Chuyên y tế học đường về trạm y tế

.

Cập nhật lúc: 05:54, 18/02/2022 (GMT+7)

Một trong những nội dung trong hệ thống giáo dục quốc dân, Chính phủ đặc biệt quan tâm là y tế trường học. Ngày 17/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình). 

Chuyên y tế học đường về trạm y tế
Cán bộ y tế trường học kiểm tra sức khỏe học sinh tiểu học.

MỤC TIÊU ĐẶT RA ĐỐI VỚI Y TẾ TRƯỜNG HỌC 

Chương trình nhằm mục tiêu củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học (YTTH) trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh. Mục tiêu đến năm 2025 cụ thể là: 100% chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống YTTH trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động YTTH phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác YTTH hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương. 100% trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác YTTH. 100% chính quyền các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục về công tác YTTH gắn với y tế cơ sở. 100% cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác YTTH. 95% cán bộ phụ trách công tác YTTH ở các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Phòng GDĐT và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức quản lý về YTTH. 95% nhân viên YTTH trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác YTTH dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác YTTH như phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh. 100% cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động YTTH từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành. 

Liên quan đến YTTH, ngày 10/2/2022, Bộ GDĐT tổ chức Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự lễ công bố này có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

LÂM ĐỒNG ĐANG TÍCH CỰC TRIỂN KHAI

Đối với tỉnh Lâm Đồng, năm học 2020 - 2021, ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Công tác YTTH còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 và Nghị định số 146/2018/NĐCP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh thường xuyên được quan tâm thực hiện, tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn xảy ra, nhất là vào dịp nghỉ hè”. 

Tháng 12/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành Kế hoạch số 8851 Triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 4 nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong trường học, gồm: Chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường và ứng dụng công nghệ thông tin. Để đạt được, cần 7 giải pháp triển khai như: Bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; tăng cường, nâng cao nguồn nhân lực; đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường truyền thông, giáo dục và vận động xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp liên ngành, tăng cường trách nhiệm triển khai; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế. 

Năm học 2021 - 2022, nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế học đường đã có Hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT. Trong đó, đối với y tế học đường, trước hết là công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác y tế trường học. Cụ thể: Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV). Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn, uống sữa học đường bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, bảo đảm các điều kiện vệ sinh trường học, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe trẻ em, HSSV. Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tham mưu UBND các cấp thực hiện đổi mới, củng cố, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống YTTH gắn kết với y tế cơ sở nhằm đảm bảo được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong trường học. Phối hợp với cơ quan BHXH các cấp tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện BHYT HSSV, bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong trường học. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Để khép lại bài viết này, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của sức khỏe học đường mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy…

MINH ĐẠO

THỨ BA, 22/03/2022 06:37:21

Chuyên y tế học đường về trạm y tế

Chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên y tế Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) không chỉ chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh mà còn có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Ngày 17.1.2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, trong đó có giải pháp tăng cường nguồn lực cho vị trí việc làm phụ trách y tế trong trường học. Điều này đã mang niềm vui tới nhiều nhân viên phụ trách y tế trường học, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc và đỡ thiệt thòi.

Các cơ sở giáo dục sẽ có nhân viên y tế

Chị Nguyễn Thị Vân làm nhân viên y tế tại Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã được gần chục năm. Chị đang lo lắng vì theo định biên của trường thì vị trí việc làm của chị bị thừa, chưa biết sắp xếp thế nào vì chị là viên chức vẫn đang làm việc. Vừa qua, khi đọc thông tin Chính phủ phê duyệt chương trình trên khiến chị rất phấn khởi bởi chương trình trên có nhiều giải pháp tăng cường nguồn lực cho vị trí việc làm phụ trách y tế trong trường học, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của y tế học đường mà bấy lâu nay ít được quan tâm. Chị Vân cho biết nếu chương trình này được thực hiện thì chị sẽ không lo bị chuyển công tác hoặc tinh giản biên chế. Nhiều nhân viên y tế đang hợp đồng sẽ có cơ hội tuyển dụng viên chức. Cơ sở vật chất cho y tế sẽ được nâng cao. Còn những nhân viên kiêm nhiệm sẽ được cử đi bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn ngành y. Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động y tế trường học phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương. Tất cả cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác y tế trường học) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương. Tất cả trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học.  95% số nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng công tác y tế trường học dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. 95% số cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học. Ngoài ra, 100% số cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm... Chương trình hướng tới mục tiêu chung là củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non và học sinh.

Vai trò quan trọng

Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Minh (Gia Lộc) cho biết nhân viên y tế trong trường không chỉ dừng lại ở việc sơ cứu ban đầu, mà còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học. Nhân viên y tế còn tích cực tham mưu cho lãnh đạo trường kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng. Từ đó, trường điều chỉnh thực đơn ăn bán trú hằng ngày phù hợp. Hầu hết các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú nên việc giám sát sức khỏe của học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, đòi hỏi người phụ trách y tế phải có chuyên môn.

Theo lãnh đạo một số trường, nhân viên y tế còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch và tham mưu lãnh đạo nhà trường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo đúng chuyên môn ngành y. Họ còn lập bảng mẫu, hướng dẫn tất cả giáo viên chủ nhiệm lập hồ sơ ghi chép theo dõi sức khỏe hằng ngày của học sinh; đồng thời có trách nhiệm rà soát, kiểm tra vật tư y tế, hệ thống bồn nước rửa tay, nhà vệ sinh, nhà ăn; đề xuất bổ sung, thay thế kịp thời...
 

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng nhân viên y tế trong trường học toàn tỉnh. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên có rất nhiều trường từ mầm non đến THPT không có nhân viên y tế chuyên trách. Nhiều trường chỉ có nhân viên y tế kiêm nhiệm hoặc ký hợp đồng với nhân viên trạm y tế cấp xã nên việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non và học sinh.
 

THẾ ANH