Blds có định nghĩa súc vật là gì không năm 2024

Trên thực tiễn xuất hiện rất nhiều trường hợp vật nuôi gây tai nạn, thiệt hại về tài sản, sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng của người khác. Do vậy, với mục đích giảm thiểu nguy cơ này, nâng cao ý thức quản lý động vật nuôi của và bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể và người bị thiệt hại, Bộ luật dân sự Việt Nam (“BLDS”) đã có những quy định điều chỉnh vấn đề này. Bà viết dưới đây sẽ phân tích quy định của pháp luật dân sự hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật

Thứ nhất, trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp quản lí, sử dụng súc vật khi súc vật gây thiệt hại: Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kể có lỗi trong việc quản lý súc vật hay không và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế xảy ra đối với người bị thiệt hại, trừ trường hợp chủ sở hữu và người bị hại có thỏa thuận khác về mức bồi thường.

Thứ hai, nếu không quản lý súc vật khi súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu vẫn phải bồi thường trong các trường hợp sau:

Một là, khi chủ sở hữu chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng cho người khác, khoản 1 Điều 603 BLDS quy định “người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng súc vật. Nhưng nếu có thỏa thuận thì trách nhiệm bồi thường có thể thuộc về hai bên hoặc chỉ thuộc về chủ sở hữu.

Hai là, theo khoản 2 Điều 603 BLDS, người thứ ba và cả chủ sở hữu đều có lỗi làm súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu và người thứ ba phải liên đới trong việc bồi thường cho người bị thiệt hại. Ví dụ: Anh A là chủ sở hữu của một con chó. Anh A thả rông chó ngoài đường không có người dắt, không có rọ miệng theo quy định của pháp luật. Anh B thấy vậy cầm gậy đuổi đánh làm con chó sợ, chạy và cắn chị C. Trong trường hợp này, cả chủ sở hữu là anh A và anh B phải liên đới bồi thường thiệt hại cho chị C.

Ba là, theo khoản 3 Điều 630, khi súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải liên đới bồi thường nếu chủ sở hữu cũng có lỗi trong việc quản lý súc vật. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này phát sinh từ sự vi phạm nghĩa vụ quản lí tài sản của chủ sở hữu, vì chủ sở hữu quản lý súc vật không tốt nên nó mới bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và gây ra thiệt hại.

Thứ ba, trường hợp chủ sở hữu thả rông súc vật theo tập quán (Khoản 4 Điều 603), khi súc vật gây ra thiệt hại thì “chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Quy định này hướng tới việc giải quyết hai vấn đề: chủ thể bồi thường thiệt hại chỉ có thể là chủ sở hữu và vấn đề bồi thường được áp dụng theo tập quán ở địa phương.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật

Người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật được hiểu là những người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch dân sự (người thuê, người mượn, người trông giữ súc vật…), mục đích của họ có thể là để phục vụ cho các nhu cầu của mình (lấy sức kéo, lấy trứng, sữa…), hưởng một khoản tiền công từ việc quản lý súc vật thay cho chủ sở hữu v.v…

Theo khoản 1 Điều 603, “người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật xuất phát từ những lợi ích mà họ được hưởng hoặc những quyền mà họ được thực hiện trong thời gian quản lý, sử dụng súc vật. Ví dụ: Anh A cho anh B mượn trâu để cày bừa. Trong quá trình sử dụng, trâu ăn lúa của anh C. Như vậy, anh B phải bồi thường thiệt hại cho anh C vì B đang là người quản lý súc vật.

Ngoài ra theo quy định của khoản 3 Điều 603, khi súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà người được giao chiếm hữu, sử dụng có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ xuất phát từ lỗi trong việc quản lí không tốt súc vật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật được hiểu là những người chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác mà không dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, cụ thể là sự chiếm hữu của họ không thuộc một trong các căn cứ được quy định tại Điều 165 BLDS và cũng không thuộc một trong các chủ thể có quyền sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 BLDS 2015.

Về phương thức bồi thường, khoản 3 Điều 603 quy định rằng về nguyên tắc thì nếu súc vật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường toàn bộ. Tuy nhiên, người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật này cũng có thể liên đới bồi thường thiệt hại với chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật nếu họ cũng có lỗi trong việc quản lý không tốt dẫn đến việc súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Ví dụ: A khi chăn thả ngoài cánh đồng không có biện pháp cột giữ trâu lại, B đi qua nhìn thấy trâu của A đẹp quá liền dắt luôn về nhà mình. Trên đường đi B có dừng trước một tiệm tạp hóa để mua đồ và để trâu bên ngoài không cột giữ lại khiến trâu đi tự do và dẫm nát ruộng vườn của người khác. Trường hợp này cả B và A đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba

Người thứ ba được nhắc đến là người đang thực hiện hành vi tác động, kích động đến súc vật khiến súc vật gây thiệt hại. Súc vật trong trường hợp này không tự nhiên gây ra thiệt hại mà chỉ đơn giản là đang thực hiện một hành động tự vệ hoặc chạy trốn khỏi sự tác động của người thứ ba. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh dựa trên cơ sở là hành vi trái pháp luật của người thứ ba tác động đến súc vật.

Phương thức bồi thường ở trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 603, theo đó, nếu người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường toàn bộ.

Còn nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại, trong đó lỗi của người thứ ba là hành vi trái pháp luật tác động đến súc vật làm súc vật gây thiệt hại, lỗi của chủ sở hữu là quản lý không tốt súc vật tạo cơ hội cho người thứ ba tác động đến súc vật của mình. Ví dụ: Trong khu công trường người ta có đặt biển cấm chăn thả gia súc nhưng A vẫn chăn thả bò, B là nhân viên bảo vệ của công trường đã dùng đá ném xua đuổi bò của A làm bò sợ chạy và húc phải người qua đường. Trường hợp này cả chủ sở hữu là A và người thứ ba có hành vi tác động lên súc vật là B phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không chỉ quy định trong Điều 603 BLDS 2015 mà được quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 với hai căn cứ (nếu không có thỏa thuận và luật không có quy định gì khác):

Một là, sự kiện bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015).

Hai là, bên bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi. Ví dụ: A trêu chọc trâu của B đang được trói tại sân nhà và bị trâu húc gây thiệt hại về sức khỏe thì A phải tự chịu trách nhiệm, B sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này bởi lỗi hoàn toàn thuộc về A. Ngoài ra, nếu bên bị thiệt hại có một phần lỗi thì “không được bồi thường phần thiệt hại do mình gây ra” (khoản 4 Điều 584 BLDS 2015).

Ba là, người thứ ba có hành vi trái pháp luật tác động làm súc vật gây thiệt hại hoàn toàn có lỗi. Chủ sở hữu trong trường hợp này không phải bồi thường thiệt hại. Người thứ ba là người trêu chọc súc vật để súc vật gây thiệt hại cho người khác, thì người thứ ba phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do súc vật gây ra.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.