Ý nghĩa của giông bão cô lập là gì

Từ những xót xa...

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009, khi cơn bão số 9 chưa qua trên đất liền thì cơn bão số 10 đã lại hoành hành ngoài biển khơi và những bản tin vẫn nối nhau cập nhật thông tin về số người thiệt mạng mỗi ngày mỗi tăng thêm. Trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta chẳng năm nào vắng bão, nhưng chưa có bao giờ mà số lượng người thiệt mạng lại nhiều đến như thế. Vậy mà nỗi đau tháng 10 chưa nguôi ngoai, sang tháng 11, lại thêm một cơn bão, thậm chí khốc liệt hơn. Cơn bão số 11 của năm đã khiến chỉ riêng tỉnh Phú Yên đã thiệt hại tới 2.405 tỷ đồng. Các địa phương còn lại, cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém: Bình Định: 1.047 tỷ, Quảng Ngãi: 20 tỷ, Khánh Hoà: 380 tỷ, Ninh Thuận: 24 tỷ, Đăk Lăk: 86,75 tỷ và Gia Lai: 1.000 tỷ.

Nhìn lại những cơn bão đã vò xé đất nước ta trong năm qua thật khó có thể kìm nén nỗi xót xa khi nghĩ đến việc gần 500 người dân bị thiệt mạng và hàng chục ngàn tỷ đồng mồ hôi xương máu của bà con bị cuốn phăng trong giông bão. Đất nước nơi đầu sóng, dĩ nhiên người dân sẽ luôn phải đồng hành cùng giông bão. Song, dẫu vậy, những thiệt hại sẽ ít hơn, mạng sống của người dân lẽ ra cũng đỡ phần mong manh nếu những cánh rừng đầu nguồn không bị bức tử, thông tin dự báo được minh bạch, thông suốt. Khi cơn bão qua đi, người dân dẫu ngửa mặt trách ông trời, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người vẫn vương vấn những nỗi xót xa kèm theo chữ “giá như...”. Vẫn biết mọi điều đều được như ước muốn “giá như...” thì nỗi đau sẽ không còn cồn cào đến thế, song nỗi đau rồi cũng qua, những luyến tiếc cũng chầm chậm nguôi ngoai, điều đọng lại sau đó, tuyệt vời làm sao lại chính là sự ấm áp của tình người. Sự ấm áp của tình người trong giông bão chính là một liều thuốc để xoa dịu nỗi đau, giúp chúng ta đứng lên từ đổ vỡ.

... đến lấp lánh tình quân dân

Giông bão đi qua để lại những hoang tàn. Nhưng, điều đáng nhớ nhất lại không phải dấu ấn tang thương mà là hình ảnh hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ quân đội, biên phòng, công an... quên mình trong hiểm nguy, bảo vệ, giúp đỡ người dân phục dựng cuộc sống.

Người dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng sẽ mãi mãi không quên hình ảnh hơn 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu có mặt trên mọi ngả đường, các khu dân cư trong suốt 2 ngày cơn bão số 9 dập vùi miền Trung. Các anh xa vợ con, ăn tạm mì tôm, dầm mình trong mưa giúp dân về nơi tránh trú an toàn.

Cơn bão đi qua, cả thành phố Đà Nẵng ngổn ngang cây cối, cột điện ngã đổ, chưa kịp trở về dọn dẹp nhà cửa của mình, hàng trăm chiến sỹ thuộc các đơn vị công an, quân đội, bộ đội biên phòng Đà Nẵng lại tiếp tục lên đường giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Nam, ngư dân ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà đã không kìm nổi sự cảm động khi thốt lên: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn những cán bộ, chiến sỹ đã quên mình giúp dân trong bão lũ”. Làm sao không cảm động khi mà để giúp dân, một người lính ở đồn Biên phòng 781 Quảng Ngãi đã ngã xuống giữa thời bình.

Còn người dân ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước, Bình Định) sẽ không thể quên được buổi sáng ngày 2/11. Cơn bão số 11 ập về, mưa gió sầm sập, nước lũ cứ mỗi lúc một dâng cao ngùn ngụt. Tiếng kêu khóc của những người có thân nhân đang bị kẹt trong vùng rốn lũ vang lên khắp nơi. Giữa lúc ấy, những người lính thuộc Quân khu 5 xuất hiện cùng với những chiếc ca nô, thuyền nhôm. Thoắt cái, những người lính khoẻ mạnh đã khoác lên người những chiếc áo phao rồi nhanh chóng đẩy thuyền lao xuống dòng nước lũ tiến nhanh ra những vùng đang bị lũ cô lập. Hết đợt này đến đợt khác, từ 5 giờ sáng đến trưa, hàng trăm người lính thuộc các đơn vị: Sư đoàn 2, Lữ đoàn 573 và Lữ đoàn 270 (QK 5) đã đưa hết những người dân ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) thoát khỏi những căn nhà đã bị nước lũ nhấn chìm đến nóc về nơi an toàn. Mặc dù thân thể ai cũng tím tái vì lạnh nhưng không ai có dấu hiệu chùn bước trước cơn lũ dữ.

Người dân xã Canh Vinh (Vân Canh, Bình Định) sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí hình ảnh gần 200 cán bộ, học viên Trường quân sự Binh đoàn Tây Nguyên đã có mặt kịp thời giúp người dân xã Canh Vinh sớm ổn định cuộc sống sau lũ. Sáng ngày 7/11, nhận được lệnh giúp dân thì 15 giờ chiều, các cán bộ, học viên Trường quân sự Binh đoàn Tây Nguyên đã có mặt tại Canh Vinh và cả xã Canh Vinh lúc đó như một công trình quân sự, nơi nào cũng thấy những người lính tất bật với những công việc dọn dẹp, dựng lại nhà cửa. Họ làm công việc giúp dân với tâm niệm rất giản dị, như tâm sự của Thiếu tá Đỗ Văn Ngọc, Phó Chính uỷ Trường quân sự Binh đoàn Tây Nguyên: “Nhìn cảnh tang thương của bà con ở đây không ai cầm được nước mắt. Càng tiếp xúc với bà con, chúng tôi càng thấy mình phải làm nhiều hơn nữa để giúp họ. Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi nào nhân dân hết yêu cầu giúp đỡ mới quay về. Phải giúp dân bằng mệnh lệnh của trái tim mình mới xứng đáng là một người lính Cụ Hồ”.

…Và ấm áp tình người

Tình quân dân bao giờ cũng thế, dẫu trong chiến tranh, hay trong hoà bình thì vẫn luôn ấm áp, luôn sáng ngời tinh thần hy sinh. Đó là điều chẳng thể hoài nghi, cũng như chẳng thể nào hoài nghi tinh thần tương thân tương ái mãi mãi là phẩm chất sáng rõ nhất của người Việt.

Giông bão đi qua để lại những hoang tàn. Nhưng, điều đáng nhớ nhất lại không phải dấu ấn tang thương mà là hình ảnh hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ quân đội, biên phòng, công an... quên mình trong hiểm nguy, bảo vệ, giúp đỡ người dân phục dựng cuộc sống.

Xã Quảng Phước - Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương chịu sự tàn phá nặng nề trong cơn bão số 9. Nhưng cũng chính tại đây, tình người bừng sáng. Năm ngày sau khi bão tan, chị Nguyễn Thị Lé vẫn nghẹn ngào xúc động: “Tình người trong thôn thật quý. Nếu gia đình nào chẳng may có lợn chết, người dân trong xóm tự chia nhau rồi góp tiền lại cho người bị thiệt hại. Người dân ở vùng thấp trũng như nhà tui đây, nếu không có sự cưu mang của bà con, bão ập đến chắc trở tay không kịp”. Trong những ngày sau bão, do nước bị nhiễm bẩn, bà con phải chắt chiu nước sạch từ những gia đình ở vị trí cao ráo hơn để ưu tiên cho chuyện ăn, uống. Người dân trong thôn luôn có ý thức cùng chung hoạn nạn, nhà ai bị ngập sâu, bà con sẽ chèo thuyền đưa đến nơi an toàn, cùng nấu ăn chung những bữa cơm đậm tình làng nghĩa xóm. Bà Phan Thị Măng (78 tuổi) rơm rớm nước mắt: “Bão đổ về, căn nhà xiêu vẹo của tôi cứ tưởng bão sẽ cuốn phăng đi theo dòng nước, những ngày này nếu không nhờ bà con làng xóm chắc tui đã không qua khỏi”. Còn anh Nguyễn Đình Sơn thì tâm sự: “Nhà tôi trong đợt bão vừa qua bị tốc mái, lúa gạo ướt sạch. Bà con đã không quản ngại khó khăn giúp gia đình tôi thoát lũ an toàn”.

Đi dọc miền Trung, qua những hoang tàn sau cơn bão số 9, đến đâu cũng thấy được sự ấm áp của tình người. Bà Huỳnh Thị Khâm (Cẩm Nam, Hội An) kể: “Gia đình tôi sống được là nhờ vào sự tiếp tế của bà con. Lương thực thì có, nhưng nước lũ lên nhanh khiến bếp gas, củi lửa gì cũng trở tay không kịp. May nhờ bà con sống ở bên kia phố, không bị lũ đã nấu nướng giúp và không ngại nước lớn chèo thuyền mang đến tiếp tế”.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan từ TP.HCM về thăm quê Ninh Bình, đến địa phận Quảng Nam thì bị mắc kẹt nước lũ tại quốc lộ 1A, đoạn thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Chị tâm sự: “May mà nhờ những hộ dân ven đường tiếp tế lương thực, nước uống... chờ nước rút,  đường thông để đi tiếp. Trong lúc hoạn nạn này mới thấy tình người thật đáng quý”. Còn anh Nguyễn Trần Lý (Nam Phước, Quảng Nam) thì mở rộng căn nhà 2 tầng của mình để đón những hộ nhà cửa tạm bợ vào tránh bão, rồi giúp họ cơm nước. Anh lý giải: “Mỗi khi miền Trung bị lũ lụt, hàng ngàn tấm lòng của người dân cả nước giúp đỡ, hỗ trợ. Vậy, hà cớ gì trong lúc hoạn nạn, người dân miền Trung lại không sẻ chia với nhau. Đó là đạo lý bình thường mà ai trong trường hợp này cũng phải làm thôi”.

Sau bão người ta không nói nhiều về nỗi đau như say sưa kể lại những câu chuyện về lòng nhân ái. Phải chăng, đó mới là tính cách của người Việt, và đó cũng là phẩm chất để dân tộc ta có thể vượt qua mọi khó khăn trên con đường phát triển?.

"Người bạn đặc biệt" của người dân vùng lũ

Không chỉ thiếu thốn đủ bề, những ngày bão lũ ở miền Trung -  Tây Nguyên vừa qua, người dân vùng bị cô lập còn cần một thứ vô cùng quan trọng. Đó là thông tin. Trong bối cảnh ấy, Đài TNVN đã trở thành sợi dây liên lạc cực kỳ hữu hiệu giữa nhân dân với Đảng, Chính phủ cùng cơ quan chức năng các cấp, giúp cơ quan chức năng có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sâu sát, hạn chế thấp nhất thiệt hại mà những cơn bão gây ra. Đài TNVN thực sự trở thành người bạn thân thiết, là nơi thắp lên niềm tin cho những người hoạn nạn. Trong bão lũ, làn sóng phát thanh càng phát huy hiệu quả và lợi thế của mình.

Những thông tin về các cơn bão được phát sóng trên Đài TNVN không mang tính chất phán ánh đơn thuần mà mang tính chỉ dẫn và định hướng cao. Đài TNVN còn thường xuyên cung cấp số điện thoại nóng của Phòng sản xuất chương trình Thời sự (Hệ VOV1) và Trung tâm tin, kể cả số điện thoại di động của lãnh đạo hệ trực thời sự để tiếp nhận thông tin tương tác của thính giả gửi về Đài. Trong lúc mưa bão, điện mất, làn sóng của Đài TNVN là phương tiện duy nhất mà những người bị cô lập trong bão tiếp nhận được. Và khi nghe được số điện thoại nóng của Đài, họ đã lập tức gọi điện đến Đài cầu cứu. Chính nhờ những thông tin được phát sóng trên Đài TNVN mà rất nhiều người dân đã thoát khỏi lưỡi hái “tử thần” của cơn bão số 9 và số 11 vừa qua.

Trong những ngày bão lũ, ông Vũ Văn Hiền, Tổng Giám đốc Đài TNVN, theo dõi rất sát những thông tin về tình hình bão lũ và chỉ đạo cho Đài TNVN có lời cảm ơn những địa phương, đơn vị có sự phối hợp tích cực với Đài trong việc tìm kiếm, cứu nạn và mong các địa phương tiếp tục cộng tác. Còn Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Nguyệt thì không bỏ sót bất kỳ chương trình tin tức thời sự nào để kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh chương trình cho phù hợp với diễn biến tình hình bão lũ./.           P.V