Chỉ số DDCI đó lượng là gì

DDCI được đo lường thông qua các chỉ số thành phần và chỉ tiêu. Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu của DDCI được xây dựng trên nguyên tắc nền tảng và thông lệ tốt về quản lý và điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu bao quát toàn diện các mặt quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Được xây dựng trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa phương của Việt Nam, các chỉ số thành phần và chỉ tiêu của DDCI có thể dễ dàng giúp các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị, sở, ngành và các địa phương nhận nhanh chóng nhận biết được những lĩnh vực quản lý, điều hành kinh tế mà mình đã làm tốt và chưa tốt, những điểm tích cực và hạn chế, đồng thời cũng có thể nhanh chóng xác định được cụ thể và chính xác cơ quan nào ở cả cấp huyện và cấp sở, ngành chịu trách nhiệm về những yếu kém hay là nhân tố tích cực của lĩnh vực điều hành đó. Điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đầu mỗi chịu trách nhiệm trong quá trình xây dựng hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của địa phương và tỉnh.

Vai trò nhiệm vụ, chức năng quản lý của các sở, ngành có sự khác biệt rất lớn so với các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, đối tượng phục vụ cũng như đối tượng có quan hệ tương tác thường xuyên giữa các sở, ngành và chính quyền huyện, thị cũng rất khác nhau. Trong khi các đối tượng phục vụ chính của các sở, ngành là doanh nghiệp thì các huyện thị, đối tượng phục vụ chính lại là các cơ sở kinh tế và hộ kinh doanh (và một phần là với các doanh nghiệp). Vì lý do này để đảm bảo đánh giá chính xác, công bằng, DDCI sẽ gồm hai bộ chỉ số: bộ chỉ số DDCI đối với các sở ngành và bộ chỉ số DDCI cho các cơ quan chính quyền cấp huyện.

Chỉ số DDCI đó lượng là gì

Các chỉ số thành phần và các chỉ tiêu có tính đại diện và là mẫu số chung để so sánh về năng lực quản lý, điều hành kinh tế giữa các huyện, thị và các sở ngành. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo tính hợp lý và khả năng so sánh, xếp hạng công bằng giữa các sở, ngành và địa phương.

Chỉ số thành phần thể hiện những khía cạnh cơ bản của công tác quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ngành và địa phương. Đây là những mẫu số chung lớn nhất khi so sánh các sở, ngành và các huyện, thị với nhau.

Mỗi chỉ số thành phần được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu khác nhau. Các chỉ tiêu này phản ánh chi tiết những nội dung của chỉ số thành phần, và cung cấp các thông tin đầy đủ, toàn diện, chi tiết về các mặt của công tác quản lý, điều hành kinh tế bởi các sở, ngành và cơ quan chính quyền huyện, thị. Tương tự như chỉ số thành phần, các chỉ tiêu phải đảm bảo được tính đại diện, và phải là mẫu số chung, thước đo chung và có ý nghĩa áp dụng đối với tất cả các đơn vị được đánh giá.

Các chỉ số và chỉ tiêu cũng cho phép xác định rõ được địa chỉ của đơn vị, cơ quan cấp sở, ngành và huyện thị chịu trách nhiệm về những điểm mạnh và điểm yếu của từng điểm cụ thể trong công tác điều hành. Các chỉ số, chỉ tiêu và cơ sở dữ liệu của DDCI phiên bản hoàn toàn mới cho phép xác định rõ ràng, chính xác đầu mối chịu trách nhiệm đối với các hành động nhằm phát huy thế mạnh và khắc phục những tồn tại đối với từng lĩnh vực cụ thể trong công tác quản lý, điều hành kinh tế ở cả cấp huyện, thị và sở, ngành. Từ đó, có thể dễ dàng xác định trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình của từng đơn vị quản lý trong từng nội dung cụ thể của hoạt động quản lý, điều hành kinh tế.

Chỉ số thành phần của DDCI cấp huyện

Chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp huyện gồm 10 chỉ số cốt lõi như sau: (1) Chi phí gia nhập thị trường. (2) Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh. (3) Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra. (4) Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện. (5) Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình. (6) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng. (7) Hiệu quả cải cách TTHC, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa. (8) Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh. (9) Chi phí không chính thức. (10) Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.

Bên cạnh đó, DDCI cấp huyện còn có thể được xây dựng bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: Ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử trong quản lý, điều hành; Chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; Hiệu quả của thủ tục thuế và Chú trọng tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành.

Chỉ số thành phần của DDCI cấp sở, ngành

Chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp sở, ngành bao gồm 5 chỉ số cốt lõi như sau:(1) Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch. (2) Chất lượng dịch vụ công. (3) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng. (4) Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo sở, ngành. (5) Chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, DDCI sở, ngành còn có thể được xây dựng bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như:Ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử trong quản lý, điều hành; Chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; Chú trọng tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành.

Chỉ tiêu trong chỉ số thành phần và chỉ số thành phần mở rộng

Mỗi chỉ số thành phần lại được chia nhỏ thành các chỉ tiêu để đánh giá sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực và các mặt của công tác quản trị công, quản lý điều hành kinh tế đối với từng huyện và sở ngành. Bộ chỉ số chuẩn và đầy đủ hiện tại của DDCI gồm có 85 chỉ tiêu đối với DDCI cấp huyện, thành phố và 30 chỉ tiêu đối với các DDCI các sở, ngành.

Từ bộ chỉ số và chỉ tiêu này, các tỉnh, thành phố có thể tham khảo lựa chọn ứng dụng toàn bộ các chỉ số và chỉ tiêu, hoặc lựa chọn chỉ ứng dụng một số chỉ số hoặc chỉ tiêu phù hợp. Các tỉnh cũng có thể tùy biến lựa chọn thay đổi nội dung, bổ sung, hoặc giảm bớt các chỉ số, chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, và với ưu tiên trong hoạt động cải cách nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành kinh tế tại tỉnh, thành phố mình.

Các chỉ số thành phần mở rộng được xây dựng trên cơ sở thông tin thu thập từ quá trình điều tra đối với bảng câu hỏi. Do các chỉ tiêu của chỉ số thành phần đã được lồng ghép trong các chỉ số cốt lõi, các chỉ số thành phần mở rộng có thể được dễ dàng xây dựng bằng cách chọn lọc từ các chỉ tiêu hiện có của chỉ số thành phần cốt lõi. Xây dựng các chỉ số mở rộng cói ý nghĩa nhằm đánh giá sâu và nổi bật hơn đối với một số phương diện về quản lý, điều hành kinh tế riêng cho từng tỉnh, và cũng tùy thuộc vào các mối quan tâm của tỉnh. Các chỉ số mở rộng có thể bao gồm các chỉ số được gợi ý như trên, hoặc được xây dựng mới trên cơ sở thảo luận và thống nhất riêng với từng tỉnh, thành phố.