Mua que thử nước tiểu ở đâu

Mục lục [ Ẩn ]

Xét nghiệm nước tiểu được coi là một trong những xét nghiệm cung cấp rất nhiều thông tin về sức khỏe đơn giản và rẻ tiền nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa cùng những lưu ý quan trọng khi tiến hành xét nghiệm này. Chính vì thế, thông qua bài viết này, Bidimin sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn trọn vẹn về các xét nghiệm nước tiểu. Cùng tìm hiểu vớiBidimin nhé!

Mua que thử nước tiểu ở đâu
Xét nghiệm nước tiểu

1. Xét nghiệm nước tiểu là gì?

Xét nghiệm nước tiểu được hiểu đơn giản là phân tích nước tiểu về tính chất vật lý (màu sắc, mùi, độ trong đục, lượng nước tiểu..) và tính chất hóa học (thành phần của nước tiểu).

Nước tiểu là sản phẩm trong quá trình loại bỏ chất thải, chất lỏng và các chất khác từ máu của thận. Do đó, nước tiểu sẽ chứa nhiều manh mối khác nhau về chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Thông qua các xét nghiệm nước tiểu (phân tích mẫu nước tiểu), bác sĩ sẽ thấy được các chỉ số bất thường về sự xuất hiện, nồng độ của chất nào đó trong nước tiểu. Mỗi chỉ số xét nghiệm lại đặc trưng cho tình trạng nào đó nên căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

Nói chung, phân tích nước tiểu là một xét nghiệm đơn giản và có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các bệnh và tình trạng sức khỏe khác nhau. Một số bác sĩ gọi phân tích nước tiểu là sinh thiết thận cho người nghèo vì với chi phí rẻ mà có thể thu được rất nhiều thông tin về sức khỏe của thận hoặc các bệnh nội khoa khác bằng xét nghiệm đơn giản này.

2. Khi nào cần thực hiện các xét nghiệm nước tiểu?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm nước tiểu vì một trong các lý do dưới đây:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể: Xét nghiệm nước tiểu là loại xét nghiệm thường quy khi bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra trong thai kỳ hay trước phẫu thuật hoặc nhập viện, giúp sàng lọc một số bệnh rối loạn như bệnh gan, thận, đái tháo đường
  • Chẩn đoán bệnh: Khi bạn đến khám bệnh vì một triệu chứng bất thường nào đó (đau bụng, tiểu đau, sốt, tiểu máu, tiểu đêm, tiểu buốt,), các xét nghiệm nước tiểu sẽ được tiến hành, là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán chính xác căn bệnh của bạn.
  • Theo dõi tiến triển bệnh và đáp ứng với điều trị bệnh.
  • Thử thai: Nếu kinh nguyệt của bạn bị trễ, rất có thể bạn đã mang thai. Để kiểm tra nhanh chóng, bạn có thể mua các que thử thai tại các hiệu thuốc để kiểm tra. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn chính xác.
  • Sàng lọc thuốc: Thuốc cũng có thể được phát hiện trong nước tiểu sau khi sử dụng một thời gian. Tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm, cần sa có thể được phát hiện sau vài tuần sau khi sử dụng. Còn các loại thuốc khác như cocaine, thuốc lắc hoặc heroin có thể xuất hiện trong kết quả xét nghiệm trong tối đa 5 ngày.

3. Các phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Có 3 cách để phân tích nước tiểu. Tùy thuộc vào mục đích và tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một, hai hoặc tất cả chúng.

1. Kiểm tra trực quan

Nước tiểu sẽ được kiểm tra màu sắc, mùi, thể chất, trạng thái,..nói chung là kiểm tra các tính chất vật lý bằng mắt thường. Nếu nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu sẫm, có thể là do nó có chứa lẫn máu. Nước tiểu có bọt có thể là dấu hiệu của bệnh thận, trong khi đó nước tiểu đục phổ biến bởi nguyên nhân nhiễm trùng.

2. Kiểm tra qua kính hiển vi

Kính hiển vi sẽ giúp nhân viên y tế thấy được những thành phần quá nhỏ trong nước tiểu không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chẳng hạn như:

  • Hồng cầu Cảnh báo dấu hiệu rối loạn đông máu, bệnh thận, hoặc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như viêm đường tiết niệu, ung thư bàng quang,
  • Bạch cầu Bạch cầu tăng cao là dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Tinh thể - Tinh thể các khoáng chất là dấu hiệu của bệnh sỏi thận.
  • Tế bào biểu mô Tế bào lót niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Có thể chỉ ra khối u.
  • Vi khuẩn, nấm men Cho thấy nguy cơ nhiễm trùng.

Để đánh giá và điều trị nhiễm trùng, nước tiểu của bạn có thể sẽ được đem đi NUÔI CẤY trước khi quan sát.

Bạn có thể hiểu đơn giản về nuôi cấy nước tiểu là một xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm để xem liệu nước tiểu có chứa vi trùng hay không. Mẫu nước tiểu sẽ được đưa vào thùng chứa loại môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng trong 1 -2 ngày. Chúng sẽ phát triển và tạo nên một cộng đồng vi trùng (y học gọi là khuẩn lạc) và bác sĩ có thể quan sát được nó.

Thông qua đặc điểm kích thước, hình thức và màu sắc của khuẩn lạc, bác sĩ sẽ xác định được loại vi khuẩn, nấm trong nước tiểu của bạn. Và điều này giúp bác sĩ kê đơn loại thuốc kháng sinh thích hợp nhất với tác nhân gây bệnh của bạn.

3. Xét nghiệm bằng que thử

Đây là cách nhanh nhất để kiểm tra các thành phần hóa học trong nước tiểu. Mỗi que thử là các dải nhựa mỏng, chứa hóa chất trên đó. Sau khi nhúng que thử vào nước tiểu, đợi một chút, nếu nước tiểu của bạn có chứa các chất bất thường (bình thường nước tiểu người khỏe mạnh không chứa các chất này), hoặc nồng độ cao hơn bình thường của các chất vốn luôn xuất hiện trong nước tiểu, que thử sẽ đổi màu.

Tùy thuộc vào nồng độ của chất cụ thể mà bạn đang kiểm tra, màu xuất hiện sẽ khác nhau. So sánh với bảng màu sẵn có để đánh giá sơ bộ giá sự bình thường và bất thường của chất đó.

Vậy cụ thể thì những chất nào có thể được phát hiện qua xét nghiệm bằng que thử?

pH nước tiểu (độ axit của nước tiểu): pH nước tiểu bình thường tùy thuộc vào chế độ ăn uống, nằm trong khoảng từ 5-7, trong đó giá trị dưới 5 là quá axit và trên 7 là kiềm (không đủ axit). Nếu độ pH dưới 5, cảnh báo nguy cơ phát triển sỏi thận. Còn nếu giá trị pH trên 7 có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu do vi khuẩn.

Protein (Bình thường, thường nước tiểu không chứa protein): Tăng nhẹ protein trong nước tiểu thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, nhưng với lượng lớn hơn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về thận. Vì nếu thận khỏe mạnh nó sẽ loại bỏ các chất dư thừa và giữ lại các chất mà cơ thể cần như protein nên khi bị bệnh thận, các đơn vị lọc thận bị tổn thương, chức năng suy giảm, protein sẽ rò rỉ vào nước tiểu của bạn.

Glucose: Thông thường, đường (glucose) nước tiểu quá thấp để có thể phát hiện được. Do đó, khi nồng độ đường trong nước tiểu tăng cao, khả năng cao là bạn đã bị bệnh tiểu đường.

Ketone: Cũng như glucose, bất kỳ lượng ketone nào được phát hiện trong nước tiểu của bạn, nguy cơ là bạn đã bị bệnh tiểu đường và cần phải xem xét theo dõi.

Bilirubin (Bilirubin là sản phẩm của sự phân hủy hồng cầu và không thường thấy trong nước tiểu): Thông thường bilirubin được gan chuyển hóa, một phần trở thành thành phần của mật, một phần được loại bỏ qua phân. Vì thế, xét nghiệm thấy bilirubin trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh gan.

Hồng cầu (Trong nước tiểu khỏe mạnh thường không tìm thấy tế bào hồng cầu): Khi phát hiện hồng cầu có mặt trong nước tiểu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán các bệnh tổn thương thận, nhiễm trùng, sỏi thận, sỏi bàng quang, ung thư thận, ung thư bàng quang,Tuy nhiên, đôi khi không phải là vấn đề y tế nghiệm trọng, ví dụ như khi là do bạn tập thể dục với cường độ cao và mạnh.

Bạch cầu: Cũng như hồng cầu, bạch cầu thường không được tìm thấy trong nước tiểu. Khi bạch cầy được phát hiện trong nước tiểu của bạn, đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Với các que thử này, bạn có thể theo dõi nước tiểu của mình tại nhà. Và nó cũng được các bác sĩ sử dụng tại bệnh viện để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân. Dẫu vậy, bạn cần lưu ý rằng:

  • Tuyệt đối không sử dụng que thử với mục đích tự chẩn đoán bệnh.
  • Kết quả xét nghiệm nước tiểu bằng que thử KHÔNG chính xác lắm vì nó rất nhạy cảm với thời gian.
  • Que thử nước tiểu cũng cung cấp thông tin rất hạn chế vềnước tiểu vì nó là xét nghiệm định tính chứ không phải là xét nghiệm định lượng (tức nó không cho con số chính xác về lượng chất bất thường trong nước tiểu).

Do đó, khi kết quả que thử nước tiểu bất thường, bạn cần sớm gặp bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm chính xác hơn.

4. Xét nghiệm nước tiểu bao nhiêu tiền?

Hiện nay, hầu như tất cả các cơ sở y tế đều trang bị đầy đủ thiết bị xét nghiệm nước tiểu cho người bệnh vì đây cũng là một trong những kỹ thuật chẩn đoán bệnh đơn giản và thường quy nhất. Chi phí xét nghiệm cũng khá rẻ, thường chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn cho một lần xét nghiệm.

5. Chuẩn bị trước buổi xét nghiệm nước tiểu

Thông thường, bạn có thể duy trì chế độ ăn uống bình thường trước khi lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm.

Tuy nhiên, đa phần trong các buổi khám bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm các loại xét nghiệm khác để có thể kết hợp chẩn đoán chính xác bệnh. Do đó, bạn nên nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi khám bệnh để không làm ảnh hưởng đến tất cả các kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, trước khi xét nghiệm, cần đảm bảo là bạn uống nhiều nước để có thể cung cấp đủ mẫu nước tiểu cho nhân viên y tế. Một hoặc hai ly chất lỏng, có thể là nước lọc, nước trái cây, hoặc sữa. Đừng uống quá nhiều nước! Điều này có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác do pha loãng các chất trong nước tiểu.

Bạn cũng cần chuẩn bị danh sách hoặc ghi nhớ tất cả các loại thuốc mà bạn đang hoặc vừa mới ngừng sử dụng để nói cho bác sĩ của bạn. Bởi một số thuốc sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nước tiểu, ví dụ như:

  • Vitamin C.
  • Riboflavin.
  • Metronidazol.
  • Methocarbamol.
  • Nitrofurantoin.
  • Thuốc nhuận tràng thuộc nhóm Anthraquinone.

Nói cho bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm nếu bạn đang có kinh nguyệt. Nó có thể gây nhẫm lẫn với máu trong nước tiểu do bệnh lý.

6. Quy trình lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm

Tùy thuộc vào tình trạng và điều kiện sức khỏe, bạn sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu tại nhà rồi chuyển nó đến cơ sở y tế hoặc phải lấy nó ngay tại cơ sở y tế.

Lượng nước tiểu được lấy trong các khoảng thời gian khác nhau như buổi sáng, nước tiểu 12 giờ, hoặc 3 giờ, hoặc 24 giờ tùy mục đích xét nghiệm.

6.1. Lấy nước tiểu giữa dòng

>>> Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn một lọ đựng mẫu nước tiểu và thường họ sẽ dặn bạn lấy nước tiểu vào buổi SÁNG SỚM vì đây là lúc mà nước tiểu của bạn cô đặc hơn nên sẽ dễ thấy được chỉ số bất thường hơn.

Đặc biệt, bạn cần lưu ý rằng, nước tiểu rất dễ dàng bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, tế bào và các chất khác. Vì vậy bạn nên làm sạch vùng sinh dục bằng nước chứ không phải xà phòng trước khi tiểu lấy mẫu. Để có được kết quả chính xác và tránh ô nhiễm vi khuẩn, tốt nhất là lấy nước tiểu giữa dòng.

Để thu được nước tiểu giữa dòng và tránh nhiễm bẩn:

Bước 1: Bạn cần làm sạch lỗ tiểu. Có một vài điểm khác nhau về thao tác làm sạch ở nam và nữ như sau:

  • Đối với nữ giới: Bạn cần làm sạch khu vực xung quanh niệu đạo bằng khăn lau đặc biệt, bằng cách làm sạch bộ phận sinh dục bên ngoài (môi âm hộ) theo chiều từ trước ra sau (về phía hậu môn).
  • Đối với nam giới: Đơn giản hơn nữ giới, bạn chỉ cần dùng khăn lau đầu dương vật.

Bước 2: Tiểu lượng nước tiểu đầu (trong vòng vài giây) vào nhà vệ sinh.

Bước 3: Hứng phần nước tiểu giữa vào cốc đựng được phát. Được khoảng 30 60 mL (khoảng 3 đến 5 muỗng canh) thì dừng lại. Tránh chạm tay vào trong cốc để không truyền vi trùng từ tay nhiễm sang nước tiểu.

Bước 4: Tiểu nốt phần nước tiểu còn lại vào nhà vệ sinh.

Bước 5: Đóng chặt nắp và đưa mẫu cho bác sĩ. Bạn cần đưa mẫu nước tiểu cho bác sĩ trong vòng 60 phút sau khi lấy mẫu. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, bạn phải đặt mẫu nước tiểu trong tủ lạnh hoặc thêm chất bảo quản.

6.2. Lấy nước tiểu 24 giờ

Ít phổ biến hơn, có những bệnh nhân sẽ phải xét nghiệm mẫu nước tiểu thu được trong 24h. Xét nghiệm mẫu nước tiểu 24 giờ giúp tìm ra Lượng Chất nhất định ((như protein, hormone, muối và các sản phẩm trao đổi chất) được bài tiết ra khỏi cơ thể.

Ví dụ như có bao nhiêu protein và creatinine trong nước tiểu. Nếu quá ít sản phẩm chuyển hóa creatinine được thận lọc ra khỏi máu, thận có thể không hoạt động tốt.Nồng độ protein cao trong nước tiểu, được gọi là protein niệu, có thể được gây ra bởi các tình trạng như suy tim, tiểu đường, viêm xương chậu thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận hoặc ung thư thận.

Một số rối loạn của hệ thống nội tiết (nội tiết tố) làm tăng lượng hormone và các sản phẩm trao đổi chất của chúng trong nước tiểu.Để phát hiện những rối loạn đó, nước tiểu thường được thu thập trong khoảng thời gian 24 giờ trong vài ngày và sau đó được kiểm tra.

Bác sĩ sẽ đưa cho bạn hộp đựng nước tiểu. Và thường thì trong các thùng chứa này đều đã sẵn có chất bảo quản (ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong khi nước tiểu vẫn đang được thu thập). Tốt hơn, nước tiểu nên được giữ trong tủ lạnh trong suốt 24 giờ.

Vậy bạn cần làm gì để thu thập mẫu nước tiểu 24 giờ?

Bước 1: Khi bạn thức dậy, bạn sẽ đi tiểu nhưng mẫu nước tiểu đầu tiên này không được sử dụng. Khi này, bạn chỉ ghi lại thời điểm này và bắt đầu tính 24 giờ từ đây. Ví dụ là 6h sáng.

Bước 2: Toàn bộ nước tiểu trong 24 giờ tiếp theo đều được thu thập vào bình chứa. Mỗi lần hứng xong phải đậy kín nắp. Sau khi hết 24 giờ, tức 6h sáng hôm sau, bạn đi tiểu lần cuối và cũng cho nước tiểu vào mẫu đã thu thập.

Bước 3: Mang toàn bộ bình chứa nước tiểu đến phòng xét nghiệm.

Tương tự với nước tiểu 3 giờ, 12 giờ.

>>> LƯU Ý: Ở những người không thể kiểm soát việc tiểu tiện tự nhiên hoặc không thể làm theo hướng dẫn (như trẻ sơ sinh), bác sĩ sẽ chèn ống thông qua lỗ mở đường tiết niệu, vào bàng quang để lấy nước tiểu trực tiếp từ bàng quang.

Xét nghiệm nước tiểu không thể trả lời tất cả các câu hỏi về sức khỏe của bạn được. Nó chỉ cung cấp một số manh mối nhất định. Do đó, để có thể chẩn đoán chính xác bệnh, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung như chụp X quang, nội soi, sinh thiết, xét nghiệm máu,

Tuy nhiên, vì nước tiểu là một trong những cách đơn giản để bạn có thể theo dõi sức khỏe của mình nên tôi khuyên bạn đừng vội xả nước khi đi vệ sinh, hãy dành một vài giây để quan sát nước tiểu của bạn trước đã. Ít nhất bạn có thể biết được nước tiểu của mình có màu sắc, độ đục, hay mùi gì bất thường hay không. Các nhân viên y tế cũng làm những điều này khi xét nghiệm nước tiểu của bạn, hay còn được gọi là kiểm tra trực quan nước tiểu.

Ds. Thu Hương

Xếp hạng: 2 (8 bình chọn)