Ví dụ về Buôn có bạn, bán có phường

Câu chuyện bó đũa - một bài học về tinh thần đoàn kết gắn bó, hầu như không ai không biết, tuy nhiên áp dụng trong thực tế lại không mấy người làm được. Những điểm yếu cốt tử của các hãng hàng không gần đây đã được Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Ðinh La Thăng "chỉ mặt" là một thí dụ điển hình có nguyên nhân từ sự thiếu đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Trong thời gian qua, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến triền miên của các hãng hàng không đã khiến hành khách đi máy bay hết sức bức xúc. Ngoài ra, dịch vụ ăn uống đắt đỏ, lộn xộn, kinh doanh không bình đẳng, khiến quyền lợi khách hàng bị thiệt hại. Cộng thêm vào đó, thái độ phục vụ của nhân viên từ mặt đất đến "trên trời" kém nhã nhặn, lịch sự, đã khiến hình ảnh các hãng hàng không trong mắt hành khách trở nên xấu đi rất nhiều.

Các cơ quan quản lý, bộ phận liên quan với các hãng hàng không chưa chặt chẽ, cứ có khuyết điểm là đổ cho doanh nghiệp. Còn các hãng hàng không, bản thân chưa mạnh, nhưng lại thiếu đoàn kết gắn bó, không hỗ trợ, giúp đỡ nhau mà toàn tìm cách... "dìm hàng" nhau, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. Vì lợi nhuận của mình, bất chấp lợi ích khách hàng, các hãng đã cố tình dồn chuyến, không khác gì cảnh "xe dù" chạy lòng vòng đón khách, cho nên mới để xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến kéo dài. Tất nhiên, các hãng hàng không là doanh nghiệp, đều phải kinh doanh có hiệu quả kinh tế, nhưng nếu cố tình bỏ quên quyền lợi khách hàng, sẽ rơi vào cảnh kinh doanh chộp giật, "tham bát bỏ mâm", khách hàng sẽ nhanh chóng quay lưng, uy tín thương hiệu bị giảm sút.

Theo gợi mở của người đứng đầu ngành GTVT, đối với các linh kiện, phụ tùng của hãng khác có sẵn mà chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng, có thể cho mượn hoặc bán cho nhau. Ðiều đó vừa có tác dụng đỡ phải nhập khẩu từ nước ngoài, vừa giúp giảm thời gian máy bay dừng chờ phụ tùng thay thế nhập về (thường mất khoảng 3 - 4 ngày). Ngoài ra, đơn vị nào có tiềm lực mạnh hơn, có thể cho hãng khác thuê lại trang bị, buồng lái mô phỏng phục vụ cho đào tạo, đỡ phải đưa phi công, tiếp viên ra nước ngoài đào tạo, tránh lãng phí ngoại tệ, thời gian.

Các hãng cũng nên phối hợp đầu tư hình thành một quỹ máy bay dự phòng, nhằm chủ động thay thế khi máy bay hỏng, tránh tình trạng chậm, hủy chuyến dây chuyền. Ðồng thời, liên kết đào tạo, huấn luyện đội ngũ phi công, tiếp viên, không nên "tranh cướp" nhân lực của hãng khác,... "Buôn có bạn, bán có phường", xét cho cùng, dù là hãng hàng không nào, nhưng cũng đều mang thương hiệu Việt Nam, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, không vì cạnh tranh nhau mà hy sinh lợi ích quốc gia. Ðó mới là cách tạo lập thương hiệu, gây dựng niềm tin và hình ảnh đẹp của hàng không Việt Nam.

XÍCH TÙNG

Câu ngạn ngữ trên có phải là một tâm lý kinh doanh truyền thống, và nó có ý nghĩa gì trong đời sống kinh doanh hiện đại?
Đó là câu hỏi liên quan đến một mối quan tâm mà giới doanh nhân muốn được giải đáp với mong muốn kết nối những giá trị xưa vào công cuộc kinh doanh ngày nay. Có một hiện tượng rất phổ biến và cũng khá đặc trưng khi nghiên cứu sự cấu trúc các không gian kinh tế ở các đô thị, tồn tại từ xưa và vẫn không mấy thay đổi cho tới hiện nay là sự xuất hiện hàng dẫy cửa hàng kinh doanh cùng chủng loại hàng hoá giống nhau tạo ra từng dẫy, mà rõ rệt nhất như ở Hà Nội là từng “hàng” (hàng phố). Rõ rệt nhất là ở Hà Nội - Thăng Long, Kẻ Chợ xưa. Nó cũng diễn ra ở những đô thị lâu đời như Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… cho đến Thanh Hoá, Nghệ An… rồi Huế. Nhưng dường như đi về phương Nam cho đến Tp.HCM thì nét đặc trưng ấy nhạt dần?! Lại phải nói thêm rằng ở phương Nam, số khá đông người thạo buôn bán lại là dân từ Bắc vào. Những người dân Sài Gòn thế hệ cũ có nhận xét rằng, sau cuộc di cư năm 1954, sự có mặt của dân Bắc nói chung, đặc biệt là dân Hà Nội, Hải Phòng ,Nam Định (những đô thị truyền thống ở phía Bắc) có làm cho Sài Gòn thay đổi nhiều… trong cung cách làm ăn cũng như tâm lý kinh doanh… “Ganh” được với người Bắc dường như chỉ có dân xứ Quảng (mở rộng cho đến Bình Định). Nhưng dân xứ này lại mạnh về kinh doanh sản xuất lớn, họ mở xưởng nhiều hơn mở cửa hàng… Không rõ những nhận xét ấy có đúng không và nếu đúng, thì căn nguyên cái tâm lý (cũng là một biểu hiện của văn hoá) kinh doanh ấy bắt nguồn từ đâu ? Hãy quan sát cái chợ và trước hết là cái chợ quê, nơi đáp ứng nhu cầu (thị trường) của tuyệt đại da số dân cư nước ta trong xã hội truyền thống. Đó là nơi giao lưu hàng hoá cho người dân trong một làng và giữa các làng trong một vùng không gian tương thích với sự luân chuyển hoạt động của các phiên chợ, được duy trì lâu bền thành tập quán từ đời này sang đời khác. Làng xã và phương thức sản xuất tiểu nông khiến cho sản vật lưu thông cũng như nhu cầu tiêu thụ không lớn, thậm chí rất nhỏ. Trong chợ có cả nơi cho những người vừa cất vó được mẻ tép, ra vườn ngắt hái ít hoa quả, hay lên rừng kiếm được gánh củi… mang thẳng đến chợ bán để rồi lại mua ngay những thứ cần thiết (tuy có dùng tiền nhưng quan hệ trao đổi gần như là hàng đổi hàng). Do vậy, những người có chung mặt hàng tự tìm đến nhau để tạo thành một không gian để thu hút những khách hàng đang có nhu cầu về mặt hàng đó. Yếu tố cạnh tranh không đáng kể so với tâm lý cộng đồng muốn dựa cậy nhau, vốn sâu sắc trong đời sống làng xã. Nói một cách hình tượng thì nền kinh tế hàng hoá chưa đủ mạnh để công phá các làng xã, tế bào của xã hội truyền thống Việt Nam, mà ngược lại nó lại nhuốm màu làng xã. Với sự ra đời của các đô thị (nơi mà phần “thị” với hoạt động thương mại chủ yếu dựa cậy vào sự tụ cư cùng nhu cầu của bộ máy hành chính - phần “đô”), kinh tế hàng hoá có phần được kích thích nhưng sức sống của nó vẫn gắn chặt cái cuống rốn vào gốc gác làng quê . Nó chỉ là sự “phình ra” của những làng nghề hay những nghề thủ công vốn có khi tìm ra một thị trường mới. Nhân tố phường hội xuất phát từ các làng nghề truyền thống trở thành nhân tố cấu thành cấu trúc các đô thị. Các “hàng” (phố) xuất hiện và phát triển mà tên gọi ban đầu có thể là tên phường gốc (gắn với tên làng) về sau thì gọi theo tên sản vật (hàng hoá) khi nó được bổ sung thêm những nguồn hàng (người kinh doanh) ngoài phường hay đến từ nơi khác… Khảo sát Thăng Long - Hà Nội xưa, thấy rất rõ điều đó. Bên cạnh các “hàng phố” là nơi buôn bán một loại sản vật đặc trưng,lúc đầu là của một phường hội nhất định (nhiều nơi có cả đến hay đình thờ vọng thành hoàng của làng gốc. Về sau, quy tụ cả người ở nơi khác đến cùng kinh doanh mặt hàng đó. Rõ ràng, tính chất sản xuất nhỏ khiến cho sự cạnh tranh chưa quyết liệt nếu so với lợi ích thu hút khách hàng đến một nơi. Giờ đây, khi các làng xã không còn sức mạnh như xưa, thậm chí đang tan rã từng ngày do tác động của đô thị hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng cái quy luật hình thành nơi tập trung các nhóm hàng sản phẩm vẫn còn phổ biến. Nhiều hàng phố cũ tên vẫn giữ nhưng cơ cấu sản phẩm kinh doanh đã thay đổi. Ví như Hàng Dàu xưa thì nay thành “hàng” giày, dép, guốc. Trong khi Hàng Giày xưa thì không có hàng bán giày nào nữa. Hàng Than thì trở nên một dẫy phố kinh doanh các loại bánh mứt phục vụ đám cưới mà đặc sản là bánh cốm vốn khởi đầu từ nhà hàng “Nguyên Ninh” nổi tiếng. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh còn lộ ra ở hiện tượng lạm dụng, thậm chí ăn cắp thương hiệu của nhau… Công cuộc đổi mới thừa nhận kinh tế thị trường càng kích thích tâm lý kinh doanh của số đông lại là môi trường cho tâm lý kinh doanh mang tính tiểu nông truyền thống. Nhà nhà, người người kinh doanh trước hết ngay tại địa điểm cư trú của mình. “Xông ra mặt tiền” trở thành một hiện tượng không chỉ ở các đô thị mà trên mọi tuyến đường giao thông… “Liên hiệp các xí nghiệp thịt chó” rải dọc đường đê mạn Hồ Tây là một ví dụ điển hình của xu thế này. Cách đây hơn 80 năm, cụ Lương Văn Can, người phố Hàng Đào đựơc coi là người khởi xướng “Đạo làm giàu” có đưa ra 10 điểm hạn chế của giới doanh nhân Việt Nam, trong đó có điểm “thiếu thương hội”. Vậy thì những nhóm kinh doanh một mặt hàng tập trung trên một địa bàn như thế có gọi là thương hội hay không? Hoàn toàn không. Đó chỉ là một xu thế tự phát bắt nguồn từ tâm lý tiểu thương vốn có từ các chợ quê xưa, khi yếu tố cạnh tranh còn rất yếu ớt, cho dù ngày nay mỗi cửa hàng kinh doanh có quy mô ngày càng lớn hơn có nghĩa là yếu tố cạnh tranh ngày càng mạnh hơn. Đường Cát Linh (Hà Nội) - một cái “chợ” vật liệu kiến trúc và nội thất vệ sinh - là một điển hình. Rồi đây, xu thế hình thành các siêu thị cùng với sự ra đời của hệ thống các cửa hàng bán lẻ hiện đại đang có chiều hướng phát triển mạnh trong thời hội nhập này liệu có thay thế và triệt tiêu các loại “hàng phố” mang dấu ấn truyền thống hay không? Đó chính là một biểu hiện của sự thay đổi văn hoá kinh doanh trong nền kinh tế và tâm lý kinh doanh trong tầng lớp doanh nhân. Vào thời điểm này, rõ rệt nhất ở thủ đô Hà Nội - Kẻ Chợ xưa, các ngôi chợ một thời nổi tiếng như Đồng Xuân, Cửa Nam, Chợ Hôm, Chợ Mơ, Ô chợ Dừa… đã, đang và sẽ bị “siêu thị hoá” từng bước hoặc “siêu thị hoá” hoàn toàn, một dấu hiệu của sự chuyển đổi. Đương nhiên “văn hoá chợ búa” - mà ở đó có không ít những giá trị tích cực của nó - cũng sẽ mất đi, sẽ làm thay đổi không chỉ tâm lý, thói quen trong văn hoá kinh doanh của doanh nhân mà cả tâm lý tiêu dùng của mọi khách hàng…