐỊNH.

1. Đón tiếp.

2. Thánh hóa.

3. Giới thiệu bài mới :

Trong bài trước, chúng ta đã xác tín con người có thể nhận biết Thiên Chúa bằng những con đường khác nhau, trong đó con đường mặc khải đáng được chúng ta tìm hiểu kỹ hơn trong bài hôm nay.

II. TỪ CUỘC SỐNG.

Cuộc chiến đã làm Đán lạc má từ hồi 3 tuổi. Vất vưởng trên hè phố Hà Nội, rồi được người ta dẫn vào Viện mồ côi do một Linh mục thừa sai điều khiển. Lớn lên trong tình yêu thương của Viện và qua bao gian khổ, Đán được thụ phong Linh mục khi tròn 36 tuổi đời. Khi đất nước được thống nhất năm 1975, cha Đán dò hỏi tin tức và nhờ một người cho những thông tin chính xác, cha Đán đã tìm ra người mẹ già và mẹ con sung sướng gặp lại nhau !

Các em thân mến, nhờ có người cho biết tin tức chính xác, cha Đán đã tìm ra được người mẹ thân yêu. Còn con người chúng ta, bị lạc lõng giữa biển đời ô trọc, xô bồ... chúng ta không còn biết ai là Đấng đã dựng nên và là Cha của chúng ta !... Có ai cho biết thông tin giúp nhận biết Đấng Tạo thành và là Cha của chúng ta không ?

Mời các em cùng anh (chị) “lên núi” gặp Chúa đi !

III. LÊN TỚI CHÚA.

A. Công bố Lời Chúa.

Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 1,1-2)

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua nhiều ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Qua Lời Chúa trên đây, tác giả thư gửi tín hữu Do thái cho biết Thiên Chúa đã tỏ mình cho chúng ta. Chúng ta hãy ngồi bên Chúa để Người dạy chúng ta biết đề tài này.

B. Dẫn giải nội dung giáo lý.

Ở bài trước, chúng ta đã biết con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, khả năng đó thật là giới hạn, nhất là tội lỗi đã khuynh đảo tâm trí con người, nên  con người chỉ có thể nhận biết được Thiên Chúa cách chính xác nhờ chính Thiên Chúa tỏ mình cho ta.

Các em có biết tại sao Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ và tỏ mình cho con người không ? (cho các em tự tìm hiểu - đặt vấn đề).

Thường tình các em biết : chúng ta không thể hiểu và cảm thông với người khác, nếu họ không bày tỏ những tình cảm, lời nói, cử chỉ, thái độ ... Đối với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Làm thế nào mà nhận biết được Thiên Chúa vốn là “Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15) ... “Đấng không một người nào thấy hay có thể thấy” (1 Tm 6,15), nếu chính Thiên Chúa không đoái thương tỏ mình và trao ban mình cho con người ?! Vì yêu thương, Thiên Chúa tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời : “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha” (Ga 17,3).

1. Mặc khải là gì ? (Dt 1,1-2)

- Xét theo nghĩa của từ ngữ :

+ Mặc : Trong chữ nho, mạc là cái màn, mặc là kín nhiệm.

+ Khải : là vén lên, mở ra.

Theo nghĩa đen, mặc khải là vén màn. Nhờ vén màn, ta thấy được những vật đã có từ trước nhưng giấu ẩn bên trong.

Mặc khải hay mạc khải là Thiên Chúa vén màn, hé mở cho ta biết các mầu nhiệm của Người.

- Về phương diện tôn giáo (x. Hc.MK 2) : mặc khải là lời Thiên Chúa nói với con người để tự giới thiệu về mình. Nói rõ hơn, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người biết Thiên Chúa là ai, Người muốn gì... Nhờ đó, con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Thiên Chúa để được cứu độ.

Mặc khải là ơn ban của Thiên Chúa. Chính vì yêu thương mà Thiên Chúa tự tỏ mình cho ta được biết về Người, để ta có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người. Lời Thiên Chúa sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận.

Tuy nhiên, giữa Thiên Chúa và con người vẫn có 1 khoảng cách, Thiên Chúa phải dùng nhiều hình thức và qua nhiều giai đoạn mặc khải để con người có thể từ từ nhận biết Thiên Chúa.

2. Cách thức và các giai đoạn mặc khải (Dt 1,1-2) :

a) Cách thức Thiên Chúa mặc khải :

Đoạn thư gởi Do thái cho ta thấy cách thức và các giai đoạn Thiên Chúa mặc khải cho con người (có thể cho các em nhắc lại nội dung đoạn thư Dt 1,1-2).

Khi mặc khải cho con người, Thiên Chúa muốn cho con người có khả năng đáp lại, nhận biết và yêu mến Người hơn. Thiên Chúa có một đường lối sư phạm là dùng lời nói và hành động liên kết chặt chẽ với nhau, soi sáng lẫn nhau mà tỏ mình cho con người qua từng giai đoạn lịch sử. Thiên Chúa dùng ngôn ngữ, cảm nghĩ của con người để bày tỏ chính mình. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tự ý đến với con người qua Ngôi Lời Nhập thể với ngôn từ loài người và ngỏ lời với con người. Lịch sử dân Israel đã thành lịch sử thánh, lịch sử cứu độ vì được Thiên Chúa dùng để mặc khải, và thực hiện chương trình cứu độ của Người.

b) Những giai đoạn mặc khải :

Thiên Chúa mặc khải chính mình qua công trình tạo dựng, đặc biệt là qua con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sống thân mật với ông bà nguyên tổ (x. St 3,8). Thế nhưng, ông bà nguyên tổ đã không trung thành với tình yêu Thiên Chúa, phản bội Người. Dù vậy, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người vẫn tìm đến và hứa ban Đấng Cứu độ (x. St 3,15). Lời hứa đó được Thiên Chúa nhắc lại và củng cố qua giao ước với Noê (x. St 9,9-17) với tổ phụ Abraham (x. St 12,1-3). Sau Abraham, Giacóp, Giuse, đến Môsê, dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và lập giao ước với họ qua giao ước Sinai, ban cho họ giới luật (điều răn) của Người (x. Xh 19,16-20,21 ; 34,10-35). Và lần lượt trong nhiều thời đại hưng thịnh, suy đồi của Israel, Thiên Chúa đã nói với dân riêng qua các ngôn sứ để chuẩn bị họ đón nhận Đấng cứu thế đã được hứa ban cho toàn thể nhân loại.

Bằng đường lối sư phạm tuyệt hảo đó, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình dần dần theo thời gian, để con người có thể sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa là mặc khải trọn vẹn.

c) Chúa Giêsu là mặc khải trọn vẹn :

- Chúa Giêsu Kitô là lời Thiên Chúa nhập thể làm người (x. Ga 1,14). Người là Lời sống động duy nhất xác thực của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng duy nhất có đủ tư cách và khả năng để mặc khải, vì Người là Con Một, hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

- Chúa Giêsu là mặc khải sung mãn, vì nơi Người ứng nghiệm mọi lời ngôn sứ, và Người thực thi trọn vẹn lời Hứa, lời Giao ước.

- Mặc khải nơi Chúa Kitô là mặc khải dứt khóat, đạt tới tận chóp đỉnh : “Ai tin thì được cứu độ” (Mc 16,16) ; “Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 6,40), “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45). Đặc biệt nơi biến cố Núi Sọ, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại để mặc khải tình yêu cứu độ sung mãn của Thiên Chúa. Đây là đỉnh cao của mặc khải và là mặc khải trọn vẹn.

Chúa Kitô là Lời tròn đầy sung mãn, và duy nhất của Chúa Cha đối với nhân loại nên sẽ không còn gì vượt trên sự viên mãn đó nữa (x. Hc.MK số 4).

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã trao ban cho ta Người Con Một yêu dấu, để dẫn dưa ta về với Thiên Chúa, mặc khải cho ta biết về Thiên Chúa, để được sống hiệp thông với Người. Các em hãy luôn cố gắng học hỏi về Chúa Giêsu qua Lời Chúa trong Kinh Thánh. Thánh giáo phụ Hiêrônimô đã nói : “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Th. Hiêrônimô. Comm. in Is.Prol).

C. Hướng ý cầu nguyện.

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa, vì tình yêu vô cùng Chúa đã dành cho chúng con là ban Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa là Lời Mặc khải trọn vẹn nhất cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa trong cuộc sống hằng ngày và biết đem tình yêu ấy đến với anh em. Amen.

IV. TRỞ VỀ CUỘC SỐNG.

1. Bài học :

 “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1, 1-2).

05. H.                                               Mặc khải là gì ?    (GLCG.5)

   T. Mặc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.

06. H. Thiên Chúa mặc khải cho ta bằng cách nào ?    (GLCG.6)

   T. Thiên Chúa dùng lời nói và hành động mà tỏ mình cho ta qua từng giai đoạn trong lịch sử cứu độ.

07. H. Thiên Chúa mặc khải qua những giai đoạn nào ?         (GLCG.7)

   T. Thiên Chúa đã mặc khải cho tổ tông loài người, cho các Tổ phụ, các Ngôn sứ và sau cùng Người đã mặc khải trọn vẹn nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

08. H. Vì sao Chúa Giê-su Ki-tô là mặc khải trọn vẹn ? (GLCG.8)

   T. Vì Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất và hoàn hảo của Chúa Cha.

2. Sinh hoạt : tìm trong tập Sinh hoạt giáo lý cấp III.

3. Gợi ý sống đạo :

Qua Kinh Thánh, Thiên Chúa vẫn không ngừng tỏ mình cho con người và tiếp tục nói với nhân loại trong mọi thời đại. Ta phải làm gì để đón nhận Lời mặc khải của Thiên Chúa ? Chúng ta quyết tâm : chân thành đón nhận Lời Chúa qua các vị chủ chăn trong Hội Thánh.

3. Bài làm ở nhà :

Em tìm và ghi lại 1 câu Kinh Thánh nói lên lời mời gọi của Chúa Kitô để được sống đời đời.

(Đáp án : Mt 11,39 ; 11,42 ; 16,24-25 ; 19,29 ; Lc 18,22...).

V. KẾT THÚC.